Chuyến đi định mệnh trên con tàu “không số” thời bình
Khác biệt với những vùng quê yên tĩnh khác, nơi đây vào những buổi chiều hay những buổi sáng tinh mơ thì ngoài bờ biển đã tấp nập người bán, kẻ mua. Cảnh tượng này sôi động như một “thành phố nổi”, nhưng ít ai biết được nơi đây đã có biết bao nhiêu người con vĩnh viễn ra đi lúc tuổi đời còn rất trẻ. Tiếng sóng vỗ đập vào chân đê, tung lên những bọt sóng trắng xóa. Hình ảnh của những ngư dân vùng biển Ngư Lộc ngày ấy dần hiện về trong nỗi nhớ khôn nguôi...
Cách đây 3 năm, cũng chính tại vùng đất đầy sóng này, không khí tang thương đã bao trùm lên tất cả mọi người từ người già đến trẻ. Những con thuyền ra đi không bao giờ cập bến để những nỗi đau đớn tột cùng ùa tới, bao phủ cả một bờ biển dài. Người chồng, người cha ra đi để lại nỗi đau tột cùng, những đứa con sinh ra không thấy được mặt cha. Người mẹ gầy còm mắt cứ dưng dưng mà nước mắt không sao chảy được. Vẫn biết đây là chuyện không lạ bao đời nay nhưng sao không thể xót xa trước cảnh “lá vàng tiễn lá xanh” ở xã Ngư Lộc.
Tháng 1/2011, chiếc tàu đánh cá của ông Tăng Viết Xô ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc đã “theo sóng biển mà đi” với 9 thuyền viên. Nỗi đau đó chắc không một ai ở xã Ngư Lộc là không nhớ. Những người chồng, người con ra đi mà chẳng bao giờ nói lời từ biệt với người thân của mình. Đến ngày giỗ, người mẹ, người vợ, có khi là cả người con chưa bao giờ nhìn thấy mặt cha chỉ biết ra biển thắp nén nhang cúng vọng hương hồn, bởi thân xác họ đã hòa tan cùng với biển cả mênh mông.
Trước đó, năm 2010 là một năm kinh hoàng với chiếc tàu của gia đình ông Đô Chữ ở thôn Chiến Thắng với 9 thuyền viên bị mất tích. Trong đó, gia đình ông Đô có 3 người con trai đều đi trên chuyến tàu định mệnh ấy. Nơi quê nhà là những nỗi đau, nỗi xót xa vô bờ bến...
Con số 18 người mất tích đâu thấm được khi hàng trăm ngư dân của xã Ngư Lộc chết thảm trong cơn áp thấp nhiệt đới năm 1996 được ví như là cơn “đại hồng thủy”. Những con sóng dữ dội đã nhấn chìm biết bao con tàu ngoài biển khơi. Xác người chết theo sóng trôi dạt vào bờ nhiều đến vô kể, người thân trong gia đình chỉ biết cầu mong cho chồng con sống xót, thế nhưng cái số phận nghiệt ngã mà thiên tai đem lại quá tàn nhẫn. Bao người già, trẻ đều ra đi trong làn nước rét căm căm.
Nỗi nhớ vơi đầy của những “vọng phu”
Trải qua năm tháng, những người mẹ, người vợ của họ vẫn đang ngày đêm quần quật kiếm lấy manh áo, đồng tiền nuôi dạy con cái nên người. Dường như trong lòng họ vẫn còn có niềm an ủi - đó là những đứa con. Vì những đứa con thơ dại, họ phải tiếp tục đứng dậy vượt qua nỗi đau nghiệt ngã của cuộc sống để tiếp sức cho tương lai.
Sau những tháng ngày sống trong sự cô đơn, thiếu đi hơi ấm của người chồng, người con. Những “vọng phu” ngày ngày bên công việc tấp nập của mình và rồi khi đêm về, nỗi nhớ đầy vơi theo từng nhịp đập của cơn sóng lòng.
Có những người phụ nữ nơi đây ngày nào cũng ra biển ngóng chồng. |
Trong ngôi nhà nhỏ nằm chen chúc gần biển, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xã Ngư Lộc dẫn đường đến thăm mẹ con chị Đồng Thị Bắc (30 tuổi) trú tại thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc). Trong gian nhà ống 2 gian do UBND xã Ngư Lộc trao tặng, chị Bắc cùng đứa con trai 4 tuổi ngồi tựa vào nhau. Đảo mắt nhìn qua, chúng tôi chẳng thấy trong nhà có gì giá trị ngoài cái sạp gỗ để khách ngồi uống nước. Ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của đứa trẻ lên 4 không hề biết tình cảm của người cha mình khiến “người dưng” như chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Khi nhắc đến chồng, hai hàng nước mắt của chị Bắc cứ tuôn trào. Định thần lại, chị tâm sự: “Chồng tôi mất đợt năm 2010, chúng tôi lấy nhau được 3 năm thì sinh ra hai cháu, cháu lớn giờ học lớp 3, còn cháu nhỏ thì chưa đi học. Trước khi anh ấy qua đời chúng tôi có dự định sẽ gom góp tiền làm ăn xây ngôi nhà và mua cái tivi, nhưng…”.
