Taxi “dù” bủa vây Hà Nội khiến khách du lịch và người dân không khỏi sợ hãi mỗi lần được cánh tài xế mời chào lên xe. Nhiều trường hợp vừa bị lôi kéo “ép” lên xe, vừa bị “quỵt” tiền, thậm chí bị chửi bới, đánh đập, cướp của. Đang có một “thế giới ngầm” bảo kê cho hoạt động taxi “dù”?
Nhận diện taxi “dù”
Taxi “dù” là taxi hoạt động tự phát, không có giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, không có trung tâm điều hành liên lạc, tự ý gắn phù hiệu, logo, số điện thoại giả để đánh lừa khách hàng. Đồng hồ điện tử trên xe thường bị điều chỉnh sai lệch để ăn cắp tiền của khách hàng, nâng khống tiền cước. Taxi “dù” bắt khách mọi lúc, mọi nơi, tập trung chủ yếu ở các bến tàu xe, cổng bệnh viện, khu du lịch…
8h30 ngày 26/3, bến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội) nhộn nhịp, đông đúc. Xe đến, xe đi nườm nượp, chủ yếu vận tải hành khách đến từ các tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Đường Trần Bình dẫn vào bến luôn trong tình trạng tắc, tiếng còi inh ỏi, xe khách nối đuôi chờ vào bến đỗ.
Đội ngũ taxi hoạt động “sôi nổi” chẳng kém. Hàng trăm chiếc taxi luồn lách đưa đón khách khu vực quanh bến xe khiến tình trạng giao thông thêm lộn xộn. Nhiều xe lách vào tận bến đỗ và trước cổng bến xe, ngang nhiên dừng đỗ chào mời, đưa đón khách.
Anh Trần Văn Huấn (31 tuổi, Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định), tài xế taxi của một công ty vận tải có giấy phép, cho biết: Anh được công ty giao nhiệm vụ chuyên đón trả khách tại khu vực Mỹ Đình, nhưng trong số những taxi đang hoạt động ở khu vực này có rất nhiều taxi “dù”.
Với thâm niên 5 năm trong nghề tài xế, anh Huấn cho biết không khó để phân biệt xe “dù” hay xe hãng: “Taxi chính hãng phải di chuyển đưa đón khách liên tục trong ngày, địa bàn không cố định; còn taxi “dù” chủ yếu hoạt động vào những giờ cao điểm, khi có nhiều khách. Sau đó họ đỗ xe ở một chỗ, chờ thời cơ hoạt động, không chịu sự quản lí của công ty”.
Cũng theo anh Huấn, điểm phân biệt nữa là taxi “dù” thường “được” dừng đỗ, đón trả khách ở những vị trí các xe khác không được dừng đỗ. “Muốn vậy phải có quan hệ quen biết với những người quản lí bến tàu, bến xe”, anh nói.
Một phụ nữ ngoài 40 tuổi vừa xuống xe, dắt theo đứa con nhỏ đi ra khu vực đường Phạm Hùng trước cửa bến. Gặp phóng viên, chị cho biết quê ở Tuyên Quang, đưa con xuống Hà Nội khám bệnh tim. Câu chuyện mới có từng đó đã bị ngắt đoạn vì cánh xe ôm, taxi vây kín chèo kéo lên xe. Một taxi phanh kít trước mặt hai mẹ con, tài xế mở cửa nhảy phắt xuống. Người phụ nữ đang chần chừ đã bị tài xế nhanh thoăn thoắt một tay giằng lấy túi đồ “xách hộ”, một tay vừa lôi kéo, vừa ủn vai “mời” lên xe. “Bọn này liều lắm, ép khách hơn là mời khách. Nhìn cái phù hiệu xe, biết ngay không phải xe hãng”, anh Huấn khẳng định.
Taxi “dù” rình khách |
Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng taxi “dù” hoạt động nhốn nháo tương tự cũng diễn ra tại các bến xe, bến tàu khác trên địa bàn Hà Nội như: bến xe Lương Yên, bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm, ga Hà Nội, ga Trần Quý Cáp… Một số điểm dễ nhận biết là những xe này thường lảng vảng vào những nơi cấm dừng đỗ để đón trả khách. Tài xế thường chèo kéo khách lên xe, chạy tốc độ cao, luồn lách trên đường phố. Thủ đoạn moi tiền hành khách là dùng thiết bị đồng hồ tính quãng đường gian lận, đẩy cước phí cao hơn quy định.
