Tiết trời Hà Nội mấy hôm nay cứ lạnh lẽo và ẩm ướt thế, lọ mọ ra phố nửa đêm mới thấy không có ai cực bằng những mảnh đời tha hương “không chốn nương thân” nơi phố thị. Không người thân, không thu nhập, không chỗ ở..., cuộc sống của những người vô gia cư càng tệ hơn mỗi khi màn đêm xuống.
Không dám nghĩ đến ngày mai
Tưởng như không còn khái niệm về ngày tháng, anh Phú và bác Tiến chẳng còn nhớ được mình đã gắn với cảnh “màn trời chiếu đất” này bao nhiêu năm rồi nữa. Bác Tiến suy nghĩ hồi lâu mới chắc mẩm mình bỏ xứ về kinh đô này chừng 20 năm có lẻ. Kí ức của người đàn ông tuổi gần 70 là người vợ bệnh tật mất sớm và đứa con lên 3 cũng theo mẹ bỏ bác lại một mình. Mảnh ruộng cằn bác sớm bán để thuốc thang cho vợ con, vùng quê nghèo không có việc để bác còn cơ hội bám trụ quê hương.
Bác Tiến về Hà Nội với 3 triệu đồng tài sản từ ngôi nhà xiêu vẹo trên miếng đất heo hút gần đồng ở Hải Dương. Số tiền ấy dè xẻn lắm cũng chỉ kịp giúp bác kiếm được công việc khuân vác ở Bến xe Mỹ Đình. Thế nhưng, một lần bị tai nạn khiến bác mất cả công việc mà sức khỏe cũng tụt dốc nhanh chóng. Cứ mỗi lần giao mùa hay thay đổi thời tiết, đầu bác lại đau dữ dội và thường mất trí nhớ tạm thời.
Cậy chút sức khỏe còn lại, bác cũng chỉ có thể đứng chờ việc ở “chợ người” khu vực dốc đường Bưởi nhưng dăm năm trở lại đây, bác chỉ có thể cóp nhặt giấy vụn hay bìa cát-tông ở đống rác. Ấy thế nhưng cũng phải lựa giờ, “nhiều cửa hàng vứt rác quá giờ thu, không có xe rác thì mới có cái mà nhặt”. Miệng nói, tay bác xếp lại từng bịch lớn nào những bìa giấy, chai lọ nhựa hay cả những túi nilon nhàu rúm.
Bác Tiến rưng rưng: “Tài sản của tôi đấy! Cóp nhặt nhiều, bán một lần cho có tiền mà cầm mới sướng”, bác cười tếu táo mà thấy chua chát quá! Số “gia tài” của bác lúc này có bán gom cũng chỉ ngót nghét 30.000 đồng. “Nói đừng ghê chứ mấy lần nhặt bìa, thấy cái ăn là tôi cũng nhặt đấy, chứ đói thì chỉ ngủ thôi, mà ngủ thì lại không kiếm được tiền”…
Ngồi lặng lẽ bên bác Tiến, anh Phú (40 tuổi) người Nghệ An đã mang hoài bão đổi đời nơi phồn hoa này cũng đã gần chục năm. Có vẻ ngoài tuổi tác và sức lực, hoàn cảnh của anh cũng chẳng được coi là khá hơn bác Tiến. Anh mất gia đình lúc 10 tuổi trong lúc di cư từ Bình Định ra Nghệ An, vụ tai nạn đã khiến anh bị tổn thương xương sống. Chẳng có lối thoát cho đứa trẻ nghèo mồ côi, anh phiêu dạt khắp nơi kiếm miếng ăn qua ngày.
Ở Thủ đô, cuộc sống của anh chẳng thể coi là khá hơn. Ban ngày anh chờ ở chợ Đồng Xuân, có ai thuê gì làm nấy, hết bốc vác đến phân loại túi bóng, nhặt nhạnh sắt vụn, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu: “Tưởng mình khổ thôi, ai ngờ trên này có nhiều người khổ như mình thế! Việc thì ít mà người thì nhiều, khổ như nhau chẳng nhẽ lại còn giành” – anh nói được mấy tiếng thì cơn ho kéo đến khiến anh co rúm người run lẩy bẩy.
Từ ngày bị tai nạn, cứ mưa lạnh là anh lại ho nhiều như thế, tiếng thở khò khè khó khăn. “Có những lúc cứ há miệng ra ngáp ngáp lấy hơi trông đến sợ” – bác Tiến nhẹ nhàng vỗ lưng cho anh như mong làm dịu đi cơn ho co rút người ấy…
“Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo”
"Tổ ấm" của anh Phú, bác Tiến |
Chạy dọc tuyến Quán Thánh thôi cũng đã có dăm bảy mảnh đời co ro bên mái hiên trốn mưa, già có, trẻ có, phụ nữ có. Chợt nghĩ nếu đi hết các ngóc ngách chốn kinh kỳ này sẽ gặp bao nhiêu cuộc đời như vậy? Bến xe, nhà ga, gầm cầu, ghế đá, mái hiên… đều có thể là chốn đặt lưng tạm nghỉ của họ. Ngày nắng khô ráo còn đỡ, mưa gió lạnh lẽo, tìm được chỗ nằm khô mà không bị đuổi cũng chẳng dễ dàng.
Những mảnh đời như bác Tiến và anh Phú còn nhiều lắm, mỗi người mỗi cảnh mà tưởng chừng như có bao nhiêu bất hạnh đều đổ cho họ cả. Thời tiết lạnh nhưng đời họ có lẽ còn lạnh hơn gấp nhiều lần. Nương tựa vào nhau, đỡ đần nhau là cách mà họ đang làm. Giúp nhau miếng ăn hay chỉ cần gần nhau san chút hơi ấm qua tấm áo cũ thôi cũng làm cuộc sống dễ chịu lên chút ít.
Bác Tiến hơi thu mình chống lạnh, xốc lại giúp anh Phú tấm áo khoác và kể như khoe với tôi về những ngày may mắn hiếm hoi được cho đồ ăn hay những tấm áo cũ. Nhớ lại đứt quãng cũng đủ khiến nét mặt bác thư thái hơn nhưng tiếng ho của anh Phú lại kéo bác trở về trầm ngâm: “Không rõ xác những người vô gia cư như chúng tôi sẽ xử lý như thế nào nhỉ? Chắc cũng được đem đi chôn thôi chứ ai để nằm vỉa hè thế này cho mất mỹ quan ra! Nhưng chắc chúng tôi sẽ thành ma vỉa hè thôi vì làm gì có nhà mà về…”.
Hình ảnh những con người thu mình trong tấm chăn mỏng nơi góc đường hay bất giác quay đầu nhìn người đàn ông mặc chiếc áo mỏng tang nhặt rác ven đường lúc 3 giờ sáng đẫm mưa lạnh, rồi những bà mẹ nghèo cố siết chặt đứa con thơ giữ ấm hay những cụ già húng hắng ho khan trong cái lạnh ướt của mưa khiến lòng tôi thắt lại, dù cũng chỉ biết chuyện trò mang lại chút hơi ấm trong sự sẻ chia. Hà Nội sáng dần, những người “không chốn nương thân” lại lục đục trở mình hòa vào phố mưu sinh. Có lẽ một ông nhà thơ nào đó đã viết một điều hiển nhiên như chạm vào chân lý: “Phận nghèo đi đến nơi mô… cũng nghèo”.