Nói đến đây, chị Bắc không giấu nổi xúc động, những tiếng nấc nghẹn ngào làm tất cả mọi người im lặng. Được 5 phút sau, chị kể tiếp: “Dự định không thành, chồng mất sớm để lại hai đứa con nhỏ dại, đang tuổi ăn, tuổi chơi nên kinh tế cũng khó khăn, nhờ ơn Nhà nước mẹ con tôi mới có ngôi nhà để ở. Có nhà ở rồi, tôi nhớ chồng tôi, tôi thương con tôi lắm”.
Tiếng nấc nghẹn ngào lại thin thít giữa căn nhà nhỏ khiến xung quanh ai cũng thấy động lòng. Theo như lời chị Bắc kể, thì hiện nay chị hằng ngày mưu sinh bằng công việc đi làm cá thuê cho những nhà buôn bán cá. Tính trung bình mỗi ngày chí ít chị cũng kiếm được 20 - 30 nghìn để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.
Từ biệt chị Bắc, chúng tôi lại theo chân chị Thanh chúng tôi lại đến nhà chị Đồng Thị Quyên (49 tuổi) – là hàng xóm với chị Bắc. Cùng cảnh làng xóm với nhau, chị Quyên giờ yếu hẳn bởi bệnh tật. Chồng chị mất năm 1996, khi gia đình chị Quyên vừa xây xong ngôi nhà cấp 4. Cơn “đại hồng thủy” năm 1996 đã cướp đi người chồng, người cha của gia đình chị.
“Từ khi chồng mất, bên tôi giờ chỉ có hai đứa con là niềm an ủi , nhiều lúc tôi cứ muốn quên đi tất cả nhưng nghĩ đến những đứa con, tôi phải tiếp tục sống để nuôi chúng ăn học thành người. Năm đó, cả xã Ngư Lộc đổ xô ra nhận xác người thân trong đó có tôi, người chết thì nằm la liệt, chẳng biết nhận dạng thế nào. Cả 3 mẹ con vẫn tin rằng bố nó còn sống nhưng khi nhìn thấy xác thì tôi ngất đi... Sau bao nhiêu năm, tôi đã cố gắng chăm nuôi gia đình khi chồng không có nhà”, chị Quyên thổ lộ.
Vượt qua nỗi đau về tinh thần, chị Quyên không bao giờ nghĩ mình đi bước nữa sau khi chồng mất. Những người phụ nữ nơi đất biển này tuy mất chồng nhưng họ luôn hướng tới người đã “kết tóc xe duyên”. Đó là bản chất chung thủy của phụ nữ vùng biển Ngư Lộc.
Đồng cảnh với chị Quyên là chị Đặng Thị Chung, vợ của anh Vũ Văn Vòng (con trai thứ 2 chết trong cơn áp thấp năm 1996 của bà lão Trần Thị Bảy, 83 tuổi, có hai người con trai đều chết khi đi biển) ở thôn Thắng Tây. Lúc anh Vòng ra đi, chị Chung đang mang thai bé gái 6 tháng tuổi. Giờ cháu gái đã 15 tuổi học lớp 10 nhưng cháu không bao giờ biết mặt cha một ngày.
Chị Chung nhớ lại: “Lúc đó tôi đang mang bầu, khi nghe tin dữ, tôi và mẹ chồng cùng chạy ra biển xem thế nào. Ai ngờ đâu… Lúc đó tôi đau bụng và bị ngất lên ngất xuống mấy lần. Cuối cùng mọi người đưa tôi về nhà nghỉ. Tôi đã mất một tuần không ăn không uống vì thương chồng, thương đứa con thơ dại chưa chào đời. giờ cháu cũng lớn rồi, nó ngoan ngoãn và có nhiều nét thấy giống bố nó. Như thế tôi cũng an lòng. Mong rằng nơi chín suối bố nó có linh thiêng thì phù hộ cho ba bà cháu, mẹ con được mạnh khỏe”.
Chị Nguyễn Thị Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xã Ngư Lộc cho biết: “Số chị em phụ nữ có chồng con mất mát ngoài biển đến hàng trăm người. Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng qua nắm bắt tình hình chúng tôi cũng thường xuyên thăm hỏi và động viên. Cùng cảnh phụ nữ với nhau nên chẳng ai muốn người thân của mình phải mất cả”.
Mỗi con người, mỗi số phận, thiên tai đã cướp mất chồng, con họ trong sự nuối tiếc của bao người. Âm thầm và lặng lẽ dưới lớp sóng thời gian, những người mẹ, người vợ của những ngư dân đang hằng ngày vượt qua biết bao gian khổ để sống hết quãng đời còn lại, dù biết rằng phía trước đường đi còn rất xa.
Chia tay vùng biển Ngư Lộc, chúng tôi trở về thành phố. Những hạt mưa mùa hạ lăng phăng phủ kín sau lưng như cộng hưởng với tiếng sóng biển vỗ bờ. Chúng tôi tự hỏi những người phụ nữ ấy sống như thế nào trong ngần ấy thời gian, khi những đứa trẻ ấy lớn lên nó sẽ nghĩ như thế nào?
Và chắc có lẽ chẳng ai biết được ở một vùng biển như Ngư Lộc lại có nhiều “hòn vọng phu” đến như vậy. Và cũng chẳng ai biết được trong sâu thẳm của những người phụ nữ ấy luôn có sóng biển trong lòng!