Nhiều trường hợp lợi dụng khách hàng không quen đường để chạy lòng vòng “mua” đường, “câu” tiền. Ngoài ra còn thường gặp trường hợp lái xe thỏa thuận trọn gói, tính giá “một cục”, tất nhiên giá tính “vo” phải cao hơn giá đồng hồ. Ví dụ: từ ga Hà Nội về Xuân Thủy (Cầu Giấy) đi xe hãng hết khoảng 80 – 90 ngàn đồng, taxi “dù” sẽ hét trọn gói 150 ngàn đồng.
Anh Nguyễn Thế Hiệp (28 tuổi, quê Hà Nam, hiện ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Mới đây, anh từ quê lên bến Giáp Bát đã gần 23h, đi taxi về Thanh Xuân. Tài xế nói đồng hồ số bị hỏng, thỏa thuận giá 14 nghìn đồng/km. “Sau đó tài xế không chạy theo đường ngắn nhất mà cố tình chọn đường lòng vòng. Tôi thắc mắc thì anh ta sửng cồ mắng, hoảng quá tôi đòi xuống. Đi chưa được 2km, tài xế đòi 100 nghìn, giữa đêm hôm tôi cũng sợ gây hấn nên trả tiền cho xong”, “nạn nhân” kể.
Dân lái taxi ai cũng khẳng định xe “dù” có đất sống do có thế lực “chống lưng”. Để có được phù hiệu giả, giấy phép, tem hồng, lô gô… họ phải “mua bán”, “nhờ vả” thông qua nhiều mối quan hệ. Theo anh Nguyễn Văn Đạt (34 tuổi, quê Thái Bình, hiện lái taxi khu vực quận Hoàn Kiếm), chỉ cần bỏ ra 5 - 7 triệu đồng, thông qua quen biết là có thể “sắm” đủ phù hiệu, lô gô… để hành nghề. Khách ít kinh nghiệm đi xe rất khó phát hiện.
Anh này cũng tiết lộ có nhiều cách để sở hữu một chiếc taxi “dù”. Sau khi mua xe, chủ xe liên hệ với một hãng taxi mua lại thương hiệu với một số tiền nhất định, hãng xe sẽ “bán” phù hiệu, lô gô cho xe đó. “Nhưng sau một thời gian bán thương hiệu, các hãng taxi thấy chủ xe tư nhân làm mất uy tín của hãng nên cũng hạn chế”, anh Đạt cho biết. Một cách khác nữa là mua phù hiệu, tem, lô gô taxi được sản xuất giả.
Taxi “dù” thường có tụ điểm hoạt động, chủ yếu ở các điểm đông khách lạ, khách du lịch, khách “nhà quê” như nhà ga, bến xe khách, cổng bệnh viện, khu vực phố cổ. Nhiều nơi tồn tại những tụ điểm có 5 đến 7 xe “dù”, các chủ xe liên kết với nhau, mỗi khi “có biến” thì tương tác hỗ trợ.
“Họ có thể dừng đón khách ở những vị trí cấm mà những taxi khác không thể đến. Cánh tài xế chạy xe hãng như chúng tôi chẳng dại gì dây dưa với bọn họ. Vì thế xe “dù” càng được đà nâng giá, “móc túi” khách hàng. Khách lạ thường chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”; khách nào “có máu mặt” dám lên tiếng thì cãi nhau, đánh nhau. Bọn nó lại gọi “đội” đến hỗ trợ, đánh cho hành khách chạy mất dép”, vẫn lời anh Đạt.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội thừa nhận: So với những năm trước, hoạt động của taxi “dù” đã giảm nhưng phải thừa nhận vẫn diễn biến rất phức tạp, khó xử lí. Hà Nội hiện có 17 nghìn xe taxi được cấp phép hoạt động; chưa tính đến lượng lớn taxi từ ngoại tỉnh vào khiến tình trạng hoạt động vận tải này phức tạp, từ đó taxi “dù” có đất dung thân.
