Thiên tài toàn năng
Da Vinci đến nay vẫn được xem là một trong những họa sỹ, nhà điêu khắc vĩ đại nhất thế giới. Tên tuổi của ông gắn liền với những bức họa nổi tiếng như ‘Nàng Mona Lisa’ hay ‘Bữa ăn tối cuối cùng’... Không chỉ có tài năng về nghệ thuật, Da Vinci còn được công nhận là một bác sĩ, một nhà giải phẫu học, một kỹ sư toàn năng. Bên cạnh hội họa, khi nhắc đến những “tài lẻ” của da Vinci, người ta sẽ nghĩ ngay đến một kỹ sư quân sự có tầm nhìn đi trước thời đại.
Năng lực thiết kế của ông có dịp được thể hiện vào năm 1482, khi người đứng đầu chính quyền Florentine lúc bấy giờ là Lorenzo de' Medici ủy thác cho da Vinci chế một cây đàn lia bằng bạc để tặng cho Công tước xứ Milan Ludovico Sforza nhằm tỏ lòng hữu hảo.
Vượt ngoài mong đợi, tác phẩm do da Vinci đã khiến Sforza vô cùng hài lòng. Vốn mong muốn được thử sức trong lĩnh vực chế tạo, trong một bức thư gửi cho Sforza, da Vinci gần như không đề cập gì đến tài năng của ông trong lĩnh vực nghệ thuật mà chủ yếu nhận mình là một kỹ sư quân sự và đề nghị Sforza cho cơ hội để thử sức trong lĩnh vực này.
Để chứng minh, da Vinci gửi kèm khá nhiều bản thiết kế các vũ khí chiến đấu do ông nghĩ ra, như xe bọc thép do người kéo, xe tăng, nỏ thần... Bức thư đã thuyết phục được Ludovico Sforza và da Vinci đã được mời tới Milan làm kỹ sư quân sự.
Giống như nhiều nhân vật nổi tiếng thời kỳ Phục hưng, da Vinci luôn cho rằng khoa học và nghệ thuật là 2 lĩnh vực có tính chất bổ trợ cho nhau và luôn tìm cách phát triển cả 2 khía cạnh. Điều này thể hiện ở việc trong suốt 17 năm sau khi được Sforza tuyển mộ, ông vừa đóng vai trò cố vấn kỹ thuật quân sự cho gia tộc này, vừa đóng vai trò của một kiến trúc sư đồng thời vẫn tiếp tục sáng tác nghệ thuật. Bức họa “Bữa tối cuối cùng” được ông sáng tác trong chính thời gian này.
Một bức họa nổi tiếng của Leonardo da Vinci. |
Cũng trong giai đoạn từ 1485-1490, da Vinci đã cho ra đời những thiết kế vũ khí hiện đại như xe đạp, xe tăng, máy bay trực thăng, dù, vũ khí chiến đấu và cả tàu ngầm... Tất cả đều được ông phác thảo hàng trăm năm trước khi những vũ khí này thực sự ra đời. Trong đó, thiết kế “cỗ máy bay được” hay chính là máy bay trực thăng được cho là phát minh nổi tiếng nhất của ông. Bản thiết kế khí tài này được da Vinci đưa ra dựa trên sinh lý học của con dơi.
Ngoài ra, da Vinci còn là một nhà khoa học tiên phong trong bộ môn giải phẫu học. Vào những năm 1480, ông đã tiến hành phân tích khá kỹ lưỡng cơ thể người và động vật. Những bức vẽ của ông về thai nhi trong tử cung, về trái tim và hệ thống mạch máu, về các bộ phận sinh dục cùng các cấu trúc xương và cơ khác được cho là những ghi chép đầu tiên về giải phẫu cơ thể người.
Chưa hết, da Vinci còn nghiên cứu về thực vật học, địa chất, động vật học, hàng không, vật lý... Những phát hiện đều được ông tỉ mỉ vẽ lại trên giấy và những mảnh bìa rồi được xếp vào những cuốn sổ tay theo 4 chủ đề, bao gồm hội họa, kiến trúc, máy móc và giải phẫu.
Đứa con ngoài giá thú
Leonardo da Vinci sinh ngày 15/4/1452 tại một trang trại nằm giữa những ngọn đồi nhấp nhô ở ngôi làng Anchiano thuộc vùng Tuscany của Italia hiện nay. Là con của một công chứng viên có tiếng giàu có nhưng cuộc sống của da Vinci trong những năm đầu đời khá vất vả vì mẹ ông chỉ là một người hầu có địa vị thấp kém.
