Những gia đình gắn bó với biển và cây rong biển

(PLVN) - Nghề khai thác và nuôi trồng rong biển ở Việt Nam được đánh giá là triển vọng kinh tế rất lớn, đem lại nguồn thu nhập khá và góp phần lớn vào việc làm thay đổi cuộc sống của người dân. Nhận thức được tiềm năng lớn đó từ rong biển, dù gặp bao khó khăn, vất vả nhưng nhiều hộ dân vẫn quyết tâm bám trụ với cây rong biển từ đời này sang đời khác.
Thu hoạch rong biển (ảnh VnXpress)

Nối nghiệp nhau với nghề thu mua rong biển

Sinh ra và lớn lên tại làng chài ven biển Sơn Hải, thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Từ nhỏ đến lớn chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (32 tuổi) đã quá quen thuộc với cây rong biển. Bởi gia đình chị chính là một đầu mối thu mua rong biển gần như lớn nhất ở khu vực này. Hiện vợ chồng chị Trinh cũng đang tiếp tục nối nghiệp này của gia đình.

Theo lời chị Trinh, ba má chị làm nghề thu mua rong biển từ những năm 1996. Họ thu mua rong nhỏ lẻ và mang đến chợ đầu mối để bán. Nhưng từ năm 2007 đến nay, khi nhu cầu về rong biển gia tăng, gia đình chị đã thành lập được một cơ sở thu mua rong sụn gần như lớn nhất ở đây.

Hàng ngày, chị và gia đình phân công nhau đi thu mua, gom rong sụn ở khắp nơi như Sơn Hải, Thanh Hải, Cà Ná. Rong mang về cơ sở sẽ được các nhân công tiến hành giặt rong thật sạch, phơi khô. Công việc này khá đều đặn nên các nhân công mỗi tháng cũng được hưởng số tiền công cao với khoảng 9 triệu đồng/tháng, chưa tính thưởng.

Chị Trinh cho biết, ban đầu, do thị trường tiêu thụ rong chưa phổ biến nên giá bán rong luôn bị dao động và cũng ảnh hưởng nhiều đến quá trình thu mua rong của bà con về lượng thu mua. Nhưng từ ngày Công ty TNHH Long Hải đặt nhà máy chế biến rong sụn mang tên Công ty cổ phần rau câu Sơn Hải tại thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, cơ sở của gia đình chị Trinh đã trở thành một đầu mối chuyên thu mua, cung cấp rong sụn uy tín, ổn định cho công ty.

“May mắn các sản phẩm của công ty Long Hải đều cần đến nguyên liệu là rong sụn. Nên khi chúng tôi thu mua gom rong của bà con về và sơ chế, dù được nhiều hay ít cũng không lo về đầu ra, giá cả. Bà con nuôi trồng rong vì thế cũng vui mừng, phấn khởi khi rong được bao tiêu ổn định, cuộc sống dần đầy đủ, không lâm cảnh bấp bênh”, chị Trinh tâm sự.

 Rong biển được thu hoạch, phơi khô trước khi đưa vào chế biến các sản phẩm thực phẩm

Mặc dù rong sụn nay đã được bao tiêu ổn định nhưng theo anh Huỳnh Ngọc Hổ, phụ trách nông nghiệp của xã Phước Dinh cho biết, những năm gần đây do thời tiết thay đổi thất thường đã dẫn đến việc nuôi trồng rong sụn trên địa bàn không còn thuận lợi, suôn sẻ như trước.

Bên cạnh đó, khi bà con mang rong ra ven biển nuôi còn gặp phải tình trạng rong chó (rong sớn) bám vào cây rong sụn, bà con không kịp ra giặt giũ, kiểm tra rong, cây rong sẽ bị thối nhũng, gãy cọng.

“Thỉnh thoảng một vài loài cá như cá giò (cá kình) cũng tới ăn rong khiến bà con bị thiệt hại nhiều về sản lượng. Nếu 5 năm trước rong sụn ở đây có diện tích khoảng 40 – 50 ha thì nay diện tích này đã bị giảm đi nhiều bởi gặp những trở ngại, khó khăn trên. Các năm trước huyện còn giao chỉ tiêu cho xã về nuôi trồng rong nhưng nay thì không”, anh Hổ chia sẻ.

Khó khăn là vậy, nhưng chính quyền xã Phước Dinh vẫn tích cực vận động, tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân nuôi trồng rong sụn.

