Những người đàn bà gánh nước biển Đông nuôi cả gia đình

(PLO) - Chiếc nón lá đội đầu “rách đông rách tây”, mảnh áo tơi chùm không kín người, ấy vậy mà đôi chân trần thoăn thoắt từng bước… đó là ấn tượng đầu tiên về những người phụ nữ gánh nước biển đập vào mắt phóng viên trên bãi biển Thọ Quang, Đà Nẵng. Mặt trời lên, hình ảnh những người phụ nữ với đôi thùng nước  hiện rõ dần dưới những tia nắng sớm.
Bà Huỳnh Thị Côi mặc chiếc áo tơi miệt mài gánh nước.
Sinh ra trên vùng đất nắng lắm, mưa nhiều miền Trung, đàn ông trai tráng theo thuyền lênh đênh ngoài khơi, đàn bà buôn bán cá tôm, cuộc sống của nhiều người dân bán đảo Sơn Trà đều gắn liền với biển. 
Nghề gánh nước biển mưu sinh nơi chợ cá
Nhịp sống sinh hoạt ở bán đảo Sơn Trà sớm hơn những nơi khác trong thành phố, nhất là với những  người trong gia đình làm nghề chài lưới. Theo chân những người dân ra buổi chợ cá sớm từ lúc 3 giờ sáng, những cơn gió mang theo vị mặn của biển cùng hơi nước man mác làm tôi tỉnh ngủ hẳn. 
Những ngõ xóm vẫn vắng lặng trong giấc ngủ sâu, chỉ khi ra đến đường Hoàng Sa (đại lộ dọc bãi biển Đà Nẵng), khách lạ mới thấy ngày mới của một góc thành phố này đã bắt đầu từ bao giờ. Bờ biển dài với những bóng người đứng, ngồi, đi lại. Không gian đêm bỗng trở nên nhộn nhịp trước mắt những vị khách phương xa như tôi. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng sóng biển vẫn dạt dào vỗ đều, đan xen với tiếng máy của những con tàu đang cập bến, chợ cá cũng bắt đầu. 
Những chiếc thúng chở đầy tôm cá được những người đàn ông quẩy vào bờ một cách nhẹ nhàng. Những người phụ nữ nhanh chân đến xách những túi cá lên bờ. Ở chợ cá có đủ những người làm thuê với các công việc như phân loại cá, người làm cá bóc vỏ tôm, người đi bê cá, nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là nghề gánh nước biển thuê của những người phụ nữ đã ở tuổi xế chiều. 
Ở chợ có bốn người làm nghề gánh nước thuê này, người ít tuổi nhất cũng đã gần 60. Chiếc đòn gánh tre cật, đôi thùng nước tự chế được cắt từ những can dầu cũ là vật dụng mưu sinh trong những buổi chợ sáng của những con người ấy. Trong ánh đèn pin lờ mờ khi bình minh còn chưa đến nơi, những bóng người thấp bé trong chiếc áo mỏng vẫn đi về phía con sóng, vục đầy hai thùng nước biển, rồi bước chân họ thoăn thoắt gánh nước lên bờ, mặc những con sóng vẫn đuổi theo sau. 
Những ngày mùa mưa, gió bấc, khi nhiều người còn ủ ấm trong nhà thì họ vẫn có mặt ở đây từ sáng sớm, lội xuống dòng nước lạnh để mưu sinh. “Mùa hè thì đỡ chứ mùa lạnh cực lắm chú ơi, gió rét, mặc áo ấm thì sợ nước ướt càng thêm lạnh, chỉ dám mặc cái áo mưa mỏng. Chân vẫn dính nước lạnh thấu xương. Cái nghề vốn dĩ phải cực nhọc nên cũng chẳng biết kêu than với ai” - chất giọng miền Trung đặc sệt của bà Huỳnh Thị Côi (phường Thọ Quang – quận Sơn Trà) khiến tôi phải nhờ cô bạn phiên dịch. Rồi bà Nhất (67 tuổi ở Thọ Quang) cùng hành nghề này tiếp lời: “Mà không đi thì lấy gì đi chợ, nó là nghề nuôi thân mấy chục năm rồi, mình không đi thì lại sợ người ta không có nước dùng, biết kêu ai gánh đây”.
