Những mánh lới kiếm “siêu lợi nhuận” trong thế giới ngầm của Yakuza

(PLVN) - Những “xúc tu” của yakuza vươn tới nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm tống tiền các doanh nghiệp, cờ bạc, buôn lậu, cho vay nặng lãi, rửa tiền, buôn bán ma túy, bất động sản, thể thao, giải trí, thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo khách du lịch, tổ chức các tour du lịch tình dục, mại dâm, nô lệ, khiêu dâm trẻ em, buôn bán vũ khí.
Những mánh lới kiếm “siêu lợi nhuận” trong thế giới ngầm của Yakuza

Làm giàu từ thân xác người khác

Trong số đó, các hoạt động có liên quan đến tình dục được cho là miếng bánh béo bở của yakuza. Đối tượng khách hàng chính của những hoạt động này chính là những công chức nam vốn thường xuyên phải làm việc quá tải đến mức mệt mỏi ở Nhật Bản.

Chính yakuza là những người đã vận chuyển hàng tấn những bộ phim và tạp chí khiêu dâm từ châu Âu và Mỹ du nhập vào Nhật Bản. Chúng cũng là những đối tượng kiểm soát các đường dây mại dâm trên khắp cả nước này nhờ vào việc đưa phụ nữ từ một số nước châu Á khác tới Nhật Bản, giam giữ họ như tù nhân và buộc họ phải làm gái bán dâm.

Hình minh họa.
Hình minh họa. 

Một trong những nguồn “hàng” của yakuza là những “bé gái không mong muốn” từ Trung Quốc, được chúng mua với giá chỉ khoảng 5.000 USD rồi đưa vào làm việc trong mạng lưới những quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm của chúng.

Ngoài ra, nhiều gái mại dâm của yakuza đến từ Philippines - nơi nhiều cô gái trẻ ở bị lừa ra nước ngoài với lời hứa hẹn về công việc được trả lương cao. Ngay khi vừa đặt chân đến Nhật Bản, họ liền bị các thành viên trong những băng nhóm yakuza buộc phải làm vũ nữ thoát y hoặc gái mại dâm. Tuy nhiên, các cô gái này thường vẫn chấp nhận yêu cầu của những tay yakuza dắt mối vì ở đây họ vẫn có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với ở quê nhà.

Sex tour cũng là một hoạt động khá phổ biến ở Đông Á và yakuza cũng không bỏ sót hoạt động sinh lời “khủng” này, với việc thường xuyên tổ chức những tour nghỉ dưỡng kết hợp tình dục tới các thành phố lớn ở các nước khác.

Buôn hàng cấm

Yakuza cũng kiếm được những khoản lợi nhuận đáng kể nhờ vào việc thỏa mãn mong muốn của những người muốn sở hữu súng tại Nhật Bản - nơi cấm tất cả các loại súng. Tuy nhiên, bản thân những thành viên yakuza mới chính là người tiêu thụ súng nhiều nhất.

Để phục vụ nhu cầu của chính mình và của khách hàng, các băng nhóm yakuza thường mua những khẩu súng ngắn tự động từ châu Âu và Mỹ. Thông thường, việc mua bán thường được thanh toán dưới hình thức đổi ma túy lấy vũ khí. Các băng nhóm yakuza sản xuất và bán methamphetamine, hoặc dùng để trao đổi với các nhà cung cấp vũ khí phương Tây.

Yakuza cũng thu được hàng triệu USD mỗi năm nhờ việc tống tiền các doanh nghiệp và sokaiya (những người được tham gia các cuộc họp cổ đông) chính là những kẻ cầm đầu thực hiện hoạt động này. Cụ thể, sokaiya sẽ mua một lượng nhỏ cổ phần của một công ty đủ để họ có thể được tham gia các cuộc họp của các cổ đông. Trước khi cuộc họp cổ đông diễn ra, những người này thường thu thập các thông tin có thể gây tổn hại cho công ty và các cán bộ chuyện ngoại tình, trốn thuế, các điều kiện nhà xưởng không an toàn hoặc ô nhiễm môi trường...

Ngay khi phát hiện các thông tin này, sokaiya sẽ liên lạc với ban quản trị của công ty và đe dọa sẽ tiết lộ các thông tin mà chúng có tại cuộc họp cổ đông nếu không được “bồi thường”. Nếu ban quản trị không thỏa mãn những yêu cầu của chúng, sokaiya sẽ đến cuộc họp cổ đông và tiết lộ các thông tin có ảnh hưởng xấu đến công ty. Do lo sợ bị phanh phui những việc làm khuất tất hoặc những sai phạm nên các giám đốc điều hành các công ty mục tiêu thường làm theo yêu cầu của sokaiya cho “êm chuyện”.

Tuy nhiên, việc đe dọa cũng có khi được tiến hành dưới các hình thức khác. Ví dụ, một số sokaiya thường đóng vai những nhà xuất bản các tạp chí kinh doanh và ép các công ty phải quảng cáo hay mua ấn phẩm để đổi lấy những bài viết có lợi.

