Từ chuyển đổi khai thác rừng non bền vững…
Đất rừng ở bang Alaska (Mỹ) được quản lý bởi bốn nhóm sở hữu sau: Chính phủ Liên bang (51%), chính quyền địa phương (25%), các doanh nghiệp bản địa (24%) và chủ đất (0,4%). Đối với người dân nơi đây, hệ sinh thái rừng mang lại lợi ích kinh tế, xã hội to lớn cho cộng đồng, bao gồm giải trí, du lịch, săn bắn, câu cá, và các hoạt động sinh kế khác. Rừng còn giúp nâng cao chất lượng nước và không khí, cung cấp môi trường sống cho các loài động vật hoang dã và các loài cá, đặc biệt là cá hồi Alaska đã nổi tiếng trong nước và vòng quanh thế giới.
Chính vì những lợi ích to lớn này, vào khoảng những năm 1950 đến đầu 2000, rừng Alaska bị khai thác quá mức nhằm phục vụ kinh tế. Rất nhiều cây cổ thụ bị đốn hạ để lấy gỗ và phải mất nhiều thế kỷ sau đó mới có thể phục hồi trở lại trạng thái sinh trưởng rậm rạp như ban đầu. Từ năm 2016-2025, giới chức trách, các đơn vị khai thác gỗ và cộng đồng sống gắn liền với rừng Alaska đã cùng cam kết chuyển đổi từ khai thác gỗ rừng tự nhiên sang khai thác gỗ non, nhằm giữ gìn và phát triển hệ sinh thái rừng nguyên sinh.
Đối với rừng non, giới chức trách chỉ rõ cần duy trì mật độ cây trồng hợp lý trong rừng, đảm bảo động vật hoang dã vẫn có thể sinh sống và di chuyển bình thường, mà vẫn không ảnh hưởng đến chu kỳ và hiệu quả khai thác.
Ví dụ điển hình là chương trình “Chuyển đổi Rừng Quốc gia Tongass” ở phía Đông Nam bang Alaska. Ngày nay, người đến tham quan khu rừng này có thể bị choáng ngợp bởi hệ cảnh quan sinh thái đa dạng – nơi những tán cây cổ thụ khổng lồ phủ lên các hang gấu, tổ đại bàng, san sát các con suối lớn chảy dài hàng cây số.
|
Duy trì mật độ cây trồng hợp lý trong rừng non, đảm bảo động vật có thể sinh sống và di chuyển bình thường mà vẫn có hiệu quả khai thác. |
Tại đây, mức độ khai thác gỗ đã giảm mạnh từ đầu những năm 2000. Khu vực rừng nguyên sinh tại Tongass có lịch sử cổ đại lâu đời, cũng là nơi trú ngụ của các bộ lạc và cộng đồng bản địa, có ý nghĩa quan trọng phục vụ nghiên cứu bảo tồn sinh học và hệ sinh thái. Bên cạnh đó, rừng non chiếm một phần diện tích không nhỏ trong rừng quốc gia, cung cấp môi trường sống cho rất nhiều loài sinh vật hoang dã, đồng thời hỗ trợ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất bản địa.
Chương trình “Chuyển đổi Rừng Quốc gia Tongass”, được tài trợ bởi Quỹ Rưungf Quốc gia Hoa Kỳ, còn đánh dấu nỗ lực phối hợp của liên minh các cộng đồng địa phương; đặc biệt ở những vùng rừng già hẻo lánh, giao thông khó tiếp cận, nhạy cảm với hoạt động khai thác. Các thành viên bao gồm các hộ kinh doanh bản địa, các tổ chức phi lợi nhuận và các doanh nghiệp địa phương.
Theo đó, Jason Anderson – cán bộ quản lý rừng Tongass, cho biết: “Những đóng góp của của cộng đồng góp phần giúp cân bằng lợi ích của người sử dụng rừng và quản lý đất công. Chương trình giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của Rừng Quốc gia Tongass, cũng như những đóng góp của rừng đối với phát triển kinh tế, xã hội, và cuộc sống của nông dân bản địa.”
|
Cộng đồng Keex Kwaan đã kết nối các chủ sở hữu rừng với các bên liên quan nâng cao nhận thức quản lý rừng. |
Đến nâng cao năng lực quản lý cộng đồng
Một số hoạt động nổi bật còn bao gồm Hội thảo Chuyên đề về Khai thác Rừng non nhằm xác định nhu cầu và giải pháp cho cuộc chuyển đổi rừng Tongass giữa các nhà quản lý và các đơn vị sử dụng, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan. Hội thảo đã cung cấp các Bản kiểm kê Rừng non liệt kê phạm vi và chất lượng rừng non đang phát triển, giúp người dân chủ động khai thác đúng chu kỳ mà không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của hệ sinh thái rừng nói chung.
