Nơi chiến tranh chưa kết thúc
Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng rất nhiều người dân Quảng Trị đến giờ vẫn không quên nổi những hình ảnh kinh hoàng. Một buổi tiêm chủng mở rộng tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị kết thúc bằng một quả bom phát nổ, ba cháu bé chết tại chỗ.
Em Hồ Văn Lai, huyện Đông Hà, tỉnh Quảng Trị kể: Bây giờ em vẫn còn sợ. Cảm giác sau khi bị nổ người em rất nóng, không biết đau, vì là thương tật quá nhiều nên không đau. Hồ Văn Lai chỉ là một trong số gần 7.000 trẻ em là nạn nhân của bom mìn trong hơn 30 năm qua tại khu vực 6 tỉnh miền Trung.
Tại nhiều địa phương như Quảng Trị, những vùng ô nhiễm bom mìn vẫn còn chiếm tới gần 80% diện tích đất đai. Làm ruộng, xây nhà hay bất cứ sinh hoạt nào trên mặt đất cũng đều có thể gây ra thảm họa.
Mới đây nhất, vào chiều 29/3, em Y Minh (SN 2004, người dân tộc Ma Coong, trú xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ra nương chơi. Trong lúc đang bắt cá, Y Minh phát hiện một vật kim loại hình tròn, liền cầm lên và ném đi. Không ngờ đó là quả bom bi, bom đã phát nổ khiến em bị thương nặng. Bé Y Minh đã được người nhà đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới để cấp cứu kịp thời.
Em Hồ Đức Ánh đến từ huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã chia sẻ câu chuyện về việc cả 4 người trong gia đình em bị thương do mìn nổ sau chiến tranh. Ánh mất mắt phải và bị một số vết thương do mìn nổ khi đang làm vườn.
Bố mẹ và chị gái Ánh đều có thương tật trên người. Không tiền chạy chữa, hai chị em phải nghỉ học ở nhà, phụ giúp bố mẹ chăm sóc vườn tược, bỏ dở ước mơ đi học phổ thông. Cuộc sống của bốn người đều bị thương tật do bom mìn thật khó khăn. Nếu không bị như vậy, có lẽ giờ em đang học lớp 10, chàng trai dân tộc Pa Kô nuối tiếc.
Còn anh Triệu Văn Nguyên (sinh năm 1980), xã Thanh Thủy , huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, vẫn hãi hùng khi kể lại vụ tai nạn kinh hoàng cách đây hơn 8 năm. Đó là vào tháng 8/2008, khi lên rừng lấy gỗ về làm nhà, do dẫm phải mìn nên anh đã bị cụt chân.
“Vùng này nhiều mìn lắm, cả cái rông (sườn núi), bãi sắn cũng có mìn. Thỉnh thoảng đi cày xới trồng ngô vẫn gặp mìn bằng cái đít chén chồi lên. Hôm vừa rồi, con trai lớn đi chăn trâu về cầm quả lựu đạn nhặt được và nói đó là sắt, tôi sợ quá vội vàng vứt xuống khe. Từ ngày bị thương tôi đã dặn kỹ bọn trẻ phải cẩn thận nhưng chúng không để tâm nên lúc nào cũng lo ngay ngáy con trẻ sẽ bị tai nạn như mình”, anh Triệu Văn Nguyên kể.
Là lao động chính, lại bị tai nạn do bom mìn nên nhà anh Triệu Văn Nguyên luôn xếp vào hộ nghèo của xã với 3 đứa con, trong đó 1 đứa dị tật bẩm sinh, 2 đứa nữa thì đứa lớn 10 tuổi nghỉ học đi chăn trâu, đứa nhỏ theo mẹ đi hái chè. Cùng bản với anh Nguyên còn có ông Bồn Văn Hòn (sinh năm 1969) cũng bị cụt hai chân do mìn và có 2 con bị thương ở tay, chân vì dẫm phải mìn. Nhà ông Hòn cũng là hộ nghèo.
|
Ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1975 đến nay, chỉ riêng A Lưới có trên 700 người bị thương do bom mìn, chiếm 1,5% dân số toàn huyện. Trong đó, 150 người đã chết, 80 người bị thương rất nặng. Nạn nhân bị bom mìn là những người nghèo, trụ cột trong gia đình, bị thương mất sức lao động nên không thể tiếp tục làm việc nặng, không có thu nhập, cuộc sống ngày càng khó khăn.
Đến nay, A Lưới đã rà phá được bom mìn sót lại trên diện tích 5.000 ha đất sản xuất, chiếm khoảng 46% diện tích cần rà phá. Ông Trăng mong muốn thời gian tới huyện tiếp tục được rà phá bom mìn để có thể giao diện tích đất sạch cho người dân canh tác.
Thiếu tướng Trần Hồng Minh, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia thông tin, hiện có hơn 800.000 tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh khiến 6,8 triệu ha đất bị ô nhiễm, nhiều nhất là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, khu vực Tây Nguyên, biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Hà Giang. Thống kê chưa đầy đủ từ sau năm 1975 đến nay, số nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn sót lại là hơn 100.000 người, trong đó có 60.000 người bị thương và 40.000 người tử vong.
Năm 2010, Thủ tướng ban hành Chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại (Chương trình 504). Bộ Tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chỉ đạo hành động phối hợp với các bộ ngành trong và ngoài quân đội để khắc phục hậu quả. Theo Tướng Minh, khó khăn lớn nhất hiện nay là diện tích đất ô nhiễm quá nhiều, một số nơi lại ở vùng sâu trong khi phương tiện kỹ thuật rà phá bom mìn còn yếu, lực lượng mỏng nên chỉ có thể tiến hành lần lượt và mất thời gian khá dài.
Từng đi qua chiến tranh, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn thấu hiểu sự tàn phá ghê gớm của bom mìn. Sau khi nghỉ hưu, ông có nhiều chuyến đi về chiến trường xưa để vận động hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn. Ông rất băn khoăn khi nhiều tỉnh vẫn chưa có số liệu thống kê về nạn nhân bị ảnh hưởng.
Do chưa lập danh sách các nạn nhân bom mìn nên chưa có đánh giá tổng thể nhu cầu của nạn nhân; xác định nguồn lực hỗ trợ cho nạn nhân, thiếu đội ngũ nhân viên và cộng tác viên trong hỗ trợ nạn nhân như hoạt động công tác xã hội, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng…
“Ngay trên mảnh đất Hà Giang, đồng bào các dân tộc đã cùng bộ đội giữ vững biên cương Tổ quốc khi chiến tranh biên giới nổ ra. Vậy mà trong thời bình, họ lại không được yên ổn sản xuất trên chính mảnh đất của mình”, tướng Soát chia sẻ.
Tới đây, Hội sẽ tổ chức nhiều chuyến đi đến Huế, Quảng Nam, Lạng Sơn... để hỗ trợ nạn nhân, đồng thời liên kết với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để có thể tham vấn những chính sách thiết thực đối với nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn sau chiến tranh.
Một dự đoán rằng Việt Nam sẽ mất 300 năm để làm sạch toàn bộ bom mìn có thể vẫn chưa chính xác. Cho đến lúc này, việc kiểm tra xác định bom mìn mới chỉ được thực hiện trên 60% lãnh thổ. Những thế hệ trẻ hôm nay sinh ra trong hòa bình, họ đã không còn hình dung được sự khốc liệt của bom đạn, nhưng hàng triệu trẻ em miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh biên giới vẫn đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với hiểm nguy. Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bom mìn, trong thời gian tới, sự vào cuộc một cách chủ động hơn của xã hội và các tổ chức quốc tế là điều vô cùng quan trọng…