Những ngã rẽ tạo ra hai con người đối lập, Quách Tĩnh - Dương Khang trong Kiếm hiệp Kim Dung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quách Tĩnh – Dương Khang là hai con người xuất phát từ một hoàn cảnh hoàn toàn giống nhau, đều có dòng máu hảo hán của tiên tổ, tuy nhiên, biến cố đã khiến cả hai đi theo những ngã rẽ khác nhau, tạo nên hai con người hoàn toàn đối lập. 
Quách Tĩnh - Dương Khang trong phim Kiếm hiệp Kim Dung.
Quách Tĩnh - Dương Khang trong phim Kiếm hiệp Kim Dung.

Những ngã rẽ

Mở đầu truyện Thần điêu đại hiệp, Quách Tĩnh – Dương Khang không xuất hiện ngay. Đầu tiên, Kim Dung viết về cuộc sống chủ yếu của Quách Khiếu Thiên (cha Quách Tĩnh), Dương Thiết Tâm (cha Dương Khang) và cuộc kỳ ngộ với Trường Xuân Tử Khưu Xử Cơ, đệ tử Phái Toàn Chân tại thôn Ngưu Gia, phủ Lâm An. Trong câu chuyện với Khưu đạo trưởng, gia thế Quách Tĩnh, Dương Khang dần hiện ra. Hai người Quách – Dương vốn có nguyên quán ở Sơn Đông, vì tránh giặc Kim mà rời xuống phương Nam, ngụ tại thôn Ngưu Gia. 

Quách Khiếu Thiên gọi Quách Thịnh, một trong 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc là cụ tổ, tức là thuộc dòng dõi hảo hán. Trong khi nhà họ Dương gia thế còn kinh khủng hơn. Cha con Dương Khang thuộc dòng dõi Dương gia tướng, tôn xưng dòng họ Dương của danh tướng Dương Nghiệp thời Bắc Tống. Dòng họ Dương không chỉ cống hiến nhiều công lao chống giặc ngoại xâm cho đất nước mà còn nổi tiếng trong võ lâm với tuyệt kỹ trứ danh “Dương gia thương”.

Như vậy, cả Quách Tĩnh lẫn Dương Khang đều có dòng máu của anh hùng trong người. Ngay cả tên gọi của hai người cũng được đặt theo sự kiện Tĩnh Khang, vốn là một nỗi nhục trong lịch sử nhà Đại Tống, khi triều đại Bắc Tống bị quân Kim tiêu diệt. Khưu Xử Cơ đặt tên cho 2 đứa trẻ lúc đó còn trong bụng mẹ để sau này lớn lên, chúng không quên được nỗi nhục quốc gia, nhất là khi được sinh ra, cả 2 phải sống trong thời kỳ loạn lạc, quân Kim thường xuyên nhòm ngó lãnh thổ.

Quách Tĩnh.
Quách Tĩnh. 

Sau sự kiện gặp Khưu Xử Cơ, lại đánh dấu những biến cố vô cùng lớn của hai nhà Quách – Dương, từ đó tạo nên những ngã rẽ khác nhau cho hai đứa trẻ. Quách Khiếu Thiên bị quan quân hại chết, Lý Bình (mẹ Quách Tĩnh) bị Đoàn Thiên Đức, tên tướng cầm quân đánh hai gia đình Quách – Dương dẫn lên tận phía Bắc, ra đến đại mạc Mông Cổ.

Quách Tĩnh được sinh ra trong khoảng thời gian bi thương đó, là đứa trẻ được đẻ rơi trong gió rét của thảo nguyên. Mẹ chàng cũng chịu bao nhiêu đắng cay, cực khổ để nuôi dưỡng chàng nên người. Với Dương Khang, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Khởi nguồn của mọi đau thương cho hai nhà là việc Vương gia nước Đại Kim Hoàn Nhan Hồng Liệt say mê nhan sắc Bao Tích Nhược (mẹ Dương Khang) nên mới cho quan quân vây đánh.

Khi Dương Thiết Tâm chưa biết sống chết như thế nào, lại vì sợ đứa con trong bụng sẽ côi cút, Bao Tích Nhược đành nhận Hoàn Nhan Hồng Liệt làm chồng. Dù không phải con ruột Vương gia Đại Kim, nhưng khi sinh ra, Dương Khang mang họ Hoàn Nhan, được gọi là Hoàn Nhan Khang.

Y sinh ra trong nhung lụa, lớn lên trong nhung lụa, được chăm sóc cẩn thận, chu đáo, có kẻ hầu, người hạ và mang danh phận Vương tử của một đất nước lớn, khác hẳn Quách Tĩnh trải qua thời niên thiếu nơi đại mạc xa xôi. 

Dương Khang.
Dương Khang.  

Kim Dung đã xây dựng nên hai nhân vật Quách Tĩnh – Dương Khang với những gia thế hoàn toàn giống nhau. Cha mẹ cả hai đều là những người nông dân chất phác tại thôn Ngưu Gia, sống dựa vào chăn nuôi, săn bắn. Vậy mà từ một biến cố, tạo ra ngã rẽ, hình thành nên những con người khác hẳn nhau. Một người trở thành chính nhân quân tử, được tôi luyện trong môi trường gian khó nhất. Một kẻ trở thành tiểu nhân dù có đủ mọi điều kiện tốt nhất, nhưng bị đưa đẩy bởi môi trường sống. 

