Những thần đồng “chết yểu” - (Kỳ 5): Tài năng toán học trở thành tội phạm nguy hiểm nhất thế giới

(PLVN) - Sở hữu chỉ số IQ 167, Theodore John Kaczynski hay còn được biết dưới cái tên Ted Kaczynski được mệnh danh là thần đồng toán học với nhiều nghiên cứu tuyệt vời. Hắn khiến nhiều người tiếc nuối khi từ bỏ việc trở thành một giáo sư để truy bắt với tội danh đánh bom khủng bố. 
Từ năm 1978 -1995, Kaczynski đã tiến hành đánh bom thư trên toàn quốc.

16 tuổi học Harvard 

Ted Kaczynski sinh ngày 22/5/1942, ở Chicago (bang Illinois) trong một gia đình lao động bình thường. Khi nhỏ, Ted là một đứa trẻ vui tươi, bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, sau một lần phải nhập viện do bị ong tấn công và phải sống trong sự cô lập ở bệnh viện, không được tiếp xúc nhiều với người khác, Ted đã “giấu kín cảm xúc của mình trong một khoảng thời gian”. 

Mẹ của Ted cho biết, ông là một người rất yêu động vật, và sẽ cố gắng cứu những con thú bị nhốt trong lồng và thả chúng về với tự nhiên. Bà cho rằng đấy là một hành động xuất phát từ khoảng thời gian bị nhốt trong bệnh viện.

Từ năm lớp 1 đến lớp 4, Ted học ở trường tiểu học Sherman ở Chicago. Mọi người đánh giá Ted là một đứa trẻkhỏe mạnh và ngoan hiền. Năm 1952, cả nhà chuyển đến ở vùng ngoại ô phía Tây Nam Illinois. Ted được kiểm tra IQ và đạt được số điểm đáng kinh ngạc là 167 khi chỉ mới khoảng 10 tuổi và nhảy cóc qua lớp 6. Tuy vậy, khi phải chuyển lên lớp hơn, Ted bị xa lánh và bị các anh chị lớp trên bắt nạt. Dần dần Ted, từ một cậu bé vui vẻ, năng nổ đã trở nên khép kín, trầm lặng.

 Một tấm ảnh thời trẻ của Theodore John Kaczynski. 

Ted luôn nổi bật hơn hẳn trong lớp học, song vẫn là một đứa bé có tính khí khá khó chịu và sẽ cố gắng trốn chạy khỏi mọi cuộc trò chuyện với người lạ.Khoảng thời gian này Ted bắt đầu hình thành lòng say mê sâu sắc với môn Toán. Ted có thể dành hàng giờ liền để giải quyết các đề toán và tham gia vào một câu lạc bộ với những người có niềm yêu thích giống mình.

Ted được mô tả là “trầm tính, ít nói và rụt rè, nhưng khi cậu đã tìm được những người mà cậu có thể chia sẻ được thì Ted trở thành một người rất hăng say và nhiệt huyết”. Ted vượt xa bạn bè đồng trang lứa trong lớp và được bỏ qua lớp 11. 

Theo lời LeRoy Weinberg, hàng xóm cũ của gia đình Kaczynski, Ted và David chẳng bao giờ ra ngoài chơi mà ở nhà, đọc sách và chơi cờ vua. Năm 1957, Ted tốt nghiệp trung học ở tuổi 15. Vợ chồng Wanda khuyến khích con trai ghi danh vào Harvard và một năm sau, cậu bé được nhận, thậm chí giành học bổng.“Họ đã gửi cậu ấy đến Harvard dù cậu ấy chưa sẵn sàng. Cậu ấy thậm chí chưa có bằng lái xe”, một bạn học của Ted tiết lộ.

Năm đầu tiên ở Harvard, Ted sống trong khu nhà dành riêng cho những sinh viên trẻ, kém trưởng thành nhất. Sự tách biệt khiến cậu hướng nội hơn, gần như không có bạn, nếu không lên lớp thì ở lỳ trong phòng hoặc thư viện. Thêm nữa, ở thời điểm đó, phần lớn sinh viên Harvard xuất thân từ gia đình giàu có, danh giá. Ted chỉ là một đứa trẻ con nhà bán xúc xích, khoác lên mình chiếc áo khoác kẻ cũ kỹ, đối mặt với những nam sinh vận complê, thắt cà vạt.

Bên ngoài căn nhà gỗ của Ted Kaczynski. Ảnh: Dark Mountain. 

Năm thứ hai, Ted được mời tham gia thí nghiệm tâm lý do giáo sư Henry Murray đứng đầu. Vì chưa đến tuổi trưởng thành, cậu phải xin ý kiến mẹ và Wanda nhanh chóng gật đầu. Từ lâu, bà đã lo lắng về sức khỏe tâm thần của con, thậm chí có lần nghĩ Ted tự kỷ. 

Theo yêu cầu của đội ngũ nghiên cứu, Ted đến phòng thí nghiệm của giáo sư Murray, viết bài luận về niềm tin, giá trị và lý tưởng cá nhân. Một luật sư ẩn danh nhận các bài luận này và trực tiếp tranh luận với Ted kèm theo những lời chê bai, giễu cợt.

