Những người lính Trung đoàn Phú Xuân hồi tưởng cuộc chiến giải phóng Thừa Thiên Huế

(PLO) -Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhưng những năm tháng chiến đấu hào hùng một thuở, vẫn vẹn nguyên trong ký ức những người lính năm xưa. Họ là những người lính của Trung đoàn Phú Xuân, nay đều đã ở tuổi “cổ lai hy”, nhưng có chung một cảm xúc khi nhắc lại những ngày tháng cũ.
Bộ đội tiến vào Huế, hai bên đường là những vũ khí, phương tiện quân Sài Gòn bỏ lại
Bộ đội tiến vào Huế, hai bên đường là những vũ khí, phương tiện quân Sài Gòn bỏ lại

Được thành lập vào ngày 10/10/1965, Trung đoàn Phú Xuân (Trung đoàn 6) là Trung đoàn chủ lực Quân khu Trị Thiên, với nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu trên chiến trường Trị - Thiên. Trung đoàn Phú Xuân đã vang danh với những trận đánh ác liệt trong cuộc tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và cuộc chiến giải phóng Thừa Thiên Huế năm 1975.

Đã gần nửa thế kỷ kể từ khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đến nay, nhưng với Đại tá Phan Sỹ Khứ (nguyên Hiệu trưởng trường Quân sự Bình Trị Thiên, ngụ phường Thủy Xuân, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đó mãi là những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời mình.  

Năm 1960, đại tá Khứ tham gia quân đội. Đến năm 1962, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào. Ông bảo, lúc Tổ quốc lâm nguy, mình cũng như tất cả thanh niên trai trẻ thời ấy, đều xung phong tham gia kháng chiến và chiến đấu hết mình độc lập tự do của đất nước. 

Người dân Huế chào đón Quân Giải phóng
Người dân Huế chào đón Quân Giải phóng

Năm 1967, khi thành lập các Trung đoàn để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, ông được phong làm Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 4. Lúc này Trung đoàn ông chỉ huy có nhiệm vụ tấn công địch ở vùng Phú Lộc và phía đèo Hải Vân.

Trận thắng toàn diện

Trong suốt những năm kháng chiến, đại tá Khứ đã tham gia rất nhiều trận đánh, nhưng ông nhớ nhất lần tham gia trận đánh vào tháng 12/1971. Trận đánh đó chính là “chìa khóa” góp phần mở ra con đường đi đến giải phóng Huế. Ông là Trung đoàn trưởng, cũng là người chỉ huy hơn 600 binh sĩ phục kích xe của địch từ Đà Nẵng ra đến địa bàn huyện Phú Lộc. 

Trận phục kích đó, ông cùng đồng đội đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, trong đó có 37 lính Mỹ và 53 xe. “Trận đánh có thể nói là chiến thắng toàn diện bởi quân ta không hi sinh một ai. Và đây cũng là trận đánh cuối cùng của Trung đoàn 4 trước khi sát nhập Trung đoàn 6 để chuẩn bị cho cuộc chiến giải phóng Thừa Thiên Huế năm 1975”, vị đại tá hồi ức.

Quân Sài Gòn tháo chạy khỏi Thừa Thiên – Huế
Quân Sài Gòn tháo chạy khỏi Thừa Thiên – Huế

Một nhân chứng khác, Đại tá Bùi Trung Thành, bày tỏ niềm tự hào về những tháng ngày chiến đấu trong Trung đoàn Phú Xuân. Tháng 3/1971, ông cùng Trung đoàn hành quân vào chiến trường Trị Thiên. Đến tháng 6/1971 Đại đội của ông được phân công tấn công địch ở địa bàn xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Để chuẩn bị cho chiến dịch 1972, nhiệm vụ đầu tiên mà đại đội ông phải hoàn thành là dụ địch ra khỏi căn cứ điểm.  

Lần đánh cứ điểm 131vào ngày 31/10/1973, đại đội ông sau nhiều giờ chiến đấu liên tục đã tiêu diệt được 15 tên địch, bắt sống 3 tên, đẩy đối phương ra khỏi cứ điểm 131. Kết thúc trận đánh, quân ta lại rơi vào tình trạng thiếu gạo để ăn vì địch ngăn chặn tất cả người dân A Lưới không cho mua bán gạo. “Nhưng ý Đảng lòng dân, bà con hồi ấy đã dùng đủ mọi cách che dấu quân thù. Họ mua gạo mang về chôn dưới chuồng heo để không bị địch phát hiện. Cũng nhờ những bao gạo chôn dưới chuồng heo của đồng bào, đã cứu sống biết bao người lính như chúng tôi”, đại tá Thành hồi ức.

Trung đoàn trưởng trung đoàn Phú Xuân ngày ấy chính là Đại tá Huỳnh An. Dù đã ở độ tuổi 90, nhưng những ký ức về những trận chiến năm xưa ông vẫn còn nhớ rất rõ. 

Xác xe cộ và phương tiện quân sự bỏ lại ngổn ngang tại cửa biển Thuận An, khi quân Sài Gòn tháo chạy cuối tháng 3/1975
Xác xe cộ và phương tiện quân sự bỏ lại ngổn ngang tại cửa biển Thuận An, khi quân Sài Gòn tháo chạy cuối tháng 3/1975

Để chuẩn bị cho cuộc chiến giải phóng Thừa Thiên Huế, tất cả anh em chiến sỹ Trung đoàn 6 đã chiến đấu không biết mệt mỏi, đã có rất nhiều chiến sỹ đã hi sinh khi thắng lợi cận kề. Năm 1975, khi tuyến phòng ngự khu vực đường 14 và quanh căn cứ Phú Bài bị vỡ, cánh cửa giải phóng Huế như mở ra. Ngày 25/3/1975, Trung đoàn 101 của Sư đoàn 325 và một bộ phận của Trung đoàn 271 chỉ trong một buổi sáng đã đánh chiếm căn cứ Ấp 5 và căn cứ Phú Bài. 