Chân anh hùng – kẻ tiểu nhân

Theo tiểu thuyết, Quách Tĩnh là người chậm chạp, ngốc nghếch, mồm mép vụng về, không khéo ăn nói nhưng mày rậm, mắt to, rất anh tuấn lại hào sảng, vô tư, chăm chỉ, chân thật, dũng cảm, hay làm việc nghĩa. Quách Tĩnh được sinh ra tại Mông Cổ giá lạnh, gió bắc như dao sau khi cha bị vương gia nước Kim Hoàn Nhan Hồng Liệt sát hại.

Từ đó Quách Tĩnh lần lượt bái tướng giỏi của Thành Cát Tư Hãn, Triết Biệt; Giang Nam Thất Quái và Hồng Thất Công làm sư phụ. Chàng học võ công của họ trở thành một trong những người giỏi nhất đương thời, được người đời gọi là Bắc Hiệp trong nhóm Ngũ tuyệt. Quách Tĩnh có trí tuệ không bằng người bình thường, thậm chí quá ngu độn theo nhận xét của nhiều nhân vật trong truyện.

 

Tuy nhiên, ở chàng lại là tính cách hết sức nhân hậu, cũng không kém ý chí, nghị lực và đặc biệt là luôn có một tấm lòng trung báo quốc. Chính những điều đó đã bù đắp cho chàng, biến chàng trở thành một chân anh hùng.  Sau cùng, chàng học được cả Song thủ hỗ bác, Hàng long thập bát chưởng và đặc biệt là Cửu âm chân kinh. Các môn võ công này giúp chàng nội ngoại công đều thuộc hàng đệ nhất thiên hạ. Chưa kể, chàng cũng có nhiều tài nghệ khác từ cuộc sống du mục ở Mông Cổ như đấu vật, cưỡi ngựa, bắn tên. 

Trên con đường trở về Trung Nguyên báo thù cho cha, như một định mệnh, Quách Tĩnh tình cờ gặp Dương Khang, nhưng trong một tình cảnh chẳng hay ho gì. Khi ấy, chàng đấu với họ Dương, lúc đó đang có tên là Hoàn Nhan Khang, mang danh phận Vương tử Đại Kim. Cô gái Mục Niệm Từ tỷ võ chiêu thân, Dương Khang là người duy nhất thắng được nàng, nhưng y coi như đó là trò đùa và không chịu cưới nàng vì chênh lệch thân phận. Quách Tĩnh thấy như vậy cho nên động thủ với họ Dương để bảo vệ phẩm giá cho Mục cô nương. 

Tình tiết này xuất hiện trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của cả hai, cho người đọc mường tượng về phẩm giá của Quách và Dương. Tiếp những biến cố, Dương Khang chứng kiến cha mẹ mình tử nạn dưới tay Hoàn Nhan Hồng Liệt.

Sau đó Quách Tĩnh kết giao huynh đệ như lời định ước của Khưu Xử Cơ khi xưa: Nếu Lý Bình và Bao Tích Nhược sinh một nam một nữ thì kết làm phu phụ, cùng là gái thì làm tỷ muội, cùng là trai thì là huynh đệ. Những tưởng đây sẽ là ngã rẽ cho Dương Khang, khi được kết anh em với một người trung hậu như Quách Tĩnh, nhưng sự thật lại không đi theo chiều hướng như vậy. Hai người lại rẽ sang những ngã rẽ khác nhau, để từ đó thậm chí còn trở thành kẻ thù. 

Dương Khang luôn ganh tỵ với Quách Tĩnh vì võ công của người huynh đệ mình tiến triển quá nhanh. Bên cạnh đó, y cực kỳ tham phú quý, gạt bỏ thù cha, thù nước, chấp nhận trở lại làm con của kẻ thù gây nên bao nhiêu chuyện ác như đâm lén Quách Tĩnh, cùng Âu Dương Phong giết chết 5 người trong nhóm Giang Nam thất quái (các sư phụ của Quách Tĩnh).

Cuối cùng, Dương Khang có một kết cục bi thảm khi cố giết Hoàng Dung mà đấm phải tấm nhuyễn vị giáp vốn đã có sẵn thuốc độc rắn của Âu Dương Phong. Dương Khang chết quá thảm, trong đau đớn dày vò, thân xác còn bị hàng ngàn hàng vạn con quạ rỉa cho đến khi chỉ còn là bộ xương trắng. 

Quách Tĩnh trở thành người thế nào, có lẽ không cần phải nói nữa. Nói thêm về Dương Khang, vậy hắn có xứng đáng được tha thứ? Có lẽ là không. Hắn trở thành kẻ tiểu nhân, ti tiện, bỉ ổi theo đúng nghĩa. Thật ra, cũng có nhiều ý kiến đem hoàn cảnh sinh ra trong nhung lụa, chịu ảnh hưởng của người Kim để bênh vực cho hắn.

Tuy nhiên, nếu một kẻ chứng kiến cha mẹ chết trước mắt mình, rồi sau lại nhận giặc làm cha thì kẻ đó không đáng được tha thứ. Chưa kể, các hành vi của Dương Khang đều là hành vi của những kẻ tiểu nhân, đó là bản tính con người. Bản tính đó khiến dù có một người mẹ hiền từ như Bao Tích Nhược, hay từng được cảm hóa thì cũng không thể thay đổi được. 

Đọc thêm