Những năm qua, với phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM”, lực lượng vũ trang (LLVT) đã chung tay, phối hợp đưa nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cán đích NTM.
Những con đường “Bộ đội cụ Hồ”
Hiện nay, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên đang dẫn đầu cả nước và hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM với 133/133 xã, 11/11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, trong đó có 31 xã NTM nâng cao. Huyện Xuân Lộc được chọn là một trong bốn đơn vị cấp huyện cả nước xây dựng NTM kiểu mẫu. Thành quả này là sự chung tay nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có LLVT tỉnh.
Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hàng trăm đợt công tác dân vận tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp dân làm đường giao thông nông thôn; xây dựng, trao tặng nhà tình thương, nhà đồng đội; khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường nông thôn sạch đẹp, đô thị văn minh.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức 247 lượt dân vận tại các xã, phường, thị trấn, thu hút trên 250.000 lượt cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tham gia.
Thông qua các đợt dân vận, bộ đội đã nâng cấp, sửa chữa 253km đường giao thông nông thôn, nạo vét hơn 130km kênh mương nội đồng, vớt hàng ngàn tấn rác thải, góp phần làm cho môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; cấp thuốc cho gần 3.400 lượt người; huy động 210.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tại các địa phương trong tỉnh...
Về các huyện vùng xa, vùng khó khăn của Đồng Nai như Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ và một số xã vùng xa thuộc TP Long Khánh, nhiều tuyến đường nông thôn mới dù có tên đường cụ thể nhưng người dân vẫn gọi với cái tên thân thương là “Đường bộ đội Cụ Hồ”, như cung đường mang tên “Đường ấp 18 hộ gia đình” của xã Bảo Vinh (TP Long Khánh), được người dân quen gọi là “Đường Bộ đội Cụ Hồ”.
Cung đường này có chiều dài hơn 850m do LLVT của xã và TP Long Khánh vận động xây dựng. Con đường được bê tông hóa khang trang sạch đẹp là mồ hôi, công sức của toàn thể cán bộ, chiến sĩ LLVT TP Long Khánh.
Các tuyến đường “ấp Cây Cầy”, ấp 4, 5, 6 xã Phú Lý; ấp 2, 7 xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu); ấp 8, xã Long An (huyện Long Thành)… đều được bà con gọi cái tên thân thương “Đường Bộ đội Cụ Hồ”. Tại xã Phú Lý, toàn bộ gần 2,5km đường các ấp trong xã, trong đó có 1,2km thuộc ấp 4 đều do bộ đội về hỗ trợ người dân làm đường.
Không chỉ có đường khang trang, cả 161 hộ dân tộc Chơ Ro của xã hiện có đời sống ổn định, có nhà cửa kiên cố, không còn hộ nghèo cũng nhờ chủ trương hỗ trợ xây dựng làng dân tộc bền vững với sự hỗ trợ giúp sức của các cán bộ, chiến sĩ.
Triển khai các mô hình “chung sức”
TP HCM đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tất cả 56 xã và năm huyện ngoại thành đều đạt chuẩn NTM, đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập của người dân được nâng cao theo hướng bền vững. Để góp phần cùng TP hoàn thành mục tiêu, BĐBP TP HCM đã thực hiện các mô hình “chung sức”.
Quá trình xây dựng NTM ở huyện Cần Giờ gặp nhiều khó khăn hơn so với các huyện khác của thành phố, do vậy, Bộ Chỉ huy BĐBP TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng đứng chân tại đây phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh...
Trên tuyến biên giới biển của huyện Cần Giờ, trong 10 năm tham gia xây dựng NTM, BĐBP TP đã huy động 6.725 ngày công và gần 13 tỷ đồng để xây dựng công trình dân sinh, giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội; trồng hơn 22.000 cây xanh trên các tuyến đường giao thông nông thôn và rừng ngập mặn; tổ chức 9 lớp học tình thương, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục cho 157 học viên; phối hợp mở 4 lớp học vi tính cộng đồng, một lớp dạy nghề cho 165 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và học sinh; nhận đỡ đầu 52 học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Những công trình, việc làm này đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn của huyện Cần Giờ có nhiều chuyển biến.
Những năm qua, Quân đoàn 3 là một trong những đơn vị tích cực thực hiện Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng NTM”. Chỉ tính riêng năm 2018, ngoài 7 xã thuộc 4 huyện được UBND tỉnh Gia Lai đề nghị đơn vị giúp xây dựng NTM, quân đoàn còn xác định thêm 28 xã, phường thuộc 9 huyện, thành phố trên địa bàn nằm trong diện giúp đỡ xây dựng NTM.
Qua đó, quân đoàn huy động hơn 21.000 ngày công lao động, làm mới 8km đường bê tông, sửa 40,65km đường giao thông, nạo vét 24,5km kênh mương, sửa và xây mới 40 nhà ở. Các đơn vị của quân đoàn đóng quân ở tỉnh Kon Tum và Đắk Lắk cũng chủ động tham gia hàng nghìn ngày công lao động giúp nhân dân xây dựng NTM.
Điều đáng nói là những hoạt động giúp dân xây dựng NTM viết nên những câu chuyện đẹp thể hiện tình cá nước quân dân.
Như năm 2018, Tiểu đoàn 21 Bộ Tham mưu, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ di dời 42 căn nhà sàn nặng từ 2 đến 6 tấn với quãng đường hơn 100m ở thôn Bi Yông, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Với sức mạnh đoàn kết quân dân, bộ đội và nhân dân đã di dời thành công 42 ngôi nhà sàn của 38 hộ dân.