Những lời đồn rùng rợn quanh “chùa thề độc” xứ Mường

(PLO) - Bao đời nay, người dân ở xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) vẫn truyền tai nhau về sự linh thiêng lạ kỳ của một ngôi chùa mang tên Tác Đức. Ngoài tên thường gọi ấy, nơi đây vẫn nôm na xưng tụng, gọi Tác Đức là “chùa thề độc”. Sở dĩ có “biệt danh” kỳ lạ này vì hầu như gia đình nào có con làm điều không tốt thì đều được dẫn đến chùa để sám hối. Lạ ở chỗ, nếu những lời thề thốt ấy đã nói trước cửa chùa mà sau đó dối trá, tái phạm, không sửa đổi theo hướng tích cực thì bản thân người lập thệ sẽ bị trừng phạt…
Một góc chùa Tác Đức.

"Chùa tích đức", "Chùa xin con"?

Biết đến địa danh chùa Tác Đức đã lâu, nhưng phải đến một ngày đầu tháng 4 chúng tôi mới có dịp tìm về xã Lạc Thịnh. Theo quan sát của chúng tôi, chùa Tác Đức được tọa lạc ngay dưới chân núi Khạ, phong cảnh, cây cối nơi đây hết sức rậm rạp. Những cao niên trong vùng kể, ban đầu quy mô chùa Tác Đức khá khiêm tốn, chỉ đơn thuần là một ngôi nhà ba gian lợp ngói, bốn bề bị bao bọc bởi đồi và núi cao. Thời điểm đó, trong chùa thờ duy nhất một cột đá mà người Mường thường gọi là “bụt mọc”.

Ngôi chùa có kiến trúc bộ với cột đều được làm bằng gỗ lim, các chân cột được chôn xuống đất như chân cột nhà sàn của người Mường. Đến năm 1990, bà con trong vùng đã đóng góp và xây dựng lại ngôi chùa trên nền đất cũ như hiện nay với kết cấu kiểu chuôi vồ, gồm nhà tiền đường và thượng điện. Thế nhưng, trái với quy mô khiêm nhường, tiếng tăm của ngôi chùa này lại được không ít người biết đến. Hiện trong chùa còn giữ được bức đại tự cổ “Linh sơn Tác Đức tự”, tức “Ngôi chùa nơi núi thiêng”.  Một người dân còn quả quyết: “Đây là ngôi chùa được biết đến nhiều nhất trong vùng này, ngoài những người ở Yên Thủy thì còn có cả người Hà Nội, Hà Nam… cũng tìm đến chùa”.

Theo người dân Lạc Thịnh, chùa Tác Đức còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như: chùa Tích Đức, “chùa thề độc”, “chùa xin con”. Họ cắt nghĩa rằng, “Tác” có nghĩa là tích, còn “Đức” là đức độ. Một số người khác thì khẳng định, tên gọi này được xuất phát và gắn với một dòng nước nhỏ suốt hàng trăm năm nay vẫn chảy từ trên núi xuống rồi tích tụ lại ở chùa. Hỏi sâu hơn về cái tên “chùa thề độc”, “chùa xin con” được khắp gần xa xưng tụng thì được biết, nó mang ý nghĩa quở phạt những kẻ dối trá, ban phát điềm lành cho người có tâm thiện.

Chùa có nhiều cổ vật, tượng quý, nhưng suốt bao năm cánh trộm cắp vẫn không dám tơ hào.

Nói sâu hơn về sự tích của ngôi chùa này, một cao niên thôn Đình Vặn tên Bùi Thị Anh cho biết: Chùa có từ khi nào tôi cũng không biết, chỉ biết rằng khi tôi sinh ra chùa đã có rồi. Nghe các cụ ngày xưa kể lại thì trước đây ở xã Lạc Thịnh có hai anh em tiều phu lên núi chặt gỗ làm nhà. Anh em nhà nọ chặt được cây gỗ vừa ý rồi nhưng lại không tài nào di chuyển được.  

Họ làm đủ mọi cách nhưng cũng đều bó tay. Chán nản, hai anh em nọ liền quỳ dưới chân núi mà khấn trời đất phù hộ. Họ hứa rằng, nếu nâng được cây gỗ lên họ sẽ lao gỗ xuống núi. Cây gỗ dừng chỗ nào thì họ sẽ xây chùa để cảm tạ Phật. Kỳ lạ thay, sau lời cầu khấn đó, hai anh em này bỗng nhấc được cây gỗ lên. Để thực hiện lời hứa, họ lao khúc gỗ xuống dưới chân núi. Hai anh em thầm tính, cây gỗ dừng chỗ nào sẽ dựng một ngôi chùa để tạ ơn trời đất. Khi xuống đến chân núi, họ phát hiện cạnh cây gỗ là một tảng đá hình tượng Phật. 

Thấy đây là điềm lạ, lúc này hai anh em tiều phu nọ mới tin là có Phật giúp đỡ. Họ liền dựng ngôi nhà nhỏ ngay cạnh tảng đá để thờ cúng. Cứ thế, định kỳ mùng 1, ngày Rằm họ và người trong vùng lại đến đây lễ lạt, thắp hương, cầu an. “Hiện dấu tích có tảng đá hình tượng Phật ấy vẫn còn. Nhưng từ chỗ tảng đá ấy, một đụn mối đã đùn lên khá cao. Đụn mối ở ngay gian chính điện trong chùa Tác Đức” – Một người dân cho biết. 

