Những kỷ vật nhỏ gắn với cây cầu lớn Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong qua trình làm việc tại công trình xây dựng cầu Thăng Long, dù thời gian chỉ 6 -7 năm của cả giai đoạn Liên Xô giúp xây dựng tới khi hoàn thành cây cầu, lúc ấy tôi cũng mới chỉ là “cậu thanh niên” mới tốt nghiệp từ Liên Xô về làm việc ở đây.
Hình huy hiệu “Cầu Thăng Long- Cầu hữu nghị”.
Hình huy hiệu “Cầu Thăng Long- Cầu hữu nghị”.

LTS: Thời gian qua, Ấn phẩm Câu chuyện Pháp luật đã đăng tải loạt bài của tác giả Nguyễn Văn Ất về những câu chuyện gắn với cầu Thăng Long (Hà Nội) mà tác giả Nguyễn Văn Ất là một nhân chứng sống. Các bài viết đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc và mong muốn biết thêm một số thông tin. Do đó, mặc dù đã dự định kết thúc loạt bài này ở số báo cuối cùng của năm 2021, Câu chuyện Pháp luật kỳ này đăng thêm bài viết của cùng tác giả để phục vụ bạn đọc.

Sau hơn 40 năm công tác, và trên 30 năm đã rời Thăng Long, nay đã nghỉ hưu, ngoài những ký ức trong tâm trí tôi vẫn lưu giữ rất nhiều hiện vật liên quan đến công trình “thế kỷ” là cây cầu này. Dù có cái trong số ấy chúng rất nhỏ nhưng đến giờ tôi vẫn lưu giữ cẩn thận.

Trước hết đó là các bức ảnh về cầu Thăng Long

Ngày đó máy ảnh cá nhân chưa phổ biến như bây giờ, “Smart Phone” chưa ra đời. Ảnh kỹ thuật số chưa có. Chỉ có chụp ảnh bằng phim đen trắng. Phim có 2 loại chính là CBEMA của Liên Xô và ORWO của Đông Đức. Các loại phim chụp ảnh của “tư bản” như FUJI, KODAC chưa có ở Việt Nam vì còn bị cấm vận. Vì thế ảnh tôi lưu giữ được chủ yếu là ảnh đen trắng.

Các ảnh đó có được chủ yếu từ các nguồn: Ảnh tôi tự chụp, chuyên gia họ chụp xong rồi tặng lại. (Chuyên gia thì hầu như ai cũng có máy ảnh và phim, giấy ảnh họ mang bên nước sang và bảo quản trong tủ lạnh để dùng cả năm!). Rồi các phóng viên trong và ngoài nước chụp ảnh họ cũng tặng lại.

Khúc băng đỏ của dải băng cắt khánh thành cầu Thăng Long 09/5/1985 có chữ ký của các “yếu nhân”.Khúc băng đỏ của dải băng cắt khánh thành cầu Thăng Long 09/5/1985 có chữ ký của các “yếu nhân”.

Trong số các ảnh ấy có một bức ảnh khá nổi tiếng mà khi đó nhiều người của cầu Thăng Long hay nói đùa là ảnh “bộ ba Thăng Long”. Thời điểm chụp vào tháng 10/1983 sau khi hợp long cầu (dầm thép nối liền đôi bờ, nhưng chưa thông xe). Bức ảnh chụp ngay dưới giàn thép của cầu. Ba người đó là Trưởng đoàn chuyên gia Zelnin E.V, Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long Hoàng Minh Chúc (sau này ông Hoàng Minh Chúc là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN) và tôi.

Bức ảnh này đã được đăng trên các báo Izvestia (Tin tức), Pravđa (Sự thật) là các báo lớn hàng đầu của Liên Xô những ngày đầu tháng 11/1983. Ngoài ra bức ảnh còn được in ở trang 45, Sách học Tiếng Nga (tập 1) dành cho các trường đại học do Nhà xuất bản Tiếng Nga Maxcơva và Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam đồng ấn hành năm 1986 và nhiều sách báo khác của Liên Xô. Ngoài ra tôi được bạn bè thông tin rằng bức ảnh ấy còn được đăng trên một số báo các nước Đông Âu khi đó, nhưng tôi không có điều kiện thu thập, sưu tầm…

Một bức ảnh nữa của một hiện vật, tuy không có hình của mình nhưng tôi quý nó vô cùng. Đó là “Biên bản xác nhận đã hoàn thành lắp dầm thép cầu chính và cho phép thông xe kỹ thuật cầu Thăng Long” được hai phía Liên Xô và Việt Nam ký ngày 30/10/1983 tại Hà Nội, trong đó có chữ ký “nháy” của tôi. Phía Liên Xô cử đoàn công tác sang Việt Nam thị sát và xác nhận việc dầm thép cầu chính vượt sông được lắp đặt hoàn thành.

