Những “chiêu” được mẹ thông thái dạy con tự vệ

(PLO) -Hai trong số những quy tắc tối quan trọng bất kỳ cha mẹ thông thái nào cũng cần dạy con là quy tắc "đồ lót" hay quy tắc "bàn tay". Về cơ bản, đây là việc dạy con ý thức rằng trên cơ thể có những "điểm kín" mà không ai được phép đụng chạm vào, trừ người thân khi vệ sinh cho con. 
Hình minh họa

Hai nguyên tắc "nằm lòng"

Kỹ năng đầu tiên mà cha mẹ cần hướng dẫn trẻ nhận biết về các vùng nhạy cảm, bộ phận sinh dục trên cơ thể và cơ thể chỉ thuộc về của riêng bé. Trẻ có quyền không cho bất kỳ ai chạm vào vùng nhạy cảm hay có hành động vuốt ve, ôm ấp.

Nếu có ai chạm vào, nhất là khi không có người khác bên cạnh thì đấy là hành vi xấu chứ không phải thể hiện tình yêu thương, cần phản đối một cách kiên quyết. Trong những tình huống khẩn cấp, có thể làm bất cứ điều gì để được an toàn như gào to, kêu khóc, cắn... và bỏ đi ngay để thoát thân...

Đó là những nội dung chính của "PANTS Rules" (tạm dịch: quy tắc đồ lót) do một tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con của mình. Cụ thể, P – Privates are private (Riêng tư là riêng tư); A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con); N – No means no (Không là không); T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn); S – Speak up (Lên tiếng).

Còn theo quy tắc "bàn tay" (cách gọi khác là 5 ngón tay), bàn tay được chia làm 5 ngón. Ngón cái thể hiện mối quan hệ thân thiết, ruột thịt của trẻ như cha mẹ: trẻ có thể ngồi gần, ôm chặt, để người thân bế ẵm (cha mẹ ôm con và con vòng tay ôm cha mẹ, nói với con rằng chỉ ôm ấp âu yếm những người thân của mình như cha mẹ, ông bà thôi).

Với ngón trỏ, trẻ có thể nắm tay, gồm những người là họ hàng, thầy cô, bạn bè. Trẻ có thể bắt tay với người quen ở ngón giữa (hàng xóm, bạn bè của cha mẹ...) và vẫy tay với những người không quen biết ở ngón áp út.

Ở ngón út, trẻ sẽ xua tay với những người xa lạ và “đáng ngại” nếu họ đến gần trẻ và có những hành động thân mật. “Đáng ngại” ở đây không hẳn là mặt mũi đáng sợ hay râu ria dữ dằn mà còn nằm ở cảm nhận vốn rất nhạy bén của trẻ. Nếu con cảm thấy sợ hãi hay bất an, cùng với xua tay không cho người lạ lại gần, dạy con hét to và bỏ chạy. Để bé thực hành và ghi nhớ, cha mẹ nên thường xuyên hỏi những mẫu câu như: Nếu chú hàng xóm muốn ôm con con đồng ý không? Một người lạ lại bế hay dắt tay con, con cảm thấy rất sợ, con sẽ làm gì?

Muôn vàn cách dạy con tự bảo vệ của mẹ thông thái

Tuy nhiên, làm sao để bảo vệ con em mình trước những thủ đoạn ngày càng trở nên tinh vi của những "yêu râu xanh"? Câu trả lời là: Hãy dạy cho trẻ cách tự bảo vệ lấy mình, bởi không phải lúc nào người lớn chúng ta cũng có thể ở bên cạnh để theo dõi, để mắt đến bé. Thế nhưng mỗi người mẹ thông thái lại có cách riêng của mình. 

Trên diễn đàn webtretho, một độc giả có nickname matongnghe chia sẻ kinh nghiệm "huấn luyện" con khá hay là: khi tắm cho con, 2 vợ chồng chị luôn dạy con phải tự vệ sinh chỗ kín, ba và mẹ chỉ giúp khi con cần chứ không chạm vào "chỗ riêng tư" của con. Để con nhớ, vợ chồng chị luôn nhắc chỉ có ba, mẹ hay bà ngoại (bà là người hay tắm cho con) mới được chạm vào "chỗ kín" của con, ngoài ra khi có ai khác chạm vào thì con phải thông báo ngay.

"Có 1 lần chị giúp việc tắm xong, tay ôm bé luồn qua háng, vô tình chạm vào chỗ kín, bé đã la lên "Mẹ dặn chị không được chạm vào ch...im em". Thôi coi như là con cũng có ý thức bảo vệ mình ban đầu, từ từ ba mẹ sẽ dạy con" - nickname matongnghe kể.

Cũng đặc biệt quan tâm đến việc dạy con tự vệ từ sớm, chị Tuyết (Khu Đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) tâm sự: "Từ khi con gái 3 tuổi, mình đã dạy con rằng cơ thể là "sở hữu riêng" của con và không ai được phép động vào nếu con chưa đồng ý. Đặc biệt khi cha mẹ không có nhà, con không được tự ý mở cửa cho khách vào dù là người quen biết, mà hãy gọi anh chị hoặc người lớn hơn, hoặc gọi điện cho cha mẹ để thông báo... 

Chị Tuyết nói thêm, không ai nhạy cảm với những biểu hiện bất thường của con tốt hơn mẹ. Vì vậy, khi thấy trẻ tỏ thái độ khó chịu với người quen biết nào đó hoặc nói rằng chúng cảm thấy không thoải mái khi ở một mình với người đó, thay vì trách mắng, phê phán con là hư, hỗn... mẹ nên để ý kỹ xem cách cư xử của người đó với con mình thế nào, hỏi con lý do và tỏ ý sẵn sàng trợ giúp nếu con gặp vướng mắc.

Ngoài ra, cuộc sống sẽ có rất nhiều cạm bẫy mà "yêu râu xanh" hoặc những kẻ đồi bại giăng ra để lừa bịp trẻ. Do đó, cha mẹ cũng cần dạy con thêm một số nguyên tắc sau: Không bao giờ lên xe của một người mà con không biết hoặc cảm thấy không an toàn, cho dù họ có một chiếc xe rất đẹp và cho con quà bánh; La lên “Không” và chạy đi, dù cho người lạ có nói với con rằng ba mẹ đang bị ốm và họ sẽ đưa con về nhà; Không bao giờ bước vào nhà ai vì bất kỳ lý do gì, trừ khi ba mẹ con biết người đó và đồng ý cho con vào nhà họ chơi; Dặn con không mở cửa hay trả lời điện thoại cho người khác biết là đang ở nhà một mình; Thỉnh thoảng sẽ có người dùng Internet để dụ dỗ con, con không được trả lời lại và phải nói với bố mẹ ngay lập tức. 

Không những thế, hết sức lưu ý rằng tuyệt đối không để trẻ một mình với bất kỳ ai, dù họ là bạn rất thân của cha mẹ. Thực tế đã có nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em mà thủ phạm là người thân, bạn bè của cha mẹ, hàng xóm… Hơn nữa, trẻ cần được giáo dục rằng không được chạm vào người khác nếu họ không muốn.

Đọc thêm