Công việc của những người phụ nữ gánh nước thuê bắt đầu từ khi chợ bắt đầu họp đến khi các xe chở đầy cá đi về các chợ, từng đấy cũng ngót 6 tiếng đồng hồ, từ 3h đến 9h sáng. Những lúc không ai thuê gánh nữa, họ lại tranh thủ nhặt giúp người này con tôm, con cá, bê rổ lên xe, khiêng chậu nước, xách cá từ thúng lên bờ,...
Ngồi trên bãi chợ nhìn xuống, chốc chốc lại thấy bóng người phụ nữ với đôi quang gánh bước đi thoăn thoắt. Tôi băn khoăn mãi, trời tỏ dần, những dáng người ấy hiện rõ dần, khuôn mặt ai cũng có nếp nhăn in hằn rõ. 
Chợ cá họp từ sớm tinh mơ, các tiểu thương phân loại cá, bóc vỏ tôm bên những chiếc đèn nê-ông. 
Gánh nước thay chồng nuôi cả gia đình
Gần 25 năm gắn bó với đôi gánh, thùng nước, bà Côi là một trong những người gánh nước thuê làm việc lâu năm nhất ở chợ cá này. Cảnh mẹ góa con côi, đứa con lớn lại không được khôn, làm đâu hỏng đó nên người mẹ già ấy vẫn phải lo toan mọi việc.
“Ngày nào cũng vậy, dù trời nắng hay mưa, chợ cứ họp là mấy bà già này lại có mặt gánh nước, hết buổi người cho 5 ngàn, người cho 10 ngàn, cũng là đủ sống chú à” - bà Côi chia sẻ. Chính vì việc gánh nước thuê không có giá công cụ thể nên “đến khi tan chợ, mọi người cho bao nhiêu thì mình xin bấy nhiêu thôi, nhặt giúp họ con tôm, con cá, bê thùng nước, thau chậu thì có khi được thêm ít ngàn”.
Những dấu chân trần in hằn trên cát của những người phụ nữ gánh nước biển như những đường chỉ dài nối từ bãi chợ cá ra tận mép nước. Một trong những dấu chân khắc khổ ấy là của bà Ngô Thị Á (57 tuổi, cũng ở phường Thọ Quang). Cuộc sống bám biển của gia đình bà Ngô Thị Á vốn đã vất vả, đến nay thêm éo le khi tai nạn bất ngờ ập đến với chồng bà. 
Hơn 3 năm trước, ông Nguyễn Lưng (57 tuổi, chồng bà Ngô Thị Á) bị tai nạn giao thông, liệt nửa người phải nằm một chỗ. Vốn là lao động chính trong gia đình, giờ chồng đổ bệnh, một nhà 5 miệng ăn đổ dồn lên vai bà Á. “Bỏ nghề này thì biết làm gì mà sống, hai đứa nhỏ còn đang tuổi đi học nên dù là mưa gió kiểu gì, sáng nào tôi cũng phải ra biển gánh nước thuê, nhặt con tôm, con cá cho họ kiếm tiền” - bà Á tâm sự.
Bà Ngô Thị Á với đôi quang gánh tất bật từ sớm, đôi vai bà gánh 
nỗi lo cơm áo của cả gia đình. 
Hôm nay, bà Nhất, một trong bốn người gánh nước thuê có việc về quê vài ngày nên công việc của ba người còn lại cũng nhiều hơn. Bà Á, bà Côi chốc chốc lại đi quanh chợ, nhìn vào các thùng nước rồi lật đật xuống biển gánh thêm đổ cho đầy. Thi thoảng tiếng gọi “bà ơi, cho con thùng nước” lại vang lên trên bến cá. Mặt trời cũng dần lên cao, các xe cá cũng đã tỏa đi khắp thành phố, những người phụ nữ này lại lui cụi nhặt con tôm, con ghẹ, đợi người ta gọi gánh cá thuê cuối buổi chợ.
 “Kiếm được đồng nào hay đồng nấy, gánh mấy chục bao đó mà người cho 10.000, người cho 20.000, cũng đỡ hơn là không có. Hồi hôm dậy đi xuống bến, con bé út nhắc tiền nộp thi tốt nghiệp mà chưa xoay được”, nói xong bà Á lật đật đi gánh nước cho người phụ nữ ở cuối bến cá. Lúc này tôi mới để ý lưng bà cũng đã hơi còng, bước đi cứ nhịp nhịp in đậm sự khắc khổ dù không có nước trong thùng...

Đọc thêm