Bức ảnh “Bộ ba Thăng Long” trên báo, sách của Liên Xô cả bằng tiếng Nga và tiếng Việt.

Bức ảnh “Bộ ba Thăng Long” trên báo, sách của Liên Xô cả bằng tiếng Nga và tiếng Việt.

Ngày đó ký “nháy” chưa phổ biến và bắt buộc như bây giờ. Nhưng vì Biên bản này không có bản tiếng Việt. Do phía Liên Xô nói rằng trong đoàn của họ không ai biết tiếng Việt nên sẽ chỉ ký vào bản tiếng Nga. Về phía Việt Nam thì nhiều người biết tiếng Nga nên đồng ý với đề xuất này của phía Liên Xô, nhưng các “sếp” yêu cầu tôi là Thư ký kiêm phiên dịch (lại là người cùng phía Liên Xô chấp bút, đánh máy và rà soát nữa) phải ký “nháy” vào Biên bản. Và thế là chữ ký “nháy” này “được vinh dự đi vào lịch sử”!

Tôi cũng có 01 bản gốc của Biên bản này, bởi lẽ ngoài các bản để giao cho phía Liên Xô mang về nước họ, phía Việt Nam giữ để lưu hồ sơ. Tôi làm dư ra một bản vì là tôi Thư ký kiêm phiên dịch, soát xét câu chữ… nên giữ lại đề phòng nhỡ xẩy ra việc gì thì mình có cái đối chứng. (Mọi người đã thấy bây giờ nhiều vụ văn bản xẩy ra “trục trặc” thì các “sếp” lại đổ thừa cho anh đánh máy. Từ ngày ấy tôi đã “lường” trước chuyện này để “cẩn thận không thừa”!). Sau mấy chục năm công tác rồi chuyển đổi cơ quan mấy lần, rồi chuyển nhà bao nhiêu lần nữa… nhưng tôi vẫn giữ được nó!

Một kỷ niệm nữa nữa là các hiện vật liên quan đến chuyến đi công tác Liên Xô, để sang nhà máy sản xuất cấu kiện dầm thép Voronhezo kiểm tra tình hình sản xuất dầm thép tại nhà máy này cho cầu Thăng Long và nhà máy này cũng sản xuất huy hiệu về Cầu Thăng Long- Cầu hữu nghị Việt Xô.

Về mẫu thiết kế huy hiệu biểu tượng Cầu Hữu nghị

Số là sau ngày 18/10/1983, khi dầm thép cầu Thăng Long nối liền đôi bờ sông Hồng, (từ dùng trong chuyên môn xây dựng cầu là “hợp long”, nghĩa là dầm cầu nối liền đôi bờ, nhưng chưa phải là thông xe). Hình ảnh những cái bắt tay của những người thợ cầu Việt Nam, Liên Xô tại vị trí dầm cầu nối liền nổi bật trên nền trời.

Từ cảm hứng ấy, một hoạ sỹ làm việc ngay tại Phòng thi đua tuyên truyền của Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long khi ấy đã sang tác mẫu biểu tượng hữu nghị đó là hình ảnh hai cánh tay “dầm thép” vạm vỡ xiết chặt trên nền sông nước mênh mông của sông Hồng trong ánh bình minh toả sáng, hai lá cờ Việt Nam, Liên Xô tung bay…

Mẫu do hoạ sỹ vẽ được nhiều người cả Việt Nam và đoàn chuyên gia Liên Xô tán thành và nhất trí sẽ làm chiếc huy hiệu theo mẫu đó để tặng cho anh chị em công nhân lao động tham gia xây dựng cầu và khách đến tham quan cầu Thăng Long. Số lượng phải cả vài ngàn cái.

