Kiêng nói gở, làm rơi vỡ đồ dùng
Người xưa quan niệm việc rơi vỡ đồ báo hiệu sự chia lìa, tan vỡ gia đình. Đó là điều không ai muốn xảy ra trong ngày lễ Tết. Vì vậy, vào ngày Tết phải cẩn thận không được bất cẩn, làm hư hỏng đồ đạc trong gia đình.
Lời nói đầu năm sẽ ảnh hưởng tới cả năm. Vì vậy tránh nhắc đến những từ ngữ mang ý nghĩa tiêu cực trong các cuộc đối thoại hàng ngày như “đổ vỡ”, “bệnh tật”, “ốm đau”, “nghèo đói”, “mất mát”… Thay vào đó, bạn nên nói những lời hay ý đẹp với hàm ý mong những điều tốt đẹp nhất cho mọi người.
Kiêng quét nhà, đổ rác
Theo tín ngưỡng dân gian, nếu quét nhà và đổ rác những ngày đầu năm mới Thần Tài sẽ đi mất, tiền bạc không thể đến với gia đình. Bởi vậy, trước 30 Tết, mọi nhà đều dọn dẹp sạch sẽ để tránh quét dọn, đổ rác trong 3 ngày đầu năm. Nhưng thực tế, cùng với việc đón tiếp khách, nhất là tổ chức ăn uống tại nhà, không thể không dọn dẹp lại, cũng như đổ rác.
Một số nơi nghĩ ra mẹo, không quét hất ra cửa, mà quét vào trong để đỡ... "mất lộc" hoặc quét dồn vào một chỗ, sau những ngày Tết mới hốt đổ đi. Kiêng kỵ để mong may mắn trong năm mới là điều dễ hiểu, song việc bẩn phải dọn, rác đầy phải đổ... là chuyện bình thường, không cần thiết phải kiêng quá đà để rác chất đống trong nhà 3 ngày liền, gây mất vệ sinh, bệnh tật...
Kiêng cho lửa, nước
Theo quan niệm của người Việt, lửa có màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Nên cho người khác lửa trong ngày Tết tức là cho đi sự may mắn của bản thân mình. Nước được xem như tài lộc, tiền bạc nên cho người khác nước thì năm đó được xem như không giữ được tiền bạc, của cải. Vì vậy, ngày Tết, người ta kỵ xin và cho nước cũng như lửa.
Kiêng vay mượn hoặc đòi nợ đầu năm
Vay mượn tiền bạc, đồ đạc của người khác trong ba ngày đầu dịp Tết là điều vô cùng tế nhị bởi như vậy là lấy đi tài lộc của người khác, khiến họ túng thiếu cả năm. Ngoài ra, đòi nợ cũng là điều cấm kỵ trong ngày đầu năm mới.
Điều này thì không chỉ trong ngày Tết mà ngay cả những ngày đầu tháng, người Việt cũng kiêng không cho mượn tiền. Người ta tin rằng, cho mượn tiền ngày đầu năm giống như đang đưa hết gia tài, tài lộc của mình vào tay người khác. Từ đó, gia đình sẽ túng quẫn, thiếu hụt cả năm.
Kiêng ăn những món không may, để rỗng hũ gạo
Tùy theo quan niệm từng vùng miền mà có rất nhiều món ăn mang ý nghĩa không đem lại may mắn như thịt chó, thịt vịt, cá mè, ốc, mự.. Thậm chí một số nơi còn kiêng ăn tôm vì tôm đi giật lùi, sợ công việc cả năm sẽ chỉ lùi chứ không tiến. Tương tự, trong phong thuỷ, những vật chứa mang ý nghĩa tốt lành, vận may thì không được để trống rỗng. Vậy nên, để rỗng hũ gạo ngày đầu năm được cho sẽ không may mắn, cả năm thiếu thốn.
Kiêng cắt tóc, động tới dao kéo, sử dụng kim chỉ
Người xưa quan niệm, vào dịp đầu năm mới, không nên cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể mình. Bởi cắt là mất, khiến ta gặp chuyện không may hoặc ốm đau. Việc may vá trong năm mới được dân gian quan niệm rằng sẽ khiến gia chủ gặp khó khăn, vất vả. Thậm chí có quan niệm, nếu phụ nữ có thai dùng kim chỉ trong ngày mùng 1 Tết sẽ sinh con có mắt dẹt như cây kim.
Tương tự, dao kéo là những vật mang sát khí, bởi vậy nên hạn chế đụng vào trong những ngày đầu năm. Đặc biệt, vào ngày mùng 1 nên tránh dùng các vật có đầu sắc nhọn như dao, kéo bởi những vật này có thể cắt đứt lương duyên cũng như tài vận, tuổi thọ của gia chủ.
Hạn chế tiếng khóc, cãi nhau
Theo quan niệm, tiếng khóc tượng trưng cho nỗi khổ, niềm đau. Với quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt” người ta tin rằng những ngày đầu năm vui vẻ thì cả năm sẽ toàn chuyện vui, ngược lại, đầu năm mà khóc là cả năm toàn chuyện buồn. Vì vậy mới có chuyện, mùng Một, mùng Hai, mùng Ba những đứa trẻ có làm nũng mấy thì người lớn cũng ráng chiều theo ý để không có tiếng khóc trong nhà.
Trong ngày Tết, các gia đình cũng hạn chế lớn tiếng cãi nhau vì như tế sẽ khiến một năm nhiều cãi vả. Ngược lại ngày đầu năm người ta gặp nhau lúc nào cũng vui vẻ tươi cười, ắn nói nhẹ nhàng để hy vọng một năm êm ấm.
Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.