Những toan tính của thuyết “bành trướng theo định mệnh”

(PLVN) - Ngay từ buổi đầu lập quốc, với 3 mục tiêu cơ bản là an ninh, phát triển và phát huy ảnh hưởng của mình trên thế giới, giới cầm quyền nước Mỹ đã nhìn nhận khu vực Mỹ Latin là khu vực ưu tiên mật thiết về mặt lợi ích quốc gia.
“Học thuyết Monroe” đầy tham vọng .

Bành trướng theo định mệnh?

Thời Tổng thống George Washington, do chưa đủ sức tham gia một bên giành giật Mỹ Latin nên nước Mỹ đã không tham chiến bên nước Pháp - “đồng minh vĩnh viễn” trong việc giúp Pháp phòng thủ vùng “Tây Ấn thuộc Pháp” trước Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan. 

Tuy nhiên, chính sách biệt lập đã nhanh chóng được thay thế bởi thuyết “bành truớng theo định mệnh”. Thuyết này khẳng định nước Mỹ “có quyền” và “có bổn phận” mở rộng ảnh hưởng ở bán cầu Tây và vùng biển Caribbean cũng như dọc Thái Bình Dương. 

Tiếp nữa, chính quyền Mỹ cũng đã sử dụng “Học thuyết Darwin xã hội” trong việc biện minh những hành động bành trướng của mình. Học thuyết Darwin xã hội là lý thuyết cho rằng xã hội loài người tiến hoá thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn, trong đó chủng tộc nào thông minh hơn, khoẻ mạnh hơn, thích nghi với môi trường tốt hơn sẽ là chủng tộc có quyền tồn tại; chủng tộc nào dốt nát, ốm yếu, kém thích nghi với môi trường sẽ bị đào thải. Bởi thế, giới cầm quyền nước Mỹ cho rằng: Trong thế giới bạo tàn của các quan hệ quốc tế, chỉ có những quốc gia thích nghi được mình với những đều kiện mới và chuẩn bị đấu tranh mới tồn tại được.

Hoa Kỳ tham vọng phát huy ảnh hưởng của mình đến vu vực Mỹ Latn giàu tiềm năng.  

Đến thời Tổng thống James Madison, nước Mỹ đã tìm cách khống chế kinh tế đối với Cuba. Chỉ trong năm 1821, hàng hóa của nước Mỹ xuất khẩu sang Cuba đạt trên 4,5 triệu USD, chiếm trên 2/3 hàng hóa của nước Mỹ xuất khẩu sang toàn bộ vùng thuộc địa Tây Ban Nha tại châu Mỹ.

Bên cạnh sự xâm nhập về kinh tế, các nhà chính trị của nước Mỹ bắt đầu gây dư luận về “lợi ích đặc biệt” và “tính chất quan trọng” của Cuba đối với nước Mỹ. Ngày 28-4-1823, trong một bức thư gửi cho công sứ Mỹ tại Tây Ban Nha, Ngoại trưởng nước Mỹ John Quincy Adams đã đáng giá rằng: “Tính chất quan trọng của Cuba đối với lợi ích quốc gia của nước Mỹ không một lãnh thổ nước ngoài nào có thể sánh kịp”.

Châu Mỹ của nước Mỹ?

Càng về sau, sự bành trướng của nước Mỹ tại khu vực Mỹ Latin càng được che đậy tinh vi hơn. Đầu tiên, đó là “Học thuyết Monroe” do Tổng thống James Monroe đưa ra với nội dung cơ bản là “Châu Mỹ của người châu Mỹ”. Quan điểm của nước Mỹ trong vấn đề này là: Các nước Mỹ Latin có quyền tự quyết, họ đã độc lập và duy trì được nền độc lập thì không có một nước nào có quyền can thiệp vào công việc của các nước đó. Đổi lại, nước Mỹ sẽ không can thiệp vào công việc của các nước châu Âu, đặc biệt là Liên minh Thần thánh, khi các hoạt động ấy không diễn ra trên đất châu Mỹ. 

Sau khi đưa ra “Học thuyết Monroe”, nước Mỹ đã tìm cách gây hấn với Mexico để chiếm lấy bang Texas ngày nay. Tiếp đó, sau khi áp đảo được Mexico trong cuộc chiến 1848, nước Mỹ đã ép Mexico ký Hiệp ước Guadalupe Hidalgo vào tháng 2/1848. 

