Vắc-xin ngừa Covid-19
Tính đến tháng 12/2020, 40 quốc gia trên đã thử nghiệm vắc-xin (vaccine) ngừa Covid-19 trên người. Thậm chí có nhiều quốc gia đã bước vào giai đoạn tiêm chủng đại trà. Thủ đô Moskva của nước Nga đã có chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 trên người bắt đầu từ ngày 5/12/2020 với vắc-xin mang tên Sputnik V. Động thái này đánh dấu đợt tiêm chủng đại trà ngừa Covid-19 đầu tiên của Nga.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga tuyên bố vắc-xin Sputnik V đạt hiệu quả 92% trong việc sản xuất kháng thể sau 28 ngày. Trong cuộc khảo sát hơn 12.000 người ở 11 quốc gia từ ngày 9 đến 19/10/2020 của YouGov, cứ 5 người biết đến vắc-xin Sputnik V của Nga, có 4 người bày tỏ mong muốn được tiêm vắc-xin này. Bên cạnh đó, Nga còn tạo ra loại vắc-xin thứ 2 có tên gọi EpiVacCorona, được sản xuất bởi Trung tâm Vector của Siberia. Dự kiến loại vắc-xin này cũng sẽ sớm được đưa vào chương trình tiêm chủng trong thời gian gần.
Ngày 10/12/2020, Ban cố vấn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã tán thành việc sử dụng rộng rãi vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác Đức BioNtech. Tuy nhiên, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang xem xét để đưa ra quyết định. Ở Mỹ, các loại vắc-xin ngừa Covid-19 đến từ Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca và Đại học Oxford cũng đang được nghiên cứu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đeo khẩu trang khi đến thăm nhà máy Ford ngày 21/5/2020. |
Bên cạnh đó, các cựu Tổng thống Mỹ gồm ông Barack Obama, George W.Bush và Bill Clinton khẳng định họ sẵn sàng tình nguyện tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và cho phép phát hình ảnh này lên truyền hình để xóa bỏ nghi ngờ của người dân về mức độ an toàn của các loại vắc-xin mới. Các chuyên gia ước tính ít nhất 70% dân số Mỹ sẽ phải tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19 để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, thời điểm mà virus có thể được kiểm soát.
Tuy nhiên, ngày 8/12/2020, nước Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác Đức BioNtech trên người ở mức độ đại trà. Vắc-xin này cho thấy hiệu quả ngừa bệnh đến 95%. Do đó, nước Anh đã đặt mua đủ vắc-xin để chủng ngừa cho 20 triệu người. Bahrain cũng trở thành nước thứ 2 chứng nhận vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác Đức BioNtech.
Dù chưa được chính thức thông qua, Trung Quốc đã tiêm vắc-xin thử nghiệm cho hơn 1 triệu người, bao gồm các nhân viên y tế và những người có nguy cơ mắc Covid-19 cao, theo chương trình tiêm ngừa khẩn cấp. Các loại vắc-xin của các hãng Sinovac và Sinopharm đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp từ tháng 7/2020. Ngoài ra, Trung Quốc có 5 loại vắc-xin từ 4 nhà sản xuất trong nước hiện đang được thử nghiệm ở hơn 10 quốc gia khác.
Nhiều nước khác như Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Mexico, Na Uy, Bulgary... cũng đang “chạy nước rút” để chuẩn bị tiêm chủng các loại vắc-xin ngừa Covid-19 khác nhau và ưu tiên các nhóm có nguy cơ cao như nhân viên y tế.
Bởi vậy, trong năm 2021 có khả năng cao sẽ có vắc-xin ngừa Covid-19 có tính an toàn cao và độ hiệu quả ngừa bệnh cao dành cho con người. Kéo theo đó, hy vọng đại dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng chấm dứt.
Trong lịch sử, nhờ chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng đậu mùa kéo dài từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chứng nhận đã tiêu diệt được bệnh đậu mùa vào năm 1979.
Đeo khẩu trang
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Joe Biden đã chia sẻ kế hoạch sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2021, ông sẽ yêu cầu toàn dân đeo khẩu trang 100 ngày để phòng bệnh. Ông Biden nhận định: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến mức giảm dịch bệnh đáng kể với việc tiêm phòng vắc-xin và việc đeo khẩu trang sẽ giảm bớt rất nhiều số ca bệnh”, ông Biden nói thêm.
Có thể nhận ra rằng, dịch Covid-19 bùng phát nên việc mang khẩu trang khi ra đường đã trở thành trách nhiệm. Trên thực tế, bệnh dịch Covid-19 trên thế giới lây lan nhanh như hiện nay có nguyên nhân từ việc chính quyền ít quan tâm đến việc khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng để chống dịch bệnh. Chẳng hạn, ở nước Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump bị chỉ trích vì không khuyến cáo người dân Mỹ đeo khẩu trang một cách kịp thời. Bản thân tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng bị dương tính với Covid-10 vào đầu tháng 10/2020.
Tuy nhiên, để phòng chống dịch hiệu quả, tại các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản đã có chính sách phân phối khẩu trang cho người dân. Đài Loan và Thái Lan cấm xuất khẩu khẩu trang để ưu tiên đáp ứng nhu cầu phòng dịch trong nước. Bởi thế, số ca nhiễm của các nước này hiện không tăng nhanh như ở Mỹ - nước đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong vì bệnh dịch Covid-19.
Thiết nghĩ, mọi người cần nâng cao ý thức của mình trong việc sử dụng khẩu trang để việc phòng bệnh dịch Covid-19 hiệu quả hơn. Và trên thực tế, không những ngăn virus SARS-CoV-2 gây bệnh dịch nguy hiểm này, “lưới phòng hộ” này còn cản khói, bụi bẩn, vi khuẩn và các loại vi rút độc hại khác... khiến cơ thể con người được bảo vệ tốt hơn. Bởi thế, có thể nhận định, đây thật là một việc làm dễ mà có đến trăm điều lợi.