Các tình nguyện viên nghĩ rằng họ đang tranh luận về triết học nhưng mục đích thực sự của nghiên cứu là đo ảnh hưởng của stress đến tâm trí. Các nhà khoa học theo dõi chỉ số sinh học và phản ứng của Ted, quay phim ghi lại sự tức giận, xấu hổ sau đó phát cho cậu sinh viên xem. Ted Kaczynski mô tả đó là “trải nghiệm tồi tệ nhất cuộc đời” nhưng vẫn tham gia nghiên cứu 3 năm, tương đương 200 giờ. “Tôi muốn chứng minh mình có thể chịu được, rằng tôi không thể bị hủy hoại”, Ted lý giải.

Kẻ đánh bom thư

Sau khi tốt nghiệp, Ted Kaczynski theo học Đại học Michigan để lấy bằng thạc sĩ và sau đó là tiến sĩ. Chính tại đây, anh bắt đầu thay đổi dần. Anh ghét các sinh viên và giáo viên của mình.

Sau khi hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ, Ted 25 tuổi trở thành giáo sư toán học trẻ nhất tại Đại học California. Nhưng với những đánh giá từ hầu hết các sinh viên, anh không nhận được sự yêu quý và khâm phục vì anh không giải thích được mọi thứ theo cách dễ hiểu, anh cũng quá nôn nóng với những người học chậm. Cuối năm thứ 2 giảng dạy ở trường, anh đột ngột nghỉ việc.

Ted cùng em trai định cư trên một mảnh đất rộng ở Lincoln (Montana), cách rừng quốc gia Flathead không xa. Anh tự chế tạo ra một cabin nhỏ, sống trong môi trường không điện nước.

Một thời gian ngắn sau, David nhận một công việc giảng dạy ở Iowa và rời khỏi anh trai mình. Gia đình Ted lúc này luôn mong đợi và hy vọng rằng đứa con trai đang gặp rắc rối của họ cuối cùng sẽ ra khỏi rừng và tái hòa nhập xã hội. Nhưng thay vào đó, anh sống trong cabin gỗ đó đến tận năm 1996 khi các đặc vụ liên bang đến bắt giữ anh vì những tội ác anh gây ra.

Một quả bom tự chế được Ted sử dụng. 

Nơi đây cũng chính là địa điểm để thực hiện mong muốn lớn nhất đời của thần đồng toán học một thời - đánh bom thư. Bởi theo ông, một nơi hẻo lánh sẽ trở thành căn cứ tốt nhất cho việc tự chế bom và không bị lộ hành tung. Kể từ đó, ông bắt đầu học kỹ năng theo dõi, nhận dạng thực phẩm ăn được, nghiên cứu khoa học phục vụ cho tạo bom...

Ngày 25/5/1978, Ted Kaczynski gửi đi quả bom tự chế đầu tiên. Năm 1979, Ted đặt bom trong một vali trên chuyến bay của hãng hàng không Mỹ từ Chicago đến Washington. Tuy nhiên, do lỗi hẹn giờ, quả bom không phát nổ mà chỉ bốc khói. Cuộc điều tra sau đó phát hiện ra, quả bom ấy đủ mạnh để phá hủy toàn bộ máy bay.

Trong suốt 17 năm, Ted đã gửi đi 24 quả bom tới khắp nước Mỹ, khiến 3 người chết và 23 người bị thương. Trên mỗi quả bom đều khắc chữ cái “FC” (viết tắt của “Freedom Club”).

Vào năm 1995, Ted gửi thư đến các tòa soạn báo và đưa ra yêu cầu hứa sẽ dừng khủng bố nếu bài luận dài 35.000 từ mang tên “Xã hội công nghiệp và Tương lai của nó” do mình viết được xuất bản.

Giám đốc FBI và Bộ trưởng Bộ Tư pháp cuối cùng phải chấp thuận yêu cầu của này vì không muốn có bất kì một cuộc đánh bom nào nữa. Thật bất ngờ, sau khi được xuất bản, bài báo nhận được không ít sự hưởng ứng và ủng hộ.

Bài luận khiến em trai của Ted là David vô cùng nghi ngờ. Nó gợi cho anh nhớ về trước đây anh trai mình đã từng bày tỏ quan điểm không tin tưởng vào khoa học. Sau khi kiểm tra toàn bộ, so sánh với những lá thư được tìm thấy trước đây của anh trai mình, David vô cùng kinh hãi và quyết định gọi cho FBI.

Ted rất nỗ lực để không bị bắt, nhưng năm 1996, anh đã bị bắt tại nhà gỗ. Cơ quan điều tra phát hiện các thành phần chế tạo bom, 40.000 trang báo xoay quanh chủ đề đánh bom và một quả bom chuẩn bị được gửi đi. Họ cũng tìm thấy bản thảo “Xã hội Công nghiệp và Tương lai của nó”.

Chính những hoạt động liên tiếp và ngày càng tinh vi làm 3 người chết, 23 người bị thương, Ted đã bị cảnh sát liên bang khép vào danh sách 100 tội phạm nguy hiểm nhất thế giới và không ngừng bị truy nã. Năm 1995, hắn bị bắt và kết tội tù chung thân, sau khi tránh được án tử hình song không bao giờ được ân xá.

Đọc thêm