Nỗi khiếp đảm của vùng biển Atlantic - (Kỳ 2): Vì sao tướng cướp Râu Đen vây cảng, bắt con tin chỉ để đổi lấy... 1 thùng thuốc?

(PLVN) - Nhiều nhà sử học cũng nói rằng, mặc dù vẻ bề ngoài đáng sợ, đã gieo rắc nỗi lo sợ bị giết hại cho nhiều người nhưng Râu Đen (Blackbeard) vẫn là một kẻ khá công bằng...
Nỗi khiếp đảm của vùng biển Atlantic - (Kỳ 2): Vì sao tướng cướp Râu Đen vây cảng, bắt con tin chỉ để đổi lấy... 1 thùng thuốc?

Tướng cướp có 14 bà vợ

Khi chiếm được một chiếc thuyền, nếu các nạn nhân làm theo mệnh lệnh của hắn thì họ sẽ không phải chịu đựng bất kì sự tra tấn nào. Ngược lại, nếu họ kháng cự hoặc không tuân theo mệnh lệnh, thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. 

Trong cuốn “Những tên bất lương trên vùng biển Tây Ban Nha” (Pirate Rascals of the Sbamish Mai), Addison Whipple viết: “Nếu một nạn nhân không tự nguyện giao nộp chiếc nhẫn kim cương, Râu Đen sẽ chặt tay người đó để lấy nhẫn, Râu Đen rất độ lượng với những ai chịu quy phục nhưng cũng rất tàn ác với những người chống đối”. 

Tuy nhiên, nếu Râu Đen là sự kinh hãi đối với những tên cướp biển khác và với người dân lương thiện thì vẫn có một số người yêu thích hắn và cho rằng hắn có sức quyến rũ không thể cưỡng lại. 

Chân dung tướng cướp Râu Đen.
Chân dung tướng cướp Râu Đen.  

Phụ nữ yêu Râu Đen và hắn cũng yêu phụ nữ. Mỗi khi Râu Đen bước vào quán rượu, các cô gái đều đến vây quanh hắn. Râu Đen đưa các cô gái về Queen Annes Revenge để tổ chức lễ cưới. Tuy vậy, việc này có thật hay không thì khó xác định được. 

Tất nhiên, Johnson cũng có kể lại việc Râu Đen từng cưới một cô gái trẻ chỉ mới hơn l6 tuổi. “Tôi được biết rằng đó là người vợ thứ 14 của Teach trong khi đó những người vợ khác vẫn còn sống”. Nhưng không một tài liệu nào đủ tin cậy để làm bằng chứng củng cố cho chi tiết này của Johnson, có thể đây chỉ là một phần của việc xây dựng nên huyền thoại đã khiến cho Râu Đen nhận được nhiều sự yêu quý của nhiều người đến thế. 

Cướp bóc liên tục

Ngày 5/12/1717, quan sát thấy chiếc thuyền buôn Margaret ngoài khơi đảo Crab, Râu Đen ra lệnh cho chỉ huy là thuyền trưởng Henry Bostock sang Queen Annes Revenge. 

Râu Đen cho người cướp sạch hàng hóa trên Margaret, tháo dỡ tất cả các khẩu pháo và các trang bị quân sự trên con thuyền này rồi thả cho viên thuyền trưởng về thuyền của ông ta cùng với thủy thủ đoàn (trừ hai người đã gia nhập cướp biển cùng Râu Đen) và để cho họ ra đi bình an. 

Bostock cập bến đảo St.Christopher và báo cho Thống đốc Walton Hamilton biết về cuộc chạm trán với Râu Đen, Thống đốc đã yêu cầu Bostock viết bản khai báo sự việc. Trong khi đó, trên đường đến vịnh Honduras, Râu Đen gặp một chiếc thuyền cướp biển được trang bị 20 khẩu pháo tên là Revenge do Thiếu tá Stede Bonnet chỉ huy. 

 

Khi mới gặp, hai tên thuyền trưởng đã rất ăn ý nhau, họ quyết định cùng hợp tác. Tuy nhiên, mối quan hệ tốt đẹp này không thể kéo dài vì Bonnet vốn là một người không thích hợp để trở thành thủy thủ, chứ chưa nói đến một cướp biển. Do đó, Teach phát chán Bonner và bổ nhiệm một cướp biển già đầy kinh nghiệm là Lieutenant Richards lên nắm giữ vị trí phó chỉ huy của Bonnet. Hai con thuyền cướp biển, Queen Annes Revenge và Revenge đang cùng nhau tiến về đảo Turneffe thì thấy một con thuyền mang tên Adventure đến từ Jamaica và nhanh chóng đuổi kịp nó. 

Chỉ huy là Thuyền trưởng David Harriot, cùng thủy thủ đoàn được yêu cầu sang thuyền của Râu Đen và được “mời” tham gia vào thuyền cướp biển.  Viên thuyền trưởng đã nhận lời. Với một lực lượng hùng hậu gồm 3 chiếc thuyền có trang bị vũ khí, Teach giờ đây đầy uy quyền. 

Ngày 9/4/1718, đội thuyền tiếp tục tiến về vịnh Honduras và thấy một chiếc thuyền buôn lớn tên là Protestant Caesar đến từ Boston, đi cùng nó là vài chiếc thuyền buồm nhỏ hơn. 

Ngay lập tức, đội thuyền của Râu Đen đã tiến sát mục tiêu và đổ quân lên các con thuyền. Vì lo sợ cho tính mạng của mình, cả 5 thủy thủ đoàn đều đầu hàng. Protestant Caesar bị cướp hết hàng hóa và bị thiêu cháy cùng với một trong số những chiếc thuyền buồm nhỏ. 

