Bảo vệ vững chắc bầu trời nước Nga
Vào đầu thế kỷ 20, ngành hàng không với tư cách như một loại hình công nghệ bắt đầu phát triển nhanh chóng. Ở thời điểm đó, một số quốc gia đã thu lượm được những kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Sớm nhận ra vấn đề, các nhà lãnh đạo quân sự Nga lúc bấy giờ, bao gồm Đại công tước, Phó Đô đốc Alexander Romanov, đã có sáng kiến thành lập Lực lượng Không quân của riêng nước Nga và đề xuất phương hướng ưu tiên phát triển các “phương tiện nặng hơn không khí”, tức máy bay.
Năm 1911, Tướng Vladimir Sukhomlinov (Bộ trưởng Chiến tranh của Nga) đã đệ trình lên Hoàng đế Nicholai II một bản ghi nhớ, trong đó đề nghị tăng số lượng máy bay của Nga lên tới 540 chiếc trong vài năm sau đó. Bản ghi nhớ đề xuất các máy bay này sẽ bao gồm cả các loại máy bay của Nga và nước ngoài.
Sa hoàng đã tán thành sáng kiến này. Đến ngày 12/8/1912, cơ quan quân sự Nga đã ban hành mệnh lệnh về việc đưa vào biên chế của Bộ Tổng tham mưu Nga đơn vị hàng không. Ngày này cũng được ghi nhận là ngày đánh dấu sự bắt đầu lịch sử chính thức của lực lượng không quân Nga.
Vào ngày 1/3/1913, theo đúng kế hoạch đã được Sa hoàng phê duyệt, lực lượng không quân Nga đã hoàn toàn tách khỏi lực lượng hàng không của nước này và trở thành một cấu trúc độc lập. Đến đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất, trong lực lượng không quân Nga đã có 263 chiếc máy bay.
Su-34 máy bay quân sự hiện đại, tinh nhuệ hàng đầu của Không quân Nga tại Sybiri. |
Trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới II, lực lượng không quân Nga đã được phân loại theo hình thức tác chiến, bao gồm các máy bay tầm xa, máy bay tiền tuyến và máy bay phòng không. Đến tháng 12/1914, Hoàng đế Nicholai II đã phê chuẩn quyết định phân chia lực lượng không quân thành 2 nhóm là không quân hạng nặng và không quân hạng nhẹ.
Xương sống của lực lượng không quân hạng nặng trong quân đội Nga là phi đội máy bay Ilya Muromets gồm những máy bay 4 động cơ được sản xuất tại Nga. Các máy bay này chuyên thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong hậu phương của quân địch.
Trong khi đó, không quân hạng nhẹ được sử dụng để yểm trợ các đội hình cụ thể của quân đội, đóng vai trò máy bay giúp điều chỉnh hỏa lực pháo binh, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hạng nhẹ. Đến mùa hè năm 1915, Nga đã thành lập các phi đội phòng không đầu tiên để bảo vệ các cứ điểm quan trọng, trong đó có thủ đô của nước này, khi đó là St.Petersburg.
Trong suốt thời gian kể từ khi được chính thức thành lập, không quân Nga không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Theo thống kê, đến tháng 11/1917, trong thành phần của lực lượng không quân Nga đã có 502 chiếc máy bay và 443 phi công.
Những tên tuổi lớn
Tính tổng cộng, trong thời kỳ Nga tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất, Không quân Nga đã thực hiện khoảng 50.000 lần xuất kích. Trong số này, những máy bay hoạt động ở tiền tuyến đã thực hiện đại đa số lần xuất kích, với hơn 31.000 phi vụ. Các phi công quân sự Nga đã chiến đấu không biết sợ hãi, tên tuổi của nhiều người được ghi danh vào lịch sử, trở thành niềm tự hào của không chỉ lực lượng không quân Nga mà của cả nước này. Điển hình như phi công Pyotr Nesterov.
