Đặc biệt, với thầy cô vùng cao, chỉ có thể gọi là chút quà như bịch dưa, chai dầu, gói mì chính… trị giá khoảng 50- 100 ngàn đồng, nhưng cũng năm có, năm không…
Nơi trăm triệu, nơi ngậm ngùi
Năm nay, nhiều trường vui mừng thông báo mức thưởng tết “khủng” đối với cán bộ, giáo viên với số tiền lớn từ hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng. Đơn cử, ĐH Công nghệ TP.HCM vừa thông báo khoản tiền thưởng tết cho cán bộ, giảng viên có trường hợp tới 100 triệu đồng/người.
Theo nhà trường, mức thưởng tết cho giảng viên năm 2015 chia làm 2 đợt, vào lúc tổng kết năm học và Tết Nguyên đán. Trung bình mỗi đợt từ 1 - 3 tháng lương hoặc cao hơn nữa với những cán bộ có đóng góp tích cực cho hoạt động giáo dục đào tạo của nhà trường.
Theo đó, nhiều trường hợp cán bộ, giảng viên của trường đã nhận tiền thưởng tổng cộng hơn 100 triệu đồng dịp cuối năm. Cũng theo nhà trường, lí do của việc thưởng lớn là do năm qua trường giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào, bảo đảm ngân sách hoạt động.
Tuy nhiên, trên thực tế số trường có mức thưởng cao như ĐH Công nghệ TP.HCM chỉ là con số hiếm hoi. Ngay ở Thủ đô, lãnh đạo một số trường học ở Hà Nội cho biết, tiền tết của giáo viên nhiều hay ít phụ thuộc vào công tác chi tiêu, nguồn thu của trường. Trường thưởng cao chủ yếu là trường dân lập, trường quốc tế.
Còn các trường công lập, 80% ngân sách nhà nước cấp để trả lương, 20% cho các hoạt động giáo dục, do đó chỉ có thể tiết kiệm ngân sách để chi tiền tết cho giáo viên. Tuy nhiên, ngay cả các trường dân lập và công lập lớn ở Hà Nội, tiền tết giáo viên cũng chỉ trong khoảng 1 triệu đồng.
Tỉnh Nghệ An vừa công bố mức thưởng Tết Ất Mùi cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong ngành. Tin mừng nho nhỏ là trung bình thưởng tết năm nay có cao hơn năm ngoái: 666 nghìn đồng so với 389 nghìn đồng vào năm 2014. Trường có mức thưởng cao nhất tỉnh là Mầm non Hoa Sen: 5 triệu đồng, trường thấp nhất là THPT Nam Đàn 2: 100 nghìn đồng.
Còn lại các đơn vị khác dao động từ 300-800 nghìn đồng. Như thế đã là ấm lòng. Đơn cử Trường THCS Mậu Đức, Tiểu học Chi Khê 2, nhận được vài ba trăm nghìn thưởng tết đã là may mắn hơn các năm trước. Có năm, giáo viên chỉ nhận vài lít dầu ăn, cân thịt, cặp bánh chưng…
Lương tháng 13: Bao giờ?
Để có được số tiền vài trăm nghìn thưởng tết cho giáo viên, các trường cũng phải “thắt lưng buộc bụng”, “co kéo” trong cả năm. Trường phải trích kinh phí được cấp, hạn chế các hoạt động phong trào. Một giáo viên chia sẻ, để chu toàn cái tết, nhiều giáo viên trông chờ vào vợ, chồng làm ngành nghề khác, nhưng cũng không ít giáo viên cả hai vợ chồng làm cùng nghề thì thực sự chật vật.
Được gia đình hai bên thông cảm đã đành, cũng có gia đình phải buốt ruột đi vay, tiêu vào lương trả trước mới có một cái tết tàm tạm. Bao nhiêu khoản chi tiêu ngày tết, mà khoản nào cũng không thể thiếu như mua sắm thực phẩm, trang trí nhà cửa, biếu ông bà hai bên, lì xì… đổ lên đầu giáo viên như bao gia đình khác. Thế nên, lương tháng 13 vẫn là mong mỏi của nhiều thầy cô.
Với những gia đình không có sự hỗ trợ của hai bên nội, ngoại, điều mà họ sợ nhất là tết. Nhiều cô giáo tâm sự, trong khi ngân sách gia đình không tăng mà bao chuyện phải lo: Tiền tàu xe đi lại, tiền đi tết nội, ngoại. Có gia đình, bố mẹ chồng thông cảm cho cái nghề thu nhập thấp của con nên không trách móc gì.
Nhưng cũng có nhà, cha mẹ chồng lễ nghĩa, rào trước đón sau: “Làm anh, làm ả thì ngả mặt lên”, nên mỗi dịp tết đưa tiền biếu bố mẹ, nàng dâu phải “lánh mặt” để chồng chịu trận khi mà các anh em trong nhà có của ăn, của để dư dật. Và với gia đình giáo viên, dù có khéo lo toan mọi thứ, một cái tết cũng ngốn hết chục triệu đồng. Số thâm thụt này phải trả cả năm mới hết được.
Ông Phạm Sơn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) trăn trở: “Các thầy cô giáo ở đây đa phần là từ dưới xuôi ngược lên miền núi dạy học trò, vất vả nhiều lắm. Nhất là các thầy cô đứng lớp ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa, băng rừng lội suối mang con chữ đến cho học trò hàng ngày. Nhiều thầy cô ở luôn tại trường, đời sống cũng khó khăn. Vất vả cả năm mà tết về quê không có đồng thưởng nào để trang trải, sao mà không đắn đo. Nhưng thật không có nguồn kinh phí nào để chi thưởng tết cho giáo viên”.