Từ vịnh Honduras, những tên cướp biển đi về Grand Cayman và tiếp tục cướp bóc, chiếm giữ một số con thuyền khác. Trên đà thành công, Râu Đen bắt đầu rẽ bánh lái bước vào chuyến đi mà có thể xem là chuyến đi táo bạo nhất của cả đội thuyền cướp biển này. 

Chuyến đi táo bạo

Một lá thư đề ngày 3l/5/1718 do Thống đốc Bennet của Bermuda gửi đến Ủy ban Thương mại và Nông nghiệp báo cáo rằng trong số những tên cướp biển dang hoạt động trong vùng biển của họ có “một người tên Tatch (Teach), đi cùng hắn là Thiếu tá Bonnet vùng Barbados và con thuyền gồm 36 khẩu pháo và thủy thủ đoàn 300 người, ngoài ra còn có một thuyền buồm 12 pháo và l15 người, hai con thuyền khác nữa, tính tổng cộng lại thì có tất cả khoảng 700 người”.

Kế hoạch của Teach nhanh chóng được thực hiện. Khoảng cuối tháng 5 năm 1718, đội thuyền đến cửa vào cảng Charleston (Nam Carolina) và định phong tỏa lối vào cảng.

Thời bấy giờ Charleston là một trong những bến cảng sầm uất nhất trong các thuộc địa phía Nam và là con mồi béo bở nhất. Giờ đây, bất cứ con thuyền nào muốn đi ra hay đi vào cảng đều bị thuyền của Teach chặn lại. 

 

Chỉ trong vòng 1 tuần, Teach đã cướp được nhiều thuyền, trong đó có con thuyền Crowley đi khỏi cảng để đến London. Mọi hành khách trên thuyền đều được chuyển sang Queen Annes Revenge để cung cấp những thông tin liên quan đến những con thuyền bên trong cảng, chúng chở những loại hàng hóa gì, được vũ trang như thế nào... 

Sau đó, các nạn nhân được đưa về lại Crowley và bị nhốt trong khoang chở hàng. Râu Đen phát hiện thấy trong số các nạn nhân có Samuel Wragg là một người vô cùng giàu có và còn là thành viên của Ủy ban Carolina. 

Wragg cùng với thuyền trưởng của Crowley và một vài nạn nhân khác là những con tin vô cùng lý tưởng. Râu Đen chọn ra một người tên Marks để đi cùng hai tên cướp biển lên bờ, mang theo danh sách những yêu cầu (yêu cầu chính là một thùng thuốc) và đe dọa rằng, nếu những yêu cầu này không được đáp ứng thì các con tin sẽ phải chết.

Hai ngày trôi qua mà không có tin tức gì từ Marks, Râu Đen đã mất kiên nhẫn vì phải đợi chờ lâu nên đã cho người lôi Samuel Wragg đến gặp hắn. Wragg cầu xin Râu Đen tha mạng cho các con tin và cố làm mọi cách để xoa dịu hắn. Một lúc sau thì những lời cầu xin ấy cũng có tác dụng. 

Vào cuối ngày hôm đó, một chiếc thuyền nhỏ tiến về nơi Queen Annes Revenge đang neo đậu. Mọi người trên thuyền đều tin rằng đó chính là Marks và hai tên cướp biển đi cùng đang mang tin mừng trở lại. 

Nhưng khi con thuyền nhỏ xuất hiện bên thành thuyền, chì lại chỉ có một người dân chài. Người này lên thuyền để báo cho Râu Đen biết rằng một việc không may đã xảy ra với Marks trên đường về, Charleston và mặc dù cả ba người đều an toàn, nhưng họ cần có thêm thời gian để thương lượng với các nhà chức trách. 

Râu Đen nguôi ngoai và bình tĩnh chờ đợi, nhưng sau vài ngày mà vẫn chẳng nhận được tin gì từ Marks, hắn lại tức giận và quyết định hành động theo cách khác. 

Râu Đen ra lệnh cho các con thuyền tiến về cảng Charleston cùng với Queen Annes Revenge, tất cả đều treo cờ đen. Màn hù dọa này lại có tác dụng. Cư dân của Charleston sợ hãi vì thấy cướp biển chuẩn bị tấn công, còn các nhà chức trách thì vội chấp thuận yêu sách của Râu Đen và mang ra một thùng thuốc có giá trị khoảng 300 đến 400 bảng Anh. 

Nhận được thuốc, những tên cướp biển quay lại thuyền của chúng. Các con tin được thả lên bờ sau khi đã bị lột sạch hết những đồ đạc quý giá trên người. 

Thời điểm đó thì thuốc lại là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất trong danh sách của những tên cướp biển. Có thể, một số bệnh dịch nhiệt đới đã bùng phát trong thủy thủ đoàn, hoặc theo tác giả Robert E.Lee, cũng có thể họ cần thuốc để trị căn bệnh giang mai đang tràn lan do những tên cướp biển hay đi lại với gái làng chơi. 

Một tác giả khác thậm chí còn đưa ra ý kiến rằng thuốc này là dành riêng cho Râu Đen vì bị lây bệnh hoa liễu từ một người vợ mới. Đây có lẽ là một lý do dễ chấp nhận để lý giải việc thực hiện một cuộc bao vây hoành tráng như thế mà chỉ để cướp ít của cải và một thùng thuốc. 

(Còn tiếp) 

Đọc thêm