"Nóng" chuyện tái cơ cấu khi Thủ tướng gặp lãnh đạo DNNN

Cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hôm qua được làm "nóng" bởi chủ đề phân vai quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng như tiến trình tái cơ cấu lực lượng kinh tế đang nắm vai trò "chủ đạo" này.

Cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hôm qua được làm "nóng" bởi chủ đề phân vai quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng như tiến trình tái cơ cấu lực lượng kinh tế đang nắm vai trò "chủ đạo" này.

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị.

"Nóng" từ pháp lý

Sau 2 tháng được ban hành, Nghị định 99/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đang được kỳ vọng sẽ làm thay đổi căn bản việc quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Tuy nhiên, trong một động thái nhằm giúp các doanh nghiệp nhà nước hiểu hơn về văn bản này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi đến các đại biểu một bản báo cáo để giới thiệu lại các nội dung quan trọng nhất trong nghị định, theo đó thay đổi quan trọng nhất trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước được thể hiện trong nghị định này chính là việc thu hẹp quyền của Thủ tướng, trong khi mở rộng quyền của các bộ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ còn thực hiện 4 quyền quan trọng của chủ sở hữu đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quan trọng, bao gồm quyết định thành lập, tổ chức lại; mức vốn điều lệ và thay đổi vốn điều lệ; bổ nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên và phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất và đầu tư 5 năm.

Số lượng doanh nghiệp Thủ tướng trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu cũng đã giảm từ 21 tập đoàn, tổng công ty xuống còn 9 tập đoàn và 1 tổng công ty.

Trong khi đó, các bộ từ nay sẽ có nhiều quyền hơn, đồng thời phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các tổng công ty trực thuộc, đặc biệt trong các vấn đề như bổ nhiệm tổng giám đốc, phê duyệt chủ trương góp vốn để thành lập công ty liên kết, vay, cho vay, mua bán tài sản, quyết định lương của các chức danh quan trọng...

Khung pháp lý đã có, tuy nhiên, để có thể áp dụng vào thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng vẫn còn mất thời gian để hoàn thiện một số quy định khác, từ đó có thể "kích hoạt" nghị định quan trọng này.

Cơ quan này thừa nhận rằng "những cơ chế, chính sách phục vụ cho việc triển khai nghị định này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng nên các tập đoàn, tổng công ty vẫn còn gặp nhiều lúng túng trong triển khai, thực hiện. Chính vì vậy, cơ quan này lưu ý rằng trong thời gian tới, các bộ ngành phải bắt tay giải quyết một loạt vấn đề để có thể hiện thực hóa nghị định quan trọng này vào thực tiễn hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Lãnh đạo doanh nghiệp nói gì?

Trước khi đến dự hội nghị, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã nhận được quyết định phê duyệt kế hoạch tái cấu trúc của PVN. Kế hoạch này được xây dựng hướng tới mục tiêu hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để tập trung các nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, thu gọn đầu mối quản lý, giảm thiểu cạnh tranh nội bộ, cắt giảm chi phí trung gian và nâng cao hiệu quả hoạt động. 

Theo ông Thực, trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt, các công việc cần thiết sẽ được tiến hành ngay trong năm 2013.

Chủ tịch Hội đồng thành viên của Vietnam Airlines, ông Phạm Viết Thanh, cho biết hiện đề án tái cấu trúc của doanh nghiệp này vẫn đang trong quá trình phê duyệt và mong muốn quá trình này được đẩy nhanh. Về vấn đề tái cơ cấu, 2013 là năm cổ phần hóa công ty mẹ và đến nay đã chọn được nhà tư vấn quốc tế để cổ phần hóa.

Theo kế hoạch, trong tương lai Vietnam Airlines sẽ trở thành tập đoàn vận tải hàng không gồm bốn hãng hàng không, 15 công ty con, 12 công ty liên kết được chuyển đổi từ các đơn vị hiện hữu và sáu công ty thành lập mới. Quá trình tái cơ cấu VNA dự kiến kéo dài tám năm (2012-2020) với mục đích xây dựng VNA trở thành một tập đoàn vận tải hàng không mạnh trong khu vực, mang thương hiệu quốc gia.

Đáng chú ý nhất là ý kiến của ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Vinaconex. Ông Phương nói rằng Vinaconex đã đề xuất tái cấu trúc theo hướng thoái vốn trên thị trường chứng khoán, theo đó có thể tính đến phương án "sổ sách 10 nghìn, thị trường 7-8 nghìn thì cũng bán để đảm bảo dòng tiền".

Vinaconex được ghi nhận là một trong những doanh nghiệp nhà nước thoái vốn quyết liệt trong thời gian qua.

Yến Thanh

Đọc thêm