Nhiều nước nỗ lực “dẹp” chuyên gia tài chính tự xưng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vấn nạn chuyên gia tài chính tự xưng, không bằng cấp không chỉ gây bức xúc ở Việt Nam mà cũng đang là nguy cơ hiện hữu ở một số quốc gia, buộc các nước này phải mạnh tay trong việc xử lý giới finfluencer.
Một số "chuyên gia tài chính ảo" trên mạng.
Một số "chuyên gia tài chính ảo" trên mạng.

Australia phạt tù tối đa 5 năm

“Finfluencer” (tạm dịch: người có ảnh hưởng về tài chính trên mạng) là sự kết hợp giữa “financial” (tài chính) và “influencer” (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội). Bắt nguồn từ Mỹ và đang dần phổ biến trên khắp thế giới trong vài năm trở lại đây, finfluencer thường đưa ra lời khuyên về bất cứ điều gì liên quan đến tài chính, từ lập ngân sách, tiết kiệm, mua nhà cho đến đầu tư.

Các chuyên gia tài chính tự xưng này luôn nói rằng họ đang giúp người trẻ và những người mới đầu tư lần đầu trở nên hiểu biết hơn về tài chính. Mặc dù vậy, không phải ai cũng có đủ kiến thức để đưa ra lời khuyên hữu ích. Thậm chí, một số “chuyên gia” còn bị cáo buộc nói dối hay quảng cáo cho các sàn giao dịch tiền số lừa đảo để thu lợi bất chính, trong khi luật và quy định xung quanh vấn đề này vẫn còn khá mơ hồ ở nhiều quốc gia.

Sự nổi lên của các finfluencer dẫn đến sự gia tăng đột biến số lượng các nhà đầu tư thế hệ mới trên thị trường cổ phiếu. Công ty nghiên cứu Investment Trends ước tính, có khoảng 435.000 nhà đầu tư mới đã mua cổ phiếu lần đầu tiên trong năm 2020. 18% trong số đó ở độ tuổi dưới 25, 49% ở độ tuổi từ 25-39.

Trên Tik Tok, từ khóa (hashtag) “FinTok” được sử dụng bởi những finfluencer như Queenie Tan đã thu hút hơn 400 triệu lượt xem, trong khi hashtag “stocktock” có 1,4 tỷ lượt xem, hashtag “crypto” có 4,38 tỷ lượt xem và hashtag “cryptocurrency” có 1,68 tỷ lượt xem. Dù không có bằng cấp về tài chính và cũng không phải cố vấn tài chính được cấp phép hoạt động, Tan đã làm tốt công việc của chuyên gia tài chính tự xưng đến nỗi cô bỏ hẳn việc trong lĩnh vực marketing để tập trung vào việc tạo nội dung đầu tư trực tuyến.

Cô bắt đầu kênh YouTube vào năm 2020, trong đại dịch, vì thấy có rất nhiều người đang gặp khó khăn về tài chính. “Tôi không đến từ một gia đình giàu có. Tôi muốn chia sẻ thông tin và những gì mình trải nghiệm trong vài năm qua”, cô chia sẻ.

Cô gái này đã kiếm được khoảng 5.000 USD/tháng từ quảng cáo trên video YouTube mà cô quay ngay tại phòng khách của mình và từ quan hệ hợp tác với các ngân hàng, nền tảng đầu tư. Tan có 17.900 người đăng ký trên YouTube, 20.300 người theo dõi trên Instagram và 62.000 người theo dõi trên TikTok. Giống nhiều finfluencer khác thường khéo léo phủ nhận trách nhiệm từ đầu để nếu fan làm theo lời khuyên của họ mà không hiệu quả thì cũng không có cớ bắt đền, Tan luôn thêm tuyên bố từ chối trách nhiệm vào các bài đăng trên mạng xã hội của mình...

Tương tự, theo tin từ Insider, ở Australia, trong vài năm gần đây, chuyện đầu tư vào chứng khoán, tiền điện tử ngày càng phổ biến với thế hệ trẻ tuổi ở xứ sở Kangaroo. Theo khảo sát của Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Australia (ASIC) vào tháng 12/2021, 1/3 người dân nước này trong độ tuổi 18-21 có theo dõi ít nhất một finfluencer trên mạng. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 64% thanh niên ở Australia thừa nhận họ đã thay đổi cách thức đầu tư sau khi nghe theo lời khuyên của những người có ảnh hưởng tài chính.

Theo ASIC, nhiều người có ảnh hưởng tài chính đang thu hút công chúng bằng các thông tin sai lệch. Các finfluencer sử dụng mạng xã hội để đưa ra lời khuyên tư vấn, từ sản phẩm tài chính cho đến lập ngân sách, danh mục. Nhiều bên đưa ra lời hứa hẹn về lợi nhuận đáng kể từ các khoản đầu tư. Rất nhiều người trong số này không có bằng cấp hay chứng chỉ liên quan đến ngành tài chính.

