Hồi đầu tháng 1/2019, sau khi tiến hành điều tra, tờ New York Time đã gây chấn động đăng bài điều tra “Thiên thần trong địa ngục: Văn hóa coi thường phụ nữ tại Victoria’s Secret”, phỏng vấn hơn 30 nhân viên và người mẫu từng làm việc cho hãng nội y nổi tiếng.
Victoria’s Secret là thương hiệu nội y đình đám của Mỹ và từng được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của L Brands. Những năm gần đây, tình hình kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là những vụ bê bối liên quan đến quấy rối tình dục người mẫu. L Brands vừa bán lại 55% cổ phần Victoria’s Secret cho Sycamore Partners.
Kỷ nguyên huy hoàng của đế chế Victoria’s Secret
Victoria’s Secret được thành lập vào năm 1977 bởi doanh nhân người Mỹ Roy Raymond. Từ trải nghiệm không mấy dễ chịu khi đến một cửa hàng bách hóa để mua đồ lót cho vợ, Raymond muốn tạo ra một nơi mà đàn ông sẽ cảm thấy thoải mái khi mua nội y.
Từ ý tưởng này, Raymond quyết định mở những cửa hàng với sản phẩm dành cho phụ nữ nhưng đối tượng người mua nhắm đến lại là nam giới. Ông đặt tên thương hiệu theo kỷ nguyên Victoria ở Anh, muốn gợi lên sự tinh tế của thời kỳ này vào sản phẩm của mình. Sau khi thành lập Victoria’s Secret, Raymond liên tiếp mở các cửa hàng và ra mắt catalog nổi tiếng của hãng.
Đến năm 1982, Victoria’s Secret đạt doanh thu hàng năm khoảng 4 triệu USD. Tuy nhiên theo báo cáo, công ty gần như phá sản vào thời điểm này. Ngay lúc đó, tỷ phú Les Wexner gia nhập công ty. Ông Les Wexner chính là người sáng lập nên L Brands (trước đây là Limited Brand). Ông là một nhân vật nổi tiếng trong ngành bán lẻ. Tháng 6/1982, Limited Brand niêm yết trên sàn chứng khoán New York.
Những bê bối tình dục do ông chủ gây ra đã chấm dứt kỷ nguyên huy hoàng của thương hiệu Victoria’s Secret |
Một tháng sau, dưới sự lãnh đạo của Wexner, công ty mua lại 6 cửa hàng của Victoria’s Secret và catalogue của hãng với giá 1 triệu USD. Với những chiến lược kinh doanh hiệu quả. Đầu những năm 1990, Victoria’s Secret trở thành nhà bán lẻ nội y lớn nhất nước Mỹ, với 350 cửa hàng và doanh thu đạt 1 tỷ USD. Thương hiệu này tiếp tục phát triển những năm sau đó.
Năm 1995, chương trình thời trang thường niên nổi tiếng của hãng ra đời. Ở thời điểm hoàng kim năm 1999, show diễn của Victoria’s Secret lần đầu được phát trên mạng. Tờ Time khi đó mô tả chương trình là “khoảnh khắc đột phá trên Internet” của kỷ nguyên khi đạt 1,5 triệu lượt xem khiến trang web bị sập.
Thời điểm đó, thương hiệu này cũng bắt đầu ra mắt các sản phẩm nổi tiếng và thành công nhất của mình, bao gồm Miracle Bra và Body by Victoria. Các chương trình thời trang của Victoria’s Secret ngày càng trở nên xa xỉ hơn. Đỉnh điểm là năm 2000, người mẫu Gisele Bündchen đã trình diễn bộ đồ lót có tên “Fantasy Bra” trị giá 15 triệu USD.
Chương trình được dẫn dắt bởi Ed Razek- Giám đốc điều hành của Victoria’s Secret. Razek và nhóm của ông chịu trách nhiệm chọn những người mẫu biểu diễn trong chương trình. Do đó, ông trở thành một trong những người quan trọng nhất trong thế giới người mẫu. Có thể nói, tương lai của các chân dài đều do Ed Razek trực tiếp chỉ đạo: Ai là người được đi trên sàn diễn và ai là người có mặt trong các chiến dịch quảng cáo, ai sẽ chụp hình cho catalogue từng mùa và ai sẽ được bước lên sàn catwalk Victorias Secret Fashion Show.
Chính vì vậy, Ed Razek được mệnh danh là “Cánh cửa dẫn đến thiên đường Victorias Secret”. Một khi được lọt vào mắt “xanh” của Ed Razek, chắc chắn cô gái sẽ có được cơ hội thăng tiến. Ông là người đưa những tên tuổi như Gisele Bundchen, Tyra Banks hay Heidi Klum... vươn tới đỉnh cao làng mẫu. Sự nghiệp của những thiên thần mới sau này như Candice, Behati, Lily A... đều do một tay Ed Razek đưa lên.
