Anh Lâm Văn H. quê Nam Định, có thâm niên 3 năm lái taxi cho Hãng T.C tại Hà Nội cho biết, do anh không có tiền đầu tư mua xe nên đành chấp nhận lái thuê cho hãng. Công việc vất vả, áp lực về doanh số khiến anh luôn cảm thấy mệt mỏi. Một công/ngày thấp nhất anh phải đạt được 700 nghìn đồng. Nếu đạt 1 triệu đồng/ngày thì tỷ lệ ăn chia 50/50. Sau khi nộp về cho Cty 50%, trừ khoảng 300 nghìn tiền xăng, “chạy quần quật” thì anh cũng chỉ được bỏ túi 200 nghìn đồng.
Oằn lưng “cống nộp”
Anh H. tâm sự: “Nếu có muốn mua xe thì các công ty cũng không chấp nhận mình mua xe ngoài, phải mua xe qua công ty. Nếu trả trọn gói thì cũng cao hơn ngoài hàng chục triệu rồi. Còn mua trả góp thì tiền lãi khiếp lắm... Như con xe này (Hyundai i10) nếu mua phải trả trước cho công ty 50%, số còn lại trả góp với thời gian tối đa trong 6 năm. Lãi suất ngân hàng đang hạ, đâu như còn 10-11% mà tụi em vẫn phải trả cho hãng 12-13%. Trả xong thì con xe này rơi vào khoảng 540 triệu, cao hơn “giá nét” cả trăm triệu rồi”.
Giá xe Hyundai i10 trên thị trường đang dao động từ 360 triệu đến hơn 400 triệu đồng, tùy đời, tùy “option”. Như vậy, chỉ cần so sánh về giá xe mà hãng taxi bán ra cho tài xế với giá xe ngoài thị trường cũng đủ hiểu công ty “ăn” của người lao động như thế nào.
Không chỉ “chặt chém” tiền mua xe ban đầu, hàng tháng các hãng taxi còn “thu tô” tiền “đài” đối với tài xế. Đây là khoản tiền trả cho chi phí điện đàm, định vị, và đặc biệt là khoản thuê thương quyền. Với vẻ mặt trầm ngâm, một lái xe khác trải lòng: “Đừng tưởng mua xe rồi là ngon. Dù đỡ phải chịu áp đặt về doanh thu nhưng hàng tháng ngoài xăng xe mình cũng trả cho hãng tầm 2 - 3 triệu đồng tiền “đài”. Nói chung chỉ có chủ hãng là “khỏe”, họ chỉ khổ khi gầy dựng ban đầu thôi, còn khi có thương hiệu rồi, chỉ cần “ngồi mát ăn bát vàng”, kiếm tiền nhàn như không”.
Đối với những thị trường như Hà Nội và TP.HCM, do mức độ cạnh tranh khốc liệt nên tiền “đài” còn tương đối dễ thở với lái xe. Ở một số địa phương, khoản này bị kê lên rất cao. Thậm chí tại Hà Tĩnh có hãng tài xế phải nộp hơn 4 triệu đồng/tháng. Nhưng dù với mức thấp nhất khoảng 2 triệu đồng/xe/tháng thì quả thực, với những hãng xe lớn, có trong tay vài trăm đến cả nghìn đầu xe, riêng doanh thu tiền “đài” của họ cũng đã lên tới con số cực “khủng”. Vì vậy, nhiều hãng trước đây còn đầu tư cho đội xe, nay cũng chỉ duy trì lực lượng vừa phải, chuyển sang hình thức “phát canh thu tô” đối với tài xế.
