Những phận đời khốn khổ sau đám cháy bãi rác hồ Đá

(PLO) - Vụ cháy xảy ra vào sáng ngày mùng 8 Tết Giáp Ngọ (tức ngày 07/2/2014) tại bãi rác phía sau hồ Đá làng Đại học Quốc gia (thuộc khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa, TX. Dĩ An, tỉnh Bình Dương). 5 gia đình với những số phận tưởng như tận cùng khổ lại phải đối diện với hỏa hoạn, và nguy cơ không thể tiếp tục có nơi dung thân. 
Ông Hoành đang tìm những chiếc khuya áo trong đống vải cũ còn sót lại.
Tay trắng hoàn trắng tay
Thuật lại sự việc, anh Nguyễn Văn Trường (44 tuổi, quê Cần Thơ) ngậm ngùi: Lúc đó khoảng 9h, anh phát hiện lửa bốc cháy ở lùm cỏ dưới hố sâu cách nhà khoảng 700 - 800m. 
Hôm đó gió mạnh, sẵn tiết trời hanh khô nên lửa bén nhanh, lan rộng ra toàn bộ khu vực bãi rác rồi tạt lên 5 căn nhà nơi vợ chồng anh cùng 4 hộ khác đang sinh sống. Đến khoảng 12h, ngọn lửa đã được khống chế, tuy nhiên toàn bộ tài sản đã bị thiêu rụi.
Anh Trường tâm sự: “Không có tiền về Tết, vợ chồng tôi bảo nhau đi làm kiếm thêm tiền để mùng 10 về quê làm giỗ cho bà nội, vậy mà đùng một cái “bà Hỏa” kéo đến thiêu rụi hết rồi, giờ chúng tôi không chốn nương thân”. 
 Anh Trường chỉ vị trí căn nhà bị cháy của mình
Nhìn bãi đất trống hoang tàn cùng xác của những vật dụng thường ngày như chăn nệm, quần áo, bát đĩa... tất cả đều bị cháy đen, nằm chỏng chơ bên những bụi cây khô héo, xác xơ.
Được biết, bãi rác này đã bị cấm sử dụng từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải tỏa, bên trong còn chứa rất nhiều rác thải. Hiện 5 hộ dân ở đây đang nhận thu gom, xử lí và tái chế rác thành phân hữu cơ cung cấp cho một chủ thu mua tại huyện Tân Uyên.
Người nghèo trăm bề khổ ải 
Cả năm hộ đều là bà con với nhau từ Ô Môn (TP. Cần Thơ) lên đây làm ăn đã được hơn 4 năm. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, họ dựng lên 5 căn nhà (mỗi căn rộng khoảng 8m2) bằng gỗ, lợp mái tôn và căng thêm bạt để tránh mưa gió, sống tập trung một chỗ.
Hoàn cảnh của mỗi hộ đều giống nhau cái nghèo. Vợ chồng anh Trường lấy nhau đã được 22 năm, từ năm 2004 theo nghề làm rác, lưu lạc khắp nơi từ Đà Lạt tới Vũng Tàu, Thuận Giao.... Bao năm bươn chải, anh chị dành dụm được mấy chục triệu làm vốn định sẽ về quê buôn bán, nhưng không may năm 2009 anh Trường bị tai nạn đụng xe, phải ghép sọ hết cả trăm triệu, thế là anh chị lại cõng số nợ lớn, đành tiếp tục đeo bám nghề tới bây giờ. 
Anh chị còn may mắn hơn ông Nguyễn Văn Hoành (60 tuổi, người hàng xóm cũng bị cháy nhà). Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng ông vẫn là lao động chính trong nhà, vừa nuôi 2 miệng ăn vừa kiếm tiền trả nợ, tiền chữa bệnh cho vợ… 
 Cảnh hoang tàn sau vụ cháy
Khi chúng tôi đến, ông đang canh tìm gì đó trong đống vải cũ còn sót lại sau vụ cháy. Hỏi chuyện, ông bảo đang tìm mấy cái khuy để về đính vào chiếc áo đang mặc trên người. Đây là bộ đồ duy nhất còn sót lại của ông. 
Nhà chỉ có 2 vợ chồng già, dù tuổi cao sức yếu nhưng ông bà phải gắng làm, có tiền trả nợ ngày trước vay mượn để chạy chữa cho cô con gái út mắc bệnh ung thư máu, mới phát hiện bệnh được 20 ngày thì đã mất. 
Vì quá đau buồn, cộng với việc thiếu nợ nhiều mà không biết kiếm đâu ra tiền nên ông bà dắt díu nhau đi. Thời gian đầu, mỗi ngày ông bà kiếm được 50 ngàn đồng, những ngày trời mưa gió không làm được thì đi móc ve chai. Nhưng giờ bà bị bệnh tiểu đường, bệnh khớp, không làm được gì nữa, một vai ông gánh hết. 
Ông Hoành thở dài: “Ở đây, hoàn cảnh nhà nào cũng bi đát cả cô ơi”, rồi chỉ tay về phía một thiếu phụ đang lủi thủi đi từ bãi rác về, sống cảnh chồng bỏ, một mình nuôi 2 con nhỏ nheo nhóc, sau vụ cháy không còn gì, tiền mua sữa cho 2 con cũng không có.
Sau vụ cháy, mặc dù đã được chính quyền địa phương sắp xếp chỗ trọ cùng gạo, mì hỗ trợ tạm thời cho bữa ăn nhưng trong lòng mỗi người vẫn còn đó những nỗi lo về cuộc sống mưu sinh. 
Theo một người dân: “Trước nay khổ cực mấy chúng tôi cũng chịu được vì đi về còn có chốn dung thân, nhưng giờ tiền hết, nhà cháy chúng tôi không biết sẽ đi đâu về đâu nữa. Chính quyền thì không cho dựng lại nhà nữa vì  sợ bị ô nhiễm môi trường”. 

Đọc thêm