Nói với chàng, nàng và khác nữa

(PLVN) - Ngày nhỏ chúng ta được/bị dạy rằng sự khác biệt là không tốt. Đàn ông là đàn ông, đàn bà là đàn bà, không thể có sự lẫn lộn. Nhưng ngày hôm nay, quan điểm đó đã không còn phù hợp nữa. Đàn ông vẫn là đàn ông, đàn bà vẫn là đàn bà và bên cạnh họ còn có những người khác nữa. 
Ảnh minh họa từ internet.

Thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, khái niệm về cộng đồng LGBT đã không còn xa lạ. LGBT là tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới (Transgender). LGBT thể hiện sự đa dạng của các nền văn hoá nhân loại dựa trên thiên hướng tình dục và bản dạng giới. 

Năm 2019, trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã có 28 quốc gia/vùng lãnh thổ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới bao gồm: Áo, Argentina, Bỉ, Bồ Đào Nha, Brasil, Canada, Colombia, Đan Mạch, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Ecuador, Hà Lan, Hoa Kỳ, Iceland, Ireland, Luxembourg, Malta, México (chỉ một số bang), Na Uy...

Ở Việt Nam, năm 2019 cũng là năm đánh dấu cộng đồng LGBT Việt sau 10 năm đấu tranh và đi tìm bản ngã. Kể từ mốc tháng 2/2012, khi đám cưới của hai người nữ tại thị trấn Đầm Dơi, Cà Mau bị dừng lại và bắt phải cam kết không được sống chung với nhau; rồi mốc ngày 29/8/2012,  buổi hội thảo công bố nghiên cứu đầu tiên về người chuyển giới tại Việt Nam được giới thiệu khiến khán phòng to nhất của khách sạn 5 sao đông nghẹt người đến ngộp thở… đã có một chặng đường dài để đi đến hai tiến trình vận động luật vô tiền khoáng hậu cho hôn nhân cùng giới trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, và quyền của người chuyển giới trong Bộ luật Dân sự năm 2015. 

Để rồi không ai có thể ngờ trong vòng chỉ một thập kỷ, từ việc phủ bỏ, Việt Nam đã đưa chủ đề LGBT lên bàn nghị sự, và thật sự thảo luận nghiêm túc về nó. Bộ luật Dân sư đã đưa chuyển đổi giới tính vào nhóm quyền nhân thân; Luật Hôn nhân Gia đình tuy chưa thừa nhận nhưng cũng không còn cấm đoán hôn nhân đồng giới. Quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới được công nhận là quyền con người và được pháp luật bảo vệ.

Hẳn rằng, hai người nữ yêu nhau bị cấm cản ở Cà Mau chắc cũng không biết được câu chuyện cá nhân của mình đã có nhiều người và nhiều thứ thay đổi, đúng như người ta nói, không nên để những mất mát trở thành vô ích. Hẳn rằng, câu chuyện và nước mắt của  Ngọc Ly trong buổi hội thảo công bố nghiên cứu đầu tiên về người chuyển giới, rằng Ly phải chịu đựng cảnh cứ giờ ra chơi là bị đánh đập, xé sách vở, tạt nước và người làm những hành động kinh khủng đó không phải ai xa lạ, mà chính là những người bạn cùng lớp, đã không phí hoài, không rơi vào thinh không… 

Đến ngày hôm nay, thế giới và chúng ta lại chào đón một khái niệm mới nữa. Đó là LGBT+. Bên cạnh những Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (chuyển giới) đã biết thì có thêm Queer (có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt, hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào) hoặc Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân). Cũng không có gì quá khác biệt hoặc lạ lẫm nữa khi tâm thế của xã hội đã biết tôn trọng và chấp nhận các sự khác biệt. Chàng, nàng và khác nữa - chúng ta đều là con của bà mẹ trái đất này, cùng sống hòa hợp trên hành tinh xanh này.

Thế nên, nếu để ý một chút sẽ thấy trên bản khai về nhân thân trong các giấy tờ tùy thân, xuất nhập cảnh, sơ yếu lí lịch đi làm đã bắt đầu xuất hiện cột thứ ba cho “khác nữa/other” này bên cạnh những điều đã biết “male/nam và female/nữ”. Tại các khu vực công cộng, cũng bắt đầu đã có những buồng vệ sinh có biển để “other” bên cạnh “men/woman” để không còn cảnh một con người bị xua đuổi, kỳ thị như thú hoang chỉ vì trên thiên hướng tình dục và bản dạng giới của mình – vốn là những thứ rất riêng tư và không gây ảnh hưởng đến bất kỳ ai. 

Có thể ngày bé, chúng ta chưa/không được dạy về cách tôn trọng sự khác biệt, nên chúng ta cũng là nạn nhân, nạn nhân của một hệ tư tưởng định kiến về giới do chính chúng ta dựng nên và trói buộc nhau, nạn nhân của nỗi sợ sự đa dạng và mình phải là mình. Nhưng lớn lên, chúng ta có thể học về cách tôn trọng sự khác biệt, không hề muộn. Học - để hiểu về sự khác biệt. Hiểu - để biết sự khác biệt đem lại nhiều điều tốt đẹp hơn hẳn những cảm giác khó chịu ban đầu. 

Sự khác biệt có thể bị phản đối, nhưng bị phản đối không hẳn là đã sai. Nên chúng ta phải đủ mạnh mẽ để trở nên khác biệt, để tiếp tục với niềm tin của mình, rằng chính chúng ta đang tạo ra sự đổi mới. Học, hiểu, chấp nhận những sự khác biệt để thay đổi tương lai. Đó là điều chúng ta - chàng, nàng và khác nữa, đều có thể làm!