Những thần y có khả năng “cải tử hoàn sinh” trong Kiếm hiệp Kim Dung

(PLVN) - Trong các bộ kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, xuất hiện không ít các vị thần y, tài ba lỗi lạc, thậm chí có khả năng “cải tử hoàn sinh”. Dù chỉ là những nhân vật phụ, không xuất hiện quá nhiều, nhưng những vị thần y này cũng khiến nhiều người phải chú ý bởi y thuật như thần của mình. Hầu hết trong số họ đều ít nhiều liên quan đến những nhân vật chính và tạo nên các tình tiết quan trọng trong những bộ truyện. 
Nhân vật Hồ Thanh Ngưu.
Nhân vật Hồ Thanh Ngưu.

Điệp Cốc y tiên Hồ Thanh Ngưu

Nói đến những bậc danh y kỳ tài trong kiếm hiệp Kim Dung, đầu tiên có lẽ không thể không nhắc đến Điệp Cốc y tiên Hồ Thanh Ngưu trong bộ Ỷ thiên đồ long ký. Đây là nhân vật nằm xen kẽ giữa ranh giới chính – tà, cũng là nhân vật để lại rất nhiều tiếc nuối và cũng là người dù cố tình hay vô tình thì cũng đã góp phần tạo ra một Trương Vô Kỵ lỗi lạc về sau. 

Từ thuở trẻ, Hồ Thanh Ngưu đã đầu nhập Minh giáo. Nghiên cứu về các vị thuốc để cứu người chính là say mê cả cuộc đời của ông. Sau này, nhờ có tài chữa bệnh, cứu sống không biết bao người dưới lưỡi hái của thần chết mà ông được người đời gọi là “y tiên”. Sau này, ông về ở ẩn trong Điệp Cốc, cái tên Điệp Cốc y tiên cũng từ đó mà ra. Tuy tài giỏi là vậy, chỉ tiếc là ông sống quá cố chấp, chỉ chấp nhận chữa cho người trong Minh giáo cho nên mới dẫn đến họa sát thân sau này.

Người đọc biết đến Hồ Thanh Ngưu ở y thuật là vậy, nhưng ông cũng sớm gây ấn tượng bởi chính nơi ông ở, là một thung lũng nhiều hoa thơm, bướm đẹp (hồ điệp). Chừng đó là đủ để cho thấy con người không những trí tuệ, mà phong thái cũng không kém phần nho nhã, thanh cao.

Ấy vậy mà con người ấy lại cổ quái, cố chấp. Chỉ cần xem mạch đại khái, ông đã biết Thường Ngộ Xuân bị trúng Triệt tâm chưởng, thạm chí biết được thời điểm trúng chưởng vào giữa giờ Tý và giờ Sửu. Cũng rất đơn giản, ông biết  Trương Vô Kỵ đã trúng Huyền Minh thần chưởng khiến khí lạnh thấm và tạng phủ, đã truyền sang tim. 

Hồ Thanh Ngưu truyền y thuật cho Trương Vô Kỵ.
 Hồ Thanh Ngưu truyền y thuật cho Trương Vô Kỵ.

Ông chỉ đồng ý cứu Thường Ngộ Xuân, đệ tử Minh giáo, còn Trương Vô Kỵ nhất quyết không, dù ông ngoại chàng vốn là 1 trong tứ đại pháp vương của giáo phái này. Tuy nhiên, trong Hồ Thanh Ngưu vẫn còn nhiều thiện lương. Đó là khi ông gián tiếp giúp Trương Vô Kỵ điều trị cho những người bị Kim Hoa bà bà hại. Bề ngoài thì bảo chữa bệnh cho Trương Vô Kỵ để thỏa mãn cái đam mê y thuật, chữa xong giết, nhưng quả thật, chính Hồ Thanh Ngưu cũng đã có phần cảm mến chàng. 

Dù không điều trị bệnh dứt điểm được cho Trương Vô Kỵ, nhưng ông đã giúp chàng kéo dài sự sống để gặp được cơ duyên sau này. Ông cũng để Trương Vô Kỵ nghiên cứu sách thuốc của mình, và trước khi chết còn truyền cho chàng bộ sách mà cả đời ông nghiên cứu được. Sau này, người đọc càng thêm tiếc nuối cho Hồ Thanh Ngưu bởi tính cách cổ quái của ông cũng đến từ việc em gái ông sớm bị Tiên Vu Thông, chưởng môn phái Hoa Sơn hại chết. 

Sau này, người hại chết Hồ Thanh Ngưu là Kim Hoa bà bà. Cái chết của vị thần y lỗi lạc có nguyên nhân từ ngoại hiệu “kiến tử bất cứu (nhìn thấy chết mà không cứu)” của ông. Cả đời sống cố chấp, Hồ Thanh Ngưu không cứu cho người ngoài Minh giáo đã đành, ngay cả vợ chồng, người thân của họ ông cũng không đoái hoài. Chính điều đó khiến ông đứng nhìn, không cứu chồng của Kim Hoa bà bà. Bà Bà lại chính là Đại Ỷ Ti, hiệu Tử sam long vương, là người đứng đầu trong Tứ đại hộ giáo của Minh giáo. 

