Đường địa phương tăng gần 90% sau 10 năm
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), tính đến tháng 5/2019, hệ thống đường bộ cả nước dài 630.200 km, tăng 87,12% so với 2010 (dài 336.792 km). Ngoài quốc lộ và cao tốc, hệ thống đường địa phương tăng 89,1% so với 10 năm trước (từ 319.569 km lên 604.324 km).
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh, nhiều công trình giao thông nông thôn được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và được thực hiện bảo trì thường xuyên.
Giai đoạn 2010-2019 cả nước xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì sửa chữa 345.897 km đường, 31.364 cầu, 125.639 cống; giảm sâu số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã từ 140 xã năm 2010 xuống còn 13 xã năm 2019; tăng tỉ lệ cứng hóa các loại đường giao thông nông thôn từ 37,9% năm 2010 lên 68,69% năm 2019.
“Số xã đạt tiêu chí về đường giao thông nông thôn đạt 63,2%, vượt kế hoạch trước 1,5 năm so với mục tiêu đặt ra trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tiêu chí giao thông nông thôn về đích trước hạn 1,5 năm”, ông Tuấn cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hệ thống giao thông nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn; cả nước hiện vẫn còn 13 xã chưa có đường ô tô đi đến trụ sở UBND; 101 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được 4 mùa; nhiều xã đường chưa được cứng hóa lớp mặt, nên việc đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa, lũ.
Nhu cầu về vốn tiếp tục là thách thức đối với việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn.
Theo Bộ GTVT, khu vực nông thôn, nhất là miền núi có địa hình phức tạp, chia cắt, độ dốc lớn, núi cao, sông suối nhiều, mật độ dân cư thưa, diện tích tự nhiên lớn, chiều dài các tuyến đường lớn nên nhu cầu về vốn lớn, không chỉ vốn xây dựng những tuyến đường mới mà còn vốn bảo dưỡng, bảo trì sửa chữa lớn. Trong khi đó, ngân sách của địa phương eo hẹp, thu nhập của người dân những khu vực này còn thấp.
“Khu vực trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa hải đảo đạt tỉ lệ thấp một phần do điều kiện tự nhiên, nhưng cũng có những nơi chưa nhận được mức độ quan tâm phù hợp. Một số nơi sử dụng nguồn vốn được giao chưa hiệu quả, có nơi được giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình giao thông nông thôn nhưng để chất lượng đầu tư xây dựng hạn chế, công trình xuống cấp nhanh chóng sau khi đưa vào sử dụng”, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay.
Địa phương cần chủ động, không phụ thuộc vào ngân sách
Bà Trần Thanh Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, giai đoạn 2010-2019, tổng các nguồn vốn được huy động dành cho giao thông nông thôn là 366.246 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Bộ huy động để triển khai các chương trình đề án, dự án về giao thông nông thôn là 12.707 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, vốn đối ứng của Chính phủ và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân bằng hình thức xã hội hóa.
Nguồn vốn do các địa phương huy động là 353.539 tỷ, gồm 324.006 tỷ vốn đầu tư xây dựng từ các nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp các địa phương, vốn ngân sách địa phương, vốn ODA của các địa phương, vốn xã hội hóa qua sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, huy động từ nhân dân và hơn 29.530 tỷ vốn bảo trì, từ nguồn của các địa phương cân đối bố trí, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, vốn bảo trì hệ thống đường thủy nội địa.
“Thực tế cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, việc phát triển giao thông nông thôn ở không ít tỉnh chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của Trung ương”, bà Thuý cho biết.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, bên cạnh nguồn vốn ngân sách và các nguồn khác của địa phương; các địa phương cần làm tốt hơn công tác vận động nhân dân và xã hội hoá đóng góp cho việc phát triển giao thông nông thôn. Công tác này đòi hỏi hệ thống chính trị, các cơ quan mà trực tiếp là các địa phương cần có phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp.
Việc thực hiện xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bởi địa phương nào quan tâm thì thực hiện phong trào tốt tất cả các mặt, từ huy động vốn, xã hội hoá vốn đầu tư, quản lý bảo trì, công tác giám sát chất lượng của nhân dân, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng…
“Nhiều điển hình tiên tiến tại các địa phương như ở tỉnh Đồng Tháp có 2 người đã vận động nhân dân đóng tiền xây cầu tổng trị giá 20 tỷ đồng, hay như ở Hưng Yên có 2 cá nhân ủng hộ 5,5 tỷ đồng xây đường, ở Tuyên Quang cũng vận động các gia đình trong thôn hiến đất xây đường… Có thể thấy, việc huy động các nguồn lực và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành vận động nhân dân các địa phương đều đã thực hiện tốt nhưng còn cần triển khai tốt hơn nữa”, ông Thể nhìn nhận.
Ông Thể cũng yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ GTVT cụ thể hoá các tiêu chí về giao thông nông thôn nhằm mục tiêu để giao thông nông thôn không còn là điểm nghẽn hạ tầng mà phải là điều kiện để phát triển kinh tế vùng. Đặc biệt, điều chỉnh tiêu chí này nhằm tránh tình trạng “bệnh thành tích khi đường không đảm bảo yêu cầu mà vẫn đưa vào báo cáo để được công nhận nông thôn mới”.
Bài học về dựa vào sức dân
Mới đây, dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 của Hải Phòng, Thủ tướng đánh giá Hải Phòng đã thành công trong việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong tổng nguồn lực huy động gần 47 ngàn tỷ thì có tới 45% là huy động từ xã hội.
“Việc huy động ngày công, việc đóng góp đất của nhân dân tính ra gần 1.000 tỷ, trong đó có hộ đóng góp 7 tỷ, có hộ 1 tỷ, có hộ 1-2 triệu đồng tùy hoàn cảnh, thu nhập. Hình ảnh Nhà nước và nhân dân cùng làm trong phát triển hạ tầng rất đáng trân trọng”, Thủ tướng nói.
Đây là bài học chung về dựa vào sức dân. Trong huy động, Hải Phòng đã phát huy dân chủ, không gò ép, không nợ nần, từ tinh thần tự nguyện của người mà làm các việc lớn.