* Kỳ 1: Những chiến công oanh liệt của thần Apollo
Tiêu diệt Ephialtes và Otos
Chiến công trừng trị con mãng xà Python của Apollo thật là vĩ đại song cũng chưa thể vĩ đại bằng chiến công trừng trị hai tên khổng lồ Ephialtes và Otos, con trai của Aloeos. Aloeos lại là con của thần Poseidon và nữ thần Iphimedie. Có dị bản kể Poseidon sinh ra Ephialtes và Otos.
Ngay từ lúc còn nhỏ, mới chín tuổi, hai anh em khổng lồ nhà này đã có một sức mạnh phi thường, mình đồng da sắt không gì giết được, thậm chí cả sức mạnh pháp thuật của thần linh. Lớn lên ỷ vào thân hình cao lớn, to khỏe, Ephialtes và Otos đã mưu tính một chuyện cực kỳ liều mạng, ngang ngược. Chúng bê ngọn núi Pelion chồng lên ngọn núi Ossa để leo lên đỉnh Olympus nhằm bắt hai nữ thần Artemis và Hera về làm vợ.
Khi chúng đã vào được thế giới các vị thần. Thần Chiến tranh - Ares xông ra cản liền bị chúng bắt xiềng lại và tống giam vào trong một cái vại bằng đồng. Ares bị giam trong đó 13 tháng trời, sấm sét của Zeus cũng ko làm gì được chúng, cơ bắp của Hercules cũng chẳng xi nhê. Sau đó thần Hermes đã trổ hết tài năng giao tranh với hai tên khổng lồ mới đánh lui được chúng và giải thoát cho Ares.
Đỉnh Olympus của thần Zeus lâm vào một tình thế rất nguy. Nếu không trừ khử được hai tên khổng lồ ngang ngược này thì chắc chắn nữ thần Hera, vợ Zeus và nữ thần Artemis - em của Apollo rơi vào tay chúng. Rồi sau đó, những gì sẽ xảy ra nữa thì đến thần Zeus cũng không tiên đoán nổi.
Thấy tình hình nguy cấp, thần Apollo đứng ra đảm nhận việc trừng trị hai tên khổng lồ kia. Thần giương cây cung bạc của mình lên. Dây cung bật lên những tiếng giận dữ. Những mũi tên vàng rít lên trong gió đâm thẳng vào tim. Hai tên khổng lồ táo tợn, ngạo mạn đã phải đền tội.
Có dị bản kể lại, chiến công này không phải của Apollo mà là của Artemis. Artemis đã hóa thân làm một con hươu cái nhử hai tên khổng lồ. Loáng một cái, nàng chạy vào khoảng cách giữa chúng. Thấy con hươu là mồi ngon hai tên đều phóng lao. Nhưng cả hai ngọn lao đều không trúng con hươu bé nhỏ, trái lại còn trúng vào bụng và ngực Ephialtes và Otos.
Khi xuống thế giới địa ngục của thần Hades, mỗi tên khổng lồ bị trói vào một cái cột, trói bằng những con rắn, đứng đối diện với nhau, một con cú vọ thức suốt đêm, giương đôi mắt tròn xoe xanh lè nhìn chúng và kêu lên những tiếng ghê rợn để cánh gác chúng.
Lột da Marsyas
Trong những hành động trừng phạt kẻ bạo ngược kiêu căng thì có lẽ hành động Apollo trừng phạt tên Silene Marsyas là khủng khiếp nhất, tàn bạo nhất. Marsyas là một Silene - những vị thần tùy tùng của thần Rượu nho - Dionysos, có khi được gọi bằng một tên khác là Satyre.
Chuyện xảy ra phải kể nguồn gốc từ nữ thần Athena. Nàng là nữ thần Trí tuệ và Nghệ thuật, nghĩa là của sự sáng tạo. Chính nàng là người sáng tạo ra cây sáo có tiếng réo rắt, véo von nghe như tiếng chim sơn ca, bạch yến, hoàng yến. Nhưng sau khi sáng tạo xong cây sáo và thổi thử ít bài nàng liền vứt ngay nó đi và nguyền rủa: “Kẻ nào nhặt chiếc sáo này sẽ bị trừng phạt tàn nhẫn”.
Tại sao mà Athena lại có hành động khó hiểu đến như thế? Nguyên do là nữ thần nhận thấy khi mình thổi sáo thì khuôn mặt mất tự nhiên đi. Để có được những âm thanh kỳ diệu, nữ thần phải chúm môi, phồng má... nghĩa là nữ thần mất hẳn đi vẻ đẹp tuyệt diệu của nữ thần, chính vì vậy Athena đã vứt cây sáo đi.
