Vào năm 2014, UNESCO đã xếp các quả cầu đá vào danh sách “Di sản thế giới” và gọi chúng là những vật thể kỳ diệu.
300 quả cầu đá khổng lồ trong khu rừng ở Costa Rica
Nước cộng hoà Costa Rica nằm ở phía Nam của Trung Mỹ, là một quốc gia nhiệt đới giàu đẹp. Phần lớn đất đai của nước này là núi và cao nguyên, miền Bắc và ven biển là vùng đồng bằng thấp. Vào thời cổ đại đã từng có hơn 3 vạn người Anh-điêng cư trú trên mảnh đất này.
Cuối thập niên 30 của thế kỷ 20, một người phân định ranh giới đất đai của công ty United Fruit đi khảo sát vùng rừng rậm nhiệt đới của Costa Rica để xem xét khả năng mở trang trại trồng chuối. Tại vùng rừng rậm khu núi và sườn dốc của châu thổ, ông ta đã phát hiện thấy khoảng 300 quả cầu bằng đá tựa như được bàn tay thợ đá khéo léo tạo nên. Những quả cầu bằng đá to nhỏ khác nhau có kích thước đường kính từ vài cm đến hơn 2m. Quả to nhất nặng đến 16 tấn với đường kính 2,4m.
Nhiều khối đá hình cầu đã bị mẻ, vỡ trong quá trình dịch chuyển. Bên cạnh đó, những gã thợ săn kho báu tìm vàng đã cố tình phá vỡ chúng khi còn ở dưới đất. Cho đến thời điểm cơ quan chức năng can thiệp, tình hình có giảm đi, nhưng đã có hàng chục hòn đá bị phá hủy.
Những khối đá này còn rất khó để ước tính tuổi. Các nhà khảo cổ xác định niên đại của chúng thông qua tuổi của những mẫu gốm và tuổi phóng xạ Cacbon liên quan đến lớp trầm tích được tìm thấy ở những khu vực đã khai quật. Niên đại của đá còn phức tạp hơn nữa khi những khu vực đá hình cầu được tìm thấy lại có sự xuất hiện của những hiện vật văn hoá có niên đại khác nhau. Hơn nữa, hầu hết các khối đá hình cầu này không còn nằm ở vị trí ban đầu.
Hầu hết chúng nằm chủ yếu xung quanh khu vực đồng bằng sông Diquis. Có nơi được sắp xếp thẳng hàng, có nơi thành hình vòng cung, hình tam giác hay hình bình hành.
Những quả cầu đá lớn nhỏ khác nhau, nằm ở những nơi khác nhau đó đã gây rất nhiều hứng thú cho mọi người. Các nhà khoa học đã tiến hành đo tạc tỉ mỉ các quả cầu đá và phát hiện thấy trên các quả cầu đá, độ cong ở bất kỳ nơi nào trên một quả cầu dường như hoàn toàn đều nhau, đúng như hình cầu tiêu chuẩn.
Những quả cầu đá có tác dụng gì thì đến nay vẫn chưa có ai có thể giải thích được. Quả cầu đá đặt ở hai đầu Đông Tây của nghĩa địa có khả năng là tượng trưng cho Mặt Trời, Mặt Trăng hoặc là đánh dấu vật tổ của họ. Lại cómột nhóm quả cầu đá khác, gồm 4 quả cầu nằm khác hướng về hướng Bắc cho nên người ta nghi ngờ chúng được sắp xếp bởi những người quen sử dụng la bàn hay có ý nghĩa về mặt thiên văn. Nhưng đó cũng chỉ là suy đoán. Còn có người đoán quả cầu đá ấy là đồ chơi của người khổng lồ.
Những quả cầu đá bí ẩn
Theo khảo sát, những quả cầu đá giống như thách đố ấy, dường như toàn bộ được làm từ đá hoa cương rắn chắc. Điều khiến cho các nhà khoa học và các nhà khảo cổ học cảm thấy khó hiểu là: Những vùng xung quanh gần nơi có những quả cầu đá lại không có đá hoa cương nguyên liệu. Tại nơi khác cũng không tìm thấy dấu vết gì chứng tỏ có sự gia công chế tác đá.
