“Đợt đó, nếu nó không bắt thằng lớn đi, không chửi và thách thức tui thì có lẽ dù nghèo đói nợ nần đến đâu tui cũng gắng gượng. Nhưng bao đêm tui trằn trọc nghĩ đi nghĩ lại, tui đã thất học, con cái lại lêu lổng vì không có chữ nghĩa, nợ nần chồng chất như vậy thì cháu của mình lớn lên làm sao khá lên được.
Sớm muộn nó cũng sẽ giẫm lên vết xe đổ của mẹ nó thì lại hỏng mất cuộc đời, nghĩ vậy nên tui mới bấm bụng cho người ta nuôi. Chỉ mong cháu nó có được cuộc sống sung sướng hơn, được đến trường bằng bạn bằng bè... Giờ con gái tui cũng đã thuận tình rồi. Tui chỉ mong pháp luật xem xét cho tui”.
“Không đủ khả năng nuôi dưỡng” nên cho cháu?
Từ ngày bà Lê Thị Xê (40 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) bị mời lên trụ sở công an phường để điều tra về nghi án bán cháu gái với giá 20 triệu, những người dân quanh nơi bà sinh sống ai cũng biết chuyện. Nhiều người trách móc bà cạn nghĩ, người lại bày tỏ niềm cảm thông cho người phụ nữ từ nhỏ đã không được đi học đến nơi đến chốn.
Bà lão sống ngay cạnh nhà lắc đầu cho hay: “Không phải chị ta bán cháu đâu, mà không đủ điều kiện nuôi nấng nên đành cho đi đấy. Ai lại đi bán máu mủ ruột rà của mình bao giờ. Nghĩ cho đi giọt máu mủ là không đúng nhưng thực sự chị ta cũng không có đủ điều kiện để chăm nom. Quanh xóm trọ ở đây ai cũng rõ chị ta làm nghề ve chai, có nuôi đủ thân 2 vợ chồng đâu.
Từ ngày có thêm đứa nhỏ, chị ấy ở nhà miết, tiền sữa, tã, áo quần cho cháu cũng đi vay mượn. Chỉ trách đứa con gái của chị ta lêu lổng, buông thả, sinh con ra mà không có trách nhiệm nuôi con... đã thế hết lần này đến lần khác về làm khổ mẹ”
Qúa trình điều tra vụ án đang được mở rộng vì sự việc xảy ra tại tỉnh Cần Thơ, bà Xê hiện bị áp dụng biện pháp cấm rời khỏi nơi lưu trú. Suốt nhiều ngày nay, những người trong xóm trọ nghèo chỉ thấy bóng dáng của người chồng lếch thếch đạp chiếc xe cũ kỹ đi lượm ve chai một mình; còn bà Xê đóng cửa phòng im ỉm không dám đi đâu, phần vì sợ điều tiếng dèm pha, phần vì bệnh hen suyễn kinh niên đang bị tái phát trở lại.
Người phụ nữ còn khá trẻ nhưng đã lên chức bà ngoại từ 3 năm nay chỉ biết ngồi thu mình ở góc phòng sụt sùi nhớ lại, bà có 3 người con. Con gái đầu của bà tên là Lê Thị Kim Vân (SN 1997) tuy còn ít tuổi nhưng đến nay đã là mẹ của 2 đứa trẻ (con trai đầu lòng nay 3 tuổi, con gái thứ hai hơn 4 tháng – PV).
Ngày 7/10/2016, Vân chuyển dạ rồi sinh con gái thứ hai, chưa có khai sinh nên thường gọi là bé Ba. Quá trình mang thai, sinh nở vô cùng khó khăn, Vân đã gọi điện thoại cầu cứu mẹ. Không thể để con gái tự sinh, bà Xê bỏ hết công việc đến chăm sóc đỡ đần cho con.
Khi cháu ngoại được 1 tháng tuổi, bà đành đưa hai mẹ con Vân cùng về phòng trọ sống chung vì Vân không có nơi đâu để về. Cha của đứa bé vốn là người lao động tha phương, đã “quất ngựa truy phong” trốn trách nhiệm ngay từ khi mới hay tin người tình mang thai.
