Khác với sự tưởng tượng khi đứng ngoài cánh cổng, chúng tôi ngỡ mình đang đi trong một khu sinh thái rộng lớn với những hàng phượng vĩ đỏ rực và bằng lăng tím ngắt. Nơi ấy là 1001 những mảnh đời, những thân phận khác nhau muốn tìm lại nẻo về…
Những “bóng hồng” lạc lối
Khuôn viên Trung tâm được chia làm nhiều khu như nhà ở học viên nam và nữ, khu vui chơi thể dục thể thao, ăn uống, lao động, khu điều trị và khu nhà ở cán bộ. Khu nhà ở, sinh hoạt của các học viên nam, nữ được đặt riêng biệt và xây dựng cấp 4, xếp thành hình chữ U, xung quanh là hệ thống “tường cao, hào sâu” và luôn có người canh chừng 24/24h tại các vọng gác để tránh trường hợp bỏ trốn. Mỗi phòng có từ 15 đến 20 học viên chung sống, người nào cũng được phát quần áo đồng phục, vật dụng cá nhân, không gian riêng mỗi người là chiếc giường sắt hai tầng. Học viên được đọc báo, xem tivi nhưng nghiêm cấm hút thuốc, rượu bia và sử dụng điện thoại.
Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ninh kiêm Giám đốc Trung tâm cai nghiện Vũ Oai chia sẻ, ngày trước, học viên toàn là con của các gia đình khá giả. Nhưng từ ngày cơ chế miễn phí hoàn toàn cho các học viên cải tạo từ 6 tháng nên gia đình không có điều kiện cũng có thể đưa người thân tới Trung tâm. Số tiền chu cấp cho 1 học viên là 2 triệu đồng/tháng. Hiện trung tâm có 5.000m2 chuồng trại chăn nuôi (lợn, gà, thỏ), 3ha ao cá và 7ha cây trồng. Theo ông Sơn, học viên chủ yếu lao động trị liệu, sản xuất thực phẩm sạch để tránh thời gian rảnh rỗi, nghĩ về ma túy.
Nói về những “bóng hồng” hiếm hoi tại đây, ông Lê Minh Sơn cho hay, mặc dù chỉ có 5 học viên nữ, nhưng việc quản cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ sinh hoạt tới lao động đều phải tách riêng biệt với các học viên nam. Số lượng học viên nữ ít nhưng nhân lực để quản lý nhiều hơn. Đơn cử, trong những chương trình văn nghệ, giao lưu, Trung tâm phải cắt cử 5 cán bộ đi sát bên để quản lý, tránh trường hợp bị các học viên nam “động chạm” hay manh động.
Trong số những “bóng hồng” ở đây, Lương Thị Phương T. (SN 1996, ở huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) là một cô gái ưa nhìn và xinh xắn, đã biết sử dụng ma túy đá từ năm 2011, khi mới 15 tuổi. Hôm đó em buồn chuyện gia đình nên qua nhà bạn ngủ lại. Đêm đó, bạn em rủ đi sinh nhật nên em đi theo, rồi trong nhóm bạn đó có người đã mang theo ma túy đá và sau đó cho cả nhóm sử dụng. Một số bạn nam cứ khuyên rằng sử dụng sẽ hết buồn phiền, quên đi chuyện lo lắng, sẽ được lên tiên… tò mò nên em cũng đã sử dụng. Và rồi cứ thế, những lần sau cứ hễ có chuyện buồn buồn dù lớn hay nhỏ là T. lại tìm đến ma túy đá. Trước kia em chưa lần nào dám cãi lời ba mẹ nhưng sau khi sử dụng ma túy thì em không còn là cô bé ngoan ngoãn ngày nào nữa. Để có ma túy sử dụng em đã phải trộm tiền của bố mẹ mình.
