Những chuyên án đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới rồi, cơ quan điều tra tội phạm hình sự ở 16 nước trên thế giới đồng loạt hành động bắt giữ hơn 800 phần tử phạm tội thuộc nhiều tổ chức tội phạm khác nhau.
 Nhiều quốc gia đã tham gia vào chuyên án đặc biệt để tấn công tội phạm.
Nhiều quốc gia đã tham gia vào chuyên án đặc biệt để tấn công tội phạm.

Điều được chú ý đến nhiều nhất trong chuyện này không phải ở kết quả cụ thể kia mà ở cách thức điều tra và chính điều ấy khiến cho vụ việc trở thành chuyên án đặc biệt xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử điều tra hình sự của thế giới.

Nó đặc biệt cụ thể trên hai phương diện. Thứ nhất là có đến 16 nước tham gia chuyên án này, tham gia ngay từ đầu với cùng cung cách tiến hành điều tra và cùng hành động cụ thể để kết thúc chuyên án. Trên thực tế, trong khuôn khổ hợp tác song phương cũng như đa phương về đấu tranh chống tội phạm có tổ chức trên thế giới, các quốc gia hợp tác với nhau nhưng chưa khi nào đông đảo như thế này và cũng chưa khi nào hợp tác suốt từ đầu đến cuối vụ án điều tra như thế này.

Thứ hai là cách thức điều tra, cụ thể là chủ động cài phương thức liên lạc được mật mã hóa cho các tổ chức tội phạm sử dụng để theo dõi. Trong thế giới tội phạm có tổ chức, phương tiện liên lạc không phải điện thoại di động hay email hoặc mạng xã hội mà thường là mạng lưới thông tin riêng được mã hoá rất tinh vi để phía cơ quan điều tra không định vị được nơi phát đi tín hiệu và không giải mã được tín hiệu như mạng Phantom Secure, Sky Global, Ciphr hay EncroChat.

Trong chuyên án đặc biệt này, mạng thông tin được sử dụng có tên gọi là Anom (hay AN0M hoặc ANØM). Thiết bị sử dụng các mạng này đều chẳng khác gì một điện thoại thông minh thông dụng, nhưng chỉ những người trong cuộc mới biết cách sử dụng nó.

Chuyện bắt đầu từ tháng 3/2018. Khi ấy, người cầm đầu của mạng Phantom Secure tên là Vincent Ramos bị bắt ở Mỹ với cáo buộc buôn bán ma tuý và bị tuyên án tù 9 năm. Không lâu sau đó, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) được một nguồn nặc danh mời chào thiết bị của mạng thông tin được mật mã hoá với tên gọi là Anom.

Việc này gợi mở cho FBI sách lược là nắm cách giải mã trước và sau đó tìm cách đưa Anom vào lưu hành trong thế giới tội phạm có tổ chức để rồi qua đó theo dõi như thể cài cắm được tay trong vào các tổ chức tội phạm ấy.

Đầu tiên, cảnh sát tìm cách “cho không” 50 thiết bị sử dụng mạng Anom vào thế giới tội phạm có tổ chức ở Australia và phối hợp với nhiều nước tiến hành chiến dịch “quảng bá, tiếp thị” cho thiết bị và mạng này để làm cho thế giới tội phạm có tổ chức tin rằng Anom là mạng an toàn nhất, được mã hóa khó giải và khó phá nhất. Nhu cầu về thiết bị Anom tăng vọt sau khi cảnh sát lần lượt phá vỡ những mạng thông tin như EndroChat hay Sky Global.

Cho tới tháng 3 năm nay, cơ quan cảnh sát ở 16 nước có được hơn 20 triệu thông tin liên lạc giữa các phần tử và tổ chức tội phạm ở 20 quốc gia trên thế giới thông qua thiết bị này. Cũng trong tháng 3 năm nay, cảnh sát nhận thấy cần phải “cất vó” ngay sau khi có một người sử dụng blog với nickname là Canyouguess67 viết trên trang WorldPress cho rằng mạng Anom không an toàn như quảng cáo và đưa ra chứng cứ xác thực.

Chuyên án đặc biệt này được cảnh sát kết thúc bằng cuộc bắt giữ đồng thời nói trên. Nó đi vào lịch sử đấu tranh chống tội phạm có tổ chức trên phạm vi thế giới, bắt giữ được rất nhiều tội phạm và làm nhụt chí tội phạm trong việc tiếp tục sử dụng mạng thông tin được mật mã hóa để tránh sự truy quét của phía cơ quan điều tra.

Đọc thêm