Đại sảnh của sự thật
Maat hay Ma’at là tên của một nữ thần trong thần thoại Ai Cập cổ đại. Bà là hiện thân của trật tự, công lý và chính nghĩa. Bà xuất hiện khi thần Mặt trời - Ra nổi lên từ vùng nước nguyên thủy của Nun. Vì lẽ đó mà bà được coi là con gái của thần Ra. Chồng của bà là Thoth - thần Mặt trăng, vị thần của văn bản và trí tuệ, và bà có với Thoth tất cả 8 người con. Maat được miêu tả là người phụ nữ ngồi với chiếc lông đà điểu cắm trên đầu, đôi khi hai tay được thay bằng đôi cánh.
Maat vừa đóng vai trò là một nữ thần điều chỉnh các vì sao và các mùa trong năm vừa là tên của nhiệm vụ xây dựng thế giới từ hỗn mang. Bản sao của nữ thần Maat chính là Isfet (mang nghĩa “bất công”, “hỗn mang”, “bạo lực”, “việc xấu”). Theo niềm tin của người Ai Cập, thì Isfet và Maat cùng bổ sung cho nhau, nhưng cũng đối địch với nhau. Một người không thể tồn tại nếu mất đi người kia, Maat và Isfet cân bằng lẫn nhau.
Sự tồn tại song song giữa Isfet và Maat chính là biểu trưng của thuyết nhị nguyên trong triết học, thừa nhận sự tồn tại độc lập của hai thực thể, thường được dùng để giải quyết một trong những câu hỏi cơ bản của triết học đó chính là ý thức và vật chất cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào, cái nào tạo thành nguồn gốc của thế giới. Khái niệm về Maat và Isfet cũng thể hiện quan niệm của người Ai Cập về thế giới, rằng nhân gian trong mắt họ luôn tồn tại sự nhập nhằng, một vị vua muốn trị vì thế giới thì trong hành động và phán xét phải giữ được Maat bằng cách tách sự cân bằng ra khỏi hỗn mang và tách cái thiện ra khỏi cái ác.
Chiếc lông vũ được coi là vật tượng trưng cho sức mạnh của nữ thần Maat |
Sau này, Maat mới kết đôi với thần Thoth (trong một số giai thoại khác, Thoth lại được kết đôi với nữ thần Seshat, thần của chữ viết và đo đạc). Các lực lượng hỗn loạn luôn tồn tại và đe dọa đến trật tự của bà. Vì nữ thần Maat có nhiệm vụ ngăn cản sự trở lại của hỗn mang trong vũ trụ sau này, nên vai trò chính của Maat trong thần thoại Ai Cập là nhiệm vụ cân đo các linh hồn ở cõi âm Duat. Mỗi linh hồn đều phải tham gia xét xử tại Duat, cõi âm của Ai Cập, nơi có một gian phòng gọi là “Đại sảnh của sự thật”.
Tại đây sẽ có một cán cân lớn để thực hiện nghi lễ “cân tim” người chết, một bên đặt chiếc lông vũ của Maat, bên kia đặt trái tim của người chết. Maat sở hữu một chiếc lông vũ thường được dùng để đặt lên cán cân đại diện cho độ thuần khiết của tâm hồn người chết. Nếu quả tim nặng hơn chiếc lông vũ, thì người đó đã phạm nhiều tội lỗi, trái tim sẽ bị ăn bởi nữ thần Ammit – kẻ nuốt linh hồn. Còn nếu ở vị trí cân bằng, thì đó là trái tim của người xứng đáng và được hưởng cuộc đời vĩnh hằng ở thiên đàng khi tới Aaru - vùng đất mà thần Osiris cai quản.
Đó là lí do tại sao trong quá trình ướp xác, người Ai Cập thường tách nội tạng riêng. Khi một Pharaoh băng hà, Maat sẽ tạm thời biến mất và thế giới lại chìm trong sự hỗn mang, cho đến khi có sự lên ngôi của một vị Pharaoh mới. Vì vậy, các Pharaoh thường mang biểu tượng của Maat để thể hiện vai trò của họ trong việc duy trì luật lệ và công lý trong xã hội.
