Những kỷ lục ở chùa 'bà Đanh' và đền 'bà chúa Mõ'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Cổ Trai Đế vương, Trà Phương Công chúa”, câu đồng dao được lưu truyền từ đời này sang đời khác khi nhắc đến mảnh đất Trà Phương (Kiến Thụy - Hải Phòng), nơi có ngôi chùa cổ lưu giữ những giá trị văn hóa, kiến trúc và lịch sử hàng nghìn năm gắn liền với tích chuyện xưa.
Chùa Trà Phương có lịch sử hơn 1.000 năm, mang nhiều ý nghĩa về lịch sử, tôn giáo. (Ảnh: PV)
Chùa Trà Phương có lịch sử hơn 1.000 năm, mang nhiều ý nghĩa về lịch sử, tôn giáo. (Ảnh: PV)

Thiền môn nghìn tuổi

Chùa Trà Phương hay còn gọi là chùa Bà Đanh, tên chữ Thiên Phúc tự là một ngôi chùa có lịch sử hàng nghìn năm tại làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.

Năm 2007, chùa được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Với những giá trị về văn hóa, kiến trúc, lịch sử, chùa Trà Phương là một điểm đến hấp dẫn với du khách.

Theo UBND xã Thụy Hương, chùa Trà Phương được xây dựng từ thời Lý, khoảng đầu thế kỷ XI (1010 - 1020) và được trùng tu tôn tạo vào thế kỷ XVI đời nhà Mạc. Tích xưa ghi lại, vào thời Lý, ngôi chùa được xây dựng trên một gò đất cao có nhiều cây cối, xa xóm làng nên được gọi là Bà Đanh tự, cách núi Chè gần 1km về phía Đông. Theo người dân địa phương, thuở hàn vi, Mạc Đăng Dung trong một lần bị truy sát đã trốn trong chùa Bà Đanh mà thoát nạn. Sau này dựng nghiệp, để nhớ ơn cũ, Mạc Đăng Dung xuống chiếu trùng tu, mở rộng chùa và đổi tên thành Thiên Phúc tự.

Theo văn bia “Tu tạo Bà Đanh tự” (khắc năm 1562) tại chùa, người đứng chủ hưng công lại chùa Bà Đanh là Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cùng với 25 thân vương, công chúa, quận công và dân làng Trà Phương đóng góp xây dựng lại chùa. Văn bia đã ghi rõ đây là đợt trùng tu rất quy mô, khiến cho ngôi chùa Trà Phương thành trung tâm Phật giáo lớn vùng Duyên hải.

Được ví như danh lam thắng cảnh thời bấy giờ nên chùa Trà Phương từng được quốc sư về thuyết pháp, giảng kinh. Sau khi nhà Mạc thất bại, quan quân Lê - Trịnh đã san bằng vùng đất Dương Kinh, tàn phá nặng nề nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn triều đại trước, trong đó có chùa Trà Phương đã trở thành phế tích. Đến thời nhà Nguyễn, chùa Trà Phương được trùng tu lại.

Trong chùa cũng lưu giữ nhiều hiện vật mang phong cách nghệ thuật nhà Mạc như tượng vua Mạc Đăng Dung, tượng Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, đôi sấu đá và các bia ký. Chính điện là nơi thờ Phật, tiền đường thờ vua Mạc Đăng Dung và Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Bên ngoài là cổng Nhất môn với hai tầng má, nhà bia với đầm sen rộng tượng trưng cho đức hạnh, lối sống của người tu hành.

Trong chùa hiện có 5 bệ tượng Phật, trong đó, 3 bệ tượng đặt tượng Tam thế và hai bệ đặt tượng A di đà. Qua nghiên cứu các tài liệu sử học cho thấy, các pho tượng này có từ đời nhà Mạc. Vẻ đẹp của các pho tượng thể hiện tài năng sáng tạo tuyệt vời của những người thợ thủ công thời đó. Vết tích cổ nhất trong ngôi chùa Trà Phương là chân cột bằng đá tảng xanh, được chạm khắc hoa sen rất tinh xảo thể hiện rõ phong cách nghệ thuật kiến trúc tôn giáo thời Lý.