Theo ông Mạnh, việc truy quét xử lí taxi “dù” thuộc trách nhiệm của hai đơn vị là Sở GTVT Hà Nội và Công an Hà Nội. Liên ngành Giao thông và Công an từng nhiều đợt ra quân truy quét taxi “dù”, xử phạt rất nhiều trường hợp nhưng được một thời gian thì đâu lại vào đấy. Nguyên nhân là chế tài xử phạt hành chính, tạm giam giữ xe chưa đủ sức răn đe. “Taxi “dù” một ngày có thể kiếm tiền triệu, trong khi taxi bình thường chỉ kiếm mấy trăm ngàn đồng, nên sau khi bị xử phạt hành chính, đội ngũ taxi “dù” lại “ngựa quen đường cũ”, ông Mạnh nói.
Theo phân tích của ông Phó thanh tra sở, lực lượng chức năng có thể dễ dàng xử lí các lỗi dừng, đón trả khách sai quy định; đồng hồ tính cước không đạt chuẩn. Còn các trường hợp giả phù hiệu, lô gô… thì phải đến các hãng taxi bị giả mạo để xác minh. Sau khi đủ cơ sở mới có thể xử phạt chủ xe làm giả phù hiệu, lô gô. Hơn nữa, theo quy định hiện nay, người nào có giấy phép lái xe ô tô là được lái taxi, không cần chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, lái xe sau khi bị phạt vẫn tiếp tục quay lại “nghề” lái xe “dù” vì lợi nhuận cao.
Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra sở khá mỏng, không đủ nhân lực để kiểm tra, rà soát tất cả các hoạt động vận tải. Trong khi đó, các thủ đoạn của đội ngũ xe “dù” ngày càng tinh vi, thủ đoạn làm giả bằng công nghệ mới khó phát hiện. Khách hàng khi tố giác bị taxi “chặt chém” thường không có bằng chứng cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở xử lí.
Được biết, đề án thanh toán tiền cước thông qua biên lai hóa đơn kỹ thuật số đang được nghiên cứu. Từ thông tin trên hóa đơn sẽ biết được quãng đường đi, giá cước, tên xe, tên công ty vận tải. Nếu khách hàng bị “móc túi” có thể cầm hóa đơn đến cơ quan chức năng phản ánh, căn cứ trên hóa đơn có thể xử lí tài xế. “Tuy nhiên, doanh nghiệp than kinh phí để lắp đặt máy đắt nên đề án tạm dừng lại”, ông Mạnh nói.
Cuối cùng, vị Phó Thanh tra sở khuyên: Ngoài nỗ lực của liên ngành Giao thông và Công an, người dân cần cảnh giác, khi phát hiện taxi “dù” thì báo ngay đến đường dây nóng Thanh tra giao thông. “Tốt nhất người dân nên gọi đến tổng đài của hãng taxi trước khi lên xe”, ông Mạnh nói.
Khó xử lý địa phương tiếp tay?
Theo ông Mạnh, cuối năm 2013, ở khu ga Trần Quý Cáp có hiện tượng một số đối tượng lái taxi dù kết hợp với đội bảo vệ ga và hội tự quản phường để hoạt động “bảo kê” khu vực. Một lần ông Mạnh trực tiếp đi khảo sát, phát hiện và xử lí những xe trên, nhưng ngay lập tức một số công an phường ra xin hộ, nhận đó là những xe “đi làm nhiệm vụ”.
“Tôi nói lại rằng nếu là xe đi làm nhiệm vụ thì các anh về xin xác nhận của ông trưởng công an phường ký vào. Họ không dám làm. Chúng tôi cho hàng loạt taxi lên xe thanh tra mang về xử lí. Hôm đó đồng loạt công an phường, đội tự quản phường, bảo vệ nhà ga đều đến “xin tha” cho chủ xe taxi nhưng tôi cương quyết xử lí theo đúng quy định. Các ông ấy đứng ở giữa để “chén”; xong lại vừa “chén” vừa kêu. Tôi phải làm ngay, cương quyết không để họ liên kết, thâu tóm, cướp của dân được”, ông Mạnh nói.