Sống chung cùng mẹ và cha dượng được một thời gian, khi đã hết những ngày kiêng gió, Vân quen biết rồi theo người đàn ông khác ra ngoài chung sống như vợ chồng, bỏ lại đứa con còn khát sữa cho mẹ.
Bà Xê giọng buồn rầu kể “tui khuyên nó cạn lời nhưng nó vẫn quyết bỏ lại đứa nhỏ để theo người kia. Không còn cách nào khác tui phải nuôi cháu. Vợ chồng tui nghèo, không có tiền, tui đành chạy đi vay mượn khắp nơi để mua sữa cho cháu. Tui nuôi cháu được hơn 3 tháng mà số nợ đã lên đến 19 triệu. Thời gian đó tui nhiều lần gọi cho nó kêu nó về nuôi con nhưng nó gắt gỏng nói không quan tâm, biểu tui cho ai được thì cho, nó không cần nữa”.
Bà kể thêm: “Ngày 19/2 vừa rồi tui ôm cháu về quê ngoại Cần Thơ để làm giấy khai sinh, và đặng bụng sẽ nhờ người chị họ nuôi nấng vì vợ chồng tui không còn khả năng nuôi. Mẹ nó lại không quan tâm, nếu nó ở với mẹ hay với vợ chồng tui đều khổ, rồi lại thất học. Chị của tui khuyên nên tìm người có điều kiện nhưng hiếm muộn để cho đi.
Sáng 22/2 tui ôm cháu ra chỗ cổng bệnh viện Cần Thơ rồi tình cờ gặp một người phụ nữ trung tuổi. Nghe bà ấy kể vợ chồng bị vô sinh, cầu con mãi nhưng không được, nay có nguyện vọng xin em bé về nuôi. Tui nghe cũng mủi lòng lại hợp với ý nguyện của mình nên đồng ý viết cam kết cho. Tui ký vào giấy đồng ý cho cháu, còn khoảng 20 triệu đồng là tui xin người ta để về trả số nợ trong vòng hơn 3 tháng nay đã mua sữa và đồ dùng cho cháu”.
Ngày 23/2 bà Xê trở lại TP.HCM thì ngày 26/2 Vân phát hiện sự việc và trình báo lên công an. Bà Xê tiếp tục trần tình “phải xa cháu lòng tui cũng đau như cắt, nhưng tui không còn cách nào khác. Mẹ nó không quan tâm, tui nuôi không nổi nên đành cho. Tui cho người ta chứ không bán. Tui đã khai hết với công an. Nghe nói đã tìm ra gia đình người phụ nữ kia, con gái tui xuống đó cũng đã đồng thuận sẽ làm thủ tục cho người ta làm con nuôi rồi...”
Căn phòng trọ nơi bà Xê sinh sống đã gần 20 năm nay |
“Chỉ mong cháu được sung sướng hơn”
Bà Xê kể, vốn sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở tận miệt vườn Cần Thơ. Mẹ lâm bạo bệnh mất sớm, cha đi bước nữa. Nhà nghèo, từ nhỏ bà chỉ được học đến lớp 4 thì nghỉ. 18 tuổi bà đã một mình lên Sài Gòn tìm việc làm thuê, tự lập mưu sinh.
Năm 20 tuổi, bà quen biết rồi nên duyên với một người đàn ông xuất thân là trẻ cô nhi viện. Không cần đám cưới hay cau trầu, hai người dọn về ở chung cùng một phòng trọ. Hàng ngày ông đi làm thuê, bà hết làm phụ bếp, đến nhặt ve chai kiếm đồng ra đồng vào chèo chống cả gia đình.
Bà Xê sinh được 3 người con, 2 gái, 1 trai (con gái đầu SN 1997, người con út SN 2001- PV), các con đều mang họ của mẹ vì cha không có giấy tờ tùy thân. Vì hoàn cảnh quá nghèo ăn chưa no mặc chưa đủ ấm nên cả 3 người con cũng đều không được đi học đến nơi đến chốn. Người phụ nữ buồn bã nhớ lại “trong số 3 đứa chỉ có con Vân là học đến lớp 3, còn lại tui không có tiền cho đi học, chúng chưa được đến trường ngày nào”.