Lùm xùm bê bối
43 năm kể từ ngày ra đời, thành công của Victoria’s Secret không thể không kể đến sự góp mặt của những người mẫu, những “thiên thần” (Victoria’s Secret Angels) lộng lẫy và gợi cảm. Thế nhưng ít ai biết, đằng sau lớp vỏ bọc hào nhoáng là hàng loạt bê bối động trời liên quan đến các “ông lớn” nắm trong tay quyền lực “tối cao”. Đó là những vụ quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc, tư tưởng bảo thủ cố hữu của đàn ông hay những chiến dịch quảng cáo thiếu lành mạnh...
Mới đây nhất là cuộc điều tra của tờ New York Time, phơi bày bê bối quấy rối tình dục nhiều người mẫu của Giám đốc Ed Razek và Chủ tịch Les Wexner. Theo đó, có 4 người tiết lộ Ed Razek cho rằng nữ người mẫu Bella Hadid có vòng một hoàn hảo. Trong buổi tổng duyệt show diễn năm 2018, ông còn thắc mắc liệu nhà đài có cho phép chân dài 24 tuổi khoe ngực ngay trên sóng truyền hình.
Người mẫu Andi Muise tố cáo bị Ed Razek đã cắt suất diễn vì từ chối hôn và làm người tình của ông. Trước đó hồi năm 2007, người mẫu Andi Muise thẳng thắn tố cáo Ed Razek đã cưỡng hôn cô trong khi di chuyển tới nhà hàng để ăn tối. Razek còn liên tục gửi email trong nhiều tháng, đề nghị Muise chuyển tới sống cùng mình hoặc tìm một căn nhà riêng ở Cộng hòa Dominica.
Người mẫu sinh năm 1987 nhớ lại lời gạ gẫm của ông này: “Tôi muốn chỗ nào đó thật gợi cảm để có được em”. Thời điểm bị gạ tình, Andi Muise mới gần 20 tuổi, cô từ chối lời mời tới nhà riêng của Ed Razek để ăn tối. Sau cái lắc đầu này, chân dài người Canada phải trả giá bằng việc bị gạch tên khỏi show diễn thường niên của hãng.
Đó cũng là nguyên nhân chân dài 8X vắng bóng trên sàn diễn Victoria’s Secret dù trước đó cô có 4 năm liên tiếp tỏa sáng ở sân khấu đẳng cấp này. Năm 2015, Casey Crowe Taylor, một cựu nhân viên quan hệ công chúng tại Victoria”s Secret đã phản ánh lên phòng nhân sự bị Ed Razek chê béo trước các đồng nghiệp. Đồng thời tiết lộ từng chứng kiến nhiều hành động sai trái của Ed Razek. “Các nạn nhân chỉ biết cười trừ và miễn cưỡng chấp nhận sự lạm dụng đó. Nó như một sự tẩy não vậy. Bất cứ ai cố gắng chống lại nó đều không được bỏ qua, họ sẽ bị trừng phạt”, Taylor nói.
Tuy nhiên, phản ánh của cô không được phản hồi, Crowe nghỉ việc một tuần sau đó. Tháng 10/2019, Monica Mitro - một nhân viên cấp cao của công ty gửi đơn lên Hội đồng quản trị về việc bị Ed Razek quấy rối. Sau đó, cô bị công ty cho nghỉ việc và nhận một khoản bồi thường theo thỏa thuận. Một số người mẫu khác cho biết, ông Ed Razek thường xin số điện thoại khi các cô đang thử nội y, liên tục bị gạ gẫm đi ăn tối, du lịch.
Đa phần những nạn nhân bị Ed Razek quấy rồi thường không có khả năng để lên tiếng hay phản bác lại hành vi của gã giám đốc bệnh hoạn. Đối với các trường hợp dứt khoát chống trả, tố cáo, những nạn nhân sẽ bị trả thù theo những cách thức khác nhau. Đại diện của Ed Razek phủ nhận các cáo buộc với New York Times, cho rằng các thông tin tố cáo sai sự thật, xuyên tạc hoặc được nhắc không đúng ngữ cảnh.