Còn Nguyễn Phi H., quê Thanh Hóa, đang lái xe cho Hãng M.L. cho biết, muốn vào làm cho hãng thì phải nộp một khoản đặt cọc là 8 triệu đồng. Nếu hết hạn hợp đồng mà không vi phạm thì mới được rút số tiền này ra. Theo H. thì đổi lại, tỷ lệ ăn chia của hãng này lại được đánh giá là “thoáng” hơn hãng khác. Cụ thể, nếu đạt dưới 1,1 triệu đồng/ngày thì lái xe được 60%, hãng được 40%; đạt 1,3 triệu trở lên thì tỷ lệ này là 70/30.
Một ca 24h/ngày, phải nộp về thấp nhất 750 nghìn đồng. Nhưng nếu vài lần mà doanh thu thấp như vậy thì sẽ bị nhắc nhở và bị phạt, nặng hơn sẽ bị thu xe. H. chia sẻ: “Ngày được một triệu là coi như em làm không công, ngày nào em cũng phải cố đạt khoảng 1,3 triệu thì mình mới có lãi sau khi trừ chi phí”.
Lái xe Nguyễn Phi H. |
Những người lái xe thuê cho hãng như anh Lâm Văn H. để kiếm mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng - như cách họ nói là mức tối thiểu để tồn tại ở Hà Nội và có chút đỉnh nuôi gia đình - không phải chuyện dễ dàng. Ngoài chuyện phải nộp tiền “đài”, tự đóng bảo hiểm, họ còn phải đối mặt với chuyện bị khách quỵt tiền, thậm chí bị trấn lột. Những lúc lưu thông trên đường không thể tránh khỏi những va quệt giao thông, hỏng hóc, tự tài xế lại phải bỏ tiền ra sửa. Chưa kể những lúc sơ ý lấn vạch, đỗ sai quy định…, tiền phạt cũng đủ “ốm đòn”.
Thu nhập từ nghề lái taxi ngày càng giảm sút, các hãng, thậm chí là các đồng nghiệp trong cùng một hãng, cạnh tranh quyết liệt. Thêm vào đó có nhiều quy định hơn về việc dừng đỗ, xử phạt nặng hơn của cơ quan chức năng khiến cánh lái xe ngày càng ngao ngán.
Nguy hiểm hơn là nguy cơ cướp giật, nguy hiểm đến tính mạng. “Nó tha trấn lột mình còn là may rồi anh ạ! Coi như mình chở hộ bọn nó đi một đoạn” - anh Đức, một tài xế của Hãng Mỹ Đình nhớ lại chuyện tháng trước, khi chở một nhóm khách “phê thuốc” từ Cầu Diễn đi Đan Phượng. Biết là nguy hiểm rình rập nhưng cánh lái taxi cũng không dám trang bị công cụ hỗ trợ vì sợ 141 “sờ tới”.
Còn vô vàn những rủi ro khác “từ trên trời rơi xuống”. Dân lái taxi nhiều người vẫn nhắc lại câu chuyện mua xe trả góp của anh Đương (Đan Phượng, Hà Nội). Năm 2009, anh mua xe trả góp của một công ty cổ phần, thương hiệu taxi là B.M. Giá trị xe là 370 triệu đồng, anh trả trước 150 triệu. Định kỳ hàng tháng cả tiền gốc và lãi, phí thương hiệu… là hơn 10 triệu đồng, anh đều thực hiện đầy đủ.
Đến tháng 8/2013, anh nhận được thông báo đòi nợ của ngân hàng vì công ty đã thế chấp chiếc xe để vay tiền kinh doanh. Tìm đến công ty để làm cho “ra nhẽ”, anh mới tá hỏa vì công ty đã “lặn không dấu vết”. Lên ngân hàng để tìm hiểu thì anh được biết xe của anh thuộc tài sản DN đã thế chấp cho ngân hàng. Nếu anh không trả nợ cho ngân hàng thì sẽ bị thu xe. Cụ thể, anh chỉ còn nợ công ty 20 triệu đồng là được làm chủ sở hữu chiếc xe, nhưng anh lại phải nộp tới 80 triệu cho ngân hàng, vì “gánh hộ” số tiền mà công ty trên nợ.