Biết chấp nhận và vươn lên nghịch cảnh
Nick tên đầy đủ là Nick James Vujicic, sinh ngày 4/12/1982 tại Melbourne, Australia, trong một gia đình có gốc gác Serbia. Anh bị hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn rất hiếm gặp. Nick không có tay, chỉ có 2 chân nhỏ, và một trong đó có 2 ngón chân.
Không ai có thể giải thích tại sao anh lại mắc hội chứng cực kỳ hiếm gặp, vì thế, cả Nick và bố mẹ suốt nhiều năm vẫn tự hỏi tại sao điều đó lại xảy ra với gia đình họ. Điều này có nghĩa rằng, anh đã phải chiến đấu với số phận của mình kể từ khi chưa hoàn toàn ý thức được nó sẽ khó khăn đến thế nào.
Người mẹ và người cha thân yêu của anh lần đầu nhìn thấy con trai đã sốc kinh khủng. Sự ra đời của Nick đã làm chao đảo cuộc sống một gia đình trẻ. Họ khó có thể chấp nhận được sự thật đau lòng về đứa con bé bỏng. Không chỉ vô cùng đau khổ, họ còn hết sức lo lắng cho tương lai của con trai.
Suốt tuổi thơ, Nick phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Nick đã từng chăm chỉ cầu nguyện Chúa sẽ ban cho anh đôi chân và đôi tay. Anh nói với Chúa rằng, nếu lời cầu nguyện của anh không được hồi đáp, anh sẽ không bao giờ cầu nguyện nữa.
Tuy nhiên, quan điểm của anh sau đó đã thay đổi hoàn toàn khi mẹ đưa cho anh đọc bài báo viết về một người đàn ông bị khuyết tật giống anh đã vượt khó như thế nào. Vujicic nhận ra rằng anh không phải người duy nhất thiệt thòi như vậy, nên bắt đầu tự làm mọi thứ.
Nick James Vujicic từ khi bị hội chứng tetra-amelia bẩm sinh |
Nhưng không phải vì vậy mà Nick nản chí, tình yêu của bố mẹ đã giúp cậu vượt qua giai đoạn khó khăn này. Năm Nick 6 tuổi, người bố vốn là lập trình viên máy tính đã dạy Nick cách gõ phím và làm quen với máy vi tính.
Đặc biệt hơn, khi Nick đến tuổi đi học, bố mẹ anh không gửi con vào trường dành cho những trường hợp khuyết tật mà lại cho con trai cùng học với những đứa trẻ bình thường, bởi cả hai đều muốn con mình học cách sống tự lập ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Ban đầu luật của bang Victoria không cho phép Vujici học trường bình thường vì cơ thể khuyết tật của cậu. Tuy nhiên, Nick sau đó đã trở thành một trong những sinh viên khuyết tật đầu tiên được học ở trường dành cho học sinh bình thường từ khi luật trên thay đổi. “Đó là một quyết định đúng, tôi luôn thầm cảm ơn bố mẹ vì đã cho tôi học trong môi trường của những học sinh bình thường”, Nick nói.
Sự khuyết tật dường như đã đem lại cho Nick một khả năng khéo léo bậc thầy trong việc giải quyết các hoạt động thường ngày, mà đối với người bình thường không thành vấn đề. Từ chuyển động của đôi vai, hai ngón chân của bàn chân trái rất ngắn, ngay từ bé, anh bắt đầu tập cho mình biết đánh răng, biết uống nước, biết chải tóc, biết trả lời điện thoại… “Hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng chừng đã có lúc nhấn chìm tôi. Hơn ai hết, tôi từng muốn tự tử, và đã từng rất nhiều lần bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng, tôi đã can đảm đứng dậy sau hàng ngàn lần ngã…”, Nick cho biết.
Từ khi 18 tháng tuổi, Nick đã được bố dạy bơi. Nhờ làm quen với máy vi tính từ lúc lên 6 nên anh có thể dùng bàn chân bé tẻo teo có hai ngón nhỏ xíu gõ máy tính với tốc độ 45 từ/phút - sử dụng phương pháp “gót chân và ngón chân”. Nick cũng học cách ném những quả bóng tennis, chơi drum pedals, mang cốc nước, chải tóc, đánh răng, trả lời điện thoại, cạo râu, ngoài ra còn tham gia chơi golf, bơi...
Tuy vậy sự tự ti cũng luôn tồn tại trong cậu bé Nick. Khi được tới trường, anh thường xuyên tuyệt vọng và cô đơn. Thậm chí, Nick luôn tự hỏi vì sao mình lại khác tất cả bọn trẻ. Nick tự hỏi về mục đích sống, liệu cuộc sống của mình có ý nghĩa gì hay không.