Vé máy bay Hà Nội- Maxcova khứ hồi ngày ấy.

Vé máy bay Hà Nội- Maxcova khứ hồi ngày ấy.

Trong điều kiện khó khăn của Việt Nam lúc bấy giờ, thiếu thốn đủ thứ nên ngay cả cái huy hiệu kỷ niệm nho nhỏ đó cũng đặt vấn đề để phía Liên Xô giúp và họ nhận lời ngay.

Tháng 11 năm 1983 chúng tôi lên đường sang Liên Xô để thực hiện “sứ mệnh to và nặng” như kiểm tra dầm thép, và “sứ mệnh nho nhỏ” là đặt làm huy hiệu. Đoàn chỉ có 03 người: Một người là lãnh đạo của công trình cầu Thăng Long, người thứ hai là lãnh đạo Tổng Công ty Technoimport của Bộ Ngoại thương và tôi là phiên dịch kiêm thư ký của đoàn công tác.

Ngày ấy tôi không hiểu chi phí cho đoàn công tác chúng tôi do bên nào đài thọ. Chắc chắn sang Liên Xô thì phía Liên Xô lo rồi, nhưng vé máy bay đi - về thì không biết bên nào lo.

Rất hay là tôi vẫn giữ được cái vé máy bay khứ hồi của chuyến công tác ngày ấy. Đó là cái vé để đi máy bay của Hãng hàng không Liên Xô AEROFLOT, chặng bay Hà Nội – Maxcova – Hà Nội 38 năm trước: tháng 11 và tháng 12/1983.

Lượt đi Hà Nội – Maxcova bay ngày 30/11/1983 vé do Phòng vé Hàng không Việt Nam xuất ra có giá 389,80 Rup (Tức là 389 Rup, 80 copek).

Lượt về Maxcova – Hà Nội bay ngày 19/12/1983 do chính phòng vé của Hãng AEROFLOT tại Maxcova xuất ra cũng có giá 389,80 Rup, cộng thêm 0,35 Rup lệ phí, Tổng cộng là 390,15 Rup (tức là 390 Rup, 15 copek).

Như vậy vé về từ Maxcova “đắt” hơn vé đi từ Hà Nội là 35 copek! (Copek Liên Xô khi xưa cũng như “xu” của Việt Nam, 100 copek là 1 rup).

Vé đều ghi giá bằng tiền Rup nên tôi không hiểu quy đổi ra tiền Việt Nam khi đó là bao nhiêu và phía nào đài thọ.

Một kỷ vật nữa mà tôi tin cũng là của hiếm…

Đó là khúc băng của dải băng đỏ để cắt băng khánh thành cầu Thăng Long ngày mùng 9/5/1985.

Hôm ấy với trách nhiệm phiên dịch và tháp tùng ông Đỗ Mười, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam và ông Boris Shaplin, Uỷ viện dự khuyết TW Đảng Cộng sản Liên Xô, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Việt Nam, cắt băng khánh thành cầu. Tôi đứng giữa hai người. Sau khi hai vị cắt băng xong, tôi đỡ cái kéo từ tay hai vị.

Trong lúc hai vị bắt tay nhau, một nửa dải băng không biết sao lại mắc dính vào người tôi. Tôi vội vàng gỡ rải băng, tiện tay có kéo, tôi cắt một khúc dài cỡ độ hơn 10 phân. Các vị bắt tay nhau xong, nói mấy câu vui vẻ với những người xung quanh đều là các “yếu nhân”, tôi phiên dịch. Thấy các vị rất vui, thế là tôi mạnh dạn nói xin phép các vị ấy cho xin chữ ký vào khúc băng để tôi làm kỷ niệm. Các vị vui vẻ ký ngay. Chỉ tiếc là khúc băng nhỏ quá, không có chỗ tỳ tay vì vải mềm không cứng như quyển sách, khó ký nên ít người ký được…

Đến hôm nay tôi vẫn giữ được khúc băng ấy với màu đỏ và các chữ ký còn nguyên nét mực.

Cũng là kỷ niệm về một thời…

Nguyễn Văn Ất - Nguyên trợ lý kiêm phiên dịch của Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long

Đọc thêm