Năm 2004, người chồng phát hiện mắc phải bệnh ung thư phổi. Sau những tháng ngày cầm cự điều trị khắp các bệnh viện nhưng gia đình phải nhận phần thua. Chồng qua đời, một mình bà Xê nhặt ve chai nuôi các con. Mỗi ngày bà phải dậy thật sớm và về khi trời đã tối đen như mực. Hai năm sau, bà “rổ rá cạp lại” với người đàn ông cũng hành nghề ve chai để có người sớm hôm bầu bạn. Họ không có con chung.
Nhắc về các con, người phụ nữ thở dài, kể “chúng nó đều ít học nên đều làm thuê làm mướn. Hồi đầu hai đứa con gái của tui cũng chăm chỉ, thương mẹ nên làm về được bao nhiêu cũng đưa cho tui giữ và phụ giúp chi trả tiền phòng, sinh hoạt hàng ngày. Nhưng từ khi chúng biết yêu thì tính nết bỗng dưng đổi hẳn”.
Bà Xê hồi ức “Vân nó ra đời từ rất sớm, hôm đi chơi với người này, mai người khác, thay bạn trai như thay áo. Tui khuyên nhủ, nhắc nhở mãi mà nó không chịu nghe. Năm nó 17 tuổi, nó gọi điện thoại về cho tui nức nở khóc như mưa “mẹ ơi, cứu con với. Con có thai rồi”.
Tui nghe mà bàng hoàng khóc hết nước mắt rồi lo cho nó nơi ăn chốn ở để sinh con. Sinh con xong, nó bỏ đi biền biệt, tui bất đắc dĩ phải thay nó nuôi cháu ngoại khi mới 37 tuổi. Cả năm nó về thăm thằng nhỏ được đôi ba lần rồi đi. Nó đi đâu, làm gì tui không hề biết, chỉ biết nay nó sống với người này mai lại đổi”
“Con trai của nó ở với tui đến nay đã hơn 3 tuổi, tình cảm vô cùng gắn bó. Cuối năm vừa rồi tui lại thêm 1 lần sửng sốt khi nó lại gọi về “mẹ ơi, cứu con”. Giọt máu của mình tui không vứt được, lại ôm về chăm sóc. Hôm đó, nó bỏ đi rồi đột ngột trở về một mực đòi dẫn thằng lớn đi bằng được, tui can ngăn mà nó chửi đánh rồi thuê giang hồ về tận phòng uy hiếp tui.
Nó bắt thằng nhỏ đi mất, tui đau đớn vô cùng nên nói “mày dẫn thằng lớn đi sao không ôm luôn đứa nhỏ đi mà nuôi. Mày gây ra hậu quả rồi để tao gánh, nó lớn lên mày lại về bắt đi sao được”. Nó mới nói “bà cho ai thì cho, tui không quan tâm””.
“Đợt đó, nếu nó không bắt thằng lớn đi, không chửi và thách thức tui thì có lẽ dù nghèo đói nợ nần đến đâu tui cũng gắng gượng. Nhưng bao đêm tui trằn trọc nghĩ đi nghĩ lại, tui đã thất học, con cái lại lêu lổng vì không có chữ nghĩa, nợ nần chồng chất như vậy thì cháu của mình lớn lên làm sao khá lên được.
Sớm muộn nó cũng sẽ giẫm lên vết xe đổ của mẹ nó thì lại hỏng mất cuộc đời, nghĩ vậy nên tui mới bấm bụng cho người ta nuôi. Chỉ mong cháu nó có được cuộc sống sung sướng hơn, được đến trường bằng bạn bằng bè... Giờ con gái tui cũng đã thuận tình rồi. Tui chỉ mong pháp luật xem xét cho tui”.
Bà Xê giọng buồn rầu kể “tui khuyên nó cạn lời nhưng nó vẫn quyết bỏ lại đứa nhỏ để theo người kia. Không còn cách nào khác tui phải nuôi cháu. Vợ chồng tui nghèo, không có tiền, tui đành chạy đi vay mượn khắp nơi để mua sữa cho cháu. Tui nuôi cháu được hơn 3 tháng mà số nợ đã lên đến 19 triệu. Thời gian đó tui nhiều lần gọi cho nó kêu nó về nuôi con nhưng nó gắt gỏng nói không quan tâm, biểu tui cho ai được thì cho, nó không cần nữa”.