Hình dáng của thế giới trong niềm tin của người Ai Cập
Đối với người Ai Cập, trước khi xuất hiện nữ thần Maat tạo ra một thế giới có trật tự thì sự hỗn mang vẫn còn là một dòng nước không hình không dạng trải dài vô tận khắp nhân gian dưới cái tên Nun. Trái đất được nhân cách hóa dưới hình dạng của vị thần Geb, là một mảnh đất tọa lạc phía dưới
bầu trời được nhân cách hóa thành nữ thần Nut. Mặt đất và bầu trời bị chia cắt bởi không khí, tức thần Shu. Mỗi ngày thần Mặt trời Ra lại du hành trên cao, ngang qua thân thể của nữ thần Nut, chiếu sáng nhân gian bằng ánh sáng của ông. Đến đêm vị thần mặt trời lại hướng về chân trời phía tây tiến vào Duat, một vùng đất bí ẩn tạo thành đường biên giới của Nun. Vào lúc hừng đông, từ vùng chân trời phía đông, Ra sẽ lại tiếp tục cuộc hành trình trên bầu trời của mình. Không một ai biết rõ vùng đất Duat biên giới của Nun nằm ở đâu. Theo nhà Ai Cập học James P. Allen
thì nữ thần Nut đại diện cho mặt nước hữu hình của Nun, với những vì sao trôi lửng lơ trên đó. Mặt trời vì thế băng qua mặt nước theo một vòng tròn, mỗi đêm nó lại hướng về phía chân trời để tiến vào Duat. Leonard H. Lesko thì lại tin rằng trong mắt người Ai Cập bầu trời có hình dạng vòm đặc quánh và mặt trời du hành qua vùng Duat trên bờ mặt của bầu trời, từ tây sang đông vào ban đêm. Joanne Conman lại cho rằng bầu trời đặc quánh của người Ai Cập là một vòm trời hình lòng chảo, có thể dịch chuyển được phía trên mặt đất lồi; trong đó mặt trời và các vì sao di chuyển trên vòm trời, đường đi của chúng phía dưới mái vòm này qua những nơi mắt người không thể nhìn thấy được chính là vùng đất Duat.
Theo vũ trụ học của người Ai Cập thì những vùng đất màu mỡ thuộc thung lũng sông Nile (Thượng Ai Cập) và vùng châu thổ (Hạ Ai Cập) nằm ở vị trí trung tâm thế giới. Phía bên ngoài là vùng đất hoang mạc khô cằn mà người Ai Cập tin rằng ở những nơi đó sự hỗn mang vẫn còn tồn tại. Vượt qua vùng đất khô cằn là đường chân trời tức Akhet. Tại đây sừng sững hai ngọn núi nằm ở cả hai phía đông và tây được cho là cột mốc tiến vào vùng đất Duat.
Quan niệm của người Ai Cập về thời gian chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống của họ. Mặt trời mọc và lặn hàng ngày, đem lại ánh sáng cho nhân gian cũng đồng thời điều chỉnh các hoạt động sống của con người; hàng năm khi đợt lũ sông Nile tràn về, đất đai lại được bồi đắp phù sa giúp cho nền nông nghiệp của Ai Cập phát triển. Những sự kiện diễn ra theo chu kỳ này đã truyền cảm hứng cho việc coi thời gian như một chuỗi hoạt động của những mô hình tuần hoàn được định hình bởi nữ thần Maat của người Ai Cập. Người Ai Cập còn gắn các thành bang ngoại quốc với vùng sa mạc khô cằn.
Những người dân ngoại thường bị xếp vào khái niệm “nine bows” (một thuật ngữ dùng để chỉ những kẻ thù truyền kiếp của Ai Cập) tức những kẻ đe dọa đến luật pháp của các Pharaoh cũng như sự cân bằng của Maat. Vì lý do này mà những sự kiện trong thần thoại Ai Cập đều hiếm khi đặt bối cảnh ở các thành bang ngoại quốc. Người Ai Cập tin rằng sau thời đại của các vị thần là thời đại của con người do các Pharaoh cai trị.