Lớn lên, bắt đầu ý thức được rằng “mọi người nhìn mình không phải vì mình đáng yêu mà vì mình là quái vật ngoài hành tinh. Năm lên 8 tuổi, Nick bị trầm cảm nặng và từng tìm đến cái chết vào năm 10 tuổi bằng ý nghĩ sẽ dìm mình tự tử trong bồn tắm.
Dám chấp nhận và vượt lên số phận
Nick đã từng trăn trở: “Mình sẽ không bao giờ chinh phục được một cô gái. Mình thậm chí không có tay để ôm bạn gái. Nếu có con, mình sẽ không bao giờ có thể ôm chúng. Rồi đây, mình làm thế nào để kiếm được việc làm? Ai người ta chịu thuê mình chứ? Bởi vì nếu giao việc cho mình thì người ta lại phải thuê thêm người thứ hai để trợ giúp mình hoàn thành công việc mà đáng ra mình tự giải quyết được. Ai chịu thuê một người như mình để rồi phải trả công cho hai người?”.
Tuy nhiên Nick đã đứng lên và vượt qua sự khắc nghiệt của số phận. Đó là một hành trình kỳ diệu. Khi học cấp 2, Vujicic đã tích cực vận động kêu gọi quyên góp cho một tổ chức từ thiện địa phương và các phong trào vì người khuyết tật. Năm 17 tuổi, anh thành lập tổ chức phi lợi nhuận của riêng mình, Life without Limits - Cuộc sống không giới hạn. Vujicic giới thiệu những buổi nói chuyện khích lệ với toàn thế giới về một cuộc sống của một con người khuyết tật có hy vọng và tìm được ý nghĩa cho cuộc sống mình.
Đối diện với niềm tuyệt vọng, không gì cứu rỗi hơn cho Nick bằng khoảnh khắc nhìn thấy một thái độ sống tích cực. Anh nói: “Thường thì chúng ta cứ tự nhủ rằng mình không đủ thông minh hoặc không đủ hấp dẫn, hoặc không đủ tài năng để theo đuổi những ước mơ. Chúng ta tin những gì người khác nói về chúng ta, hoặc tự đặt ra những giới hạn cho bản thân. Tồi tệ hơn, khi bạn tự coi mình là một người vô giá trị, nghĩa là bạn đang đặt ra giới hạn cho những điều kỳ diệu”.
Nick tốt nghiệp đại học năm 21 tuổi, với tấm bằng kép ngành kế toán và kế hoạch tài chính. Sau đó, anh trở thành một diễn giả về động lực cuộc sống, đi tới nhiều nước trên thế giới, và nói chuyện chủ yếu về những vấn đề của tuổi thanh thiếu niên. Nick đã nói chuyện với hơn 3 triệu người tại hơn 24 quốc gia, 5 châu lục, Nick nói chuyện với nhiều khán giả, giáo đoàn, và trường học. Năm 2005, Nick Vujicic được đề cử giải thưởng “Thanh niên của năm” của Australia.
Vượt lên số phận Nick James Vujicic trở thành một diễn giả về động lực cuộc sống |
Vượt lên số phận nghiệt ngã, Nick đã sống cuộc đời không vô nghĩa. Niềm tin và nghị lực của Nick đã được anh truyền tới nhiều quốc gia trên thế giới. Anh như luồng ánh sáng kỳ diệu rọi vào cuộc đời u ám, làm lay động hàng triệu trái tim.
Thay vì chùn bước, sống trong mặc cảm và sợ hãi, Nick đã nhìn thẳng vào thực tế phũ phàng để vươn đến sự thành công. Xem những khuyết tật về thân thể là trò đùa thử thách của số phận dành cho mình, anh biến khó khăn, trở ngại và thất bại thành cơ hội để trưởng thành.
Nick hiện đang sống hạnh phúc bên người vợ tên là Kanae Miyahara, một cô gái xinh đẹp, hoàn toàn bình thường và đứa con trai bé bỏng của họ. Đám cưới của họ diễn ra ngày 10/2/2012 ở California, Mỹ. Hàng trăm tờ báo trên thế giới đã đưa tin về đám cưới của Nick. Người ta gọi đám cưới đó là đám cưới của thế kỷ, là sự kiện tuyệt vời nhất, thông điệp hy vọng có sức thuyết phục nhất về tình yêu của năm 2012. Chuyện đời, chuyện tình của Nick được xem như một câu chuyện cổ tích có thật.
Đến bây giờ, cái tên Nick Vujicic đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Anh vượt qua tuổi thơ tật nguyền, vượt qua sự khiếm khuyết của hình dáng bên ngoài để ngẩng cao đầu chinh phục và mỉm cười với thế giới. Với nghị lực và những việc làm phi thường, Nick được xem là người có khả năng truyền cảm hứng cho tất cả mọi người.