Ngôi nhà nhỏ hai gian có ba mảnh đời bất hạnh nhưng đầy ắp tiếng cười. Cô gái “tí hon” đang cần mẫn dạy nghề làm tranh giấy cho các học viên cùng chung cảnh đời bất hạnh. Người cha thương binh cùng người mẹ bị bệnh ung thư đang tất bật chuẩn bị cơm nước cho cả lớp học. Thỉnh thoảng, họ lại chạy vào lớp khi có học viên có nhu cầu đi vệ sinh, uống nước cần người giúp đỡ. Đó là cuộc sống hàng ngày trong gia đình chị Đậu Thị Nga (SN 1983, ngụ xóm 6, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Cô gái không lớn
Ông Đậu Đức Dự (SN 1955) từng vào sinh ra tử 15 năm ở khắp các chiến trường Bình Trị Thiên. Chiến tranh kết thúc, người lái xe năm xưa trở về quê nhà, là thương binh hạng 4/4. Không lâu sau đó, ông cùng cô gái trẻ trong làng Hồ Thị Nhã (SN 1957) nên duyên vợ chồng. Rồi bốn người con lần lượt chào đời, đứa nào cũng nhanh nhẹn, khoẻ mạnh. Duy chỉ có cô con gái lớn Đậu Thị Nga là bất hạnh hơn cả.
Năm Nga lên 3 tuổi phải gánh chịu một cơn sốt rét rồi lên cơn co giật. Bế con gái tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, ông Dự không thôi nguyện cầu tổ tiên cứu vớt đứa con đầu đời tội nghiệp của mình. Sau 20 ngày điều trị tại bệnh viện trung ương, vợ chồng ông Dự như quỵ xuống khi nghe tin con phải gánh chịu dị tật do nhiễm chất độc màu da cam từ bố.
Cô bé được xuất viện trở về, không chịu đựng được nỗi đau khi nhìn thấy con gái ngày càng gầy tong teo, da xanh xao, yếu ớt, vợ chồng ông Dự lại đưa con đi chạy chữa khắp nơi. Những tháng năm dài rau cháo qua bữa, cõng con từ bệnh viện này qua bệnh viện khác, van nài bác sỹ cứu chữa, nhưng rồi tới đâu vợ chồng ông cũng phải bế con về trong đau đớn, tuyệt vọng. Cơ thể Nga ngày càng teo dúm lại, chỉ còn da bọc xương, mất khả năng đi lại, cầm nắm.
Năm tháng trôi qua nhưng Nga vẫn mang hình hài của một đứa trẻ, chỉ nặng 17kg, chân tay bị teo dúm lại, co quắp. Mọi hoạt động chỉ nhờ vào cái đầu và bàn tay phải yếu ớt. Sinh hoạt hàng ngày cũng phải nhờ vào bàn tay chăm sóc của bố mẹ và các em. Cuộc sống suốt bao năm qua đối với cô gái bất hạnh chỉ gói gọn qua chiếc radio và song cửa sổ.
Vì gia đình nghèo khó, bố mẹ vất vả nuôi ba người em ăn học nên cũng không có điều kiện đưa Nga đến trường hàng ngày. Nhưng mỗi tối, Nga ngồi học lỏm các em của mình. Nghe em đọc gì, Nga đọc nấy, từ cách đánh vần đến cách đọc, rồi tính toán, dần dần cũng thành thạo cái chữ, con số.
Sau khi những người em trong gia đình lần lượt vào đại học rồi lập gia đình, ngôi nhà nhỏ chỉ còn lại chị Nga với bố mẹ già. Không chịu nổi cảnh hàng ngày phải ngồi một chỗ đếm thời gian trôi qua một cách vô nghĩa, chị quyết định tìm cho mình một công việc gì đó để vừa có thể tận dụng được khoảng thời gian vừa để kiếm tiền, đỡ đần gánh nặng cho gia đình.
