Nan giải vận động học sinh đến lớp
Nhiều năm qua xã Nậm Mòn là 1 trong 5 “điểm khó” của huyện về tình trạng học sinh con em dân tộc bỏ học giữa chừng. Và để đạt được con số 95% học sinh đi học trong năm học này là sự nỗ lực vượt bậc của chính quyền, ban ngành đoàn thể xã Nậm Mòn, đặc biệt thầy và trò trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nậm Mòn trong công tác vận động học sinh đến với con chữ.
Được biết, trong cuộc mưu sinh cực khổ ở vùng cao, trẻ em người dân tộc thiểu số dù đang độ tuổi đi học nhưng đã thạo việc phát nương làm rẫy cùng cha mẹ. Thậm chí trong một số gia đình, trẻ em cũng là một lao động thực thụ. Một số ít bậc cha mẹ vẫn nghĩ đơn giản rằng phải đi làm mới có cái ăn, cái mặc, cho con đi học thì sẽ thiếu người làm, nhà sẽ thiếu ăn.
Bên cạnh đó, nhiều em sớm quen với cuộc sống lao động chân tay tự do, hoang dã nên tỏ ra chán nản, không kiên trì, chưa quen với việc học chữ, cho rằng học chữ khó hơn đi nương. Các thầy cô và cán bộ thôn, xã đã phải tích cực, kiên trì vận động các em đi học; rồi nhẫn nại uốn nắn cho các em làm quen với việc học.
Thế nhưng tất cả những công sức đó có nguy cơ “mất trắng” sau mỗi dịp nghỉ hè hoặc nghỉ lễ kéo dài, nhiều học sinh trong thôn bản lại theo cha mẹ đi làm nương dẫn đến học hành chểnh mảng, quên kiến thức hoặc bỏ học. Chính vì vậy mà tỷ lệ học sinh đến lớp thường rất thấp.
Thầy giáo Nguyễn Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Mòn chia sẻ: “Hiện nay cuộc sống của đồng bào vùng cao Nậm Mòn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều thôn cách xa trung tâm trường tới gần 20km. Chính vì vậy nên việc huy động học sinh đến lớp, đảm bảo sĩ số và tỉ lệ chuyên cần hàng ngày luôn đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với nhà trường.
Điển hình như thôn Ngải Số, cứ đến mùa nương rẫy là các gia đình lại “giữ” con em ở nhà để lao động phụ giúp. Cũng vì cuộc sống quá khó khăn nên nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc học tập của con em mình”.
Theo thầy giáo Sơn, dù đã hết sức nỗ lực nhưng qua mỗi mùa hè, mỗi dịp Tết, số học sinh của trường lại “ngót” đi ít nhiều, nhất là ở các lớp cuối cấp, em trai có khả năng lao động, em gái được nhiều gia đình dạm hỏi để cưới chồng…
Vì những hạn chế trên mà Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Mòn bị “liệt” vào danh sách 1 trong 5 trường yếu trong công tác vận động học sinh đến lớp của huyện. Hiện chính quyền xã đang tiếp tục nỗ lực trong công tác vận động học sinh đến lớp.
Khắc phục tình trạng trên, các thầy cô giáo đã kết hợp với Hội Khuyến học của xã vào tận thôn bản, đến từng gia đình tìm hiểu nguyên nhân rồi động viên các em đến lớp. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị trường học và chính quyền địa phương, năm học 2015-2016 trường đã có khởi sắc vì số học sinh đến lớp tăng.
Cũng theo thầy Sơn, hiện đang là thời điểm lên nương làm rẫy bận rộn của bà con đồng bào dân tộc trong xã, song tỷ lệ học sinh đến lớp đã đạt trên 95% là con số đáng mừng rồi. Bởi năm học 2013 - 2014, Trường Trung học Cơ sở Nậm Mòn là 1 trong 5 trường yếu kém của tỉnh Lào Cai, nhất là trong công tác vận động học sinh đến lớp. Vào thời điểm đầu năm học mới (2014-2015), tỉ lệ vận động học sinh đến lớp cũng chỉ đạt từ 70- 80%.
|
Hoạt động thể dục của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Mòn. |
Học vì ngày mai tươi sáng
Trước thực tế này, trong năm học này nhà trường tiếp tục căn cứ vào số lượng học sinh đến lớp và chủ động lập danh sách những em học sinh chưa đến lớp. Đối với các em học sinh chưa đến lớp, nhà trường tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương “ráo riết” huy động các em đi học bằng được. Theo số liệu thống kê, năm học này Trường THCS Nậm Mòn có tổng số 224 học sinh, trong đó có 130 em theo học bán trú tại trường.
Đối với các em học bán trú, nhà trường còn trang bị đầy đủ sách vở, bút viết, đồ dùng học tập. Bên cạnh đó, nhà trường còn bố trí chỗ ăn, ở vì đa phần các em ở xa nhà. Hiện nhà trường tạo mọi điều kiện nên các em đã yên tâm ở lại trường và tư tưởng không bị xáo động.
Em Giàng Thị Bích Vân, học sinh lớp 7B chia sẻ: “Từ khi ở bán trú tại trường, xa bố mẹ, gia đình, lắm lúc cũng thấy nhớ nhà lắm, nhưng em thấy rất vui vì các thầy cô giáo rất quan tâm, em cũng đã có đầy đủ vở viết, đồ dùng học tập, hứa sẽ quyết tâm học thật giỏi để không phụ lòng thầy cô giáo và bố mẹ”.
Tại Trường Tiểu học Nậm Mòn, năm nay toàn trường có 12 lớp và 199 học sinh, có 81 em học sinh bán trú. Thầy Phạm Hữu Chính, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: “Từ đầu năm học đến giờ có 100% các em học sinh tại các phân hiệu đã đến lớp đầy đủ.
Theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà, khối lớp 3, 4, 5 đã tập trung về điểm chính để học tập và sinh hoạt bán trú. Hiện các hoạt động của nhà trường đã dần đi vào nền nếp, công tác nấu ăn bán trú cơ bản đã được thực hiện”. Được biết đến thời điểm này, tỉ lệ học sinh tiểu học mầm non xã Nậm Mòn đến lớp đã đạt từ 96-98%.
Bà Vàng Thị Hiệp Thu – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Mòn cho biết: “Kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy, việc huy động học sinh đến lớp cần phải có sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền đến các ban ngành đoàn thể, khi vận động gặp khó khăn sẽ tiến hành họp thôn và gặp gỡ trực tiếp gia đình các em vận động.
Biện pháp này trên thực tế đã phát huy hiệu quả tốt, đơn cử như việc huy động học sinh ở thôn Ngải Số, một trong những thôn khó khăn và xa nhất của xã Nậm Mòn, đầu năm học này có 24 học sinh chưa đến lớp nhưng đến nay qua họp thôn tuyên truyền, vận động nên chỉ còn lại 2 em”.
Tin tưởng rằng với quyết tâm vượt khó, vươn lên, tình yêu nghề, mến trẻ của các thầy cô giáo nơi đây, Nậm Mòn sẽ không còn trẻ em phải nghỉ học. Và mai sau các em người dân tộc chính là nhân lực để đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế ở cao nguyên đầy thơ mộng này./.