Do lo sợ những sokaiya này sẽ phát tán những bài viết hay bản tin bất lợi, lãnh đạo của các công ty thường phải trả tiền thay vì phải đối mặt với những thông tin xấu từ truyền thông. Một “mánh” khác mà sokaiya có thể sử dụng là tổ chức các sự kiện hay các buổi quyên góp và mời các doanh nhân tham gia để nhận tiền từ họ.

Cho vay nặng lãi

Tháng 8/2003, tờ Mainichi Shimbun đưa tin cảnh sát Nhật Bản đã phát lệnh  truy nã trên toàn quốc đối với Susumu Kajiyama (Chủ tịch Goryo-kai) - kẻ được cho là người đứng đằng sau hoạt động cho vay quy mô lớn với lãi suất cắt cổ, hoạt động dưới sự bảo trợ của băng nhóm yakuza lớn nhất Nhật Bản Yamaguchi-gumi.

Cảnh sát cho rằng Kajiyama nắm trong tay hơn 1.000 cơ sở cho vay nặng lãi khắp Tokyo. Việc truy nã Kajiyama được tiến hành sau hàng loạt các vụ đột kích của cảnh sát nhằm vào hàng chục địa điểm khác nhau, trong đó có văn phòng của Goryo-kai ở Tokyo.

Cùng với việc truy bắt Kajiyama, cảnh sát sau đó cũng đã bắt giữ một người tên Toshikazu Matsuzaki vì cáo buộc tương tự. Trong một vụ việc điển hình, cảnh sát cho hay Matsuzaki và những cộng sự của hắn đã cho 6 người vay 49 món, với lãi suất cao hơn đến 380 lần so với mức bình thường.

Cảnh sát Nhật Bản cho rằng, những băng nhóm yakuza ở nước này thu được những khoản lợi nhuận vô cùng lớn từ hoạt động cho vay nặng lãi. Một báo cáo được công bố hồi năm 2011 cho biết, chỉ trong vòng 18 tháng tính đến tháng 6/2011, các băng nhóm yakuza ở nước này đã thu về đến gần 300 triệu USD.

Vươn vòi tới Mỹ

Không chỉ hoạt động mạnh mẽ tại Nhật Bản mà yakuza còn vươn tầm hoạt động ra khắp thế giới, trong đó có cả đất nước vốn nổi tiếng về những băng đảng tội phạm là Mỹ. Tháng 3/1991, Giám đốc FBI khi đó là ông William Sessions tại phiên điều trần về tình hình tội phạm có tổ chức người châu Á trước Ủy ban điều tra của Thượng viện Mỹ cho hay: “Boryokudan (tức yakuza) đã trở thành một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới”.

Dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, ông Sessions nói rằng, ở thời điểm năm 1988, tổng nguồn thu của các băng nhóm yakuza đã lên đến gần 10 tỉ USD, trong đó có 1/3 là từ hoạt động buôn bán ma túy đá - thứ chất gây nghiện vẫn còn tương đối mới mẻ ở thời kỳ này. Tại Mỹ, Boryokudan kiểm soát đến 90% nguồn ma túy đá ở Hawaii. Vẫn theo người đứng đầu FBI, Boryokudan cũng hoạt động khá mạnh trong việc vận chuyển lậu súng ống từ Mỹ tới Nhật Bản.

Tại Mỹ, yakuza hoạt động chủ yếu ở Hawaii. Sở dĩ những thành viên yakuza đổ về Hawaii vì đây là nơi thu hút nhiều khách du lịch từ Nhật Bản và các nước châu Á khác. Tại bang này, yakuza thường đầu tư vào những món bất động sản đắt đỏ để kiếm lời và biến bang này thành kho chứa ma túy đá trước khi phân phối tới các bang khác ở Mỹ và vận chuyển vũ khí từ Mỹ về Nhật. Các thành viên yakuza ở Hawaii cũng phối hợp với các băng nhóm ở địa phương để đưa các loại hình cờ bạc, mại dâm tới đây.

Yakuza cũng đã vươn tầm hoạt động tới California - nơi chúng kết thành liên minh với những băng nhóm người Hàn Quốc và củng cố quan hệ đối tác vốn có với Hội Tam hoàng của Trung Quốc. Los Angeles là nơi đặc biệt hấp dẫn với các nhóm yakuza bởi sự xuất hiện của hàng loạt những nữ diễn viên trẻ tuyệt vọng tới đây để tìm kiếm bước đột phá trong ngành công nghiệp điện ảnh.

Tận dụng cơ hội này, các thành viên yakuza đã dụ dỗ nhiều phụ nữ tham gia những bộ phim khiêu dâm hoặc thậm chí là gái mại dâm. Hoạt động này đem đến một nguồn thu lớn cho yakuza vì nhiều đàn ông Nhật Bản có xu hướng thích những phụ nữ phương Tây, đặc biệt là những cô gái tóc vàng.

Ngoài ra, cũng giống như những băng đảng tội phạm người Mỹ, yakuza cũng đặc biệt yêu thích Las Vegas - nơi những sòng bạc mọc lên nhan nhản. Ngoài việc đánh bạc, nhiều người cũng có các nhu cầu khác như gái mua vui hay mại dâm và những yakuza nhanh chóng chớp lấy cơ hội này kiếm lời bằng cách môi giới để lấy tiền hoa hồng...

Đọc thêm