Những cái chết tức tưởi, không toàn thây của hoạn quan

(PLO) -Lúc sinh thời, các thái giám vì thói tham lam chuyên ăn của đút, lại lắm mưu nhiều kế thao túng triều chính, nên bị quần thần, bách tính căm ghét và cuối cùng phải chuốc lấy họa sát thân.
 Từ Hi thái hậu và các thái giám An Đức Hải (đứng đầu bên trái) Lý Liên Anh (phải)
Từ Hi thái hậu và các thái giám An Đức Hải (đứng đầu bên trái) Lý Liên Anh (phải)

An Đức Hải (1837 – 1869) năm 10 tuổi đã tự tịnh thân vào cung làm Ngự tiền thái giám của hoàng đế Hàm Phong nhà Thanh. Do thông minh lanh lợi lại biết chữ, có thể đọc thông các sách “Luận Ngữ”, “Mạnh Tử” nên rất được Hàm Phong sủng ái, gọi là “Tiểu An tử”.

Ỷ thế Từ Hi, chuốc họa sát thân

Năm Hàm Phong thứ 11 (1861) xảy ra vụ “Chính biến Tân Dậu” là thời cơ để Hải “một bước lên trời”: hoàng đế Hàm Phong trước khi lâm chung có mật chiếu, nội dung: đưa con trai là Tải Thuần kế vị, 8 đại thần do Túc Thuận đứng đầu nhiếp chính, đồng thời trừ bỏ Na La Thị (Từ Hi) do lộng quyền.

Hải đã mật báo nội dung di chiếu cho Từ Hi biết rồi làm chân liên lạc bí mật giữa Cung Thân Vương Dịch Hân với Từ Hi, giúp cho cuộc chính biến thành công tước đoạt quyền hành của đám 8 đại thần do Túc Thuận cầm đầu, nên được Từ Hi thăng làm Tổng quản đại thái giám, trở thành nhân vật hiển hách trong triều. 

Hải nắm thời cơ, can dự cả chính sự triều đình. Mọi dự định của mình, Từ Hi đều bàn bạc với gã hoạn quan tin cậy này. Thậm chí, An Đức Hải chính là kẻ ra sức vạch đường, cổ vũ cho thói ăn chơi hoang phí của Từ Hi.

Sau khi trở thành tâm phúc của Từ Hi, An Đức Hải cậy mình công to, tự cao tự đại, can dự triều chính, chèn ép Cung Thân Vương, gây chia rẽ Lưỡng cung Hoàng thái hậu, tự gây thù chuốc oán với khắp mọi người.

Trước sự lộng hành của An Đức Hải, năm 1866, hai giám quan trong triều đã dâng sớ tố cáo y. Từ Hi ngoài mặt tỏ ra ủng hộ bản tấu, nhưng trong lòng vẫn âm thầm sủng ái Hải. Tương truyền, hai người họ thường nô đùa thân mật, tình tứ trong ngự hoa viên. An Đức Hải còn ngang nhiên vận cả long bào – thứ y phục riêng biệt của hoàng đế - để đi lại trong cung.

Ngay cả Hải Ngọc Như ý – loại ngọc quý biểu trưng cho quyền lực của hoàng tộc - cũng được thái hậu ban thưởng cho y. Thiên hạ bấy giờ bàn tán về thân phận thực sự của An Đức Hải, cho rằng y chỉ đội lốt thái giám để có cớ ở bên, thông dâm cùng Tư Hi, thậm chí, còn có tin đồn hai người có con với nhau. Chưa hết, Từ Hi còn cho phép An Đức Hải cưới Mã Tái Hoa, một cô gái 19 tuổi xinh đẹp làm vợ và gửi quà mừng 1 ngàn lạng bạc, 1 trăm vuông lụa.

Ảnh chụp An Đức Hải
Ảnh chụp An Đức Hải

Ỷ thế Từ Hi, coi thường hoàng đế Đồng Trị, An Đức Hải đã tự chuốc lấy họa sát thân. Năm Đồng Trị thứ 8 (1869), do ở mãi trong cung cấm, An Đức Hải muốn ra ngoài du ngoạn, thừa cơ vơ vét nên lấy cớ chuẩn bị cho lễ đại hôn của hoàng đế, xin Từ Hi cho xuống Giang Nam may long bào, mua sắm đồ dùng cho lễ cưới.

