Những đám giỗ ngày cận Tết

(PLO) - Những ngày cận Tết Nguyên đán hàng năm, khi người người nhà nhà bận rộn với việc mua sắm tết, chọn đồ Tết hoặc chúc Tết…, có những gia đình lặng lẽ làm đám giỗ người thân hy sinh vào mùa xuân Mậu Thân 1968. 

Hai chú cháu hy sinh cùng ngày 

Năm nào cũng thế, cứ vào 25/1 Dương lịch (khoảng trước hoặc sau Tết Nguyên đán) thì gia đình bà Nguyễn Thị Huệ (trú tại Hưng Đông, TP.Vinh, Nghệ An) lại làm đám giỗ cho hai liệt sỹ là liệt sỹ Nguyễn Văn Nhợi và Nguyễn Tất Đạt. 

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1968, sau khi huấn luyện xong, anh Nguyễn Văn Nhợi ra chiến trường, cũng trong năm 1968, cháu của liệt sỹ Nguyễn Văn Nhợi là Nguyễn Tất Đạt cũng ra trận.

Hai chú cháu ở hai chiến trường khác nhau. Anh Nguyễn Văn Nhợi nằm lại chiến trường trong Chiến dịch mùa xuân 1968 ngày 25/1/1968. Năm 1972, anh Nguyễn Tất Đạt hy sinh. Cùng trong năm 1972, ông Nguyễn Văn Đợi (bố của liệt sỹ Nhợi, ông liệt sỹ Đạt) liên tục nhận hai giấy báo tử dẫn đến suy sụp tinh thần, đổ bệnh. 

Bà Huệ lau chùi hai tấm bằng Tổ quốc ghi công hai chú cháu để chuẩn bị giỗ những ngày cận Tết
 Bà Huệ lau chùi hai tấm bằng Tổ quốc ghi công hai chú cháu để chuẩn bị giỗ những ngày cận Tết

Bà Huệ là chị dâu của liệt sỹ Nguyễn Tất Đạt, gọi liệt sỹ Nguyễn Văn Nhợi là chú, lúc lấy chồng về được thời gian thì nghe tin chú Nhợi mất, nhưng vẫn chưa tìm thấy mộ. Mới gặp mặt vài lần chú đã ra trận, chỉ biết chú chiến đấu ở mặt trận phía Nam. 

“Từ ngày ra trận đến ngày nhận được giấy báo tử, chú Nhợi chỉ kịp ghé qua nhà một lần khi tranh thủ tạt ngang thăm bố. Giấy báo gửi về mới biết, chú ra trận và mất ngay trong năm 1968, nhưng mãi tới năm 1972 mới nhận được giấy báo tử. Năm 1993, nghe tin chú có lần chiến đấu tại Vĩnh Phúc, gia đình đã liên lạc và tìm thấy mộ của chú và xin cất bốc về nghĩa trang liệt sỹ thành phố để tiện hương khói chăm sóc…”, bà Huệ cho biết. 

Điều đặc biệt là cả hai tấm giấy báo tử của chú cháu liệt sỹ Nguyễn Văn Nhợi và  Nguyễn Tất Đạt đều hi sinh cùng ngày 25/1 chỉ khác năm là 1968 và 1972. Vì thế, hằng năm hai chú cháu được gia đình làm chung đám giỗ vào ngày 25/1 dương lịch. Đến nay, gia đình đã nỗ lực tìm kiếm nhưng mộ của liệt sỹ Nguyễn Tất Đạt vẫn chưa thấy. Tết nào cả nhà cũng trăn trở chưa được hài cốt chú Đạt đưa về đoàn tụ với gia đình…
Nhớ người chị gái...
Cũng như gia đình và Huệ, ngoài việc sắm sửa Tết, gia đình ông Phan Hữu Lệ (trú tại phường Hưng Bình, TP.Vinh), cũng lặng lẽ làm mâm cúng giỗ liệt sỹ Phan Thị Loan (SN 1947), chị gái ông Lê. Liệt sỹ Phan Thị Loan hy sinh ngày 23/1/1968 là thanh niên xung phong đang thuộc đơn vị 322, chiến đấu tại “tuyến lửa” cầu Cấm (Nghi Lộc, Nghệ An). 

Theo lời ông Lệ, chị Loan dáng cao gọn, tính hiền lành và rất thương em. Năm 1965, lúc đó ông Lệ mới 11 tuổi chị gái đã nhập ngũ, ngày 23/2/1968, trong lúc chiến đấu chị Loan bị bom địch cướp mạng sống. Cuối năm gia đình mới nhận giấy báo tử chị. Ông Lệ cho biết, trước Tết Mậu Thân 1968 chị Loan có ghé qua nhà thăm bố mẹ và các em, chị có nói nếu bình yên sẽ về ăn tết cùng gia đình. 

Kỷ vật duy nhất của liệt sỹ Phan Thị Loan
 Kỷ vật duy nhất của liệt sỹ Phan Thị Loan

“Cả nhà mừng lắm, tui rất thích lương khô, chị Loan nhường hết phần lương khô cho tui ăn rồi vội vàng lên đường, chị hứa Tết sẽ mang về nhiều hơn. Thế rồi, chị đi chẳng bao giờ về nhà thêm một lần nào nữa…”, ông Lệ cầm trên tay di vật duy nhất của chị gái, dụi mắt nhìn ra xa. 

Cuốn sổ bìa da nâu của Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam – TNXP bé bằng lòng bàn tay là thứ duy nhất chị Loan để lại, với những dòng chữ ghi tên tuổi, ngày tháng nhập ngũ và đơn vị chiến đấu đã nhàu nát vì thời gian và bom đạn… 

Ông Phan Hữu Lệ lục tìm những ký ức về người chị gái
 Ông Phan Hữu Lệ lục tìm những ký ức về người chị gái

Hài cốt của liệt sỹ Phan Thị Loan được an táng tại nghĩa trang thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc), sau này, gia đình ông Lệ đã xin được đưa phần mộ của chị gái về nghĩa trang thành phố Vinh để chăm sóc cho tiện. Từ đó, cứ đến ngày Tết hằng năm ông và con cháu lại ra thắp nén hương mời chị về ăn Tết, đám giỗ được tổ chức trước hoặc sau Tết tùy vào lịch hàng năm. 

Đâu đó trên đất nước Việt Nam này còn những người đang đi tìm phần mộ của bố, của anh, của chị mình hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Những gia đình như ông Lệ, như bà Huệ… tổ chức đám giỗ trong những ngày cận tết Nguyên đán không ít. Những nén hương nghi ngút cháy trong những ngày này, để tưởng nhớ tới những người vì Tổ quốc quên mình, anh dũng chiến đấu ngay cả trong những ngày Tết dân tộc... Những người đã thành bất tử.

Đọc thêm