Ngày 8/9/1914, anh đã thực hiện cú lao trực diện đầu tiên trên thế giới, liều mình dùng động tác tử thần đối với bản thân để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Hay như Alexander Kazakov – người được nhìn nhận là phi công giỏi nhất của không quân Nga, người đầu tiên cố ý đâm vào máy bay địch và sống sót. Kazakov được cho là người có số lần chiến thắng máy bay địch lớn nhất trong số các phi công của Lực lượng Không quân Nga.
Thống kê cho thấy, tổng cộng, ông đã bắn rơi 20 máy bay của Đức và Áo-Hung trên lãnh thổ Nga nhưng theo một số thông tin, số máy bay mà phi công này đã hạ gục lên tới 32 chiếc.
Nhiều phi công Nga đã anh dũng hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ, khiến người đời kính nể, như phi công Nikolai Kokorin. Được ghi nhận trong danh sách những phi công lái máy bay chiến đấu thành công nhất của Nga, Kokorin đã 5 lần giành chiến thắng khi phải đối đầu với các máy bay của địch. Tuy nhiên, trong trận chiến không cân sức với 3 máy bay Đức diễn ra vào ngày 29/5/1917, ông đã không may bị trúng đạn và tử trận. Mikhail Efimov - một trong những phi công Nga đầu tiên tình nguyện ra mặt trận – cũng đã thực hiện thành công hàng chục phi vụ chiến đấu trước khi hy sinh năm 1919.
Phi công Evgraf Krutin cũng đã bắn hạ 15 máy bay địch trước khi hy sinh do trục trặc kỹ thuật vào tháng 6/1917. Còn phi công Ivan Orlov đã giành chiến thắng trong 10 trận không chiến trước khi hy sinh trong một trận chiến không cân sức vào tháng 6/1917.
Phi công Ivan Smirnov đã chiến đấu đầy mưu lược và giành chiến thắng trong 12 trận không chiến còn phi công Konstantin Vakulovsky đã hy sinh trong vụ tai nạn máy bay vào năm 1918 sau khi đã tham gia 16 trận không chiến, bắn hạ 5 chiếc máy bay địch. Chiến công của nhiều phi công khác ở thời đó cũng đã được khắc ghi trong lịch sử lực lượng không quân Nga.
Lực lượng tinh nhuệ
Trong 108 năm qua, Lực lượng Không quân Nga đã đi qua một chặng đường vẻ vang. Ở nước Nga hiện đại, lực lượng này trở thành một phần của Lực lượng Không quân Vũ trụ, bao gồm các đơn vị máy bay chiến đấu tiền tuyến, máy bay tầm xa, máy bay thuộc các đơn vị Lục quân (trực thăng) và máy bay vận tải quân sự. Lực lượng không quân Nga ngày nay được giao đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ chiến đấu, bao gồm cả răn đe hạt nhân và các nhiệm vụ hỗ trợ.
Trong đội ngũ phi công quân sự Nga hiện cũng bao gồm nhiều nhân vật xuất sắc. Đó là những phi công dũng cảm, được đánh giá là xứng đáng tiếp nối truyền thống của những người phi công anh hùng trong cả 2 cuộc Chiến tranh thế giới. Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Sergei Dronov đã được trao tặng phần thưởng quân sự đầu tiên là Huân chương Sao Đỏ khi còn là học viên của Trường hàng không Quân sự.
Nhắc đến phi công này, người ta sẽ nhớ ngay đến việc ông khi đang tham gia một chuyến bay huấn luyện thì động cơ máy bay L-29 gặp trục trặc. Bằng sự mưu lược và nhanh trí, ông đã điều khiển cho chiếc máy bay đi cách xa thành phố và cho chiếc máy bay đã tiếp đất bằng bụng trên cánh đồng, tránh được những thiệt hại đáng kể.
Các phi công quân sự Nga được đánh giá là đã, đang và sẽ là lực lượng tinh nhuệ của quân đội. Chính họ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt để tạo nên sức mạnh của không quân Nga bởi nếu không có phi hành đoàn thì ngay cả những máy bay cực kỳ hiện đại và siêu công nghệ chỉ là “đống sắt vụn”.