Nạn nhân lao xuống sông vẫn không thoát
Trưa một ngày giữa năm 2015, Trần Văn Tuấn (ngụ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) điều khiển xe máy trên đường về nhà thì trời bất chợt đổ mưa, Tuấn vội vã tấp vào quán nước ven đường tránh mưa. Chừng 20 phút thì trời tạnh, lúc dắt xe định đi, Tuấn thấy một nữ sinh ở cùng xã, lưng mang cặp đứng lấp ló trong quán. Đoán cô bé đang chờ để xin đi nhờ xe về nhà, Tuấn “hào hiệp” hỏi: “Có lên không anh cho quá giang”. Cô bé đáp “lên” rồi leo lên xe.
Chở cô bé đi mới được một đoạn, Tuấn liền nảy sinh ý đồ xấu nên rẽ vào bến đò vắng người, mặc cho cô bé phản đối. Biết gặp chuyện chẳng lành, khi thấy Tuấn vừa dừng xe, cô bé liền co giò bỏ chạy, bị Tuấn đuổi kịp. Trong lúc giằng co, may mắn thoát ra được khỏi tay của Tuấn, cô bé liền lao xuống sông để tẩu thoát, không ngờ Tuấn chụp được chân nạn nhân, kéo lên bờ. Thấy nạn nhân la hét, vùng vẫy kêu cứu, Tuấn dọa: “Im miệng đi, không anh lấy dao chừ”, khiến cô bé sợ hãi nín thinh.
Sau khi khống chế nạn nhân và thực hiện xong hành vi đồi bại, thấy cô bé ngất xỉu nên Tuấn lay gọi nạn nhân tỉnh dậy, chỉnh đốn trang phục, chở về đến cổng làng, để nạn nhân đi bộ về nhà. Biết con gái bị kẻ xấu giở trò, gia đình nạn nhân vội vã gửi đơn đến cơ quan chức năng trình báo sự việc. Tuấn bị bắt ngay sau đó và truy tố về tội “hiếp dâm trẻ em”.
Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện Phong Điền xét xử, HĐXX nhận định, lúc gây án, bị cáo chỉ mới 17 tuổi 11 tháng, nhưng hành vi đã tàn nhẫn. Khi bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, nạn nhân đã đau đớn đến ngất lịm nhiều lần, nhưng bị cáo vẫn kéo dài thời gian gây án đến 15 – 20 phút, trong khi cháu bé chỉ mới 13 tuổi sáu tháng. Tòa tuyên phạt bị cáo Tuấn bảy năm sáu tháng tù và bồi thường 21 triệu đồng cho bị hại.
Cho rằng mức án trên là quá nặng, bị cáo gửi đơn kháng cáo, xin được giảm nhẹ. Mẹ bị cáo cũng kháng cáo, yêu cầu được giám định tâm thần cho cho con, vì theo bà, con trai mình có tiền sử bệnh động kinh, thần trí không được bình thường nên không làm chủ được hành vi. Người mẹ còn cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm về tố tụng.
Mua hai gói xôi “bới xách” cho con
Ngày tòa mở phiên phúc thẩm, nhà ở tận bản Khe Trăn, cách trung tâm thành phố gần cả tiếng chạy xe, nên gia đình bị cáo dậy từ sớm để đến tòa. Họ đứng lố nhố mỗi người một góc bên ngoài hành lang tòa án vì phòng xét xử còn chưa mở cửa.
Mẹ bị cáo còn chưa đầy 40 tuổi, nhưng vẻ mặt già nua, mái tóc vàng cháy, xơ xác. Chị đến tòa trong bộ áo quần nhàu nhĩ, sờn bạc, gấu quần lò xo đến mấy lớp; chân mang đôi dép cũ kỹ, bùn đất vàng quạch bám đầy quai dép. Chị bảo để đến được phiên tòa, phải dậy từ lúc 3h sáng, nấu cơm ăn lót dạ rồi chạy chiếc xe cà tàng đến tòa cho kịp. Nhà nghèo, chẳng có gì bới xách cho con, chị đành mua hai gói xôi bên hông cổng tòa, làm quà cho con.
Trước khi phiên tòa bắt đầu, người mẹ lóng ngóng cầm hai gói xôi dúi vào tay con, bảo ăn cho đỡ đói. Cậu con trai bần thần đỡ lấy, chiếc còng lạnh lẽo trên cổ tay khua lên mấy tiếng lạnh ngắt. Chẳng biết do vì ăn vội, hay bởi miếng xôi khô queo, nghẹn ứ ở cổ, mà bị cáo ứa nước mắt. Người mẹ nhìn con trai, thở dài thườn thượt, mắt cũng rơm rớm.