Được Từ Hi cho phép, Hải bất chấp quy định của tiên đế nhà Thanh cấm thái giám ra khỏi cung cấm, dẫn theo một đám tùy tùng, tiền hô hậu ủng ra khỏi kinh thành. Tự xưng là quan Khâm sai, nhưng Hải không có công văn gì, dọc đường lại diễu võ dương oai.

Khi đến Đức Châu, Sơn Đông, bị tri châu Triệu Tân Lập bẩm báo với quan Tuần phủ Đinh Bảo Trinh. Vốn ghét An Đức Hải từ trước nên Đinh Bảo Trinh căn cứ triều quy, cho người bắt giữ rồi hành quyết Hải tại Tế Nam vào ngày 7/8/1869.

Chết không toàn thây

Lý Liên Anh (1848 – 1911) là hoạn quan ở trong cung nhà Thanh suốt 52 năm, từ năm Hàm Phong thứ 6 (1856) đến Quang Tự thứ 34 (1908), là thái giám được Từ Hi thái hậu sủng ái nhất, đồng thời cũng là đại hoạn quan có phẩm vị cao nhất, quyền thế lớn nhất, giàu có nhất, giữ chức lâu nhất triều Thanh.

Xuất thân là kép hát, Lý Liên Anh được cho là rất đẹp trai, hát hay, được Từ Hi sủng ái, tới mức y nói gì, bà ta cũng nghe. Lý Liên Anh sinh ra tự phụ, tự coi mình ngang với chủ. Tương truyền, Lý Liên Anh từng lặn lội đến các kỹ viện có tiếng tại kinh thành chỉ để học một thao tác chải đầu có tên là Ngọc trâm để về cung chải đầu cho Từ Hi khiến căn bệnh đau đầu của Từ Hi đỡ hẳn. Vì thế Lý Liên Anh càng được Từ Hi tin cẩn.

Từ Hi thái hậu cực kỳ sủng ái Lý Liên Anh. Về cuối đời, Lý Liên Anh đã thực sự trở thành một “người bầu bạn” của bà. Các thái giám trong cung đình đều có những hồi ức sinh động về điều này. Các thái giám Lưu Hưng Cầu, Triệu Vinh Thăng, Phùng Lạc Đình... đã kể lại trong sách “Những điều mắt thấy tai nghe trong cung đình Mãn Thanh” như sau: “... Triều đại nhà Thanh có nhiều người trở thành góa phụ.

Tây Thái hậu lúc đó tuy có rất nhiều việc phải làm nhưng xem ra hằng ngày vẫn cảm thấy rất tẻ nhạt, nhàm chán. Khi nhàn rỗi thì bà viết, vẽ hoặc xem hát một chút... nhưng trong lòng vẫn thấy trống rỗng. Người có thể giúp thái hậu xua tan đi cảm giác này chính là thái giám Lý Liên Anh.

Lý Liên Anh trở thành người không thể tách rời thái hậu, luôn theo sát phục vụ bà. Tình cảm giữa hai người vì thế cũng trở nên vô cùng thân mật. Ba bữa cơm một ngày, từ sáng đến tối, họ đều hỏi han nhau những câu như: “Cơm ngon chứ?”.

Đôi khi, thái hậu còn đích thân tới phòng ngủ của Lý Liên Anh: “Liên Anh à, chúng ta đi dạo nhé!”. Có lúc thái hậu lại cho gọi Lý Liên Anh vào buồng của mình, hai người trò chuyện đến tận đêm khuya”. Cũng có những tin đồn về mối quan hệ tình ái giữa hai người trong dân gian, nhưng sau này các nhà nghiên cứu lịch sử đã bác bỏ vì không có chứng cứ gì.

Việc Từ Hy thái hậu ưu ái Lý Liên Anh xuất phát chủ yếu từ ba lý do ở chính con người Lý Liên Anh: Thứ nhất, suy nghĩ chín chắn, phục vụ chu đáo; thứ hai, không tham dự chính sự, không đưa chuyện ra ngoài; thứ ba, am hiểu tâm lý, giỏi làm vừa lòng.

Do tình hình chính trị bấy giờ rối ren, triều đình thối nát, không ít thái giám lợi dụng uy thế của triều đình để làm giàu. Gia tộc của Lý Liên Anh thậm chí còn giàu có hơn cả quý tộc hoàng gia, tài sản của ông khiến người ta phải ghen tị. Lý Liên Anh cũng ỷ thế Từ Hi bức hiếp Quang Tự, đối xử tàn nhẫn, hoàng đế Quang Tự cũng phải nhẫn nhịn.