Trong suốt 13 ngày đêm giằng co chiến đấu với đối phương, cuối cùng quân ta cũng đã phá vỡ được phòng tuyến của quân Sài Gòn. Cánh cửa giải phóng Thừa Thiên - Huế từ phía Nam đã được mở ra. Đòn quyết định chiến dịch này còn mở ra thế và lực mới cho quân và dân ta tiến công giải phóng Đà Nẵng chỉ mấy ngày sau đó thuận lợi hơn.

Nghĩa tình đồng đội

Đúng 6h30 sáng 26/3/1975, lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng tung bay trên đỉnh Ngọ Môn, cả kinh thành Huế vui sướng vỡ òa trong niềm vui giải phóng. Trung đoàn Phú Xuân được vinh dự giao nhiệm vụ vận chuyển, kéo cờ Tổ quốc trên Kỳ đài Ngọ Môn Huế để báo hiệu Thừa Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng. 

Huế tháng 6/1975 - Lễ chào cờ của nữ sinh Đồng Khánh
Huế tháng 6/1975 - Lễ chào cờ của nữ sinh Đồng Khánh
“Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, để hoàn thành nhiệm vụ nên tôi phải cân nhắc mọi chuyện thật kỹ lưỡng. Sau bao lần cân nhắc, tôi giao nhiệm vụ cho Đại Đội 3, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn Phú Xuân mang cờ từ căn cứ về Huế để cắm trên Kỳ đài Ngọ Môn. Lúc đó, đồng chí Đại Đội trưởng giao cho đồng chí Trần Văn Hà, quê ở tỉnh  Hà Nam, có nhiệm vụ vận chuyển lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam từ căn cứ Mỏ Tàu (Huyện Phú Lộc) cùng Trung đoàn tức tốc hành quân 5 ngày đêm đường rừng về trung tâm TP Huế”, Đại tá Huỳnh An kể. 

Qua bao nhiêu ngày đêm băng rừng, lội suối vất vả, với bao hiểm nguy rình rập từ phía quân thù, rạng sáng ngày 26/33, Trung đoàn Phú Xuân mang cờ qua cầu Bạch Hổ rồi theo đường Lê Lợi tiến vào Ngọ Môn.

Từ cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 đến khi cờ giải phóng bay trên Kỳ đài Ngọ Môn Huế, đã có hơn 12 ngàn chiến sỹ của trung đoàn anh dũng hi sinh vì độc lập dân tộc, giải phóng quê hương. Để tri ân các anh hùng, liệt sỹ của Trung đoàn đã chiến đấu hi sinh để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc cũng như cho tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, năm 2013 Ban liên lạc Trung đoàn cùng chính quyền địa phương đã xây dựng bia Chiến tích của Trung đoàn Phú Xuân tại Sân bay Tây Lộc.

Bãi xác xe pháo tại Huế tháng 4/1975 cho thấy các tiếp liệu của Mỹ bị phá hủy bởi pháo binh Quân Giải phóng
Bãi xác xe pháo tại Huế tháng 4/1975 cho thấy các tiếp liệu của Mỹ bị phá hủy bởi pháo binh Quân Giải phóng

Những năm tháng chiến đấu trên đất cố đô, đã khiến nhiều cán bộ chiến sĩ có tình cảm sâu nặng với mảnh đất này. Như với Đại tá Thành, đây chính là quê hương thứ hai, để lại trong ông nhiều kỷ niệm mà suốt cuộc đời không thể nào quên được. Sau ngày Huế giải phóng, ông về Thanh Chương (Nghệ An) đưa người bạn đời của mình vào định cư tại đây. Gắn bó cuộc đời trên mảnh đất mà anh em, đồng đội đã hy sinh xương máu, đó cũng là cách để ông tri ân những đồng đội của mình. 

Chiến tranh kết thúc, hòa bình về khắp mọi miền của tổ quốc, nhưng vẫn còn đó những trăn trở. “Có quá nhiều chiến sỹ hi sinh đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Đây cũng là công việc mà nhiều anh em còn sống chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, và cũng là ước nguyện của chúng tôi”, Đại tá Thành chia sẻ.

Chén cháo ân tình:

Những năm tháng chiến đấu trên chiến trường, đã khiến tình chiến sỹ thân thiết như tình cảm ruột thịt. “Hồi đó, chiến tranh kéo dài, ở chiến trường xa xôi mọi thứ đều khan hiếm. Có một hôm khi đồng chí Trịnh Tố Tâm (quê Ứng Hòa, Hà Tây) chuẩn bị để sáng ngày mai lên khu mới nhận nhiệm vụ thì lúc này cả đại đội không còn một hạt gạo nào. Vì đói nên chúng tôi hái rau rừng nấu để ăn nhưng do đói quá nên khi ăn xong anh Tâm bị say rau không thể đi nổi. Cũng may lúc đó, có nhiều anh em chiến sỹ ở đội khác đi qua thấy vậy nên đã về lấy gạo của tiểu đội mình sang cho chúng tôi nấu cháo ăn. Nhờ chén cháo đầy nghĩa tình sẻ chia của đồng đội hôm ấy, mà cơn say rau của đồng chí Tâm cũng qua khỏi”, Đại tá Khứ hồi ức.

Đọc thêm