Những phận nữ gồng mình cho “ghê gớm” giữa bon chen...

(PLO) - Trong phòng trọ được lắp ghép bởi những miếng tôn, miếng proximăng trên nóc nhà vệ sinh cuối chợ Long Biên tối tăm, ẩm thấp, người đàn bà nhỏ thó tâm sự với chúng tôi về cuộc đời mình.
Nữ cửu vạn gồng mình gánh hàng băng qua đường để kiếm 5.000 đồng
Nữ cửu vạn gồng mình gánh hàng băng qua đường để kiếm 5.000 đồng

Giọng chị đều đều, không biểu hiện bất cứ một sắc thái nào, nhưng qua những ánh sáng le lói cuối chiều hắt vội qua những khe hở của mái che tạm bợ, chúng tôi thấy dòng nước mắt đang từ từ chảy trên má chị. 

Chưa bao giờ được dự lễ mùng Tám tháng Ba

Chị tên là Trương Thị Lan (51 tuổi), đã làm nghề cửu vạn được khoảng hơn chục năm nay. Chị bảo, ở nhà quê ngoài đồng ruộng thì không có việc gì để kiếm sống. Một nách chị hai đứa con, chồng bị tai biến, chị đành gửi chồng, gửi con lại cho người chị gái chồng ở bên cạnh nhà để lên Hà Nội kiếm sống.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa vụ chị lại về, vội vàng với những công việc đồng áng, động viên người chồng chỉ nằm một chỗ, rồi ghé lại xem các con học hành, được vài buổi chị lại cất bước ra đi. 

Chị tâm sự: “Chúng tôi xa quê là sa chân lỡ bước nên việc kiếm tiền dù vất vả thế nào cũng phải cố trụ vững. Tôi chẳng trông mong gì hơn ngoài việc các con ăn học thành người, sau này không có ích gì cho xã hội thì ít nhất cũng nuôi được vợ con, để vợ chồng không phải xa nhau”. Nói đến đây, giọng chị bất chợt nghẹn ứ. Có lẽ chị đang thấy thương cho số phận mình…

Bất chợt chị nhỏm dậy, lau vội những giọt nước mắt rồi bảo: “Từ ngày tôi lấy chồng, con đầu của tôi năm nay đã 27 tuổi, tôi chưa được một lần tham dự buổi lễ chào mừng ngày 8/3 dù mình cũng là phụ nữ”.

Thời gian đầu lên Hà Nội, chị gánh gạch thuê ở Từ Liêm nhưng chỉ được một thời gian thì chị thấy sức khỏe yếu nên phải nghỉ. Chị xoay sang vay vốn chăn nuôi, để có thể ở bên cạnh chăm sóc chồng, bảo ban con học hành nhưng lại bị mất trắng vì dịch bệnh.

Chị kể, thời điểm ấy chị gần như bị sốc, không biết làm gì để tiếp tục có tiền cho con ăn học, nuôi chồng bệnh tật. May mắn, qua một vài chị em mà chị có mối lên chợ Long Biên hành nghề cửu vạn. Khi ấy con chị bắt đầu vào học cấp 3.

Giờ chúng đã học hết cấp 3, học xong đại học, đã có công ăn việc làm nhưng vì phải gánh phần trả lãi cho số tiền đã vay mượn để chạy vạy việc cho con nên chị vẫn phải tiếp tục vất vả mưu sinh. 

Nhưng chưa hết. Chạy vạy lo cho việc xong xuôi, làm được vài tháng con chị phải xin nghỉ việc vì thấy tai nạn lao động nhiều quá. Chị lại vay tiền để tìm cách xin lại hồ sơ gốc đã nộp và nộp tiền phạt vì phá hợp đồng.

Mỗi tháng chị phải trả lãi 2 triệu, còn số tiền gốc chị đành chờ đứa con thứ hai mới đi xuất khẩu lao động ở Nhật gửi về trả sau... 

Ở những nhà trọ quanh khu vực chợ Long Biên, mỗi căn phòng khoảng 6-7 mét vuông có thể là nơi trọ của khoảng chục chị em, mỗi người 450.000đ/tháng. Cùng hoàn cảnh nên chị em dễ thông cảm, chia sẻ và động viên nhau nên cũng đỡ buồn. Nhưng chị Lan bảo, chị vẫn khổ tâm khi nghĩ đến gia đình và cuộc sống, đến việc vợ chồng ốm đau bệnh tật không chăm sóc được cho nhau.

Đó là điều canh cánh trong lòng, khiến ao ước vợ chồng và 2 đứa con chị sau này không phải xa nhau, được chị lặp đi lặp lại trong cuộc chuyện trò với chúng tôi.  

