Những tướng cướp khét tiếng nhất lịch sử - (Kỳ 1): Nữ chúa hải tặc biển Ireland là ai?

(PLVN) - Trong tâm trí những người đi biển và lịch sử hàng hải, luôn có một nỗi sợ hãi thường trực về cướp biển. Trong lịch sử, có nhiều tên cướp biển khét tiếng, gây bao nỗi sợ hãi, đau khổ và mất mát cho các thương nhân và các quốc gia có cướp biển lộng hành.
Họa hình Nữ hoàng hải tặc Grace O'Malley.
Họa hình Nữ hoàng hải tặc Grace O'Malley.

Tuổi thơ trên biển và bước ngoặt trở thành cướp biển

Trong hồi ký của Henry Sidney, Lãnh chúa Ireland vào năm 1576 có đoạn: “Đến gặp tôi còn có một nữ chúa hải tặc tên là Granny Imallye, cô ấy mong muốn được trợ lực cho quân đội. Dù ở Scotland hay Ireland, tôi vẫn sẽ ban cho cô ta ba chiếc thuyền buồm cùng 200 lính chiến đấu. Đi cùng cô ta là vị hôn phu, có vẻ như cô ta làm một chiến binh cả trên thuyền lẫn trên bộ đều xuất sắc hơn là trong vai trò một người vợ. Đây đúng là một người phụ nữ khét tiếng nhất trên biển Ireland”.

Lịch sử trung đại châu Âu ghi nhận, những nữ cướp biển khét tiếng chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, ví như Cheng I Sao, Anne Bonny và Mary Read. Tuy nhiên, không nhiều tài liệu ghi chép chỉ tiết về cuộc đời của họ, nên ngày nay ít người biết đến những nữ cướp biển khét tiếng này. 

Ngoại lệ về một nữ cướp biển được hư cấu trong thơ ca, trong tiểu thuyết và các khúc hát dân gian: Grace (Grainne) O'Malley, hay Granuaile khét tiếng khắp Ireland, nữ chúa hải tặc này không chỉ gây nên nỗi khiếp đảm cho kẻ thù của ả mà còn chiếm được sự ngưỡng mộ của những kẻ xem ả như một vị anh hùng dân tộc. 

Sinh ra tại Connaught, bên bờ Bắc Ireland vào khoảng năm 1520, Grace O'Malley là thành viên của dòng họ Ui Mhaille, một dòng họ kiên cường đã quen thuộc với cuộc sống trên biển cả. Khẩu hiệu của đòng họ là “Hùng mạnh cả trên biển và đất liền”, hiếm có dòng họ nào trên khắp miền Bắc Ireland lại có nhiều hiểu biết về biển Ireland như dòng họ Ui Mhaille. 

Cha của Grace là một tỉnh trưởng. Dòng họ này sở hữu rất nhiều của cải, trong đó có cả tòa lâu đài tại vùng Belclare trên đảo Clare. Họ duy trì một hạm đội thuyền biển không chỉ đánh cá, buôn bán với các thuyền khác, mà còn tham gia vào các hoạt động cướp biển, tấn công và cướp bóc các vùng lân cận.

Nữ cướp biển Grace O'Malley dưới nét vẽ 3D.
Nữ cướp biển Grace O'Malley dưới nét vẽ 3D. 

Ngay từ khi còn bé, Grace đã được biết về cách làm giàu của gia đình mình, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nguồn gốc của biệt danh Granuaile (nghĩa là đầu trọc) xuất phát từ việc cô bé đã cắt phăng mái tóc cho giống với lũ con trai trong vùng. 

Ngoài ra, thời thơ ấu của Grace rất ít được biết đến ngoại trừ việc cô bé được giáo dục một cách quy củ. Sau này, Grace đã từng viết đơn kiến nghị lên Tòa án Tối cao Anh quốc và đoạn nói chuyện bằng tiếng Latin trong cuộc gặp gỡ năm 1593 của Grace với Nữ hoàng Anh Elizabeth I cũng được ghi nhận. 

Grace đã trải qua thời thơ ấu tươi đẹp, được cha dạy bảo về thương mại, chính trị và cả nghề cướp biển. Dường như cô bé luôn đồng hành cùng cha trong mỗi chuyến đi, điều này được minh chứng bằng khả năng đi biển, hiểu biết về thủy triều, về các dòng biển và các tuyến thương mại hàng hải của Grace sau này. 

Như bao cô gái bình thường khác, năm 1546, khi vừa tròn l6 tuổi, Grace kết hôn với Dornal O'Flaherty. Sau khi cưới, họ chuyển về sống trong lâu đài của Dornal tại Bunowen, cách đó khoảng 30 dặm dọc theo bờ biển. Có lẽ Grace đã cảm thấy một chút xa lạ vì đây là lần đầu tiên cô sống xa gia đình. 

Grace cảm thấy tù túng vì trước đây cô quen lênh đênh trên biển cùng cha và bạn bè, còn bây giờ với vai trò của một phụ nữ đã kết hôn, Grace phải ở nhà, chăm lo công việc nội trợ. Grace đã sinh được 2 người con trai là Owen và Murrough cùng một người con gái tên là Margaret. 

 

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân với O'Flaherty không kéo dài được bao lâu. Năm 1549, Dornal chết khi tham gia ám sát một người của dòng họ khác tên là Walter Fada Bourke để trả thù. Người ta không biết Grace đã làm gì khi trở thành một góa phụ trẻ tuổi như thế. 