Sau vụ Mậu Tuất chính biến, Quang Tự bị giam trong một phòng bẩn thỉu, ăn không được no, mặc không đủ ấm, chịu nhục nhã tới khi chết, một phần cũng là do ý của Lý Liên Anh. Thậm chí khi biến loạn, y là người đã đẩy Trân Phi vợ của Quang Tự xuống giếng.

Có thể nói trong những năm cuối triều Thanh có hai thái giam có uy lực nhất đó là Lý Liên Anh và Tiểu Đức Trương (người kế nhiệm của Lý Liên Anh), trong đó Lý Liên Anh là thái giám có dã tâm lớn và quyền lực cuối cùng của Trung Quốc, chức quan cao tới Nhị phẩm (trong khi quy định không quá Lục phẩm).

Lý Liên Anh
Lý Liên Anh

Tháng 10 năm 1908, Từ Hi thái hậu qua đời. Lý Liên Anh như “đứa trẻ mất mẹ”, trở nên lạc lõng, bơ vơ giữa triều đình. Lo xong tang lễ cho Từ Hi, Lý Liên Anh cáo lão với Long Dụ thái hậu, xin xuất cung lui về ở ẩn tại Nam Hoa Viên, là nơi được Từ Hi thái hậu vì sủng ái mà ban tặng khi trước.

Ba năm sau, tức vào ngày 4/3/1911, Lý Liên Anh qua đời, hưởng thọ 63 tuổi. Dẫu rằng, số phận một con người đã khép lại, nhưng những bí ẩn liên quan tới thân thế lẫn phần kết lạ lùng của cuộc đời ông ta thì vẫn luôn là dấu hỏi lớn.  

Năm 1966, khi giới khảo cổ khai quật mộ của Lý Liên Anh ở Ân Tế Trang, thuộc quận Hải Định, Bắc Kinh, mở quan tài ra, ngoài những trân châu, ngọc phỉ thúy, mã não...người ta không khỏi “dựng tóc gáy” vì phần thi thể của thái giám này chỉ có mỗi đầu lâu và một bím tóc dài. Vì sao hài cốt của hoạn quan này lại thiếu mất phần thân? Phải chăng, ông ta đã bị sát hại tới nỗi chết chẳng toàn thây?

Có quan điểm cho rằng, Lý Liên Anh đã bị Long Dụ thái hậu ép phải chết. Riêng số tài sản khổng lồ mà một đời ông ta gom góp, tận thu được đã bị bà đem phát tán khắp nơi. Dẫu vậy, mọi chuyện vẫn kín như bưng, sử sách không hề ghi chép bất cứ chi tiết nào, bởi xét cho cùng, sát hại hoạn quan từng được Từ Hi thái hậu sủng ái hết mực là chuyện kinh thiên động địa trong chốn hoàng cung bấy giờ.

Lại có ý kiến cho rằng, sinh thời, vì thói tham lam chuyên ăn của đút, lại lắm mưu nhiều kế thao túng triều chính, nên Lý Liên Anh bị quần thần bách tính căm ghét. Bởi vậy, rời khỏi hoàng cung chưa được bao lâu, ông ta đã bị kẻ khác vì uất hận mà giết chết. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, sở dĩ hài cốt của Lý Liên Anh mất đi phần thân là do tập tục chôn cất dành riêng cho các thái giám thời bấy giờ.

Theo quan niệm mê tín của người Trung Quốc, khi chôn cất, những phần thi thể không còn đầy đủ bộ phận sẽ là nỗi sỉ nhục với tổ tiên. Theo đó, vong hồn cũng không đủ tư cách diện kiến tổ tông mình nơi chín suối. Thái giám vốn là những người khuyết thiếu bộ phận sinh dục trên cơ thể.

Vì vậy, sau khi qua đời, họ hàng sẽ chỉ lưu lại phần đầu ở mộ chính, phần thân đã bị cắt bỏ sẽ được đem chôn ở nơi khác.

Tuy nhiên, theo ghi chép của sách thời đó cũng như những lời thuật lại của con cháu họ Lý, cái chết của hoạn quan quyền thế này chỉ đơn giản là vì bệnh tật./.

Đọc thêm