Những thí sinh “bất đắc dĩ” trong mùa thi đại học

(PLO) - Trong khi các thí sinh trong cả nước đang miệt mài trong 2 kỳ thi đại học thì vẫn xuất hiện những thí sinh "bất đắc dĩ". Những thí sinh này đi thi theo kiểu "cho có", để làm vui lòng các bậc sinh thành, tạo nên những câu chuyện bi hài trong mùa thi.
Kết quả để… trời tính
Trống báo hết giờ môn Sử, kết thúc một ngày thi vất vả của các thí sinh dự thi đại học đợt 2. Các thí sinh ùa ra ngoài trước cặp mắt  ngóng chờ con của những bậc phụ huynh sốt ruột chờ đợi cả một quãng thời gian dài dằng dặc. 
Trong đám thí sinh ở điểm thi trường cấp 2 Ngọc Thụy (Hà Nội), Nguyễn Tuấn Anh nổi bật hơn cả. Nổi bật bởi vì trang phục của Tuấn Anh sành điệu, khác hẳn với những thí sinh hầu hết là con của những gia đình nghèo. Vừa bước ra cổng, người mẹ tuổi trung niên, đầy vẻ giàu có và đài các chạy ra từ một chiếc Toyota Camry chạy đến lấy tay che đầu cho “cậu ấm” khỏi bị…nắng. Cậu quý tử  còn cậu con thì tha hồ nũng nịu, đòi mẹ tối phải đưa đi chơi Hà Nội thì mai cậu mới…thi tiếp.
 Để vui lòng cha mẹ, nhiều thí sinh đã trở thành thí sinh "bất đắc dĩ" (Ảnh minh họa)
Theo lời kể của người lái xe thì Tuấn Anh quê ở Hưng Yên, bố mẹ làm thầu xây dựng rất khá giả. Kiến thức của Tuấn Anh thuộc dạng “nửa chữ bẻ đôi”. Khởi nghiệp từ gánh đồng nát nên bố mẹ cậu chẳng học hành đến nơi đến chốn. Cậu con trai chắc chắn thừa hưởng cơ ngơi của bố mẹ, cũng chẳng phải học hành gì nhiều nên cũng muốn dồn tâm sức để trong nhà có tấm bằng “cử nhân” cho bằng người ta. Thế là từ cấp 3, bố mẹ đã quyết tâm “đầu tư” cho Tuấn Anh bằng cách thuê thầy cô về kèm tại nhà một cách thường xuyên. Nhưng cậu con ham chơi hơn ham học, thế nên chữ nghĩa cũng chẳng vào đầu là bao.
Tuấn Anh đăng ký thi 2 khối thi vốn chẳng liên quan gì đến nhau là khối A (Toán, Lý, Hóa) và khối C (Văn, Sử, Địa) của 2 trường đại học thuộc loại “làng nhàng”. Hè năm lớp 12 vốn là “chung kết” với các sỹ tử thì Tuấn Anh lại dành trọn tháng 6 để đi du lịch khắp nơi. 2 đợt thi, Tuấn Anh được trang bị hết sức chu đáo, từ việc có xe đưa đón, ở khách sạn hạng sang. 
Thậm chí, 2 thầy cô cũng được mẹ cậu “thuê” để tư vấn cho cậu khi bước vào trường thi. Bà mẹ vốn mê tín, nên việc cậu bước ra khỏi nhà vào giờ nào cho suôn sẻ, may mắn cũng được chuẩn bị kỹ càng. Thế mới có chuyện lúc cậu sắp lên Hà Nội, bà con bạn bè đến tiễn cũng khá đông, nhưng vì chuyện “giờ giấc” nên 2 mẹ con cậu ấm mới lẻn ra khỏi nhà bằng cửa sau rồi đi mất khiến mọi người được một phen chưng hửng. Đến khi đi thi, ăn gì, uống gì, mẹ Tuấn Anh cũng chuẩn bị đúng những gì được “thầy” phán.
Không biết việc lấy thần phật ra để thay cho việc học hành có hiệu quả hay không, nhưng các thầy vẫn phán Tuấn Anh sẽ đỗ khối A. Mà khi đi thi khối A, ngoài môn Toán cậu làm được vài câu vì trúng tủ, còn 2 môn Lý và Hóa vì thi trắc nghiệm nên phần lớn các đáp án cậu làm theo kiểu “đoán mò”, phần còn lại để…trời tính. Và tất nhiên, với công thức phó mặc cho “trời” như vậy, sau kỳ thi khối C, cậu cũng chờ một kết quả theo kiểu “trời ban”.
Đằng nào chả trượt, thi làm gì hả mẹ!
