Những hồi ức đẹp nơi 'lắng hồn núi sông'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), nhiều triển lãm diễn ra tại Thủ đô sẽ mang đến một góc nhìn mới về lịch sử, văn hóa, đất và người Thăng Long - Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX. Về sự thay đổi diện mạo của một Hà Nội xưa giai đoạn cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX trong sự giao thoa giữa cổ kính và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây.
Thành Cửa Bắc xưa. (ảnh: tư liệu)
Thành Cửa Bắc xưa. (ảnh: tư liệu)

Chuyện phố Tây - phố Ta

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm “Thành xưa, phố cũ” tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Triển lãm giới thiệu khoảng 180 tài liệu, hình ảnh được bố cục theo hai chủ đề lớn: “Thành bên phố” và “Chuyện phố Tây - phố Ta”.

Qua tài liệu lưu trữ, đặc biệt là khối tài liệu tiếng Pháp, triển lãm tập trung làm nổi bật những diễn biến, thay đổi của Hà Nội trên lĩnh vực quy hoạch, xây dựng trong khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đánh dấu những bước thay đổi quan trọng của Hà Nội dưới sự tác động của người Pháp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quy hoạch, xây dựng.

Sau khi chiếm được Hà Nội, người Pháp đã nhanh chóng thực hiện ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố kiểu châu Âu với việc chọn hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm và điểm xuất phát cho kế hoạch này. Tại đây, người Pháp đã bắt đầu cho xây dựng các cơ quan hành chính đầu não của bộ máy chính quyền các cấp như Tòa thống sứ Bắc Kỳ, Tòa Đốc lý Hà Nội, Nhà băng Đông Dương, Sở Bưu điện Hà Nội xung quanh đại lộ Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng), phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền và Hàng Khay) và đại lộ Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền)…

Người Pháp đã từng bước xây dựng một một trung tâm chính trị lớn mang tính biểu tượng của chính quyền thực dân trên toàn cõi Đông Dương tại khu vực phía Tây thành Hà Nội. Những tuyến phố mới theo kiểu châu Âu đã được mở, như: phố Victor Hugo (nay là Hoàng Diệu), đại lộ Carnot (nay là Phan Đình Phùng), đại lộ Nationale (nay là phố Chu Văn An), đại lộ Républicque (nay là phố Hoàng Văn Thụ), phố Brière de l’Isle (nay là phố Hùng Vương), đại lộ Puginier (nay là phố Điện Biên Phủ), đại lộ Giovaninelli (nay là phố Lê Hồng Phong)… Bên cạnh đó, trên khu vực này, người Pháp đã cho xây dựng Phủ Toàn quyền Đông Dương (1901 - 1905), Sở Tài chính Đông Dương (1925 - 1928), Trường Albert Sarraut (1915).

Một đám cưới trên phố Hàng Than xưa. (ảnh: tư liệu)

Một đám cưới trên phố Hàng Than xưa. (ảnh: tư liệu)

“Thành xưa, phố cũ” sẽ tái hiện phần nào sự thay đổi của Hà Nội trải qua trong hơn một thế kỷ với hình ảnh thành Hà Nội được xây dựng theo kiến trúc kiểu Vauban đầu thời Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn nằm ở phía Tây của khu phố cổ; hình ảnh phường - thị của Hà Nội chưa có những biến chuyển theo hướng đô thị hóa hiện đại, đến một Hà Nội đang dần chuyển mình, xây dựng và quy hoạch theo kiểu phương Tây với những con phố dọc ngang hình ô cờ. Hà Nội dần khoác tấm áo mới, tuy nhiên giao hòa trong không gian kiến trúc kiểu phương Tây, vẫn còn đó dấu tích của “thành xưa - phố cũ” với một số công trình là minh chứng của một thời kỳ lịch sử huy hoàng đã qua vẫn được giữ lại như: Kỳ Đài, Đoan Môn, thành bậc rồng trước thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc…

Nao nao về hồ Gươm thế kỷ trước

Hồ Gươm - dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô, được bao quanh bởi phố Hàng Khay - Lê Thái Tổ - Đinh Tiên Hoàng. Với vị trí đắc địa, hồ Gươm đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang thành phố Hà Nội ngay khi họ đặt chân đến mảnh đất này.

Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, hồ Gươm như một giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố Ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam. Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho hồ Gươm và Phố cổ ngày nay.

Cầu Thê Húc xưa (ảnh tư liệu)

Cầu Thê Húc xưa (ảnh tư liệu)

Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội hợp tác với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I để giới thiệu triển lãm “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” tại Trung tâm Thông tin Văn hóa hồ Gươm và phố đi bộ quanh Hồ. Triển lãm kéo dài tới ngày 31/10/2023.

Qua “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây”, Ban Tổ chức muốn giới thiệu đến công chúng về sự thay đổi diện mạo của một Hà Nội xưa giai đoạn cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX trong sự giao thoa giữa cổ kính và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây. Thời điểm đó hồ Gươm được người Pháp chọn là trung tâm của quá trình quy hoạch. Từ hồ Gươm thành phố được mở rộng, lan tỏa dần ra các khu vực xung quanh; đường phố được chỉnh trang, các di tích được chọn lọc bảo tồn, nhiều công trình văn hóa, trụ sở hành chính mới mọc lên. Hà Nội đã thay tấm áo mới hiện đại hơn nhưng vẫn không kém phần cổ kính.

Hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ thiết kế, bản đồ quy hoạch được giới thiệu tại triển lãm lần này là một phần trong số rất nhiều tài liệu, tư liệu về Hà Nội xưa hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Triển lãm được bố cục với 3 chủ đề chính: Triển lãm được bố cục thành 3 phần: Quá trình thay đổi diện mạo hồ Gươm; Bảo tồn không gian văn hóa, lịch sử hồ Gươm; Hồ Gươm - trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí.

Triển lãm đưa người xem chứng kiến sự thay đổi của hồ Gươm trong suốt quãng chiều dài lịch sử đã qua. Trước khi Pháp bắt đầu khởi công các công trình kiên cố trên khu nhượng địa với một con đường xuyên khu, nay là phố Phạm Ngũ Lão năm 1873, hồ Gươm vẫn có dáng dấp của những ao hồ nông thôn.

Ô Quan Chưởng xưa, ảnh tư liêu.

Ô Quan Chưởng xưa, ảnh tư liêu.

Từ năm 1884 trở đi, hồ Gươm trở thành trung tâm trong công cuộc qui hoạch thành phố Hà Nội. Chính quyền Pháp cho mở một con phố nối khu Nhượng địa với Trường Thi và Hoàng thành cũ. Trong quá trình xây dựng, Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kỳ yêu cầu giữ lại khu vực quanh hồ với chiều rộng ít nhất là 20 mét, không một công trình nào được phép xây dựng dọc theo khu vực này và phải dỡ bỏ tất cả nhà tranh trên phố Paul Bert.

Trong công cuộc chỉnh trang thành phố, hồ Gươm đã tạo nên điểm khác biệt so với các đô thị kiểu mẫu phương Tây, mang đậm kiến trúc cảnh quan Á Đông. Hồ Gươm trở thành “giao lộ Đông - Tây”, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố Ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam, như nhận xét của André Masson: “Hồ Gươm ngày nay là một vòng trang sức của Hà Nội, là gạch nối vui tươi giữa khu phố người bản xứ với khu phố Pháp”.

Ngày nay, khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận là nơi tập trung nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật truyền thống với không gian mặt nước, cây xanh. Ở đó, người ta có thể nhìn thấy cả một chiều sâu văn hóa lẫn nét kiến trúc độc đáo như: Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên, tháp Rùa, tháp Hòa Phong… Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cái mất - cái còn, cái cũ - cái mới đã đan xen, hòa quyện tạo nên không gian văn hóa hồ Gươm.

Triển lãm một lần nữa khẳng định, hồ Gươm là trung tâm dịch vụ, văn hóa giải trí của Thủ đô và cả nước. Theo đó, với mong muốn biến hồ Gươm và vùng phụ cận trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và giải trí của Hà Nội, chính quyền Pháp đã xây dựng những dinh thự, cơ quan hành chính, công sở ở phía Đông hồ Gươm. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng, cửa hiệu, hãng buôn mọc lên xung quanh hồ, các phố Tây dần được hình thành. Các khu trung tâm vui chơi, giải trí kiểu Âu ra đời như: nhà hát Lớn, câu lạc bộ, bể bơi.

Quảng trường Paul Beart với Nhà kèn (nơi tập thổi kèn) - nay nơi đây thuộc vườn hoa Lý Thái Tổ (ảnh tư liệu)

Quảng trường Paul Beart với Nhà kèn (nơi tập thổi kèn) - nay nơi đây thuộc vườn hoa Lý Thái Tổ (ảnh tư liệu)

Đời sống vật chất, tinh thần của người Hà Nội dần pha trộn yếu tố Tây hóa. Từ khẩu vị ẩm thực (bánh mì, nước đá, cà phê, bia) đến gu thưởng thức nghệ thuật đều có sự thay đổi. Những rạp chiếu bóng, quán cà phê mọc lên ngày càng nhiều, nằm rải rác từ bến xe điện đến nhà Khai Trí Tiến Đức. Xe điện đã trở thành phương tiện phổ biến và quen thuộc với người dân, hành khách chủ yếu là những người buôn bán. Tầng lớp trung lưu, thanh niên thành thị thường chọn dạo chơi quanh bờ Hồ, còn giới thượng lưu, trí thức thì chọn các tiệm cà phê, vào Khai Trí Tiến Đức hoặc đi nghe nhạc, khiêu vũ tại nhà Thủy Tạ bên hồ.

Có thể nói, mãi đến nửa đầu thế kỉ XX, đời sống văn hóa tinh thần của người Hà Nội mới có những biến đổi rõ rệt khi đã hình thành một tầng lớp viên chức và thị dân người bản xứ. Họ thay đổi cách ăn mặc, cách trang trí nhà cửa, cách giải trí và theo lối sống phương Tây.

Những cuộc triển lãm tháng 10 sẽ mang tới cho công chúng những hồi ức đẹp về hồ Gươm xưa.