Vào khoảng cuối năm 2019, Liên minh cộng đồng tại Tongass đã đề xuất khôi phục “Quy tắc không đường xá” ở rừng Alaska. Khi đó, ông Andrew Thoms, chủ tịch của liên minh, cho biết: “Chúng tôi cùng chia sẻ một tầm nhìn toàn cảnh về phương pháp quản lý tài nguyên rừng kiểu mới tại Tongass. Các thành viên trong liên minh đều hào hứng và cố gắng thực hiện những sáng kiến mới nhằm cân bằng mục đích sử dụng và quản lý khu rừng của họ cùng một lúc”.
Đơn cử, Cộng đồng Keex Kwaan đã kết nối các chủ sở hữu rừng với các bên liên quan nâng cao nhận thức quản lý rừng để đáp ứng các mục tiêu về sản xuất nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình Tập huấn Học sinh và Lãnh đạo trẻ của vùng nông thôn Alaska, các thanh thiếu niên đã hỗ trợ khôi phục các dòng suối và cải tạo các khu vực đất lân cận. Mặt khác, các học sinh trường Trung học Sitka đã xây dựng “Ngôi nhà tí hon Tongass” từ những tấm ván gỗ được khai thác từ rừng non địa phương.
|
Học sinh trường Trung học Sitka đã xây dựng “Ngôi nhà tí hon Tongass” từ những tấm ván gỗ được khai thác từ rừng non. |
Điều quan trọng của chương trình “Chuyển đổi Rừng Quốc gia Tongass” là nâng cao nhận thức và mối quan tâm của địa phương về lợi ích của việc khai thác rừng non, hướng đến sử dụng, phát triển và bảo tồn rừng lâu dài. Laurel Stark – đại diện từ Tổ chức tài chính phát triển cộng đồng phi lợi nhuận Spruce Root, cho hay: “Những người dân Đông Nam Alaska hiểu rõ những khu rừng của họ hơn bất kỳ ai khác. Bằng cách đầu tư vào con người, các chương trình hợp tác phát triển lực lượng lao động của chúng tôi giúp nâng cao năng lực của các thế hệ nhà quản lý và lãnh đạo cộng đồng tương lai”.
Định hướng chiến lược của Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ (USFS) cho Alaska xác định các mục tiêu trong ba lĩnh vực chính về sử dụng và quản lý rừng. Thứ nhất là ưu tiên phát hiện và báo cáo các loài xâm lấn phi bản địa và bệnh tật; ví dụ như bọ vân sam, sâu bướm ăn lá, cây có đốm lá… Thứ hai là cần theo dõi “sức khoẻ rừng”, khảo sát tác động của biến đổi khí hậu đối với rừng, đồng thời phát triển các chiến lược, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Cuối cùng là tăng cường thông tin liên lạc giữa các cộng đồng sử dụng, quản lý rừng, giới chức trách cũng như các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp bền vững, lưu giữ các giá trị văn hoá bản địa lâu đời.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu lại không bao gồm chống cháy rừng và hạn chế khai thác gỗ rừng. Đầu tiên, các khu rừng quốc gia ở vùng Alaska chủ yếu là rừng mưa ôn đới hỗn hợp, độ ẩm cao, nên khó thể bị cháy lan nghiêm trọng, khó kiểm soát. Do đó, cháy rừng không phải vấn đề cấp thiết tại vùng này. Còn về hoạt động khai thác gỗ, chương trình “Chuyển đổi Rừng Quốc gia Tongass” chính là đại diện cho nỗ lực và nhận thức của cộng đồng người Alaska về việc sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng bền vững. Kể từ năm 2011, trữ lượng khai thác gỗ rừng tại Alaska luôn luôn nhỏ hơn nhiều so với trữ lượng được phép khai thác ở tiểu bang này.