Tương tự, em Trần Phương Nh. (SN 1995) có khuôn mặt trắng hồng và nụ cười mê hồn, được xem là hoa khôi của Trung tâm từng chìm đắm suốt một thời gian dài, với gần 4 năm sử dụng heroin. Bố mẹ Nh. bỏ nhau từ khi em còn rất nhỏ. Em thiếu tình cảm của cha, thiếu sự giáo dục của mẹ khi mẹ em hàng ngày phải ra chợ buôn bán, sớm vật lộn với cuộc sống cơm áo, gạo tiền. Thế nên, bạn bè là tất cả với em khi ấy. Và cũng bởi tò mò, bị bạn bè rủ rê lôi kéo trong những lần đi chơi, sinh nhật Nh. đã bắt đầu sử dụng ma túy. Ban đầu em cũng quyết tâm không dùng nhưng nhóm bạn lại cứ khiêu khích, cũng vì tính tò mò nên em cũng đã thử.
Hiện Nh. đã là mẹ của đứa con hơn 1 tuổi và vợ chồng cũng đã “đường ai nấy đi”. Điều đáng nói, cả hai cô gái T. và Nh. đều cho biết, khi bị bạn bè rủ rê, họ đều tin rằng, dùng một vài lần cho khuây khỏa thôi, không thể nghiện được. Nhưng thực tế, ma túy đã đẩy họ đi quá xa…
Không chỉ những “cậu ấm, cô chiêu”
Không chỉ những “cậu ấm, cô chiêu”, tại Trung tâm còn có cả những trí thức vướng vào con đường ma túy. Ông Lê Minh Sơn chia sẻ, trước đây Trung tâm từng cai nghiện cho kỹ sư điện tử, kiến trúc sư… Với học viên kỹ sư điện tử, có lương tháng gần 30 triệu đồng. Thế nhưng tham công tiếc việc, muốn thức đêm làm việc nên đã sử dụng ma túy, đến lúc muốn dứt ra thì đã muộn. Còn anh kỹ sư là người giỏi, hàng ngày sản xuất ra nhiều thiết bị điện tử, doanh thu trước đây mỗi ngày 3 - 4 triệu đồng. Không hiểu vì lý do gì, anh dùng thử ma túy. Lúc mới dùng, anh thấy người khỏe mạnh, làm việc không biết mệt. Càng làm nhiều thì càng có nhiều sản phẩm và cũng nhiều tiền hơn. Thế nhưng, đã dùng rồi thì không thể dừng được, anh nghiện lúc nào không hay.
Giám đốc Lê Minh Sơn và những trăn trở… |
Anh Lê Minh H, đến từ Đông Triều (Quảng Ninh), người có tuổi đời gần như cao nhất Trung tâm cho biết, dù đã có cháu nội anh vào trung tâm cai nghiện 2 năm nay rồi, sắp tới anh sẽ được về cùng với gia đình. Cách đây gần 10 năm, anh cũng cai nghiện ở Trung tâm này. Không ngại ngần anh kể thời trẻ anh làm nghề lái xe đường dài, lúc đầu anh thử sử dụng ma túy, thấy người hoàn toàn tỉnh táo, khỏe khoắn.
Thế nhưng dùng một lần rồi thì không dứt ra được, anh nghiện lúc nào không hay. Thời cao điểm, mỗi ngày anh phải “đốt” khoảng hơn 1 triệu đồng để thỏa mãn cơn nghiện. Và rồi, anh vào trung tâm cai nghiện quyết tâm làm lại cuộc đời, để được hòa nhập cộng đồng. 8 năm trở lại cuộc sống bình thường, những tưởng anh sẽ vĩnh viễn từ biệt “chất trắng”. Vậy mà trong một lần liên hoan cùng bạn bè, trong cơn chếnh choáng của men rượu, anh bị bạn bè cho dùng lại. Thử lại duy chỉ một lần nhưng anh lại thèm và nhớ ma túy, không thể quên được, lại lao vào ma túy và nghiện lại. Ở trong trại cai nghiện, mỗi lần nghĩ đến cuộc đời mình, anh lại xót xa với hai chữ “giá như”.
Nói về khả năng cai nghiện thành công của các học viên, ông Sơn chia sẻ: “Thành công hay không thì còn tùy thuộc vào ý chí của từng người, có nhiều người sau khi cai nghiện thành công từ Trung tâm về thì một vài năm đầu tránh xa ma túy, nhưng sau đó lại bị bạn bè rủ rê và khó thoát ra được cái vòng luẩn quẩn”.