“Đằng nào chả trượt, thi làm gì hả mẹ!” Câu hỏi ngây ngô của cậu sỹ tử tên là Trần Khánh Toàn ở điểm thi trường ĐH Ngoại Thương khiến những bậc phụ huynh đưa con thi vào trường được coi là danh giá này phải ngán ngẩm.
Phải đến khi Toàn bước vào phòng thi, mẹ sĩ từ này mới ngồi quán nước giải thích chuyện “thi để làm gì” với những vị phụ huynh khác. Tính bà cũng vốn xởi lởi, nên chuyện trong nhà bà cứ đem ra mà nói tuốt tuồn tuột.
Bố Toàn vốn là một lãnh đạo thuộc hàng “có số có má” ở tỉnh Nam Định. Trong khi cậu con trai thì kết quả của 12 năm phổ thông chỉ giỏi mỗi môn…điện tử. Trong khi kiến thức văn hóa của cậu thuộc dạng thi tốt nghiệp bố mẹ cũng đã phải lo sốt vó.
Bố làm “quan”, đợt này gặp khách trong tỉnh hay ngoài Trung ương, ai ai cũng hỏi “Cháu thi trường gì?”. Biết cậu con trình độ không vượt quá điểm sàn, thi trường nào cũng trượt nên ông cứ trả lời “Cháu thi Ngoại thương” cho oách. Vì dù sao mang tiếng trượt ĐH Ngoại Thương cũng oai hơn. Thế là cậu con trai suốt ngày chúi đầu vào máy tính để chơi điện tử phải làm bộ hồ sơ và thi vào ĐH Ngoại Thương thật. Chỉ khổ cho cậu con, được tiếng chứ không được miếng, vào phòng thi cứ như gà mắc tóc vì vốn kiến thức hạn hẹp. Nhưng để được cái tiếng “trượt Ngoại Thương” nên Toàn vẫn phải cố cho hết 2 ngày thi để đẹp lòng bậc sinh thành.
“Nhà có cô ở bên Anh, thi xong chắc cho cháu sang bên đấy xem có trường đại học nào thì cho xin cho cháu vào học. Đường đi thì đã vạch rồi, nhưng vẫn phải cho cháu thi đại học ở Việt Nam, vì không thi đại học lại đi du học, người ta lại dèm pha là không dám thi ở trong nước, phải sang Tây xin học, cũng mang tiếng” – mẹ Toàn than thở. 
Cũng hoàn cảnh “thi để làm gì?” như Toàn, Đỗ Hồng Trung (Bắc Giang) cũng bị bố mẹ ép phải thi bằng được Đại học. Thế là đợt thi lần này, Trung và bố khăn gói quả mướp lên Hà Nội ở nhờ nhà bác để thi khối B và ĐH Nông nghiệp 1. Trường Trung thi lấy điểm không cao, học sinh tầm trung bình khá cũng có thể thi đỗ, nhưng Trung cũng thuộc diện chểnh mảng nên khả năng trượt rất là cao, thi “cho vui” là chính.
Bố mẹ bắt thi thì Trung cứ đi thi cho vui. Suốt 2 hôm thi đại học của Trung lại trùng vào dịp đang diễn ra Worlcup. Mê bóng đá, cậu quyết tâm không bỏ trận nào. Thế là cứ khi cả nhà đi ngủ, Trung lại lẻn xuống sân chung cư nhà bác xem bóng đá. 2 trận bóng đều diễn ra vào lúc 3h và kéo dài đến khi trời rạng sáng, cậu lại ngáp ngắn ngáp dài lên nhà ngủ một tí để sáng mai lại đi thi. Nhiều người biết cậu là sĩ tử, sắp bước vào “chung kết” nên hỏi chuyện thì cậu bảo: “Kiểu gì thi chả trượt, cứ xem bóng đá rồi tính sau. Em thích học nghề cơ khí từ khi bước vào cấp 2, nhưng bố mẹ bắt phải thi đại học nên em đi thi mà thôi”.
Tuấn Anh, Toàn, Trung và rất nhiều sĩ tử nữa đang là thí sinh bất đắc dĩ trong đợt thi ĐH – CĐ năm nay. Mỗi người một cảnh, tương lai các em sau này chưa chắc sẽ tụt lại sau các bạn đồng lứa vì cử nhân, thạc sỹ bây giờ cũng đang thất nghiệp nhan nhản. Nhưng xuất hiện những thí sinh “bất đắc dĩ” với áp lực đại học có lẽ sẽ là điều mà những nhà làm giáo dục sẽ phải trăn trở khi hai chữ “đại học” như sợi dây vô hình trói chặt những tú tài sắp bước vào đời. Trong khi xã hội Việt Nam lại phải chịu căn bệnh “thừa thầy thiếu thợ”.  

Đọc thêm