Ngay sau khi da Vinci chào đời, cha ông đã tới Florence sinh sống và kết hôn với một người phụ nữ có địa vị cao hơn. Mẹ của da Vinci sau đó cũng kết hôn với một người đàn ông khác. Năm da Vinci lên 5 tuổi, ông được cha đón về nuôi sau khi người vợ chính thức của ông này và đứa con chung duy nhất của 2 người qua đời. Nhưng, cũng chỉ được một thời gian ngắn sau đó, da Vinci lại bị đẩy tới sống cùng với chú và ông bà.
Chân dung thiên tài hội họa Leonardo da Vinci. |
Là con ngoài giá thú nên khi còn nhỏ, da Vinci không được học hành chính thức. Ông chỉ được dạy kèm những môn học cơ bản như viết, đọc, làm toán. Mặc dù vậy nhưng thiên hướng nghệ thuật trong ông vẫn được bộc lộ từ rất sớm. May mắn đã đến với da Vinci khi ông được một khách hàng của cha tên Verrocchio - nghệ sĩ hàng đầu ở Florence lúc bấy giờ - nhận vào học tại xưởng tranh của ông.
Tại đây, da Vinci được thầy tận tình chỉ bảo, không chỉ về hội họa hay điêu khắc mà còn cả về kim loại, thiết kế. Với tài năng thiên bẩm, chỉ một thời gian ngắn sau đó, năm 1473, ông đã cho ra đời tác phẩm hội họa đầu tay và được đánh giá cao.
Tài năng của da Vinci sau đó ngày càng bộc lộ rõ nét. Một số ghi chép kể lại rằng, sau một thời gian ngắn chỉ dạy cho da Vinci, thầy giáo của ông là Verrocchio khi nhìn thấy các tác phẩm của học trò đã quyết định xếp bút, từ bỏ việc vẽ tranh vì cảm thấy quá lép vế trước tài năng của học trò. Đến năm 20 tuổi, da Vinci đã trở thành thành viên của nhóm nghệ sĩ nổi tiếng nhất Florence lúc bấy giờ và đã mở được phòng tranh của riêng mình.
Góc khuất cuộc đời
Năm 1476, Leonardo da Vincikhi đó đang chuẩn bị mừng sinh nhật tuổi 24 thì bị bắt giữ và bị cáo buộc cùng 4 người đàn ông khác quan hệ tình dục đồng giới với một học viên 17 tuổi của một thợ kim hoàn địa phương. Tuy nhiên, 2 tháng sau đó, da Vinci đã được thả ra do thiếu nhân chứng cáo buộc.
Dù da Vinci không bị kết án nhưng cho đến nay, nhiều nhà viết sử đồng tình cho rằng ông thực chất là một người đồng tính luyến ái. Điều này thể hiện ở việc sau khi đến Milan, ông bắt đầu ăn mặc duyên dáng hơn, thường xuyên bận những bộ trang phục màu hồng, màu tím trên chất liệu vải satin hay vải mỏng.
Năm 1491, sau một thập kỷ ở Milan, da Vinci được cho là đã gặp người mà ông sẽ duy trì mối quan hệ gần gũi trong suốt phần đời còn lại - một cậu bé có tên Gian Giacomo Caprotti. Caprotti được thuê vào làm người mẫu cho phòng tranh của da Vinci khi mới 10 tuổi và sớm được da Vinci quý mến vì vẻ ngoài dễ thương. Vì cậu bé có tật xấu là ăn cắp vặt nên da Vinci đã đặt cho cậu biệt danh ‘Salai’, có nghĩa là quỷ nhỏ.
Nhiều người cho rằng Salai đã trở thành người tình của da Vinci kể từ khi người này bước vào tuổi niên thiếu. Sử gia nghệ thuật người Italia Silvano Vinceti năm 2016 đã công bố kết quả nghiên cứu gây sốc, theo đó khẳng định nhân vật Mona Lisa trong bức họa nổi tiếng trên thực tế không phải là Lisa Gherardini - người lâu nay vẫn được cho là nguyên mẫu của bức tranh. Theo ông Vinceti, nhân vật trong tranh thực chất là sự pha trộn giữa Salai với bà Gherardini!
Giả thuyết này càng được củng cố với tình tiết da Vinci đã để lại bức họa cho Salai thay vì gửi bức họa đó cho chồng của nhân vật cũng như việc ông đã để lại một phần gia sản cho Salai. Da Vinci đã không kết hôn.