Mặc dù đôi tay không lành lặn nhưng Nga lại thích tranh ảnh, thêu vá. Lúc đầu, biết tin trong xã mở lớp dạy mây tre đan, móc sợi, chị cũng mày mò theo học. Nhưng rồi làm chỉ được một thời gian ngắn thì thất nghiệp vì không có thị trường tiêu thụ
Mùa xuân năm 2011, hay tin một người bạn cùng làng đang làm việc tại Hà Nội, thu nhập khá bằng nghề vẽ tranh giấy nên chị điện thoại đến hỏi thăm. Biết tranh giấy chỉ cần khéo léo, cần cù nên chị nghĩ họ làm được thì mình cũng làm được. Họ bình thường khoẻ mạnh thì làm mười, còn mình yếu ớt, tàn tật thì làm năm. Chỉ cần mình có niềm tin và nghị lực thì sẽ thành công. Nghĩ là làm, chị quyết định thuyết phục gia đình, xin ra Hà Nội học nghề vẽ tranh giấy.
Mặc dù cũng muốn tạo điều kiện cho con được vui vẻ bên một công việc gì đó phù hợp với khả năng, nhưng bố mẹ chị Nga lại do dự. Vì gia đình khó khăn nên không có điều kiện đưa con ra Hà Nội học rồi hàng ngày theo sát, chăm sóc con. Nhưng rồi sau một thời gian nghe con thuyết phục, bố mẹ chị cũng gật đầu đồng ý để Nga đi một mình theo đuổi ước mơ.
Sau sáu tháng cần mẫn học tập, cô gái “tí hon” mang theo những trải nghiệm của mình trở về nhà. Chị Nga cần mẫn ngồi cắt những lọn giấy nhỏ, cuốn thành hình tròn rồi dán chúng lại với nhau theo kiểu tạo hình bằng một loại keo thơm phức. Những tác phẩm của chị được treo ngay ngắn khắp tường. Để có thể cho ra những bức tranh theo chủ ý của mình, hàng ngày chị vào mạng tìm những bức tranh đã phác hoạ, rồi gửi người quen ngoài Hà Nội in màu gửi về. Ngay cả những tờ giấy, lọ keo gián cũng phải đặt mua người quen ngoài đó mua giúp.
Thời gian hoàn thành một bức tranh tuỳ thuộc vào đặc trưng của chúng. Những bức tranh có hoạ tiết đơn giản thì chỉ một vài ngày là xong những cũng có những bức tranh cầu kỳ thì có khi 10 ngày đến nữa tháng mới hoàn thành. Giá bán mỗi bức tranh cũng vì vậy mà chênh lệch, có bức bán chỉ 300.000 đến 500.000 đồng nhưng có bức cũng bán với giá hơn 2 triệu đồng.
Vẫn miệt mài với niềm đam mê của mình, chị Nga vừa giới thiệu cách làm tranh giấy vừa ngước mắt nhìn lên những tác phẩm của mình bằng một nụ cười mãn nguyện. Từ ngày mang theo nghề trở về, chị Nga ngày đêm miệt mài với công việc như thể nếu không làm hôm nay thì ngày mai sẽ không được làm nữa. Như thể đó là niềm an ủi, là nghị lực duy nhất mà suốt những năm tháng kiếm tìm, bây giờ chị mới có được.
“Thật ra cuộc đời này còn rất nhiều điều tốt đẹp, đáng sống chứ không phải chỉ có một màu ảm đạm như trước đây tui thường nghĩ. Từ ngày có nghề trong tay, cuộc sống của tui như bước sang một trang mới, bận rộn hơn chứ không phải suốt ngày ngồi thu mình bên song cửa sổ như ngày xưa nữa. Trước đây tui cũng cười nhưng bây giờ tui cười nhiều hơn”, chị cười tươi, chia sẻ về công việc của mình.