Nhưng Marsyas lại nhặt được cây sáo. Lão không thể biết đến lời nguyền của Athena. Lão đưa sáo lên miệng và mầy mò tập thổi. Lão chẳng quan tâm đến việc khuôn mặt mình mất tự nhiên, xấu đi khi thổi. Cuối cùng Marsyas thổi được sáo và thổi sáo rất hay, ngày càng hay, hay đến nỗi khi tiếng sáo Marsyas cất lên là chim chóc đang kiếm ăn dừng lại lắng nghe, hươu nai đang gặm cỏ trong rừng ngừng ăn, nghênh nghênh chiếc cổ cao lên, dỏng tai tìm nghe tiếng nhạc.
Có con suối nghe tiếng sáo Marsyas lại ngỡ tiếng nói thủ thỉ của bạn mình. Còn rừng cây nghe tiếng sáo của Marsyas như uống lấy mọi âm thanh. Người ta bảo chúng muốn học thuộc những làn điệu Marsyas để khi gió nổi lên là cùng hòa tấu, để truyền dạy lại cho mọi người biết sử dụng một nhạc cụ đơn giản mà lại hay đến như thế.
Danh tiếng của Marsyas lừng lẫy đến nỗi lão sinh ra kiêu căng. Lão tự hào về tài năng của lão song lại mất tỉnh táo đến nỗi cho rằng không một thứ đàn nào có thể hay bằng cây sáo, không một ai có thể biểu diễn một nhạc cụ nào hay bằng lão thổi cây sáo.
Lão nảy ra ý định ngông cuồng thách thức vị thần bảo trợ cho Nghệ thuật và Âm nhạc là Apollo để thi tài. Vị thần này chấp nhận ngay cuộc thi đấu. Các nàng Muses và nhà vua Midas trị vì trên đất Phrygie, được mời làm ban giám khảo. Kẻ thất bại, thua cuộc trong cuộc thi này phải nộp mình cho người chiến thắng.
Cuộc đo tài diễn ra, thần Apollo với cây đàn lyre biểu diễn trước. Khó mà có thể diễn tả được hết phong thái biểu diễn tài hoa chinh phục lòng người của Apollo. Khoác một tấm áo choàng may cực kỳ đẹp đẽ, Apollo cầm cây đàn bước ra đĩnh đạc mà vẫn không mất đi vẻ duyên dáng, tươi tắn. Những tiếng đàn của thần bật lên thánh thót như rót vào lòng mọi người. Ngón tay của thần mềm mại, uyển chuyển lướt đi trên những dây đàn tưởng chừng như những bước chân của các nàng Muses đang xoay, đang lướt đi trên thềm vàng, thềm bạc của cung điện Olympus.
Còn lão Marsyas, con người của rừng núi, quê mùa với cây sáo, dù có trổ hết tài năng cũng không thể nào điêu luyện bằng một vị thần đã từng chỉ huy, dạy bảo cho các nàng Muses xinh đẹp, đầy tài năng, con của đấng phụ vương Zeus. Ban giám khảo bỏ phiếu kín để quyết định người thắng cuộc. Các nàng Muses bỏ cho Apollo, còn vua Midas bỏ cho Marsyas. Cuối cùng thần Apollo là người chiến thắng. Vòng lá nguyệt quế trên vầng trán cao của vị thần dường như lại càng thắm hơn.
Marsyas quỳ xuống nộp mình trước mặt vị thần Apollo. Mặc dù đã giành được thắng lợi vẻ vang song Apollo vẫn không nguôi được nỗi tức giận với Marsyas đã ngạo mạn, kiêu căng dám thách thức một vị thần Olympus thi tài. Apollo treo Marsyas lên một cây thông rồi lột da lão. Tấm da của Marsyas treo trên cây ở gần vùng Celene đất Phrygie như để làm gương cho những kẻ dám to gan lớn mật thách thức cả với thần thánh, muốn hơn cả thần thánh.
Tấm da Marsyas thật kỳ lạ. Người ta kể mỗi khi có tiếng sáo từ đất Phrygie nổi lên, bay đến thì tấm da Marsyas lại chuyển động xốn xang như rung động vì tiếng sáo. Nhưng hễ khi nghe thấy tiếng đàn lyre không biết từ đâu bay đến thì tấm da lại thẳng đưỡn ra, không mảy may chuyển động.
Sau này, thần Apollo đã hối hận vì hành động trừng phạt quá tàn nhẫn của mình. Vì thế, Apollo đã biến Marsyas thành một con sông và trao chiếc sáo của Marsyas cho thần Rượu nho - Dionysos.