“Bà con ở đây làm nhiều nghề, các nghề đan xen lẫn nhau nhưng họ luôn tâm niệm “nghề cá thì ăn, nuôi trồng rong trúng thì dư” nên vượt qua những khó khăn, trở ngại, các hộ dân vẫn kiên trì, bám trụ với nghề nuôi trồng rong để thoát nghèo”, anh Hổ cho biết.

Bước phát triển nổi bật của Công ty Long Hải

Nắm bắt được những lợi ích quan trọng từ rong biển cùng lợi thế là một doanh nghiệp đã và đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, an toàn và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, Công ty TNHH Long Hải đã đặt nhà máy chế biến rong sụn mang tên Công ty cổ phần rau câu Sơn Hải ở thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận).

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần rau câu Sơn Hải cho biết, người dân ở đây chủ yếu bám biển để mưu sinh nhưng kinh tế bấp bênh, không có tiền đóng thuyền lớn để đánh bắt xa ngoài biển khơi, người dân từ lâu chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng rong sụn, phơi khô rồi bán cho thương lái Trung Quốc. Dù rong sụn của Việt Nam có chất lượng tốt nhưng do chiết xuất kém nên thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Việc ra đời nhà máy chế biến rong sụn không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp bà con tiêu thụ được rong sụn, đảm bảo nguồn thu nhập. Bởi vậy, từ khi đi vào sản xuất, đến nay, nhà máy sản xuất bột rong sụn này đã góp phần giúp bao nhiêu hộ gia đình trồng rong sụn tại các tỉnh như Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định dần ổn định cuộc sống, thu nhập ngày một tốt hơn. Gía rong biển vì thế cũng được đảm bảo cho bà con, không còn bị lên xuống thất thường, giúp bà con yên tâm nuôi trồng rong hơn. Còn với doanh nghiệp, không những đảm bảo chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu mà giá thành sản xuất cũng giảm đi so với nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc.

 Nhà máy chế biến rong biển của Công ty Rau câu Sơn Hải

Chia sẻ về quá trình chế biến rong sụn ở tại nhà máy, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần rau câu Sơn Hải cho hay, rong sụn khi được chuyển về công ty sẽ ở trong tình trạng đã được phơi khô và được nhập thẳng vào kho, bảo quản ở nơi thoáng mát, sạch sẽ. Khi cần dùng, rong sẽ được cho vào nồi ngâm lớn và rửa sạch khoảng 4 lần. Mỗi nồi như vậy sẽ ngâm được khoảng 1 tấn rong trong thời gian 4 tiếng để lọc sạch hết tạp chất bẩn. Để chế biến rong thành bột Carrageenan tinh khiết để phục vụ sản xuất ra các sản phẩm của nhà máy làm thạch rau câu tại tỉnh Hải Dương.

Từ những thành công và kinh nghiệm bằng việc sản xuất ra các sản phẩm thạch rau câu từ nguyên liệu rong biển, Công ty Long Hải đã cho ra đời hai sản phẩm nước rong biển ép Kamila và Catalia ngoài việc là sản phẩm đồ uống không cồn, không phụ gia, loại nước uống này còn có tác dụng giúp giải khát và bổ dưỡng cho cơ thể.

 Đồ uống do Công ty TNHH Long Hải sản xuất từ rong biển, kết hợp nước ép rong biển và sâm Fansipan 

Trong đó, thành phần chính của sản phẩm Kamila là sự kết hợp giữa tinh chất rong sụn tự nhiên và nước cốt quả bòn bon, chan leo cùng nhân nha đam cho vị ngon ngọt lạ, hấp dẫn. Theo giới thiệu của Công ty Long Hải, sản phẩm này của công ty sẽ hướng tới nhóm khách hàng thanh thiếu niên, nhóm những người sửa dụng nhiều sản phẩm đồ uống. Còn nước rong biển ép Catalia được kết hợp giữa tinh chất rong sụn tự nhiên và tinh chất chiết xuất từ Sâm Tuyết còn gọi Sâm Đất, Hoàng Sinco, Sâm Fansipan được trồng nhiều ở vùng Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) nhằm phục vụ cho nhóm khách hàng lớn tuổi.

Với việc cho ra đời các sản phẩm đồ uống không cồn, bổ dưỡng như vậy, Công ty Long Hải đã và đang tiếp tục góp phần thúc đẩy cho nên kinh tế nông nghiệp, nông thôn của các vùng nguyên liệu ở Việt Nam ngày càng phát triển, ổn định cuộc sống của người dân nông thôn hơn.

Đọc thêm