Theo Hiệp định này biên giới nước Mỹ - Mexico được ấn định ở Rio Granda; Mexico phải từ bỏ những vùng mà ngày nay là các bang New Mexico, Nevada, California, Utah, phần lớn bang Arizona và những khu vực của bang Colorado và Wyoming. Với kết quả thu được trong cuộc chiến tranh với Mexico, nước Mỹ đã đoạt được một vùng lãnh thổ mới bao la gồm 1,36 triệu km2.

Các nước Mỹ Latin. 

Đây là vùng đất được mở rộng lớn nhất kể từ khi Hoa Kỳ mua Louisiana của Pháp năm 1803. Mexico thì mất đi một nửa diện tích đất đai sau cuộc chiến này với giá “đền bù” phía nước Mỹ là 15 triệu USD. Tiếp theo đó, vào năm 1867, nước Mỹ đã ép Pháp phải rút quân đội ra khỏi Mexico và Pháp buộc phải nhượng bộ. 

Đến năm 1898, trận chiến Tây Ban Nha - Mỹ đã đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử can thiệp vào khu vực Mỹ Latin của nước Mỹ. Sau trận chiến này, Tây Ban Nha phải từ bỏ thuộc địa là Cuba và nhượng lại Puerto Rico, Guam cho Mỹ thay cho các đền bù thiệt hại do chiến tranh cũng như phải nhượng lại cho Mỹ quần đảo Phillipines để đổi lấy 20 triệu USD.

Sau cuộc chiến với Tây Ban Nha, nước Mỹ lại bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng một kênh đào bắc ngang eo biển Panama, nối liền hai đại dương. Năm 1903, khi chính quyền Colombia từ chối phê chuẩn hiệp định cho nước Mỹ quyền xây và quản lý con kênh, một nhóm người Panama với sự giúp đỡ của lính thủy đánh bộ Mỹ đã nổi dậy và tuyên bố độc lập cho Panama. Ngay lập tức quốc gia mới ly khai này được Tổng thống Theodore Roosevelt công nhận. 

Theo điều khoản của hiệp định được ký vào tháng 11/1903, Panama trao cho nước Mỹ quyền thuê vĩnh viễn dải đất rộng 16 km nằm giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để được nhận 10 triệu USD và khoản lệ phí 250.000 USD mỗi năm. Colombia cũng nhận được 25 triệu USD như một phần tiền đền bù. 

Tiếp đó, vào năm 1917, nước Mỹ sợ rằng quần đảo Virgin thuộc Đan Mạch có thể bị Đức chiếm đóng để làm căn cứ tàu ngầm nên cũng đã mua với giá 25 triệu USD. Nước Mỹ cũng đã lôi kéo hàng loạt nước Mỹ Latin tuyên chiến với khối Liên minh Đức-Áo-Hung như Puerto Rico, Cuba, Argentina, Colombia...

Về sau, bằng chính sách “Cây gậy lớn” (Big Stick) và “Ngoại giao dollar” (Dollar Diplomacy), nước Mỹ gần như đã đạt đến cái gọi là “Châu Mỹ của người Mỹ” như mong muốn. Lý thuyết “Cây gậy lớn” và “Ngoại giao dollar” là những công cụ cụ thể hóa một bước “Học thuyết Monroe” trong việc mở rộng và tăng cường ảnh hưởng chi phối các nước Mỹ Latin.

Đó là việc thực thi chính sách can thiệp bằng quân sự vào các nước ở khu vực Mỹ Latin, cải biến nó theo những ý muốn của nước Mỹ. Đồng thời nước Mỹ cũng sẽ lũng đoạn kinh tế các nước này, khai thác và đưa lại lợi nhuận cao nhất về kinh tế cho nước Mỹ. Liên minh Pan - Mỹ, Liên hiệp Cộng hòa châu Mỹ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ hiện nay chỉ là sự hiện thực hóa những toan tính về tham vọng trói chặt nền kinh tế các nước Mỹ Latin vào nước Mỹ.

Đọc thêm