Và nẻo về “muôn trùng”
Trung tâm cai nghiện tại Quảng Ninh thành lập năm 1993 tại phường Yết Kiêu (số lượng 50 giường). Đến năm 1998 chuyển ra đảo Vạn Cảnh và đến năm 2006 chuyển về địa điểm hiện nay với 2.000 giường. Hiện tại trung tâm có 103 cán bộ trông coi 517 học viên cai nghiện (trong đó có 41 người nghiện bắt buộc, 5 học viên nữ và 5 người nghiện không nơi cư trú).
Ông Lê Minh Sơn nhớ lại những ngày cuối năm 2008, khi Trung tâm mới được thành lập trên cơ sở Trung tâm cai nghiện ma tuý từ Vạn Cảnh chuyển về. Lúc đó nơi đây đa phần là diện tích núi đồi khô cằn, bên dưới thì sình lầy sú vẹt, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn rất khó cải tạo. Một số hạng mục như giao thông, nước sinh hoạt, tường rào bảo vệ, trang thiết bị chưa được đầu tư hoàn thiện. Không chịu ngồi trông chờ vào ngân sách, cán bộ và học viên của Trung tâm đã đồng lòng “tự thân vận động” từng bước xây dựng Trung tâm. Họ lấy đất đồi san lấp chỗ trũng, sàng từng chút đất màu để trồng cây.
Rồi đến chuyện đóng gạch, nung vôi để có vật liệu xây dựng… Chưa kể đến những “tai nạn nghề nghiệp” như năm 2009, chỉ bởi một chút sơ hở mà hàng trăm học viên manh động đua nhau vượt tường chạy trốn. Rồi khu “Buồng hạnh phúc” dành cho vợ chồng thân nhân gặp nhau tưởng là nhân văn nhưng cũng phải dừng lại. Bởi vợ lên thăm chồng, mủi lòng lại mang theo “thuốc” thăm thân…
Ông Lê Minh Sơn tâm sự: “Hiện tại số người tự nguyện vào cai nghiện còn chiếm một phần rất nhỏ ở trong cộng đồng, mặc dù đây là trung tâm cai nghiện hoàn toàn miễn phí cho tất cả các học viên. Tuy nhiên, công tác cai nghiện quả là không đơn giản, phụ thuộc vào ý chí quyết tâm của từng người. Đối với cai nghiện không khi nào là quá muộn cả; vấn đề là quyết tâm làm lại cuộc đời của họ đến đâu thôi. Điều chúng tôi thấy mừng nhất là nhiều người sau khi rời khỏi Trung tâm đã làm lại cuộc đời và đều trở thành những người có ích cho xã hội, có người còn trở thành chủ doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác”.
Và lý giải học viên khi về cộng đồng, tỷ lệ tái nghiện vẫn cao, ông Lê Minh Sơn cho rằng do nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là khó khăn về công ăn việc làm, nảy sinh tâm lý tự ti, chán nản, bị các đối tượng xấu lôi kéo nên dùng ma tuý trở lại. Bởi thế, một trung tâm cai nghiện thực sự hiệu quả lẽ ra phải thu hút nhiều học viên. Thế nhưng lại không như vậy. Cũng không phải do xã hội đã hết người nghiện, không còn nhu cầu cai nghiện nữa.
Theo ông Sơn, cái khó bởi trình tự, thủ tục đưa người nghiện vào cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính là chưa kịp thời, đang bó hẹp lại. Bởi người nghiện phải giáo dục ở địa phương 6 tháng, cai ở cộng đồng từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó cơ quan chức năng lập hồ sơ chuyển sang toà dân sự xử lý, toà ra kết luận rồi nếu trong 3 đến 5 ngày học viên về đọc thừa nhận kết luận đó đúng thì mới tự nguyện vào trung tâm cai nghiện tập trung…
Chia tay Vũ Oai, tôi nhớ từng gương mặt của các học viên trẻ tuổi và từng trải. Mong một mai sẽ gặp họ ở một nơi khác, của ánh sáng và đời thường bình yên…