HĐXX hỏi bị cáo: “Tòa sơ thẩm xử bị cáo 7 năm 6 tháng tù, bị cáo thấy sao?”. “Bị cáo thấy nặng”. “Vậy theo bị cáo, tội mà bị cáo phạm phải nên bị xử mấy năm?”. Bị cáo ngắc ngứ, mãi không trả lời.
Tòa lại hỏi mẹ bị cáo: “Bà sinh con, rồi nuôi con khôn lớn, bà thấy sức khỏe con mình ra sao?”. Người mẹ khai, hồi con bà hai tuổi, sau một lần sốt nặng, con bà bị co giật, đến nỗi phía sau đầu móp lại. Chữa trị ở bệnh viện Đã Nẵng một thời gian, bác sĩ bảo Tuấn bị giật kinh phong. Từ đó lớn lên, Tuấn tuy không tái phát bệnh cũ, nhưng người ngờ nghệch, không tỉnh táo, nhanh nhẹn như bạn bè cùng trang lứa.
“Thời gian bị cáo ở với bà, có giúp được việc gì không?”, tòa hỏi tiếp. Người mẹ trả lời nhà nghèo, nên con mới học hết lớp Bảy đã nghỉ học, rồi ở nhà phụ mẹ làm rừng làm rẫy. “Do nhà không có cái ăn, nên ai thuê chi hắn làm nấy. Khi mô tui đau bệnh nằm ở nhà, thì hắn đi làm thuê kiếm năm bảy chục đưa về cho tui mua gạo”, người mẹ khai.
“Bà kháng cáo cho rằng con bà có triệu chứng tâm thần nên không làm chủ được hành vi, bà có chứng cứ không?”. “Dạ không, năm đó lụt lớn, sập nhà, nên bệnh án của con tui đều mất hết”.
Về việc mẹ bị cáo tố cáo cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng, HĐXX chất vấn: “Bà nói cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng, bà nói rõ vi phạm ở chỗ nào?”. “Dạ tui… không biết”. “Không biết, sao bà lại kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng?”. “Dạ vì luật sư có đơn xin hoãn phiên tòa để được làm giám định tâm thần mà tòa vẫn xử”. Tòa giải thích, “Việc bà xin cho con đi giám định tâm thần, có căn cứ hay không phải dựa vào quy định của pháp luật, được pháp luật chấp nhận. Còn cấp sơ thẩm có vi phạm tố tụng hay không, tòa sẽ xem xét”.
Sau khi nghị án, cấp phúc thẩm nhận định không có căn cứ để tiến hành giám định tâm thần đối với bị cáo. HĐXX không chấp nhận đơn kháng cáo, tuyên y án 7 năm 6 tháng tù.
Mẹ bệnh tật sinh con ngẩn ngơ?
Nhà bị cáo nằm sâu trong bản Khe Trăn. Căn nhà nằm biệt lập trên núi cao, đường lên dốc khúc khuỷu, lầy lội. Bao quanh nhà là những rừng tràm ngút ngàn. Buổi trưa, nhưng nghe tiếng cú rúc lên từng hồi ở phía rừng xa, vẫn thấy rờn rợn.
Gọi nơi mẹ con bị cáo chui vào chui ra là “nhà”, nhưng thực chất chỉ là căn chòi tạm bợ. Tường nhà là mấy tấm phên tre đã mục nát và vài tấm bạt thủng lỗ chỗ đặt chồng chéo lên nhau. Trong nhà chẳng có gì ngoài chiếc tủ sắt đã gỉ sét sứt chân, mấy chiếc ghế nhựa ọp ẹp, đều là những vật dụng được “tậu” về từ một cửa hàng ve chai.
Trở về sau phiên tòa, mẹ bị cáo lật đật chạy lên núi chặt cây chuối rừng, rồi lúi húi ngồi băm chuối cho đàn vịt con đang kêu réo đòi ăn. Chị kể, nhà nghèo, cha mẹ chẳng có đất đai, nên hai mẹ con dắt díu nhau lên núi, dựng chòi ở bạ vào đất rừng của người làng. “Tui xin họ ở nhờ, nhưng họ không cho. Vì không biết ở chỗ mô nên tui cứ dựng đại cái chòi nơi mé rừng, khi nào họ đuổi lại dỡ nhà sang mé đất khác. Có năm tui phải dời nhà ba bốn lần”, mẹ bị cáo kể.