Những gánh hàng nặng nhọc của một nữ cửu vạn
Những gánh hàng nặng nhọc của một nữ cửu vạn

Cạnh tranh nhau từng… ngón tay một

Công việc của những nữ cửu vạn này ngày nào cũng giống nhau, bắt đầu từ 2h sáng. Bình thường gánh khoảng 40kg thì được 10.000đ/gánh; nặng hơn, khoảng 50-60kg thì 15-20.000đ/gánh, tuy nhiên cũng có những người phải gánh 70kg nhưng công xá cũng chỉ được 10.000 đồng. Nếu khiêng chung với chủ thuê thì chỉ còn 5.000 đ/gánh.

Khoảng 7h thì hết việc gánh thuê, chị  lại tranh thủ quét sân chợ kiếm thêm vài đồng, cặm cụi làm đến khoảng 12h mới xong việc. 

Trừ các khoản tiền ăn uống chắt bóp thì mỗi ngày đêm cũng để dành được hơn 100.000 đồng. Chả đáng là bao nhưng ai cũng phải cố làm để lấy tiền còn thuê người làm đồng áng ở nhà, để lấy tiền đi đình đám quê nhà, đóng góp phí hội nọ, ngành kia.

Chị cho biết, nhà nông giờ làm nhàn lắm, cái gì cũng thuê nên tiền mặt luôn phải có. Cấy hái bây giờ không ăn thua nhưng cũng vẫn phải cấy để lấy gạo ăn, lấy lúa cho con gà, con vịt ăn làm thực phẩm. Rau cũng trồng sẵn trong vườn nhưng tiền đình đám cũng tốn kém nhiều nên chị em vẫn phải đi làm.

Nghề này tưởng chỉ vất vả vì sức vóc nhỏ bé nhưng phải gánh, phải gồng những thùng hàng to hơn mình, có khi còn nặng gấp đôi. Nhưng có lẽ ai ở trong nghề mới biết nghề này cạnh tranh nhau từng tí một, thậm chí một khoảng cách chỉ bằng ngón tay cũng dễ khiến va chạm xảy ra.

Rồi chị giơ ngón tay lên miêu tả: “Đây, chỉ đứng lấn sang hàng khác từng ngón tay thôi là chủ tớ, người gánh thuê hai bên đã lớn tiếng chửi bới, thậm chí đánh đấm nhau để đòi lại không gian của mình. Rồi chuyện gánh gồng đâm vào nhau cũng dừng lại chửi nhau được. Nhiều khi cũng phải làm cho mình ghê gớm hơn để không dễ bị bắt nạt cô ạ”. 

Chị Nguyễn Thị Thanh (ở Kim Bảng, Hà Nam) cũng lần mò theo chị em trong làng lên Hà Nội gánh gồng. Vất vả, bất an là thế nhưng ai cũng gắn bó với nghề cửu vạn được vài năm vì làm ở chợ thoải mái, thích nghỉ là nghỉ, chủ động với mọi công việc của mình, của gia đình.

“Nhiều khi ở nhà lâu cũng nhớ đấy” – chị Thanh chia sẻ.

Rồi chị kể, chính chị, sau một lần bị “tai nạn nghề nghiệp” buộc phải về quê an dưỡng nhưng chỉ được khoảng 2 tuần, khi chân vừa bình phục, mặc con cái ra sức can ngăn, chị vẫn quyết lên đường tiếp tục công việc. Chị đùa: “Chợ Long Biên này đã cứu sống biết bao gia đình đấy”. 

Rồi chị làm phép tính, nhà nông chỉ sẵn thóc thôi nhưng thóc thì rẻ, hơn 500.000 đồng/tạ, bán một tạ thóc được mấy đám đã hết.

Chị tâm sự: “Tiền đâu để đi các đám khác, nhà quê thì lắm đám, nhiều hội. Thế nên dù biết con cái không yên tâm nhưng chúng tôi vẫn phải cất bước ra đi. Con cái có phận của chúng nó, chúng nó cũng phải chăm sóc vợ con, trông mong sao được.

Thôi thì đành cố gắng để mình không đau yếu khiến chúng nó bận lòng. Cô thấy không, chúng tôi mỗi người đều sẵn một bọc thuốc để khi cần là dùng đến”.

Chia tay những người phụ nữ nhỏ bé ở chợ Long Biên, những giọt nước mắt của người phụ nữ tủi thân vì chưa bao giờ được dự lễ mùng 8/3 cứ ám ảnh chúng tôi.

Họ luôn là những người sẵn sàng hy sinh vì chồng con, tất bật, vất vả hơn hết thảy nhưng có lẽ chưa bao giờ họ nhận được một lời chúc mừng từ những người thân trong gia đình, nói gì đến quà tặng, dù chỉ là một bông hoa… 

Đọc thêm