Tuy nhiên, không lâu sau đó, cô quay về quê nhà và lập nên một căn cứ trên đảo Clare. Grace nhanh chóng xây dựng một hạm đội thuyền biển. Kể từ đây, Grace O'Malley chính thức bắt đầu sự nghiệp của một cướp biển.

Tung hoành biển cả

Grace lôi kéo khoảng 200 nam giới trong vùng thực hiện một số vụ tấn công ở Ireland và Scotland. Tất cả đều trót lọt, qua đó khẳng định được sự trung thành của đám cướp dưới trướng Grace. 

Nhiều người tin rằng, Grace phải là một người có uy tín mới có thể đảm nhận một cương vị như thế đặc biệt từ sau khi cha ả qua đời và để lại toàn bộ tài sản, bao gồm cả hạm đội hải tặc cho cô ta. 

Từ thời điểm này, Grace thống trị cả vùng biển Ireland. Anne Chambers đã ghi lại trong cuốn biên sử về O'Malley rằng: “Từ Donegal cho đến Waterford, dọc bờ biển Ireland, những cuộc tấn công của Grace ngày càng được mở rộng. Tiếng tăm của ả ngày càng lan xa. Những câu chuyện kể về những cuộc tấn công của Grace truyền đi khắp mọi bến cảng. Trên đất liền, Grace mua nhiều biệt thự rộng lớn và các đàn ngựa, đến năm 1593 Grace đã vô cùng giàu có”. 

Đây chính là giai đoạn đã tạo nên hàng trăm câu chuyện về những chiến tích kì bí của Grace. Từng có người kể lại rằng ả đã làm nổ tung một phần của tòa lâu đài Curradh tại Renvyle bằng cách bắn một quả pháo từ con thuyền đang neo dưới vịnh. Một số tòa lâu đài khác cũng bị Grace tấn công như ELoughlin tại Burren trên đảo Aran, Kilybegs; Lough Swilly tại Ireland và Doona trên bờ biển Erris. 

Năm 1566, Grace tái hôn với Richard Burke và chuyển đến sống trong tòa lâu đài Rockfleet (Carraigahowley) tại hạt Mayo. Tòa lâu đài nhìn xuống vịnh Clew còn tồn tại đến ngày nay, nơi trú ẩn an toàn cho hạm đội khoảng 20 con thuyền của Grace, trong đó một số thuyền buồm được trang bị vũ khí tối tân. 

Theo giai thoại, vì không muốn phụ thuộc vào chồng nên nữ cướp biển này đã đặt ra những quy định riêng khi kết hôn cùng Richard Burke. Một trong số những điều khoản ấy quy định về thời gian sống thử: sau 1 năm chung sống, nếu người vợ không cảm thấy hạnh phúc thì sẽ chia tay nhau. Người ta cũng kể rằng, việc chia tay này đã xảy ra khi Grace nhốt Richard bên ngoài lâu đài Rockfleet và hét lên rằng họ đã chia tay. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu Grace và Richard vẫn sống cùng nhau lâu dài. 

Một năm sau, trên một chiếc thuyền của mình, Grace sinh đứa con trai với Richard đặt tên là Theobald. Đúng lúc đó, con thuyền đang bị một toán cướp biển người Algeria bao vây. Grace vừa sinh con xong, liền quấn một chiếc chăn quanh người, Grace leo lên boong thuyền, nhặt một khẩu hỏa mai, nã một loạt đạn vào bọn cướp biển Algeria... 

Những năm tháng tù tội

Thời kì này, Ireland vẫn thuộc quyền cai trị của Nữ hoàng Elizabeth I, được chia ra thành nhiều tỉnh do một người cai quản, người này do chính Nữ hoàng bổ nhiệm. 

Ở Connaught, sự cai trị vô cùng hà khắc đã nhiều lần khiến cho những cuộc nổi loạn xảy ra. Grace thường tổ chức tấn công các tỉnh trưởng trên đảo và cướp phá các thuyền buôn đi qua Ireland. Việc này đã được báo cáo lên cho Sir Edward Filton, quận trưởng của Connaught. 

Vào năm 1574, Filton cử Thuyền trưởng William Martin chỉ huy một hạm đội chiến thuyền đến vịnh Clew bất ngờ vây hãm lâu đài Rockfleet và bắt sống Grace. Tuy nhiên, Grace đã nhanh chóng đánh bại hạm đội thuyền của Martin. 

Mặc dù chiến thắng trong cuộc tấn công này, nhưng Grace đã không có lần may mắn thứ hai. Năm 1577, trong cuộc tấn công Bá tước vùng Desmond tại Munster, Grace đã bị bắt và bị bỏ tù. 

Với bất kì ai, việc bị giam hãm trong ngục tù vốn đã là một điều kinh khủng và với một con người chỉ quen với cuộc đời tự do ngoài biển khơi, một con người chưa bao giờ chịu sự ràng buộc ngay cả trong hôn nhân, thì việc bị bỏ tù quả thực là vượt quá sức chịu đựng. 

Bị giam trong nhà ngục Limerick hơn 18 tháng, Grace được chuyển sang lâu đài Dublin theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Tư pháp William Drury. Grace bị xích tay chân và bị giải đi vào ngày 7/l1/1578. 

(Còn nữa)

Đọc thêm