|
Sản phẩm tranh của chị Nga. |
Lớp dậy nghề đặc biệt
Với nguyện vọng đem những gì mình đã học hỏi chia sẻ với những mảnh đời đồng cảnh ngộ, chị Nga bắt đầu lên mạng thông báo mở lớp dạy nghề vẽ tranh giấy miễn phí cho những người tàn tật. Chỉ sau hai ngày thông báo trên trang mạng cá nhân, số học viên điện thoại đăng ký học lên đến hàng trăm người. Mới ra nghề, nơi tiêu thụ sản phẩm chưa có, chỗ ở lại chật chội, bố mẹ thường đau yếu nên bước đầu chị mới nhận 10 học viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Các học viên đều có chung số phận như chị, đều không thể chủ động trong việc đi lại mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. Và cũng từ ngày con gái trở thành “giáo viên”, vợ chồng ông Dự vốn đã cực nhọc lại càng thêm vất vả. Những học viên của con gái đều được vợ chồng ông xem như là con cái trong nhà. Ngoài việc hàng ngày chăm lo việc đồng áng, đến bữa, vợ chồng ông Dự lại tất bật lo cơm nước rồi phục vụ tận nơi cho các học viên của con gái mình. Ngay đến việc đi vệ sinh, tắm rửa cũng được ông bà giúp đỡ tận tình, chu đáo.
Hỏi về khoản tiền học phí, tiền sinh hoạt và chi tiêu hàng tháng của học viên, bà Hồ Thị Nhã chỉ cười: “Chúng cũng bất hạnh như con gái mình, hoàn cảnh lại khó khăn nữa thì lấy tiền chúng mần răng cho đành. Mình giúp đỡ họ hôm nay, biết mô sau ni lại có người giúp đỡ con gái mình. Đã làm phúc thì chẳng ai còn nghĩ đến tiền bạc làm gì. Nhìn chúng cười vui là chúng tui vui rồi”.
Việc làm ý nghĩa của chị Nga và gia đình nhận được của quan tâm của chính quyền địa phương. Cũng trong thời gian này, Tỉnh hội nạn nhân chất độc da cam đã ủng hộ số tiền 40 triệu đồng xây căn nhà nhỏ hai gian ngay sát vách nhà chị Nga để hỗ trợ chỗ ăn chỗ học cho những học viên tàn tật.
|
Chị Nga bên người mẹ bị bệnh ung thư. |
Cách đây 5 tháng, bà Nhã phát hiện mình đang mang căn bệnh ung thư vú. Ông Dự vừa gánh vác việc đồng áng, vừa chăm sóc người vợ ung thư, con tàn tật. Đó là chưa kể đến những lúc trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát, ông Dự lại bất lực nằm quằn quại chống chọi nỗi đau. Từ ngày bà Nhã mắc bệnh, những tài sản trong nhà có giá trị cũng dần đội nón ra đi theo những lần bà nằm viện điều trị. Trong thời gian này, những tác phẩn của chị và học viên tạo ra cũng gặp khó khăn vì không tìm được nơi tiêu thụ sản phẩm. Không còn khả năng để trang trải cho việc dạy nghề, cũng không còn người để chăm sóc các học viên đặc biệt, chị Nga đành phải cho học viên của mình nghỉ học một thời gian.
Từ ngày nghỉ dạy, lớp dạy nghề chỉ còn mình chị Nga. Nhưng hàng ngày, người ta vẫn nhìn thấy chị miệt mài, tỉ mỉ cho ra đời những tác phẩm bằng giấy rất đẹp mắt. “Tuy không thể tiếp tục việc dạy nghề nhưng không vì vậy mà tui bỏ cuộc. Tui vẫn phải làm chứ, làm để trau dồi thêm tay nghề sau này còn chỉ dạy cho học viên nữa. Chỉ mong là những tác phẩm của tui sẽ được biết đến nhiều hơn nữa, khi đó sẽ có đầu ra và tui lại có thể tiếp tục dạy nghề cho rất nhiều mảnh đời bất hạnh khác”.