Phụ huynh sợ bị lừa…
Đó là trường hợp mà bạn Nam (sinh viên Trường ĐH Bách khoa) đã gặp khi cùng các “cộng sự” làm xe ôm miễn phí ở bến xe Giáp Bát. Theo lịch trình, các bạn đang đứng chờ những gia đình đã đăng ký được giúp đỡ trong kỳ thi đợt 1 của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Bỗng có một người phụ nữ “tay xách, nách mang” đồ đạc lỉnh kỉnh, ngơ ngác cùng một cô bé trông rất rụt rè. Thấy thế, Nam và một số bạn đã chạy lại. Thế nhưng, người phụ nữ trạc ngoài 40 ấy lại từ chối sự giúp đỡ.
“Khi thấy chúng tôi tiến lại, cô ấy kiên quyết từ chối, bảo không biết chúng tôi là tình nguyện thật hay là lừa đảo. Vì trước khi đưa con đi thi, cô ấy đã được nhiều người dân trong làng bảo rằng ngoài Hà Nội dễ bị lừa lắm. Nhất là mùa thi cử. Từ xe ôm cho đến ăn uống, ngủ nghỉ”, Nam kể lại.
Phải đến khi nhóm Nam đem các “bằng chứng” chứng minh là tình nguyện viên, người phụ nữ bé nhỏ ấy mới tin tưởng, để các bạn chở hai mẹ con về địa điểm thi. Trong câu chuyện chia sẻ lúc đi đường mới biết gia đình cô rất khó khăn. Việc nuôi con học hành là cả một sự cố gắng. Ra Hà Nội, cô đã phải bán mấy tạ thóc và con lợn nái (nguồn thu nhập chính của gia đình). Vì thế, cô không thể để bị lừa. Việc cô có phản ứng mạnh khi thấy các bạn đến giúp đỡ cũng là lẽ đương nhiên.
Hôm sau, theo lời hẹn, Nam cùng các bạn trong đội đến đón để đưa con cô Mười đi thi. Tuy nhiên, họ không gặp được vì mẹ con cô đã tự đi làm thủ tục thi. Liên lạc với cô, Nam mới biết vì ngại phiền tới các bạn và muốn tiết kiệm chi phí 2 mẹ con cô đã cuốc bộ từ nhà trọ đến địa điểm thi gần 5km trong thời tiết oi và nóng.
Chỉ biết trông cậy vào lòng tốt của những người xa lạ
Đó là trường hợp của 3 thí sinh người Hậu Lộc (Thanh Hóa). Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em phải tự mình “lều chõng” ra Hà Nội đi thi. Với chi phí ít ỏi, trong tay chỉ có không đầy triệu bạc, các em rất lo sợ.
Người thứ nhất là em Phạm Thị Xuyên (quê Hòa Lộc, Hậu Lộc). Bố mất từ khi em còn rất nhỏ, em là con út trong gia đình có 5 chị em. Chuyện lo cho em ăn học đã là “gánh nặng” với gia đình. Vì không có điều kiện “khăn gói theo con lên đường” nên mẹ Xuyên đã điện nhờ Hội Thanh niên Hậu Lộc ở Hà Nội, “giao phó” con em mình cho những người xa lạ.
Hai trường hợp còn lại là em Hoàng Văn Thắng (Mỹ Lộc, Hậu Lộc) và Nguyễn Văn Tú (Văn Lộc, Hậu Lộc). Cũng vì hoàn cảnh kinh tế gia đình eo hẹp nên người nhà các em không thể theo chân con ra Thủ đô. Các em phải tự mình “vật lộn” với kỳ thi.
“Sau khi chúng tôi tới hỏi thăm và tìm nhà trọ cho các em, tìm được gia đình cô Nguyễn Thị Tầm là chủ nhà trọ Tầm Vĩnh, thôn Nguyên Xá, Minh Khai, Hà Nội. Chúng tôi cho cô biết về chương trình của mình. Mặc dù không phải là con em trong huyện nhưng cô chú rất vui vì sự nhiệt tình của đội mình nên cô chú chủ nhà trọ chỉ lấy mỗi em 90.000đ tiền phòng+điện nước trong suốt mấy ngày thi” - bạn Vũ Văn Xuân, tình nguyện viên nhớ lại.
Nói về việc mình được giúp đỡ trong đợt thi vừa qua, Xuyên xúc động: “Trong những ngày thi vừa qua, cũng may chúng em gặp được những người tốt như anh Xuân, gia đình cô Tầm. Mặc dù chỉ là những người xa lạ nhưng chúng em - những người nông dân lần đầu ra phố đã cảm nhận được hơi ấm của tình người. Đây sẽ là động lực để em tiếp tục vượt qua những khó khăn phía trước. Em thật lòng cảm ơn cô chú và các anh chị nhiều lắm!”.