Nếu như người cán bộ lãnh đạo nắm bắt được tâm tư của quần chúng mà cất lên tiếng nói của đại đa số cư dân trên địa bàn phụ trách của mình thì sẽ tạo ra được một sự đồng thuận xã hội rất lớn. Ngược lại, nếu chỉ là ý kiến chủ quan, lấy danh nghĩa nhân dân làm vỏ bọc thì sẽ tạo ra một tác dụng ngược và sự phản ứng gay gắt từ dư luận xã hội.
Nói là "nhu cầu bức bách của nhân dân" nhưng không có một khảo sát nào làm căn cứ, chứng tỏ đó chỉ là "nhu cầu bức bách" của một nhóm người mà thôi. Cũng như việc giải thích nếu không xây tượng đài "gây thiệt thòi cho bà con" đã từng bị hứng rất nhiều chỉ trích và cả sự cười cợt nữa!
Thực ra, "nhu cầu bức bách" trong nhân dân là rất nhiều và chỉ cần quan tâm và lắng nghe một chút là nhận ra ngay. Nông dân cần thoát khỏi tình trạng bị "giải cứu" hết dưa hấu đến dưa chuột và bây giờ là khoai tím, thanh long. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một năm có 2 lần họp bất thường để “giải cứu” thịt lợn, lần trước là giảm giá kinh hoàng và lần này là tăng giá kỷ lục.
Thị dân có "nhu cầu bức bách" thoát khỏi triều cường, nước ngập, kẹt xe, khói bụi và ô nhiễm môi trường. "Nhu cầu bức bách" của công nhân là bữa ăn trưa không bị ngộ độc, không bị trừ tiền lương khi đi vệ sinh, được đóng bảo hiểm đầy đủ. Bệnh nhân có "nhu cầu bức bách" là không phải nằm chung giường hoặc dưới gầm giường, không bị cho uống thuốc đểu, thuốc giả hoặc đơn giản hơn, tiêm không bị đau.
"Nhu cầu bức bách" của những người có nhà trong diện "giải phóng mặt bằng" là có một chỗ ở "tái định cư" mà kiếm cớ sinh nhai. "Nhu cầu bức bách" của trẻ em miền núi là không phải đến trường, qua suối bằng bao ni lông, mặc đủ ấm, ăn đủ no, còn với trẻ em thành phố là không phải ngồi học ở lớp có tới trên 60 bạn, cô giáo chủ nhiệm cũng không nhớ hết mặt học sinh của mình.
Có những "nhu cầu bức bách" đến độ không thể chịu đựng thêm được nữa, đó là tình cảnh của những cư dân sống gần bãi rác hoặc các nhà máy thải chất hoặc khí độc ra xung quanh. Đến nỗi, những người sống gần bãi rác mời lãnh đạo thành phố về sống tại đây một ngày thử xem có chịu được không, chứ họ đã chịu cảnh này hàng chục năm rồi.
Những "nhu cầu bức bách" đó hiện diện và cần đến sự giải quyết của chính quyền, Nhà nước. Chỉ có thể rất vô cảm mới không nhận ra điều đó. Phải quan tâm giải quyết những nhu cầu bức bách lớn nhỏ và hàng ngày, hàng giờ đập vào mắt đó thì xã hội mới ổn định và lúc đó mới nghĩ đến chuyện hưởng thụ văn hóa, tinh thần, nghệ thuật đỉnh cao nhân loại nhưng hình như chúng ta đang làm ngược chuyện này!