Nơi lưu giữ bảo vật quốc gia

Trải qua hàng nghìn năm với những biến cố, thăng trầm lịch sử, chùa Trà Phương còn lưu giữ nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật thời Lý và thời Mạc. Niềm tự hào của người dân làng Trà, cũng như người Hải Phòng khi pho tượng vua Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia ngày 31/12/2020.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung được làm từ đá vôi, có chiều cao 63cm, ngang 37cm. Tượng có khuôn mặt bầu trái xoan, mặc áo bào, đội mũ trụ đứng, đỉnh bằng thể hiện sự uy quyền. Trên áo có chạm hình rồng trong thế cuộn tròn, mang đặc trưng rồng thời Mạc.

Phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (là người làng Trà Phương và là chính thất của Thái tổ Mạc Đăng Dung được làm từ chất liệu đá vôi, tượng có chiều cao 56cm, vai ngang 23cm. Tượng được tạc hõm sâu vào đá nguyên khối. Phía ngoài phiến đá tạo tác kiểu văn bia, chạm khắc biểu tượng bông sen 16 cánh đơn…

Ngôi làng Trà Phương gắn liền với Vương triều nhà Mạc giai đoạn 1527 - 1593. Bao thế hệ người làng nơi đây luôn tự hào về vị Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, người con gái Trà Phương đẹp người đẹp nết đã trở thành vợ vua Mạc Đăng Dung.

Đến nay, lịch sử vẫn lưu truyền về Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn không chỉ nổi tiếng về nhan sắc, mà còn cả về đức độ. Bà là một nhân vật đặc biệt trong suốt 65 năm trị vì của nhà Mạc ở Thăng Long. Với quê hương, bà truyền cho dân lễ minh thệ, để chống trộm cắp, tham nhũng; giúp dân làng Trà Phương mở mang đất đai, sinh cơ, lập nghiệp. Vì thế, người dân địa phương đến ngày nay vẫn còn truyền tụng câu ca “Cổ Trai Đế vương - Trà Phương Công chúa” để nói về công ơn của đức vua và hoàng hậu nhà Mạc…

Chùa Trà Phương hiện tại mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn (đầu thế kỷ 20). Kiến trúc chính bố cục theo lối chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Cổng chùa “nhất môn” mang dáng dấp một lầu hai tầng, tiếp đến là nhà bia. Hai bên thành bậc nhà bia có đôi sấu đá điêu khắc theo lối tượng tròn, một sản phẩm của nền nghệ thuật triều Mạc (thế kỷ 16).

Trải qua mười thế kỷ tồn tại, chùa hiện xuống cấp nghiêm trọng nên được chính quyền địa phương và nhà chùa đang tiến hành trùng tu, xây dựng lại theo kiến trúc của một ngôi chùa cổ thời Lý. Dự kiến hoàn thành trùng tu vào năm 2030.

Hàng năm, chùa Trà Phương tổ chức ngày kỷ niệm các Tổ truyền đạo vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch. Ngôi chùa cách trung tâm thành phố Hải Phòng 20km. Đây cũng là địa chỉ gần khu du lịch Đồ Sơn (cách 17km), Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc (6km)…

Cụ Gạo đền Mõ gần 750 tuổi vẫn rực rỡ một vùng mỗi mùa hoa gạo về. (Ảnh: PV)

Cụ Gạo đền Mõ gần 750 tuổi vẫn rực rỡ một vùng mỗi mùa hoa gạo về. (Ảnh: PV)

Và hai cụ Gạo 750 tuổi đền Mõ, lâu đời nhất Việt Nam

Cách chùa bà Đanh khoảng vài cây số là đền Mõ nổi tiếng với cụ Gạo di sản lâu đời nhất Việt Nam, trải qua 750 lịch sử, vật đổi sao dời của vùng đất này… Đền Mõ xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, thờ Công chúa Quỳnh Trân đời nhà Trần. Đền được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992.

Chuyện rằng, mỗi khi trời hạn hán, đất ngoài đồng nứt nẻ, cây cối khô héo, vạn vật ủ rũ, người dân ở xã Ngũ Phúc lại chọn ngày 12/2 âm lịch hò nhau khênh long đình bát biểu và bài vị của vị phúc thần được thờ trong đền ra trường đảo (đàn cầu mưa) mà phơi nắng. Mục đích chính là để các ngài thấu hiểu nỗi khổ vì hạn hán của trăm họ mà ban mưa. Thật lạ, năm nào cũng vậy, nhanh thì vài giờ sau, chậm thì dăm ba hôm kể từ khi cầu đảo, thể nào trời cũng mưa. Không mưa to thì mưa bé, dù trước đó chẳng có dấu hiệu báo trước của mưa.