Vì vậy, ASIC đưa ra quy định mới rằng những người có ảnh hưởng thiếu bằng cấp không được cung cấp lời khuyên về sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính hay các thông tin gây hiểu lầm, lừa đảo. Cá nhân vi phạm có thể phạt tù tối đa 5 năm và các công ty có thể phải nộp phạt hàng triệu USD.

“Hãy suy nghĩ kỹ về nội dung chia sẻ và tự hỏi liệu bạn có đang cung cấp các dịch vụ tài chính mà không có giấy phép hay không, chẳng hạn như tư vấn về sản phẩm tài chính. Nếu bạn kinh doanh chúng, bạn phải có giấy phép AFS (Dịch vụ Tài chính Australia)”, thông báo của ASIC nhấn mạnh.

Một finfluencer có tên Tyson Scholz chuẩn bị hầu tòa vào tháng 5 với cáo buộc điều hành một doanh nghiệp dịch vụ tài chính không có giấy phép. Tyson rao bán các khóa học đào tạo và hội thảo về giao dịch chứng khoán trên mạng. Tài khoản của Tyson có hơn 22.500 lượt theo dõi trước khi đóng cửa. ASIC đang nỗ lực để cấm Tyson quảng cáo hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh tài chính được chấp thuận.

Một finfluencer có tên Ellie Withers (29 tuổi) không có bằng cấp liên quan đến ngành tài chính, cho biết cô đã phải xóa một số bài đăng cũ của mình để tuân thủ quy tắc mới. “Tôi phải xóa các bài đăng đề cập đến danh mục của mình vì chúng cho thấy tôi đang đầu tư vào đâu. Theo quy định mới, điều này không được phép vì những gì những người như tôi bỏ tiền vào có thể khiến người theo dõi bắt chước theo”, cô cho biết.

Nhưng Withers (hiện có hơn 1.300 người theo dõi) phàn nàn, hướng dẫn mới của ASIC còn rất mông lung. “Có rất nhiều sự xáo trộn trong cộng đồng finfluencer hiện nay, với rất nhiều người tin rằng những quy tắc mới rối rắm, khó hiểu được đặt ra nhằm mục đích gây khó khăn cho người làm công việc này. Việc này không cấm được người dân tìm kiếm thông tin từ các chuyên gia tài chính tự xưng đến từ những nước khác”, cô chia sẻ.

Trung Quốc thanh lọc các "chuyên gia tài chính ảo" trên mạng

Còn tại Trung Quốc, theo tin từ Thời báo Hoàn Cầu, năm 2021, những nền tảng mạng xã hội hàng đầu Trung Quốc như WeChat, Douyin, Sina Weibo và Kuaishou đã tiến hành thanh lọc các tài khoản chuyên gia tài chính tự phong trên mạng để đáp ứng những yêu cầu của thông báo từ Cục quản lý Không gian mạng Trung Quốc.

Theo đó, cơ quan này xem xét các tài khoản mạng xã hội thường xuyên tung tin tức tài chính bất hợp pháp, diễn giải chính sách kinh tế một cách méo mó, lan truyền tin đồn và tung thông tin thất thiệt về thị trường tài chính cũng như làm gián đoạn thông tin liên lạc. Các chuyên gia tài chính tự phong theo mô tả của cơ quan chức năng nghĩa là các tài khoản hoạt động độc lập, tự sản xuất nội dung mà không đăng ký chính thức với cơ quan quản lý.

Ứng dụng nhắn tin trò chuyện WeChat cho biết, nền tảng này tiến hành điều tra và đóng các tài khoản chuyên gia “thổi nến” tung tin xấu độc về thị trường tài chính cũng như lan truyền tin đồn ác ý. Mạng xã hội Sina Weibo, Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc) và Kuaishou (đối thủ của TikTok ở Đại lục) cũng ra thông báo tương tự. Trong đó, Sina Weibo và Kuaishou cho biết cả hai đã trấn áp nhiều tài khoản vi phạm quy định.

Thông báo trên đến trong bối cảnh Trung Quốc đang làm sạch môi trường công nghệ với nhiều quy định gắt gao buộc các Big Tech nước này không được dùng dữ liệu cá nhân làm lợi thế cạnh tranh cũng như không được cổ súy văn hóa làm việc 996 (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần) và bị cấm lên sàn chứng khoán ở Mỹ.

Cuộc đại thanh lọc không chỉ dừng lại ở công nghệ mà còn lan ra cả showbiz, giáo dục khi Bắc Kinh còn cấm dạy thêm và xử lý mạnh tay với những hành vi lệch chuẩn của các sao hạng A như Trịnh Sảng, Triệu Vy hay Ngô Diệc Phàm.

Đọc thêm