Nỗ lực lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài

 Những kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong việc quản lý Nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài sẽ được đưa ra phân tích tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg (ngày 25/2/2005) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài diễn ra hôm nay.

Những kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong việc quản lý Nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) có yếu tố nước ngoài sẽ được đưa ra phân tích tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg (ngày 25/2/2005) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài diễn ra hôm nay, tại TP.Cần Thơ để rút kinh nghiệm cho công tác này trong thời gian tới.

Còn hiện tượng môi giới kết hôn bất hợp pháp

Quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài bắt đầu phát sinh và phát triển ở Việt Nam vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ 20 như hệ quả tất yếu của sự phát triển, hội nhập ngày càng sâu của nước ta. Trước đó, hiện tượng này chỉ mang tính chất cá biệt. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời điều chỉnh các quan hệ này. Mặc dù vậy, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài trong những năm 2005 trở về trước vẫn diễn ra khá phức tạp, tiêu cực.

Nhiều bi kịch xảy ra với cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài
 Với thực tế phần lớn người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài là phụ nữ, câu chuyện HN & GĐ có yếu tố nước ngoài đã hoặc đang tiềm ẩn việc mất cân đối dân số về giới tính cục bộ tại một số địa phương.

Theo khảo sát của Bộ Tư pháp, việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài mang tính chất phong trào và tập trung vào một số địa bàn như: Đài Loan, Hàn Quốc, lại không dựa trên nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ mà chủ yếu là vì mục đích kinh tế. Do đó, hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn nhằm mục đích trục lợi, bất hợp pháp của một số tổ chức, cá nhân phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh Tây và Đông Nam bộ. Nhiều trường hợp môi giới kết hôn diễn ra dưới hình thức chọn vợ tập thể, thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam... Trong khi đó những kẻ môi giới chỉ biết chạy theo lợi nhuận bất chính, coi thường pháp luật.

Quá trình đi đến hôn nhân thường rất nhanh chóng, vội vàng, đơn giản, hầu hết thông qua môi giới sắp xếp. Phần lớn các cô dâu trước khi ra nước ngoài sinh sống cùng chồng chưa được tư vấn đầy đủ để có những hiểu biết cần thiết về pháp luật, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của nước sở tại nên đã gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với nhà chồng cũng như trong việc hòa nhập với cộng đồng. Nhiều trường hợp đã rơi vào hoàn cảnh bất hạnh nhưng không được giúp đỡ, bảo vệ.

Lành mạnh hóa quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài

Để khắc phục tình trạng tiêu cực nêu trên, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, ngày 25/02/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg, được đánh giá là “kịp thời và cần thiết”.

Thực hiện Chỉ thị 03, các Bộ, ngành Tư pháp, Công an, Ngoại giao, VHTT&DL, TT&TT, LĐTB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản HCM, UBND các cấp và toàn xã hội đã tích cực triển khai các hoạt động hướng đến việc đảm bảo làm lành mạnh hóa quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài, bảo đảm hạnh phúc lâu dài cho các cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài, thực hiện nguyên tắc hôn nhân tự nguyện tiến bộ của Luật HN&GĐ Việt Nam…

Tuy vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về vấn đề này, mà trước mắt là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2008NĐ-CP, Nghị định số 68/2002/NĐ-CP, Nghị định số 69/2006/NĐ-CP. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về HN&GĐ có yếu tố nước ngoài, phù hợp trình độ nhận thức của từng vùng, để người dân dễ tiếp thu, từ đó có những quyết định đúng đắn trong việc kết hôn.

Bên cạnh đó, cần bố trí cán bộ làm công tác giải quyết việc kết hôn có yếu tố nước ngoài phù hợp, tránh việc cán bộ lợi dụng những quy định của pháp luật để gây phiền hà, sách nhiễu cho công dân. Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc giải quyết hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch tại địa phương.

Các ngành chức năng cũng cần tiếp tục phát huy hiệu quả của các Trung tâm Hỗ trợ kết hôn với việc tăng cường áp dụng các biện pháp tư vấn hỗ trợ kết hôn. Tạo việc làm cho nữ thanh niên và vấn để  tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt qua biên giới trở về. Kiểm soát khu vực biên giới, đẩy mạnh công tác quản lý dân cư để ngăn ngừa, chấm dứt tình trạng công dân Việt Nam vượt biên trái phép qua biên giới để chung sống như vợ chồng với công dân nước láng giềng mà không đăng ký kết hôn...

Hương Giang

Đọc thêm