Trước những hiện tượng kỳ lạ như vậy, các nhà khoa học không thể không nêu lên những câu hỏi như: Người nào vào thời gian nào đã làm ra những quả cầu đá khổng lồ ghê gớm và tài tình như vậy? Những tảng đá khổng lồ ấy được chuyển tới đây như thế nào? Hay như họ đã dùng công cụ gì để gia công cho chúng?
Các nhà khảo cổ đã tiến hành điều tra tỉ mỉ, nghiên cứu cẩn thận các quả cầu đá thì cho rằng, độ sai lệch về đường kính của các quả cầu đá là dưới 1%. Độ chuẩn xác đạt gần như hình cầu lý tưởng. Từ độ cong chuẩn xác của hình cầu lớn, có thể thấy rằng, người chế tác ra nó phải có kiến thức hình học khá cao siêu và cũng phải có kỹ thuật gia công đục khắc đá điêu luyện, rồi còn phải có công cụ gia công rất cứng rắn với thiết bị đo đạc thật tinh vi. Nếu không có được những điều kiện ấy thì không thể tưởng tượng được họ có cách nào khác để hoàn thành những kiệt tác như vậy.
Một điều khẳng định chắc chắn là để tạo ra những quả cầu đá khổng lồ như vậy phải là công việc rất nặng nhọc, từ việc khai thác đá đến cắt gọt, đục đẽo. Mỗi một công đoạn đều cần phải di chuyển tảng đá, tuy nhiên những tảng đá đã được đẽo gọt phát hiện cho đến nay đều nặng đến mấy chục tấn. Do đó, công việc này cũng không hề dễ dàng gì.
Chẳng nhẽ những quả cầu đá hoa cương khổng lồ ấy lại được tổ tiên của những người Anh-điêng với dụng cụ thô sơ, trong tình trạng không có lấy một thiết bị đo lường, đục đẽo từng nhát một mà lại có thể chế tạo ra được. Đó là điều không thể nào lý giải được.
Một số nhà khoa học đã liên kết những khối đá này với lục địa bị mất của Atlantis, trong khi những người khác tin rằng những khối đá này có liên quan đến đá Stonehenge ở nước Anh và cả những cái đầu đá khổng lồ trên đảo Phục Sinh hoặc thậm chí có mối liên hệ với người ngoài hành tinh.
Những quả cầu đá nằm trong khu rừng ở Costa Rica. |
Trong những người Anh-điêng ở Costa Rica lâu nay vẫn lưu truyền rộng rãi một câu chuyện truyền thuyết thần kỳ. Đó là chuyện những người vũ trụ ngồi trong phi thuyền hình cầu, từ ngoài hành tinh rơi xuống vùng này. Lấy lý do đó, nhiều người đã nghĩ đến sự liên hệ trực tiếp giữa quả cầu và người ngoài hành tinh.
Theo quan điểm của họ, những vị khách đến từ Vũ Trụ, sau một thời gian ngắn, họ đã làm ra những quả cầu đá này và đặt nó vào các vị trí được sắp xếp theo ý của họ, có thể theo mô hình các tinh cầu trong không gian. Những quả cầu đá khổng lồ này tượng trưng cho các tinh cầu trong Vũ Trụ. Vị trí và khoảng cách giữa các quả cầu đá cũng là vị trí tương đối của các tinh cầu trong Vũ Trụ.
Theo suy đoán, có thể những vị khách Vũ Trụ có ý đồ muốn dùng “mô hình tinh cầu” được tạo thành bằng những quả cầu đá để truyền đạt một thông điệp nào đó với người trên Trái Đất. Nhưng cho đến ngày nay vẫn chưa có ai có thể lý giải được hàm ý thực sự của “mô hình tinh cầu” đó.
Michen Sumac - nhà nghiên cứu hiện tượng quái dị nói: “Những quả cầu đá Costa Rica nổi tiếng khắp thế giới nhưng người ta hiểu biết về nó còn quá ít. Trừ phi chúng ta tìm lại được nguyên dạng sự sắp đặt các quả cầu đá, không bị phá hỏng, di chuyển và xáo trộn. Nếu không thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm được lời giải đáp về bí mật của những quả cầu đá đó”.
Hiện nay, các khối đá này đã trở thành một di sản UNESCO. Những khối đá hình cầu kỳ lạ vẫn được dùng trang trí trước sân của tòa nhà chính phủ, trong bảo tàng, công viên hay trước những ngôi nhà dân ở Costa Rica và là điểm hấp dẫn với du khách thế giới.