Nhà ở tít trong rừng, không điện, không nước. Tối đến, chị thắp lên cây đèn dầu heo hút. Nhiều lúc dầu cạn đèn tắt, mà tiền đong gạo còn không có, mẹ con chị đành nhóm bếp lửa, rồi cứ thế đốt suốt đêm. Từ ngày con đi tù, đêm xuống, nằm chơ vơ một mình trong lán trại, nghe tiếng chim rúc rích trong rừng, vừa buồn vừa sợ. Muốn chuyện trò nhưng chẳng có ai bên cạnh, bốn bề chỉ có rừng đêm đen đặc.
Chị kể, hồi mới 19 tuổi, chị yêu đương rồi nhẹ dạ trót dại, nên sinh ra Tuấn. Người đàn ông “quất ngựa truy phong”, chị một mình ở vậy nuôi con khôn lớn. “Lúc sinh thằng Tuấn được hai ngày thì tui bị hậu sản, rồi phát bệnh giật kinh phong đến giờ. Ông nội tui, đến ba tui, cũng đều bị chứng giật kinh phong hết”, chị kể.
Mắc bệnh kinh phong, chẳng thể làm nhiều việc nặng, nên đã nghèo càng nghèo thêm. Không có sức để mang vác cây tràm, nên nghề làm gỗ cũng “chê” chị. Chị bám vào rừng, khi mót củi, khi hái lá nón, đổi gạo, sống chật vật qua ngày. Hai năm trước, chị phát bệnh u nang, bác sĩ kêu mổ, nhưng không có tiền nên chị đành sống chung với bệnh tật, ngày ngày uống mấy thứ cây cỏ tự chữa.
Đứa con trai chị do di chứng bệnh tật hồi nhỏ, lớn lên cũng chậm chạp khác thường. “Thấy hắn không giống người ta, nên tui giữ con kỹ lắm, lúc nào cũng kè kè bên hắn. Hôm đó tui bận đi làm thuê, nên không chở hắn đi làm giấy chứng minh thư được. Hắn mượn xe của bà ngoại rồi tự đi một mình, không ngờ lại gây ra chuyện lớn”, người mẹ kể.
Biết con gây chuyện, nhưng chẳng có tiền để bồi thường, mẹ chị bán chiếc xe máy cà tàng được một triệu, đưa sang bồi thường cho người ta. Chị kể: “Hôm ở tòa, họ yêu cầu tui bồi thường 36 triệu. Tui nói nhà nghèo lắm không có tiền bồi thường. Tòa nói thỏa thuận vậy đi, rồi về bồi thường sau, nhưng tui không chịu. Tui nói “có răng tui nói rứa, chứ không nói láo được. Giờ gật đầu, về lấy chi mà đền cho người ta. Nhà tui không có chi bán được tiền. Họ có muốn thì cứ đến nhà, có gà có vịt chi thì cứ bắt hết đem về”. Sau đó nhà bên kia bớt lại, chỉ đền 20 triệu”.
Con trai bị tạm giam gần nửa năm trời, nhưng nghèo quá, chị chỉ đi thăm nuôi được hai bận. Đêm trước lúc phiên tòa mở, chị cũng đi quanh nhà, kiếm xem có thứ gì để bới xách cho con, nhưng gạo trong thùng cũng sạch trơn. Chị định bắt con gà mái đang ấp làm thịt mang cho con, nhưng rồi nhìn đám trứng đã lác đác nở mấy con gà con, chị không đành, nên hàng “tiếp tế” cho con chỉ là hai gói xôi mua bên vệ đường.
Người mẹ lo lắng, con trai không được bình thường, chẳng biết vào trại sẽ sống ra sao. “Hắn lớn rồi, chứ không có áo quần là vơ áo quần của mẹ mặc, rồi xuống làng đi chơi khắp nơi mà chẳng biết “dị”. Tui hỏi hắn con mặc áo quần của ai rứa? Hắn nói con mặc áo quần của con mà. Hỏi như rứa thì sao mà bình thường được?”, chị thở dài.
Trời trở chiều, người mẹ vác gùi lên vai, xuống suối lấy nước. Chị bảo hồi có con trai ở nhà, việc lấy nước thường do con trai làm. Con suối cách nhà chừng nửa cây số, dốc cheo leo, thiếu phụ bấm chặt chân vào mặt đất, bóng hắt dài lên vách núi, đơn độc.