Trong chùa ngoài bàn thờ Phật còn có bàn thờ Thần núi và cả Chúa sơn lâm...

Một trong những câu chuyện khác mà rất nhiều người bản địa cùng kể cho chúng tôi nghe liên quan đến chùa Tác Đức đó là cái chết tức tưởi của một gã thợ rèn tham lam. Hắn ăn trộm của em trai mình nhưng dở thói “vừa ăn cắp vừa la làng” đòi lên chùa thề độc. Lời thề vừa dứt, người anh tham lam cũng lăn ra chết tức tưởi.

Một người đàn ông, tên Bùi Văn T (56 tuổi) góp chuyện: “Trước đây, ở vùng này có trường hợp ông Bùi C., 65 tuổi, ông này lỡ ăn cắp 2 chỉ vàng của cô em dâu nhưng ông này không nhận là mình lấy. Trái lại, ông ta một mực chối quanh rồi nói với em trai rằng, người em dâu láo, mất vàng thì liền đổ oan bừa bãi. Thấy anh trai nói thế, người em phần vì giận, phần vì xấu hổ đã về “dạy” vợ. Người vợ thấy mình oan ức nên tìm đến chùa giãi bày, không ngờ hôm sau thì người anh một tay băng bó, một tay cầm tiền sang trả”.

Chưa hết, sự linh thiêng của ngôi chùa còn được biết đến qua việc, không ít kẻ dám cả gan ăn trộm đồ vật của chùa đều chết bí ẩn. Liên quan đến chuyện này, một cao niên trong làng kể, cách đây hơn 40 năm, trong chùa bỗng dưng bị mất một quả chuông cổ bằng đồng đen và một bát nhang bằng đá xanh, có khắc hình hai con rồng chầu nguyệt. Thế nhưng, chỉ được vài ba tháng sau thì chiếc chuông đồng cổ và bát nhang bỗng dưng quay trở về. Nghe đâu, những kẻ tơ hào vật của chùa vì tai ương và bệnh tật nên mới sợ hãi mà đem trả. 

Chưa rõ tính xác thực của những câu chuyện trên đúng bao nhiêu phần, nhưng có điều chắc chắn là người dân huyện Yên Thủy mỗi khi có người nghi ngờ nhau liền lên chùa Tác Đức để lập lời thề, mong được minh oan. Và cũng kỳ lạ ở chỗ, đã từ lâu lắm rồi ngôi chùa đơn sơ cứ trong cảnh toang hoác cả ngày lẫn đêm, không có lấy một tấm cửa che chắn mà trộm cắp vẫn ngó lơ, không dám tơ hào, lai vãng đến.

Đi tìm lời giải

Theo ghi nhận thực tế của người viết, hiện cách bày biện trong ngôi chùa này khá đặc biệt. Chùa có điểm khác so với nhiều nơi ở chỗ, tất thảy tượng của các thánh thần đều được thờ cúng giao hòa xen lẫn với nhau. Hay nói cách khác, trong chùa ngoài bàn thờ Phật còn có bàn thờ thần núi và cả chúa sơn lâm... Do đó, trong những lần làm lễ cúng, người dân không hoàn toàn dâng lễ chay tịnh. Thông thường, họ phải làm một mâm hoa quả đặt ở bàn cao nhất cho Phật, mâm xôi thịt ở bàn thứ hai cho thần rừng và trứng gà ở mâm cuối cùng cho ngài Chúa sơn lâm.

Hiện nay, chùa Tác Đức không có sư thầy trông coi, thế nên tất thảy việc nhang khói, quét dọn, cúng bái trong chùa được người trong dòng họ Bùi gần đó đảm nhiệm. Để đi sâu, tìm hiểu về tính xác thực của những câu chuyện quanh chùa Tác Đức, chúng tôi tìm đến những người trực tiếp quản lý chùa là bà Bùi Thị Cậy và ông Bùi Văn Phỏn. Theo những người quản lý chùa này, việc người dân cho rằng đây là ngôi chùa thề độc và những chuyện xung quanh nó chỉ là lời đồn đoán, không có cơ sở khoa học.

Ông Bùi Văn Phỏn nhấn mạnh: “Có lẽ thế hệ trước muốn giáo dục con cháu sống thật thà nên đã thêu dệt nên những câu chuyện rùng rợn. Thế nhưng, có một thực tế là, không ít những trường hợp làm điều sai trái đã thành tâm lên chùa để “sám hối” và hứa sẽ không bao giờ tái phạm”. Tạm loại trừ các yếu tố tâm linh, ma mị quanh câu chuyện huyễn hoặc về chùa Tác Đức, nếu nhìn nhận chúng theo hướng tích cực thì sự linh nghiệm của ngôi chùa đã gián tiếp giúp cho các mối quan hệ gia đình, hàng xóm láng giềng trên vùng đất này ngày càng thêm gắn bó khăng khít. Các tệ nạn trộm cắp, lừa lọc cũng vì thế mà không có “đất” để tồn tại.

Mới đây nhất, ngày 10/3, chùa Tác Đức đã được đón nhận Bằng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 09/QĐ – UBND ngày 13/1/2016 của UBND tỉnh Hòa Bình.

Đọc thêm