Nhưng sau đó, Ed Razek xin nghỉ việc tại tập đoàn L Brands từ tháng 8/2019. Còn đại diện truyền thông của L Brands chỉ lên tiếng về các thông tin xoay quanh việc làm ăn thất bại của hãng mà từ chối đề cập đến nội dung bài điều tra của New York Times. Bản thân Ed Razek, ông gửi email tới New York Times với nội dung ra sức phủ nhận những lời buộc tội hướng về mình: “Những lời buộc tội trong bài điều tra đều không đúng sự thật hoặc đã bị hiểu sai về ngữ nghĩa, đưa chệch ra khỏi bối cảnh. Tôi may mắn được làm việc với rất nhiều người mẫu đẳng cấp thế giới và các chuyên gia tài năng trong lĩnh vực thời trang. Và chúng tôi tự hào đã dành cho nhau sự tôn trọng”.
Ông cũng khẳng định rằng những lời buộc tội không đúng sự thật, bị sai về ngữ nghĩa thậm chí vượt xa khỏi bối cảnh được nhắc đến. Theo The New York Times, Leslie Wexner - chủ tịch L Brands - là người “chống lưng” cho các hành vi của Ed Razek. Ông Leslie Wexner biết rõ hành vi của các lãnh đạo dưới quyền nhưng nhắm mắt làm ngơ trước những lời phàn nàn về họ.
Người đứng đầu L Brands từ chối bình luận về những cáo buộc kể trên. Tuy nhiên, Leslie Wexner cũng đang bị cáo buộc có dính líu tới scandal sex của “tỷ phú ấu dâm” Jeffrey Epstein - người đứng đầu đường dây môi giới các cô gái tuổi vị thành niên bán dâm gây chấn động nước Mỹ.
Đế chế bắt đầu suy tàn
Ở thời kỳ đỉnh cao, Victoria’s Secret từng được xem là thương hiệu số 1, thống trị thị trường nội y của nước Mỹ với doanh số “khủng”. Tuy nhiên trong khoảng 5 năm gần đây, tình hình kinh doanh của công ty đang ngày càng đi xuống. Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, lượng khách hàng truy cập của hãng giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu cũng sụt giảm 12%.
Nhiều khách hàng bắt đầu phàn nàn về chất lượng sản phẩm. Một trong những sản phẩm chủ chốt của công ty, như thương hiệu Pink nhắm tới thiếu niên, cũng bắt đầu gặp khó khăn. Show diễn thường niên của Victoria’s Secret bị chê là “lỗi thời”, lượng người xem giảm mạnh.
Sau đó vào tháng 11/2018, ông Ed Razek khiến dư luận dậy sóng khi đưa ra những bình luận gây tranh cãi về người chuyển giới và người mẫu ngoại cỡ. Cũng trong năm 2018, 30 cửa hàng đã bị đóng cửa vì doanh thu yếu kém và tới tháng 11/2019, tập đoàn chủ quản L Brands thông báo ngừng sản xuất show diễn nội y thường niên do hiệu quả mang lại không đủ. Rating show diễn đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử vào năm 2018.
Giọt nước làm tràn ly khi Victoria’s Secret tiếp tục hứng chịu chỉ trích vì ông Wexner và công ty này được cho là có liên quan đến “tỷ phú ấu dâm” Jeffrey Epstein. Các người mẫu trả lời phỏng vấn New York Times cho biết, Jeffrey lừa một số phụ nữ vào đường dây và hứa giúp họ trở thành một “thiên thần” của Victoria’s Secret. Tuy nhiên, ông Leslie từ chối phản hồi các cáo buộc này. Sau những vụ lùm xùm và doanh thu sụt giảm, Victoria’s Secret tuyên bố hủy bỏ show diễn năm 2019.
Thậm chí giữa hàng loạt bê bối gần đây, Victoria’s Secret đang đứng trước nguy cơ bị “bán tống bán tháo”. Theo thông tin từ hãng tin CNN cùng nhiều trang báo uy tín, tỷ phú Leslie Wexner, người sáng lập L Brands, công ty mẹ của Victoria’s Secret đang có ý định rao bán thương hiệu nội y này. Tuy nhiên, ngay sau khi có tin đồn Leslie Wexner đang chuẩn bị rao bán Victoria’s Secret, thì cổ phiếu của L Brands (công ty sở hữu Victoria’s Secret) đã tăng 12,3 %.
Theo thông tin mới nhất, L Brands vừa đạt được thỏa thuận bán lại 55% cổ phần của Victoria’s Secret cho công ty cổ phần tư nhân Sycamore Partners với giá 525 triệu USD. Wexner, tỷ phú 82 tuổi - người điều hành L Brands trong nhiều thập kỷ, sẽ rời khỏi vị trí CEO và chủ tịch công ty như một phần nội dung của bản thỏa thuận. Ông vẫn giữ vị trí trong hội đồng quản trị của L Brands với tư cách là chủ tịch danh dự.