Tương truyền, vị phúc thần được thờ trong đền Mõ là công chúa Quỳnh Trân nổi tiếng xinh đẹp, hiền đức dưới thời nhà Trần. Công chúa Quỳnh Trân thường cùng người hầu cải trang đến nhiều vùng, tìm thú vui nơi cuộc sống dân dã. Một hôm, khi qua làng Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy), thấy mảnh đất “địa linh nhân kiệt” hình con nhạn đang bay, có núi non, sông nước mênh mông, liền xin với vua cha cho lập am tu hành.

Cùng với việc lập am tu hành, công chúa Quỳnh Trân còn cho lập điền trang, thái ấp, cấp lương thực, tiền bạc cho dân nghèo, tập hợp muôn dân trong vùng đến đây làm ăn, sinh sống. Để điều hành công việc hằng ngày, công chúa nghĩ ra cách dùng tiếng mõ. Nếu trong ngày, hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, tiếng mõ ở quán thì có công việc…, mọi người cứ theo tiếng mõ mà làm. Bắt nguồn từ đó, những địa danh như chợ Mõ, làng Mõ, chùa Mõ, đền Mõ… ra đời và truyền đến ngày nay. Công chúa Quỳnh Trân được mọi người trong vùng gọi với tên trìu mến “Bà chúa Mõ”.

Trước cửa đền Mõ có cây gạo cổ thụ mà theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng, do chính tay “Bà chúa Mõ” trồng một năm sau ngày bà về đây lập am tu hành (năm 1284). Hơn 700 năm trôi qua, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dưới làn mưa bom bão đạn cùng với những trận cuồng phong, cây gạo này vẫn hiên ngang đứng đó.

Đặc biệt, từ thân chính còn mọc thêm thân phụ bên cạnh. Từ xa nhìn lại, hai thân cây gạo này rất giống hình ảnh người mẹ đang ôm ấp, vỗ về đứa con nhỏ. Vì thế, người dân trong vùng tin rằng, những cặp vợ chồng hiếm muộn đường con cái, chỉ cần cùng nhau đến chạm vào phần vỏ nơi gốc hay khấn xin “Bà chúa Mõ” lấy một chút vỏ cây về đem gối đầu giường, sẽ nhanh chóng thụ thai như ý.

Thêm một điều kỳ lạ, hàng trăm năm qua, cây gạo liên tục phát triển, cành lá xum xuê tỏa ra tứ phía, nhưng tịnh không có một cành, một lá nào phạm phải một viên ngói nơi đền Mõ gần đó. Nếu có cành nào đó “nghịch ngợm” mọc tràn ra phía trên mái đền, tự nhiên sẽ bị khô héo, mục nát. Sau khi Công chúa viên tịch, nhớ ơn người, nhân dân địa phương lập đền thờ và kế tiếp nhau lưu truyền hương khói.

Năm 2011, cây gạo đền Mõ được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam (xếp thứ 65 trong 70 cây được tổ chức này vinh danh và là cây gạo duy nhất trong danh sách). Năm 2012, cây gạo này tiếp tục được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận và tôn vinh là cây gạo nhiều năm tuổi nhất Việt Nam.

Tại đền Mõ hiện nay, khu vực xung quanh đền có 4 cây gạo khác đều là thế hệ con cháu của “cụ”, ước tính các cây này cũng có tuổi đời hàng trăm năm.

Phía bên phải đền, cây nhãn cổ thụ có tuổi đời hơn 500 tuổi cũng được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2022, dưới gốc cây còn lưu giữ bia cổ từ thời nhà Mạc.

Để bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích đền Mõ cũng như cây gạo, cây nhãn là 2 cây di sản. Ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cho cây sinh trưởng tốt, địa phương đang xem xét kế hoạch mở rộng khuôn viên khu di tích từ hơn 1,2 héc ta hiện tại lên hơn 2,8 héc ta. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá tới đông đảo du khách gần xa để phát triển hơn nữa loại hình du lịch văn hóa, tâm linh.