Sát nhân danh y Bình Nhất Chỉ

So với Hồ Thanh Ngưu, thì Bình Nhất Chỉ trong bộ Tiếu ngạo giang hồ cổ quái hơn nhiều. Cái tên Nhất Chỉ (một ngón tay) là để ám chỉ y cứu người hay giết người cũng chỉ cần dùng đến một tay. Đây là nhân vật mà cả võ công lẫn y thuật đều thuộc hàng đệ nhất.

Khác với sự nho nhã của Hồ Thanh Ngưu, Bình Nhất Chỉ có tướng mạo kỳ dị, lùn mập cao không tới bốn thước mà lưng lại rộng tới gần bốn thước. Cái đầu cực lớn, dưới hàm lại có túm râu như râu chuột. Cái dị của Bình Nhất chỉ là khi lão cứu sống được một người thì lại ra lệnh cho họ giết một người khác vì lo Diêm Vương không hoàn thành… chỉ tiêu. Cái tên Sát nhân danh y cũng từ đó mà ra. 

Không chỉ qua lời kể, trong Tiếu ngạo giang hồ, Bình Nhất Chỉ đã thể hiện được cái tài y thuật của mình. Lão nối lại tâm mạch cho Đào Thực Tiên trong nhóm Đào Cốc lục tiên bằng cách mổ ruột. Đào Thực Tiên không chỉ giữ được mạng mà còn giữ nguyên võ công, nội lực.

Tuy nhiên cũng giống như Hồ Thanh Ngưu bất lực đối với Trương Vô Kỵ, Bình Nhất Chỉ cũng “bó tay toàn tập” trước ca bệnh của Lệnh Hồ Xung dù biết chàng bị bảy luồng chân khí dị chủng xung đột. Tuy xuất hiện có phần “hoành tráng” là vậy, nhưng lạ thay, cái chết của Bình Nhất Chỉ lại vô cùng lãng xẹt. Lão bất lực khi không chữa được bệnh cho Lệnh Hồ Xung, lại tiếp tục “lo” Diêm Vương không có người để giết cho nên tự vận đứt kinh mạch của chính mình mà chết. 

Diêm vương địch Tiết Mộ Hoa

Tiết Mộ Hoa trong Thiên long bát bộ được người trong giang hồ phong ngoại hiệu là Diêm vương địch bởi vì ông chính là khắc tinh của Diêm vương. Cứ mỗi lần Diêm vương muốn lấy mạng ai đó, Tiết Mộ Hoa lại ra tay cứu giúp, đưa người từ cõi chết trở về. Khả năng cải tử hoàn sinh của danh y họ Tiết như vậy, cho nên người trong võ lâm phải chịu ơn ông rất nhiều. 

Điều lạ là, sau mỗi lần trị bệnh cho các cao thủ, Tiết Mộ Hoa không hề lấy công, mà chỉ đổi lại là người đó sẽ dạy lại cho ông sở trường của mình. Bởi vậy, võ công của Diêm vương địch rất tạp nham, biết sử dụng tuyệt chiêu của nhiều môn, nhiều phái, nhưng cũng vì sự pha tạp, không đi sâu vào một môn võ công nào mà ông không trở thành cao thủ trong thiên hạ. Người đời biết đến ông về biệt tài chữa bệnh hơn là về bản lĩnh võ thuật. 

Họ Tiết vốn là đệ tử của Lung Á lão nhân Tô Tinh Hà, gọi Vô Nhai Tử, chưởng môn phái Tiêu Dao là sư tổ, gọi Hư Trúc là sư thúc. Y thuật của ông vốn là từ sư phụ Tô Tinh Hà truyền thụ. Tô Tinh Hà vốn học được của sư phụ nhiều môn, từ cầm, kỳ, thi, họa… Môn nào ông cũng mải mê cho nên việc học võ công bị bỏ bê. Vì thế, sau khi Đinh Xuân Thu trở thành phản đồ, hại mạng sư phụ Vô Nhai Tử, Tô Tinh Hà không thể chống đỡ lại họ Đinh và phải ẩn thân trên núi Lôi Cổ lập nên Lung á môn (môn phái câm điếc). 

Họ Tô có tám đệ tử tất cả, mỗi người học được một môn, trong đó Tiết Mộ Hoa học được y thuật. Ông học bốc thuốc như thế nào, say mê với nghề ra sao, không ai nói tới. Tuy nhiên, cái ngoại hiệu Diêm vương địch của ông đã cho thấy trình độ chữa bệnh của ông ra sao. Ở Tụ Hiền trang, A Châu sau khi bị dính Kim Cương chưởng của Huyền Từ đại sư, chưởng môn phái Thiếu Lâm đã trở thành người sống dở chết dở. 

Ranh giới sự sống và cái chết của nàng chỉ mong manh như sợi chỉ, hoàn toàn sống dựa vào nội lực hồn hậu của Kiều Phong. Tại Tụ Hiền trang, khi Kiều Phong đã trở thành kẻ thù của võ lâm, lại lấy mạng không ít cao thủ, ấy vậy mà Tiết Mộ Hoa vẫn chữa trị cho A Châu, điều đó chứng tỏ ông không phải là người cố chấp, không biết phân biệt trắng – đen. A Châu lúc đó cũng đã hóa trang thành một cô gái xấu xí, ma chê quỷ hờn, chứng tỏ họ Tiết cũng là bậc quân tử, khinh sắc. 

Đọc thêm