Khi hỏi về vấn đề này, nhiều lãnh đạo các địa phương đều nói đã kiến nghị lương tháng 13 cho giáo viên ăn tết nhưng kinh phí và ngân sách eo hẹp nên hầu hết các thầy cô vùng khó đều đã quen và không phàn nàn. Thế nên, có được lương tháng 13 là niềm ước ao, mong mỏi của nhiều thầy cô trong nghề, nhiều trường học. Bởi quanh năm tùng tiệm, tết về các thầy cô đều mong có được chút tiền thưởng dăm ba triệu để mua cho con bộ đồ mới, đi tết nội, ngoại cho ra tấm ra món, sắm sửa vài vật dụng trong nhà, rồi làm mâm cỗ cúng tổ tiên cho tươm tất hay vui mừng phấn khởi đón bà con về tụ họp. Nhưng dường như mong ước ấy vẫn quá xa vời…
Học sinh ở Suối Giàng ( Yên Bái) |
Một giáo viên chia sẻ: “Cách đây vài năm, vị Bộ trưởng của ngành đã từng kêu gọi mọi người chung tay lo cho giáo viên vùng sâu một cái tết cho ý nghĩa. Nhưng chúng tôi, những giáo viên ở ngay trung tâm thị xã cũng có hơn gì khi cả năm làm cật lực mới được dăm trăm ngàn tiền thưởng, cũng là cố gắng rất lớn của các trường học.
Đã hơn 10 năm đi dạy, tôi đã thấm thía rất nhiều điều về thu nhập của giáo viên trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Đã có rất nhiều ý kiến thảo luận, đề xuất khác nhau về chế độ và chính sách, tiền lương cho giáo viên và cán bộ công chức của ngành giáo dục, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư lâu dài và bền vững.
Nhưng đến thời điểm này, giáo viên đã có được những chính sách ưu đãi về tiền lương như thế nào ngoài khoản phụ cấp đứng lớp? Thôi thì chúng tôi tự nghĩ mình vẫn là Cán bộ, công chức nhà nước, chúng tôi vẫn được hưởng lương theo quy định, vẫn làm việc và cống hiến như bao người khác trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau của xã hội. Nhưng cứ mỗi năm, vào dịp tết đến, chúng tôi thật sự ngậm ngùi khi ai đó nhắc đến tiền thưởng của giáo viên, mà đúng nghĩa hơn đó là trợ cấp tết.
Vào dịp tết năm đó, một em học trò cũ về thăm tôi. Qua nhiều đề tài thầy trò tâm sự, em hỏi: “Tết này thầy được thưởng bao nhiêu?”. Tôi trầm lắng và cũng vì tự trọng của nghề, tôi nói cho qua lệ: “500.000 đồng” (tức là gấp 10 lần sự thât!). Nhưng em đã trố mắt nhìn tôi và bảo: “Sao ít thế, em gấp thầy ít nhất 20 lần”….
Những năm trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo kêu gọi các tỉnh thành, các ban ngành đoàn thể hãy chung tay chăm lo cái tết cho giáo viên, đừng để nước mắt phải chạy ngược vào lòng mỗi khi tết đến. Đó là lời kêu gọi, là tấm lòng của những người có nhiều tâm huyết với ngành giáo dục. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là việc thực hiện lời kêu gọi đó như thế nào, bởi cơ chế thưởng tết cho giáo viên và cán bộ ngành giáo dục hiện nay không được ghi vào kinh phí của ngành giáo dục”.
Chạnh lòng là vậy, nhưng với nhiều thầy cô vùng sâu, vùng xa, “tiền thưởng” của thầy cô chỉ đơn giản là sau tết học sinh tới lớp đầy đủ. Các em không bỏ học ở nhà du xuân hoặc lấy vợ, lấy chồng, cái nghèo lại chồng lên cái khó đã là hạnh phúc lắm rồi.
Nói về chuyện tiền tết, cô Vàng Thị Gếnh, giáo viên Trường Mầm non Mản Thẩn (Si Ma Cai, Lào Cai) cho biết: “Trường đóng chân trên địa bàn vùng cao, nhiều khó khăn, thiếu thốn nên vào dịp Tết Âm lịch, mỗi giáo viên cũng chỉ được 100.000 - 200.000 đồng tiền tết từ nhà trường và địa phương, hoặc là món quà nhỏ. Dịp tết, chúng tôi chỉ mong các em không bỏ học, ngoan ngoãn vâng lời các cô, bố mẹ là vui rồi”.
Còn cô Hải Yến, Trường THCS Quy Hướng ( Mộc Châu - Sơn La) cũng bày tỏ: Thầy cô ở trường đều khó khăn vất vả, sống xa gia đình. Hầu hết các cặp vợ chồng đều dạy ở các trường khác nhau, các con gửi ông bà ở Mộc Châu (cách trường 50-70km), kinh tế không về một mối, đi lại vất vả nhưng dù sao thầy cô vẫn còn có lương, chứ học sinh thì khổ lắm. Thế nên, tụi em cũng không nghĩ nhiều đến thưởng tết vì năm có, năm không nhưng cũng chỉ khoảng 50 - 100 ngàn mà thôi. Nhìn chung chỉ là món quà nhỏ mang giá trị tinh thần. Chỉ cần sau tết thầy cô không phải tới từng nhà vận động các em đi học lại đã là hạnh phúc rồi.
Vâng, dù gian khó trăm bề với các thầy cô, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nhưng hầu hết hạnh phúc của thầy cô chỉ giản đơn là học sinh vượt đèo, lội suối tới lớp mỗi buổi sớm mai buốt giá, được nhìn thấy những ánh mắt yêu thương, tin cậy của học trò trong những mùa xuân tràn đầy hy vọng mà thôi…